Bước ngoặt đầu đời
Năm 1960, Nguyễn Văn Nguyên tốt nghiệp phổ thông ở trường cấp 3 Hùng Vương, Phú Thọ. Trong khi anh trai và bạn học đều đi học trung cấp thì cậu quyết tâm thi đại học. Quyết định của cậu được cả gia đình ủng hộ, động viên và tạo mọi điều kiện để cậu có thể ôn tập tốt nhất. Dù kết quả học tập thời phổ thông tương đối tốt nhưng để chắc chắn được đi học đại học, Nguyễn Văn Nguyên đăng ký nguyện vọng thi vào ba trường, theo thứ tự ưu tiên: Đại học Y Dược khoa, Đại học Bách khoa và Học viện Nông Lâm. GS Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ: Cứ tưởng rằng tôi sẽ phải qua kỳ thi khó lường đối với một học sinh con nông dân tỉnh nhỏ. Sắp đến ngày về Hà Nội thi thì một tin vui quá bất ngờ – tôi nhận được một tờ thông báo được miễn thi đại học và được chọn đi học nước ngoài do GS Hồ Đắc Di, Giám đốc Vụ Đại học và trung học chuyên nghiệp ký. Cả nhà vui, cả họ vui[1]!
Ngay sau đó, Nguyễn Văn Nguyên được bố mẹ thưởng cho một chuyến về quê mẹ ở Hải Phòng chơi. Sau những ngày vui, cậu tập trung về trường Bổ túc ngoại ngữ ở Gia Thượng, Gia Quất, Gia Lâm, Hà Nội để làm thủ tục khám tuyển sức khỏe. Một điều bất ngờ nữa lại đến – cậu không đủ sức khỏe đi học nước ngoài, do chỉ số thể lực Pignet chỉ bằng 41. Nhưng vẫn may mắn, tất cả số học sinh bị loại không được đi nước ngoài vì sức khỏe, sẽ không phải thi mà được lựa chọn vào ba trường đại học là Y dược, Tổng hợp và Bách khoa. Nguyễn Văn Nguyên chọn Đại học Y Dược khoa, như ý nguyện ban đầu, đó là cơ duyên để ông trở thành bác sĩ và gắn bó trọn đời với nghề.
Sinh viên Nguyễn Văn Nguyên (đứng ngoài cùng bên phải) cùng gia đình, 1963
Lớp sinh viên y khoa khóa 1960-1965 có nhiều điểm đặc biệt. Toàn khóa có 340 sinh viên, ngoài số mới tốt nghiệp phổ thông, còn có nhiều y tá từ trình độ cấp 2 được bổ túc 3 môn toán, lý, hóa để có trình độ cấp ba. Lúc đầu, nhà trường có mục tiêu đào tạo đội ngũ bác sỹ cung cấp đến tuyến huyện nhằm chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhưng sau phải chuyển hướng mục tiêu phục vụ sự nghiệp giải phóng miền
Kí túc xá của trường là dãy nhà cấp 4 ở bãi Phúc Xá ngoài đê sông Hồng, mỗi gian khoảng 20m2, 8 sinh viên ở trên 4 giường tầng, Nguyễn Văn Nguyên ở tầng 2. Phòng không có quạt trần, điện thì yếu, vài cái xương giải phẫu người để làm học cụ cũng phải để trên giường mỗi người. Điều kiện sinh hoạt như thế nên buổi tối đến, mỗi sinh viên mang một manh chiếu ra các vườn hoa: Chí Linh, Bách Thảo, sảnh Ngân hàng nhà nước, Nhà hát lớn, các cột điện công cộng để học bài. Mãi đến năm thứ 4 nhà trường xây xong ký túc xá Khương Thượng, từ đó sinh viên được ở đàng hoàng, duy còn khu nhà vệ sinh phải ra cánh đồng. Hiệu bộ cũng chuyển từ phố Lê Thánh Tông về đây và trở thành trụ sở Đại học Y Hà Nội hôm nay. Điều kiện ăn ở lúc này tốt hơn, nhưng hàng ngày sinh viên phải đi bộ đến thực tập ở các bệnh viện rất xa như Viện Chống lao (nay là Bệnh viện Phổi Trung ương trên phố Hoàng Hoa Thám), Bệnh viện Việt – Đức, Bệnh viện C và các bệnh viện khác ở Hà Nội. Điều kiện học tập và ăn ở nói chung còn thiếu thốn, nhưng với một sinh viên nghèo vùng nông thôn như Nguyễn Văn Nguyên thì có học bổng đủ tiền ăn theo chế độ ký túc xá là một điều vô cùng may mắn.
