GS.TS Nguyễn Đình Hường với công cuộc bài lao và các bệnh phổi

Con đường đến với công cuộc bài lao ở Việt Nam

Noi gương người chú ruột là BS Nguyễn Đình Hào (giảng viên trường Đại học Y Dược khoa từ trước năm 1945), năm 1949, Nguyễn Đình Hường đăng ký vào học trường Đại học Y Dược khoa (ở Tuyên Quang). Chủ trương vừa học tập vừa phục vụ chiến trường là điểm đặc biệt trong đào tạo y khoa ở nước ta trong kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, ngay từ năm thứ hai, sinh viên Nguyễn Đình Hường cùng nhiều sinh viên khác nhập ngũ và tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời gian đi chiến trường, cũng như công tác tại các cơ sở điều trị của quân y, Nguyễn Đình Hường trực tiếp cứu chữa thương bệnh binh, thực hiện các ca phẫu thuật, từ đơn giản đến các ca phức tạp, phẫu thuật bụng, ngực… Nhưng đến đầu năm 1953, ông được Cục Quân y cử về công tác tại Phân viện 7 ở Cao Bằng. Phân viện 7 thành lập từ cuối năm 1952, là bệnh viện chuyên khoa lao đầu tiên của Quân Y, tiền thân của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương Phúc Yên (nay là Bệnh viện 74 Trung ương). Nhớ lại thời điểm nhận nhiệm vụ mới, GS Nguyễn Đình Hường thổ lộ: Bấy giờ tôi chưa có kiến thức gì về bệnh lao phổi, thời gian đi chiến trường, chúng tôi chỉ chép được một số sách về bệnh học nội ngoại khoa nên không có tài liệu tham khảo[1]. Biết những băn khoăn về kiến thức điều trị bệnh lao phổi của ông, Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn đã cử ông sang Bệnh viện Lao ở Quảng Tây, Trung Quốc học tập 3 tháng. Có thể nói ông là người đầu tiên ở nước ta thời bấy giờ được đi nước ngoài học chuyên ngành này. Ba tháng thật ngắn ngủi với một chuyên ngành hoàn toàn mới. Vì vậy, ông tập trung toàn tâm, toàn ý trong thời gian này để học được nhiều nhất. Lại thêm rào cản ngôn ngữ, ông được bố trí học thực hành là chính, với sự hỗ trợ của phiên dịch người Trung Quốc. Dù phiên dịch không thật thông thạo tiếng Việt, nhưng quá trình trao đổi cũng giúp ông trang bị được những kiến thức ban đầu về chuyên ngành này.

Với lượng kiến thức cơ bản sau khóa học ngắn ở Trung Quốc, Nguyễn Đình Hường về nước tiếp tục vừa học vừa làm, tích lũy chuyên môn từ thực tế khám chữa bệnh và học hỏi từ đồng nghiệp. Hàng ngày phải tiếp xúc, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân lao là một trong “tứ chứng nan y” lúc bấy giờ, nhớ lại thời gian đầu dấn thân vào ngành chống lao, GS Nguyễn Đình Hường chia sẻ: sức mạnh của tuổi trẻ, kỷ luật quân đội và tình yêu nghề đã giúp tôi vượt qua mọi rào cản, khó khăn[2].

