Trưng bày Giải thưởng Hồ Chí Minh – Nhìn lại để bước tiếp

 Tiếng nói của chủ thể

Cuối năm 2019, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam quyết định thực hiện “Trưng bày Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”. Trưng bày nhận được sự bảo trợ của hai đơn vị là Bộ Khoa học và công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Với chủ đề “Khoa học: Sáng tạo và cống hiến”, thông qua những câu chuyện, hiện vật của các nhà khoa học là tác giả 14 công trình được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, trưng bày sẽ kể những câu chuyện về sự sáng tạo và cống hiến của họ trong quá trình làm khoa học.

Những tài liệu hiện vật của các nhà khoa học đang lưu trữ tại Trung tâm là nguồn dữ liệu, thông tin vô cùng quan trọng để phục vụ việc xây dựng nội dung trưng bày. Dù là một bức ảnh kỷ niệm trong chuyến thực địa, những tập bản thảo bài viết, báo cáo, nhật ký, lưu bút… đều góp phần thể hiện tiếng nói của chủ thể. Nghiên cứu những tài liệu này, chúng tôi càng hiểu hơn về quá trình họ làm khoa học, hiểu được vì sao họ thành công.

Với cách tiếp cận là kể chuyện bằng chính “tiếng nói” từ tài liệu hiện vật và ký ức của chủ thể, Trung tâm may mắn đã tiến hành nhiều buổi làm việc, gặp gỡ trực tiếp các tác giả để phỏng vấn, khai thác thông tin và sưu tầm tài liệu hiện vật để bổ sung nội dung trưng bày. Đó là GS.TS Trương Đình Dụ[1], GS Hoàng Tụy[2], GS Trần Bảng[3], KS Đỗ Đình Thuận[4], KS Nguyễn Xuân Bao[5], KS Trần Phú Thành[6]… Nhiều tài liệu hiện vật sưu tầm được chứa đựng những thông tin giá trị đã giúp chúng tôi minh chứng cho những câu chuyện của các nhà khoa học. Chúng tôi gặp phải khó khăn là nhiều tác giả đã mất, như GS.TSKH Thái Văn Trừng[7], GS.TSKH Đỗ Tất Lợi[8], GS.VS Nguyễn Văn Đạo[9]… nên phải tìm hiểu, khai thác thông tin, sưu tầm ở nhiều kênh khác nhau – liên hệ với gia đình nhà khoa học, bạn bè đồng nghiệp, các đơn vị họ từng làm việc…

GS Trần Bảng trong một buổi làm việc

với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 12-2018

Trong chuyến công tác ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2014, Trung tâm có buổi làm việc đầu tiên với ông Thái Kiên Chí – con trai thứ hai của GS Thái Văn Trừng, mở đầu cho quá trình sưu tầm, khai thác thông tin sau này. Không còn cơ hội trực tiếp làm việc với tác giả nhưng cuốn nhật ký ông viết trong thời gian thực tập ở Viện Lâm học Bắc Kinh, Trung Quốc (1957) đã giúp chúng tôi hiểu được ông ấp ủ ước mơ về phân loại thực vật ở Việt Nam đã từ lâu. Trong cuốn nhật ký có đoạn: Tôi mơ ước xây dựng một bộ sách phân loại thực vật học của Việt Nam. Đó là ngành mà tôi rất có khiếu, đã từng nghiên cứu và chắc 10, 15 năm nữa mới hoàn thành được[10].

Ông Thái Kiên Chí cẩn thận chú thích mặt sau mỗi bức ảnh của bố trước khi tặng Trung tâm, ngày 17-5-2014

Tiếp tục nghiên cứu khối tài liệu hiện vật của GS Thái Văn Trừng tại Trung tâm, chúng tôi vô cùng vui mừng khi thấy một bức ảnh in Bản đồ các vùng ở miền Nam bị Mỹ rải chất độc hóa học và các mô hình phục hồi hệ sinh thái rừng nhiệt đới theo quan điểm của ông. Mô hình trồng cây keo lá tràm để cải tạo đất, rồi trồng xen các cây gỗ quý và cây bụi, tre nứa… làm phong phú hệ sinh thái rừng, đã góp phần phục hồi hàng ngàn ha rừng “chết” do chất độc màu da cam ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Đồng Xoài (Bình Phước) và một phần của rừng ở Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai)… Thông qua việc nghiên cứu, khai thác tài liệu hiện vật như thế, chúng tôi đã chọn lựa được nhiều câu chuyện, tài liệu hay, giá trị cho trưng bày.