Hết năm thứ 5, Nguyễn Văn Nguyên được phân học chuyên khoa Sinh lý bệnh. Ông cùng ba sinh viên khác là Đỗ Trung Phấn, Vi Văn Đô và Văn Học Tấn cùng về học tập tại bộ môn Sinh lý bệnh (do BS Vũ Triệu An phụ trách), là nhằm tạo nguồn cán bộ giảng dạy của trường. Một số sinh viên (như Trần Đình Ngạn, Nguyễn Kim Nữ Hiếu…), đặc biệt là sinh viên miền
Bằng tốt nghiệp bác sĩ y khoa của BS Nguyễn Văn Nguyên, 1965
Khóa sinh viên ra trường cuối năm 1965 được giữ lại trường gồm Đỗ Trung Phấn, Nguyễn Văn Nguyên, Văn Học Tấn, Vi Văn Đô – đó là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời họ.
Những ngày đầu làm thầy
Bộ môn Sinh lý bệnh thời năm 1965 chỉ có BS Vũ Triệu An và các kỹ thuật viên, bởi bác sĩ Nguyễn Ngọc Lanh đã đi tu nghiệp ở Liên Xô từ năm 1964, bác sĩ Phan Thị Phi Phi thì xung phong đi B, nay được bổ sung bốn tân bác sĩ, trong đó có Nguyễn Văn Nguyên. Do vậy, họ là lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức di chuyển, xây dựng bộ môn ở khu sơ tán – xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên).
Tại nơi sơ tán, thời gian đầu bộ môn ở nhờ nhà dân. Sau đó, Bộ môn vừa phải thực hiện chương trình giảng dạy vừa tổ chức xây dựng lán trại. Ngoài ra, anh em còn trồng sắn, trồng rau để cải thiện đời sống. Mặc dù mới là trợ giảng nhưng ngoài hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm, Nguyễn Văn Nguyên và các giảng viên trẻ còn phải giảng cả một số bài lí thuyết vì thiếu giảng viên.
Sau một năm phấn đấu, nỗ lực làm việc, ngày 12-10-1966, BS Nguyễn Văn Nguyên được kết nạp Đảng. Và sau đó được giao giữ chức Bí thư Liên chi đoàn Thanh niên lao động Việt Nam của ba khối sinh viên Y1, Y2 và Y3, kiêm phụ trách y tế khối cán bộ và sinh viên năm thứ 3. Thời gian sơ tán đó, BS Nguyễn Văn Nguyên có một kỷ niệm mà ông nhớ mãi. Một hôm, vào lúc nửa đêm có người dân tộc Tày đến mời ông đi đỡ đẻ gấp. Ông và y tá tên Nga cùng người nhà sản phụ lội qua con suối đang mùa nước lũ và vượt 3km dưới mưa vào bản. Đến nơi thì cổ tử cung của sản phụ đã mở 8cm nhưng chờ mãi đến 12h đêm vẫn chưa sinh được. Dù theo chuyên ngành Sinh lý bệnh, nhưng được đào tạo đa khoa bài bản, nên BS Nguyễn Văn Nguyên nắm được các kỹ thuật cơ bản về sản khoa để xử lý tình huống. Tim thai có dấu hiệu yếu đi, nhưng rất may mắn BS Nguyên phát hiện thấy thai nhi bị nhau thai quấn cổ. Ông lập tức dùng 2 pince kẹp 2 đầu rồi dùng kéo cắt vòng nhau, thai nhi không bị treo và một bé trai hơn 3kg đã chào đời trong tình trạng bị ngạt tím. Bên bếp lửa ấm của nhà sàn, áp dụng thủ thuật các thầy đã truyền dạy, cô y tá vỗ mông thai nhi hồi lâu bé đã cất tiếng khóc – mẹ tròn con vuông. Cả gia đình người Tày vỡ òa niềm vui hạnh phúc. Gần sáng, BS Nguyễn Văn Nguyên trở về để kịp giờ lên lớp. Khi ông đang giảng bài thì bố đứa trẻ mang xôi, gà đến cảm ơn và xin phép được đặt tên đứa bé là Nguyên để suốt đời nhớ ơn thầy. Kể lại chuyện xưa, GS Nguyễn Văn Nguyên đặc biệt ấn tượng về tính chất phác, sự thật thà của dân bản, và mong có một ngày trở về thăm đứa trẻ mang tên mình.
Dù là ở nơi sơ tán hay khi trở về Hà Nội, BS Nguyễn Văn Nguyên vẫn luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ của bộ môn giao, trong đó công tác nghiên cứu khoa học được ông xác định một việc rất quan trọng. Nhưng rồi, cuộc đời ông lại tiếp tục có một ngả rẽ mới – đó là vào năm 1972, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, ông được điều động vào quân đội. Nhận quyết định nhập ngũ, Nguyễn Văn Nguyên tự nhủ: Sự nghiệp khoa học, mình sẽ chấm dứt từ đây, chiến tranh mà![3].
Gắn bó với quân y
Bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên được phân làm Tiểu đội phó thuộc Trung đoàn 60, Sư đoàn 304B đóng tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, quản lý 12 chiến sĩ là bác sĩ của trường Đại học Y và cán bộ, giảng viên trường Đại học Công nghiệp nhẹ. Tiểu đội trưởng là người dân tộc thiểu số, mới 18 tuổi, nhưng ông vẫn chấp hành mọi mệnh lệnh từ cấp trên. Ông kể: Thời gian vào quân ngũ rất gian khổ, chúng tôi phải tập luyện bằng cách đeo gạo, gùi đạn, đeo gạch hành quân 20-30 cây số mỗi đêm để rèn luyện sức khỏe trước khi đi chiến trường, những ngày đầu không quen về trợt cả da chân[4]. Từ một giảng viên đại học, BS Nguyễn Văn Nguyên chưa quen với kỷ luật quân đội nên có lần sau sinh hoạt 9 giờ không đi ngủ mà thầy trò dắt nhau vào nhà dân mua gà mổ ăn đêm, gặp đúng hôm có tình huống báo động, chạy về không kịp liền bị cảnh cáo. Những ngày đầu vào quân ngũ đã rèn luyện cho BS Nguyễn Văn Nguyên nhiều nền nếp tốt và trở thành thói quen suốt đời là luôn đúng giờ, đúng hẹn, tác phong sinh hoạt thì gọn gàng, ngăn nắp, chỉn chu…
Kết thúc 3 tháng huấn luyện, binh nhì Nguyễn Văn Nguyên được giữ lại Ban Quân y Sư đoàn 304B làm trợ lý điều trị. Ông phụ trách một đội cán bộ đi khám sàng lọc phục vụ công tác tuyển quân ở khắp các tỉnh ở phía Bắc.
Đầu năm 1974, Phó hiệu trưởng trường Đại học Quân y (sau là Học viện Quân y), BS Đặng Đình Huấn và phu nhân có chuyến thăm đơn vị quân y Sư đoàn 304B. GS Nguyễn Văn Nguyên nhớ lại: Sau lần thăm đó, BS Đặng Đình Huấn biết tôi là Đảng viên của trường Đại học Y khoa, nên đã trực tiếp đến làm việc với Ban chỉ huy Sư đoàn 304 để xin tôi về Đại học Quân y công tác, và vào giữa năm 1974 Cục Cán bộ Bộ Quốc phòng điều tôi về Đại học Quân y làm giáo viên bộ môn Sinh lý bệnh[5]. Với ông, đó là một bước ngoặt lớn, giúp ông được tiếp tục sự nghiệp giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học y học và đó là sự nghiệp ông đã theo đuổi, cống hiến vì nghề suốt cả cuộc đời.
Cuộc đời BS Nguyễn Văn Nguyên tiếp tục với những nấc thang, những dấu ấn trong khoa học, trong hành trình làm nghề đáng ghi nhớ và trân trọng. Đó là sự kiện ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại CHDC Đức vào năm 1980, là việc ông trở thành Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý bệnh, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện Quân y… Và những ngả rẽ mang tính bước ngoặt đã để lại ấn tượng sâu đậm, khó phai trong ông.
Lê Thị Hằng
_______________________
* GS.TS Nguyễn Văn Nguyên, chuyên ngành Y học, nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y.
[1] GS.TS Nguyễn Văn Nguyên, "Lịch sử gia đình" (bản file), lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] 100 năm Đại học Y Hà Nội – năm tháng và sự kiện, Trường Đại học Y Hà Nội, 2002, tr.250.
[3] GS.TS Nguyễn Văn Nguyên, "Lịch sử gia đình", đã dẫn.
[4] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Văn Nguyên, 18-5-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[5] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Văn Nguyên, 18-5-2021, đã dẫn.