Cuối năm 1955, một cuộc gặp gỡ lịch sử, mang tính dấu ấn trong cuộc đời ông, đó là lần gặp gỡ BS Phạm Ngọc Thạch. Khi ấy, Phân viện 7 đã chuyển về Đông Anh (bấy giờ thuộc tỉnh Phúc Yên, để chuẩn bị chuyển bệnh viện từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Y tế quản lý), BS Phạm Ngọc Thạch đến thăm bệnh viện. Khi đó, BS Nguyễn Đình Hường đang thực hiện kỹ thuật ép phổi cho bệnh nhân. Chứng kiến BS Hường thực hiện chữa trị cho vài trường hợp, BS Thạch đề nghị được trực tiếp ép phổi cho bệnh nhân. Dù đã hơn chục năm không thực hiện những thao tác điều trị nhưng BS Thạch vẫn có thể làm một cách nhẹ nhàng, khéo léo. Đặc biệt ấn tượng và nhớ mãi nụ cười của BS Phạm Ngọc Thạch trong dịp đó, BS Nguyễn Đình Hường đã chia sẻ trong bài hồi tưởng: Tôi nhớ mãi nụ cười của anh, tươi tắn, cởi mở, không phải của một cán bộ cấp trên về thị sát cơ sở mà là của một người anh, một đồng nghiệp, một người thầy thuốc chuyên khoa tài giỏi. Tôi thấy quý mến anh ngay lập tức. Tôi quyết tâm tiếp tục theo đuổi chuyên khoa lao và gắn bó với anh trong cả hơn một thập kỷ sau đó, có lẽ cũng do xuất phát từ nụ cười buổi ban đầu đó, nụ cười lôi cuốn và gây niềm tin cậy cho người đối thoại[3]. Cũng trong lần đầu gặp ấy, BS Phạm Ngọc Thạch còn nói: Không thể giải quyết bệnh lao bằng việc lập các bệnh viện như thế này[4]. Câu nói ấy cứ ám ảnh BS Nguyễn Đình Hường theo ông mãi nhiều năm sau này.

Khi Bộ Y tế chính thức tiếp nhận Phân viện 7 để thành lập nên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương Phúc Yên (1956), thì BS Nguyễn Đình Hường chỉ công tác ở đó thời gian rất ngắn, ông trở về Hà Nội làm luận án tốt nghiệp đại học. Sau khi bảo vệ, nhà trường căn cứ năm vào trường học để cấp giấy chứng nhận. Do vậy, ông được công nhận tốt nghiệp từ năm 1955. Sau đó, ông được BS Phạm Ngọc Thạch điều động về Bệnh viện A[5]) ở Hà Nội công tác. Bấy giờ, bệnh viện không còn mang chức năng một bệnh viện đa khoa mà chuyển sang làm nhiệm vụ của bệnh viện chuyên khoa lao. Năm 1957, BS Nguyễn Đình Hường được giao viết đề cương kế hoạch chuyển Bệnh viện A thành Viện Chống lao. Và theo gợi ý của BS Phạm Ngọc Thạch, kế hoạch xây dựng Viện chống lao cần dựa trên cơ sở của Bệnh viện A trước đó, không chỉ đơn thuần là một viện nghiên cứu y học, mà phải thực hiện hai nhiệm vụ chính là xây dựng mạng lưới và kiến tạo đường lối chống lao đúng đắn. Viện Chống lao được thành lập theo Nghị định 273/TTg ngày 24 tháng 6 năm 1957 của Thủ tướng Chính Phủ và Thông tư số 26/BYT-TT ngày 1-7-1957 của Bộ Y tế. Sự ra đời của Viện Chống Lao đánh dấu một bước ngoặt của ngành Y tế trong tổ chức hoạt động chống lao ở Việt Nam.

Ngay khi thành lập Viện, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng mạng lưới và những giải pháp phòng, chống bệnh lao, Phòng Đích-păng-xe (từ tiếng Pháp Dispensaire) được thành lập, là đơn vị quản lý bệnh xã hội, như lao, phong, hoa liễu…, do BS Nguyễn Đình Hường phụ trách. Phòng gồm hai bộ phận: tĩnh tại và lưu động. Bộ phận Tĩnh tại gồm Phòng khám và Quản lý ngoại trú, có nhiệm vụ theo dõi lâu dài bệnh nhân sau khi ra viện, khám bệnh lại theo định kỳ, đánh giá kết quả nhiều năm sau khi ra viện… Bộ phận Lưu động, có nhiệm vụ đi địa phương, tổ chức công tác tiêm phòng, điều tra về tình hình mắc bệnh lao và xây dựng mạng lưới chống lao – công việc tương tự như của Chương trình chống lao sau này. Qua đó có thể thấy, hoạt động phòng, chống lao ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành từ năm 1957, đồng thời với việc thành lập Viện Chống lao.

Tiên phong nghiên cứu vấn đề mới về lao và bệnh phổi

Nghiên cứu đầu tiên của BS Nguyễn Đình Hường là về dịch tễ bệnh lao, gắn liền với hoạt động của Bộ phận Lưu động, thuộc Phòng Đích-păng-xe. Ông cho biết: Tôi nghiên cứu vấn đề này bởi để chống lao, phải biết tình hình bệnh lao. Cho đến thời điểm đó vẫn rất ít số liệu, vì vậy một trong những nhiệm vụ chúng tôi rất quan tâm là điều tra tình hình bệnh lao như thế nào[6]. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là người đề xuất và chỉ đạo BS Nguyễn Đình Hường và cán bộ Phòng Đích-păng-xe thực hiện nghiên cứu này.

Địa bàn điều tra của nhóm là các tỉnh từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc, như Hà Nội, Nam Định, Nhà máy thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng, Lào Cai, mỏ than Quảng Ninh… Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của BS Nguyễn Đình Hường, tùy từng chuyến đi, địa bàn lớn hay nhỏ, mỗi đoàn gồm từ 8 đến 12 người, chia thành các tổ: vi trùng, X-quang, lâm sàng. Từng nhóm thực hiện nhiệm vụ theo chuyên môn, như tổ chụp X-quang; tổ lâm sàng chịu trách nhiệm khám, điều tra số lượng người bị ho, nghi ngờ mắc bệnh sẽ cho làm xét nghiệm; tổ vi trùng phụ trách tìm vi trùng bằng phương pháp nhuộm rồi soi bằng kính hiển vi. Trên cơ sở đó, nhóm tổng hợp số người mắc bệnh lao, được phân theo giới tính, độ tuổi, địa bàn cư trú, nghề nghiệp… Trên cơ sở phân tích các số liệu đó, BS Nguyễn Đình Hường cùng đồng nghiệp đã công bố một số bài nghiên cứu như "Tình hình dịch tễ bệnh lao tại tỉnh Thái Bình qua hai đợt phát hiện bệnh 1959-1965", đăng Nội san bệnh lao và phổi, số 19, 1966; "Một số số liệu về tình hình dịch tễ lao năm 1965 qua các đợt phát hiện huỳnh quang", Nội san bệnh lao, số 20, 1966… Về nghiên cứu trên, GS Nguyễn Đình Hường chia sẻ: Tôi đi vào lĩnh vực chưa ai làm, lại rất nghiêm chỉnh, đàng hoàng nên được giới chuyên môn rất hoan nghênh[7].

Kết quả các chuyến điều tra dịch tễ bệnh lao giúp Bộ Y tế nắm tình hình bệnh, thiết lập mạng lưới chống lao ở các địa phương. Theo GS.TS Hoàng Văn Minh[8]: "Qua hơn 10 năm phấn đấu (1957-1968), chuyên ngành lao trở thành chuyên ngành đầu tiên và gần như duy nhất có mạng lưới từ trung ương xuống đến xã, phường, thôn bản, yếu tố quyết định cho mọi thành tựu sau này của sự nghiệp bài lao. Đường lối chống lao cũng được xác lập, công tác phòng, chống lao được phổ cập rộng rãi, độc đáo với các phác đồ điều trị phù hợp hoàn cảnh của đất nước"[9].

Các chuyến đi điều tra dịch tễ bệnh lao đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, mang tính tiên phong của BS Nguyễn Đình Hường, tiêu biểu  là về bệnh viêm phế quản mãn tính. Bác sĩ Nguyễn Đình Hường thấy rằng, ngoài lao thì viêm phế quản mãn tính là vấn đề lớn, số lượng người bị bệnh này rất cao. Bên cạnh đó, ông rất quan tâm đến các bài viết đề cập về vấn đề này trong tài liệu của Anh, Pháp, đó là cơ sở lý thuyết để năm 1963, ông bắt đầu đi sâu nghiên cứu về nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị bệnh viêm phế quản. Trên thực tế, bệnh này gây ra các hậu quả nặng nề, là một trong những nguyên nhân làm giảm số ngày công và hiệu suất lao động, nhưng trước đó hầu như ít được quan tâm. Kết quả nghiên cứu này của ông thể hiện qua các bài nghiên cứu: "Hội chứng viêm phế quản mạn tính do bụi và không khí bẩn", Tạp chí Y học thực hành, số 6, 1965; "Viêm phế quản mạn tính ở Việt Nam", đồng tác giả cùng BS Phạm Ngọc Thạch, Tạp chí Y học thực hành, số 1, 1966…

Là người tiên phong nghiên cứu về chức năng sinh lý phổi và xây dựng khoa Thăm do chức năng sinh lý phổi đầu tiên tại Viện Lao phổi Trung ương vào năm 1963, GS Nguyễn Đình Hường chia sẻ: Tôi đánh giá người bình thường thở như thế nào là tốt, như thế nào là chưa tốt, thế nào là trung bình và không thể lấy số liệu của châu Âu mà phải tìm ra số liệu của người Việt Nam. Phải tìm ra một người bình thường họ thở bao nhiêu lít khí, lúc nào bị ốm, lúc nào thì khỏe, các số liệu ấy làm căn cứ, số liệu chuẩn để so sánh khi khám cho bệnh nhân[10]. Ông cũng là Trưởng khoa đầu tiên của khoa này. Khoa là nơi nghiên cứu và xây dựng công thức tính hằng số sinh lí hô hấp cho người Việt Nam, công bố những số liệu về tình hình mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, hiện nay được định danh là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Cùng thời kỳ, khoa đã nghiên cứu về Phương pháp thở bụng, đặt nền móng cho việc phục hồi chức năng trong các bệnh hô hấp thường gặp, sau này được phát triển và áp dụng rộng rãi trên cả nước.

Trong quá trình điều trị những bệnh liên quan đến phổi, BS Nguyễn Đình Hường nhận thấy bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là một trong những bệnh gây tử vong cao nhất ở trẻ em Việt Nam. Vấn đề này được ông quan tâm từ cuối những năm 1970, với quyết tâm nghiên cứu, tìm ra những biện pháp để chữa bệnh một cách kịp thời, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em. Ông từng là đồng tác giả các bài viết: "Tình hình tử vong ở trẻ em theo dõi từ lúc đẻ đến 5 tuổi", Tạp chí Bệnh Lao và Phổi, số 2, 1977; "Tình hình bệnh phổi phế quản trẻ em tại một bệnh viện huyện", "Tổ chức quản lý theo dõi và tình hình nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em ở xã”, Tạp chí Bệnh Lao và Phổi (Chuyên đề: nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính), 1985. Để vấn đề nghiên cứu trên được nhận thức đầy đủ, sâu rộng trong toàn cộng đồng, BS Nguyễn Đình Hường đã viết bản đề nghị thành lập Chương trình Phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em gửi Bộ Y tế, trong đó nêu thực trạng nhiều trẻ em mắc căn bệnh này, với số liệu thống kê đầy đủ. Năm 1984, Bộ Y tế phê chuẩn Chương trình Phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em và cử BS Nguyễn Đình Hường làm Chủ nhiệm, TS Trần Quỵ[11] làm Phó chủ nhiệm. Nhiệm vụ của chương trình là giúp cho các bác sĩ nhi khoa hiểu thêm về bệnh phổi ở trẻ em, tìm ra những triệu chứng sớm nhất của bệnh đối với trẻ em và cách chữa như thế nào là hiệu quả nhất. Đối với các đơn vị trong hệ thống y tế, địa phương có đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực thì Chương trình có nhiệm vụ sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, ông cùng TS Trần Quỵ và cộng sự đắc lực BS Nguyễn Tiến Dũng[12] thường xuyên đi khám bệnh, điều tra tình hình bệnh tật, mở lớp giảng về căn bệnh này cho các bác sĩ nhi khoa ở khắp cả nước. Tại nhiều hội nghị Nhi khoa, vấn đề bệnh phổi trẻ em được đưa ra bàn thảo về tiêu chuẩn chẩn đoán, biện pháp phòng và chữa bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Chương trình này đã giúp y tế các địa phương phát hiện bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, vấn đề mà trước đây chưa phát hiện được, đặc biệt là góp phần giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ mắc các bệnh đường thở trên cả nước. Kết quả, trẻ em dưới 5 tuổi trên cả nước đã được theo dõi và điều trị theo dự án này

Năm 1986, chương trình chống lao cấp 2 do BS Nguyễn Đình Hường xây dựng đã được Chính phủ phê duyệt. Chương trình nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, chủ yếu về hiệu quả điều trị, thanh toán nguồn lây. Tiếp theo, Chính phủ đã phê duyệt Đề án quốc gia Phòng, chống bệnh lao cho năm 1995 và giai đoạn 1996-2000, cũng do GS Nguyễn Đình Hường xây dựng năm 1994.