Bản đồ các vùng ở miền Nam bị rải chất độc hóa học của Mỹ và các mô hình phục hồi hệ sinh thái rừng nhiệt đới

do GS Thái Văn Trừng xây dựng, 1960-1971

Không dừng lại ở đó, sau khi chia sẻ những câu chuyện và trao tặng tài liệu hiện vật, các nhà khoa học và gia đình, đồng nghiệp, học trò của họ còn tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong quá trình hoàn thiện Trưng bày. Họ vui vẻ nhận lời góp ý cho từng câu trích, từng dòng chú thích ảnh, vị trí đặt tài liệu… với hy vọng mang tới cho khách thăm trưng bày những thông tin khoa học chính xác mà dễ hiểu nhất.

Những mảng màu trong một bức tranh khoa học

Tại trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”, 14 công trình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, được giới thiệu theo từng pano, có thông tin, tài liệu hiện vật và câu chuyện của riêng mình. Tuy vậy, bên cạnh sự riêng rẽ, giữa các công trình đều có mối liên kết “vô hình” không khó để nhận ra. Như lời phát biểu của GS Trương Đình Dụ ngày 29-8-2020 trong buổi lễ khai trương Trưng bày: Mười bốn giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ, trưng bày đợt này, gồm nhiều lĩnh vực, ra đời trong các hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều mang tính chất chung là khi đất nước gặp khó khăn thì nhà khoa học có lời giải[11]. Đúng vậy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả trưng bày chính là sự sáng tạo và cống hiến của các nhà khoa học trong mọi hoàn cảnh. Dù phải trải qua khó khăn, gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay sự thiếu thốn về mọi mặt trong thời bao cấp thì họ vẫn không ngừng làm việc, không ngừng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của đất nước, của nhân dân.

Ngay khi về nước, năm 1949, GS Đặng Văn Ngữ[12] cùng hai cộng sự bắt tay ngay vào công việc nghiên cứu, điều chế kháng sinh Penicillin. Tháng 5-1950, gần sáu vạn đơn vị Penicillin kết tinh (bột) ra đời. Đây được coi thành tựu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong thời kỳ kháng chiến gian khổ. Qua nghiên cứu, GS Ngữ và các cộng sự thấy rằng nếu dùng để chữa trị tại chỗ các vết thương phẫu thuật nhiễm trùng thì nước lọc Penicillin có tác dụng và hiệu lực hơn cả Penicillin kết tinh. Vì vậy, ông tập trung tìm ra giải pháp điều chế nước lọc Penicillin từ nguyên liệu dễ tìm. Ngay khi ông nảy ra ý tưởng dùng nước thân cây ngô làm môi trường nuôi cấy Penicillin để sản xuất nước lọc Penicillin thay thế bột tinh thì ông cùng các cộng sự đã bắt tay vào thực hiện ngay và thành công. Từ đó, các lớp học hướng dẫn sản xuất nước lọc Penicillin được mở ra. Nước lọc Penicillin được đưa ra phục vụ trực tiếp, kịp thời cho thương bệnh binh, nhân dân một cách rộng rãi, hiệu quả.

Cụm công trình “Ngăn sông đập trụ đỡ và đập sà lan” của GS Trương Đình Dụ cùng bảy cộng sự ở Viện Khoa học thủy lợi[13] là sự sáng tạo, mở ra một hướng mới trong lĩnh vực xây dựng đập ở Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội to lớn. Đập Thảo Long (Huế) ứng dụng công nghệ đập trụ đỡ đi vào hoạt động năm 2006, được đánh giá là công trình ngăn mặn lớn nhất Đông Nam Á.