GS.TS Nguyễn Đình Hường, năm 2018

Năm 1991, BS Nguyễn Đình Hường đã tập hợp các nghiên cứu của mình về dịch tễ học bệnh lao thành công trình tương đương luận án để đề nghị xét công nhận học vị Phó tiến sĩ, có tên gọi "Dịch tễ học bệnh lao ở Việt Nam 35 năm qua (1955-1990): tình hình, diễn biến, khả năng tác động". Ngày 29-10-1991, tại Học viện Quân y, diễn ra lễ bảo vệ luận án Phó tiến sĩ của ông. Bản luận án được các nhà khoa học trong Hội đồng đánh giá cao bởi những nghiên cứu dịch tễ học chuyên sâu, có hiệu quả thiết thực trong điều trị và phòng chống bệnh lao ở nước ta.

GS Nguyễn Đình Hường là tác giả, đồng tác giả của 14 cuốn sách chuyên ngành do Nhà xuất bản Y học xuất bản cùng hàng 100 bài nghiên cứu về các vấn đề nghiên cứu về bệnh phổi. GS Nguyễn Đình Hường còn tham gia giảng dạy, đào tạo chuyên ngành lao tại trường Đại học Y Hà Nội và Viện Chống lao Trung ương, ông từng tham gia các hội nghị quốc tế chống lao ở Mainz- Cộng hòa Liên bang Đức (1964), Tokyo (1973), Singapore (1986), Boston, Hoa kỳ (1990), CHDC Đức (1964)…

Với những đóng góp cho công tác phòng, chống bệnh lao phổi ở Việt Nam, GS Nguyễn Đình Hường là một trong số nhà khoa học y học Việt Nam tạo dựng được uy tín và có hoạt động rộng rãi ở tầm quốc tế. Ông từng được mời làm ủy viên tham vấn về nghiên cứu khoa học của Tổ chức Y tế thế giới cấp toàn cầu Ủy viên tham vấn của Tổ chức Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương; Ủy viên thư ký và Ủy viên chấp hành của Hiệp hội bài lao và các bệnh phổi thế giới[13]

Chắc chắn ai đã từng tiếp xúc với GS Nguyễn Đình Hường đều ấn tượng bởi phong thái nhẹ nhàng, sự khiêm nhường, đáng kính của ông. Đặc biệt, ông luôn khiêm tốn cho rằng những thành tựu của bản thân trong suốt chặng đường hơn 60 năm phục vụ cộng đồng là nhờ có người thầy giỏi – BS Phạm Ngọc Thạch.

Lê Thị Hằng

___________________

* GS.TS Nguyễn Đình Hường, nguyên Viện trưởng Viện chống lao Trung ương (nay là Bệnh viện Phổi trung ương)

** BS Phạm Ngọc Thạch, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế

[1] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đình Hường, 8-5-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đình Hường, 8-5-2020, đã dẫn.

[3],4 Kỷ yếu 60 năm thành lập Bệnh viện Phổi trung ương (2017) https://www.yumpu.com/xx/document/read/63522575/benh-vien-phoi-trung-uong-60-nam-xay-dung-va-phat-trien-ben-vung

[5] Cuối năm 1954, Bệnh viện Miền Nam được thành lập để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneve. Tháng 1-1956, Bệnh viện Miền Nam đổi tên thành Bệnh viện A, với chức năng là bệnh viện chuyên trị chủ yếu bệnh nhân lao.

[6] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đình Hường, 21-5-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đình Hường, 21-5-2020, đã dẫn.

[8] GS.TS Hoàng Văn Minh, nguyên Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Phổi trung ương.

[9] PGS.TS Hoàng Minh, "Nhà khoa học chuyên cần trong sự nghiệp chống lao", báo Nhân dân, 27-1-2002.

[10] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Đình Hường, 21-5-2020, đã dẫn.

[11] TS Trần Quỵ giảng viên Nhi khoa trường ĐH Y Hà Nội, sau là Giáo sư, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

[12] BS Nguyễn Tiến Dũng phụ trách khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai, nay là Phó giáo sư, tiến sĩ.

[13] PGS.TS Hoàng Minh, "Nhà khoa học chuyên cần trong sự nghiệp chống lao", Báo Nhân dân, 27-1-2002.