GS.TS Trương Đình Dụ (đứng) giới thiệu mô hình đập Thảo Long, 1999

Đó là một trong những công trình mang tính ứng dụng thực tiễn cao. Còn trong nghiên cứu lý thuyết, công trình của các tác giả: GS Đào Văn Tiến[14] (Sinh học), GS.VS Nguyễn Đình Tứ[15] (Vật lý), GS.VS Nguyễn Văn Đạo, GS Hoàng Tụy (Toán học) cũng có những sáng tạo, cống hiến riêng biệt. Với “Tập hợp các công trình điều tra cơ bản động vật học ở Việt Nam (1957-1980)”, GS Tiến đã góp phần tìm hiểu nguồn tài nguyên động vật hoang dã, sinh thái, sinh học, tập tính các loài động vật. Lần đầu tiên ông nêu ra các từ khoá tra cứu phân loại các nhóm động vật (ếch nhái, thằn lằn, rắn, rùa, cá sấu và chuột) để sử dụng ở Việt Nam. Với tình yêu toán học, GS Hoàng Tụy đã trở thành người khai sinh lĩnh vực tối ưu hóa toàn cục của Toán học, ông đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp mới mang tên mình để tìm điểm tối ưu toàn cục, lần đầu tiên được áp dụng để giải các bài toán quy hoạch lõm, có thể ứng dụng vào quy hoạch vùng kinh tế, định vị xây dựng các trung tâm thương mại, thiết kế, nhận dạng trong sinh vật…

Ở một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt là nghệ thuật sân khấu, cuốn sách “Trần Bảng – Đạo diễn Chèo” là một công trình khoa học mang đặc thù riêng. Trong cuốn sách, GS Trần Bảng đã hệ thống một cách khá hoàn chỉnh lý luận về nghệ thuật chèo, các mô hình nhân vật, các nguyên tắc tự sự, ước lệ, điều độ sân khấu chèo, các lối diễn… Bởi vậy, cuốn sách trở thành cẩm nang cho nhiều thế hệ nghệ sĩ chèo.

Nhìn lại để bước tiếp

Mười bốn công trình khoa học được giới thiệu trong trưng bày Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam dịp này là những mảng màu sắc riêng của bức tranh tổng thể về nền khoa học Việt Nam. Qua các công trình, chúng ta có thể hiểu hơn về những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Sau gần một năm cả Trung tâm Di sản tập trung cho các công việc chuẩn bị nội dung và thiết kế để khai trương Trưng bày, đối với chúng tôi, đó là thời gian vô cùng ý nghĩa. Càng tìm hiểu chúng tôi càng khâm phục, trân trọng và tự hào về các nhà khoa học Việt Nam. Dù sống và làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn mà họ không hề chùn bước, vẫn đam mê nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm khoa học góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Nhìn lại để bước tiếp, trong thời gian tới Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp tục bổ sung thêm các công trình mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn bức tranh đa sắc màu của nền khoa học nước nhà.

Lê Lợi

 


[1] GS.TS Trương Đình Dụ nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

[2] GS Hoàng Tụy nguyên Viện trưởng Viện Toán học.

[3] GS Trần Bảng nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật sân khấu.

[4] KS Đỗ Đình Thuận nguyên Vụ phó Vụ kế hoạch, Bộ Nông nghiệp.

[5] KS Nguyễn Xuân Bao nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn địa chất 6.

[6] KS Trần Phú Thành từng công tác tại phòng Kỹ thuật, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc.

[7] GS.TSKH Thái Văn Trừng nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

[8] GS.TSKH Đỗ Tất Lợi nguyên Viện trưởng Viện Khảo cứu và Chế tạo dược phẩm, Cục Quân y.

[9] GS.VS Nguyễn Văn Đạo nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

[10] GS.TSKH Thái Văn Trừng, Nhật ký học tập ở Trung Quốc từ 14-9-1957 đến 1-5-1958 (viết tay), lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[11] GS.TS Trương Đình Dụ, Bài phát biểu tại buổi lễ khai trường Trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh về các nhà khoa học Việt Nam, 29-8-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[12] GS Đặng Văn Ngữ nguyên Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam.

[13] Tên gọi của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam trong giai đoạn 1998-2007.

[14] GS Đào Văn Tiến nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

[15] GS.VS Nguyễn Đình Tứ nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân.