Người xưa có câu: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ[1] quả không sai với câu chuyện của GS Trần Thành khi gặp GS Đặng Xuân Kỳ, để rồi dẫn dắt ông đến với con đường nghiên cứu Hồ Chí Minh sau này.
Cuộc hội ngộ kỳ lạ
Đó là một ngày đầu tháng 1-1980, ông Tương Lai[2] – cán bộ Viện Triết học[3] vốn là bạn cũ của ông Thành khi còn công tác ở trường Sư phạm Trung cấp Hà Nội[4] mời đến nhà chơi ở khu tập thể Trung Tự[5]. Lúc đi qua nhà ông Đặng Xuân Kỳ[6] – Viện phó Viện Triết học, ông Tương Lai nói: Anh em ta vào chào anh Kỳ một câu[7]. Thấy có khách đến, ông Kỳ liền đứng lên đi pha trà. Trong lúc trò chuyện, ông Kỳ hỏi: Anh hiện đang công tác ở đâu. Ông Thành đáp: Thưa anh, tôi hiện đang công tác ở trường Sư phạm Trung cấp Hà Nội, dạy về lý luận văn học. Tôi cũng viết một số bài đăng báo Văn nghệ, đặc biệt là bài Đọc “Đường trong mây” của Nguyễn Khải, 1970 với bút danh Song Thành. Ông Kỳ nói: Tôi cũng thường đọc các bài viết trên tạp chí Nghiên cứu văn học[8], báo Văn nghệ nhưng chỉ biết bút danh Song Thành chứ không biết tác giả, không ngờ lại là anh. Hiện nay Ban Đạo đức học của Viện Triết đang thiếu người, anh sang đó công tác rất phù hợp. Ông Thành ngạc nhiên: Tôi chỉ quen giảng dạy văn học chứ chưa nghiên cứu sâu triết học bao giờ. Ông Kỳ động viên: Anh giảng dạy lý luận văn học tức đã mang yếu tố triết học trong đó, tôi tin anh sẽ làm được. Ông Tương Lai cũng khuyên: Nếu anh sang Viện Triết công tác thì con đường kiến văn sẽ rộng mở hơn. Ông Thành xin phép về nhà suy nghĩ thêm.
Tưởng mọi chuyện dừng lại ở đó thì mấy hôm sau, ông Kỳ đến khu tập thể Thành Công để thuyết phục ông Thành về Viện Triết học công tác. Do ông Thành đi dạy nên chỉ có vợ là bà Thành Thị Mai Hương tiếp chuyện. Chiều đi làm về nghe vợ kể chuyện, ông Thành rất bất ngờ bởi sự trọng người của ông Kỳ. Giáo sư Trần Thành tâm sự: Sau hôm gặp anh Kỳ, tôi đã suy nghĩ rất nhiều chuyện đi hay không. Tôi đang là Hiệu phó kiêm Trưởng khoa Khoa học xã hội của trường Sư phạm Trung cấp. Ở Viện Triết học có nhiều bạn thân của tôi từng học ở Khu học xá Nam Ninh (1954-1956) như Trần Côn, Đỗ Thái Đồng, Tương Lai nên việc làm quen công việc mới sẽ không bị bỡ ngỡ. Cùng thời điểmđó, Ban Giám hiệu nhà trường có ý định đưa tôi sang tham gia công tác Đảng, sẽ làm Bí thư Đảng ủy. Nhưng tôi đã quyết xin chuyển công tác về làm cán bộ nghiên cứu của Viện Triết học dù đã 45 tuổi.
Trong buổi họp Ban Giám hiệu trường Sư phạm Trung cấp, ông Thành trình bày: Tôi đã cống hiến 21 năm (1959-1980) từ lúc trường mới thành lập đến những năm tháng khó khăn đi sơ tán do chiến tranh phá hoại của Mỹ. Nay tôi có nguyện vọng chuyển công tác, rất mong các anh tạo điều kiện cho tôi. Ban Giám hiệu nhà trường chấp thuận để ông Thành chuyển công tác, mặc dù muốn khuyên ông ở lại trường. Cuộc gặp tình cờ giữa ông với ông Đặng Xuân Kỳ chính là một cuộc kỳ ngộ và cũng là bước ngoặt trong cuộc đời để ông đi theo con đường nghiên cứu về Hồ Chí Minh sau này.
Những thay đổi bất ngờ
Tháng 10-1980, ông Thành chính thức nhận quyết định chuyển sang công tác ở Ban Đạo đức học, Viện Triết học. Thời gian đầu, ông làm quen với công việc mới và bắt đầu tìm hiểu các khái niệm, phạm trù liên quan tới đạo đức học[9]. Năm 1981, Viện Triết học tổ chức hội thảo vấn đề: Đạo đức trong Triết học, bài tham luận đầu tiên của ông với tiêu đề Để cho đạo đức học trở thành triết học của thực tiễn nhận được sự đánh giá tốt của đồng nghiệp và được đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 1, 1982. Cuối năm 1981, ông Thành theo GS Vũ Khiêu – khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội vào thành phố Hồ Chí Minh giảng triết học ở Viện Khoa học xã hội miền Nam[10]. Ông tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu các vấn đề của đạo đức với các bài đăng Tạp chí Triết học như: Về mối quan hệ giữa lợi ích và đạo đức, số 1, 1982; Kết hợp đồng bộ ba biện pháp: Kinh tế – hành chính – giáo dục trong hình thành đạo đức mới, in trong kỷ yếu hội thảo khoa học của Viện Triết học, năm 1981… Để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình, ông viết bài đăng trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật như: Sống tiết kiệm, số 9, 1982 ; Biết ơn và kính trọng người già, số 9, 1983[11].
GS Trần Thành (thứ nhất bên phải) cùng Hội đồng nghiệm thu đề tài KX.02.01 – Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
GS Đặng Xuân Kỳ (thứ hai từ phải) và một số thành viên, tại số 56B Quốc Tử Giám, 1995
Là cán bộ mới, tính tình ôn hòa nhã nhặn nên ông được mọi người trong Viện quý mến. Ông Kỳ thấy ở ông sự nghiêm cẩn trong nghiên cứu khoa học, luôn giữ gìn tác phong đạo đức chuẩn mực nên rất phù hợp nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1981, ông Kỳ chuyển sang làm Phó viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh[12] nên muốn đưa ông Thành đi cùng, nhưng GS Phạm Như Cương – Viện trưởng Viện Triết học không đồng ý. Ông Kỳ đã ba lần đến gặp ông Thành Duy – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Ủy ban Khoa học xã hội để xin chuyển công tác cho ông Thành nhưng không được chấp thuận với lý do: Ủy ban Khoa học xã hội có gần 2000 cán bộ, nhưng không phải ai cũng làm tốt công tác nghiên cứu, anh Thành tuy là người mới nhưng là người có năng lực nên không thể cho đi. Cuối cùng, ông Kỳ trao đổi với ông Thành rằng: Anh phải tự lên gặp Vụ Tổ chức để xin chuyển công tác chứ tôi ý kiến nhiều lần mà không được. Mấy hôm sau, ông Thành đến gặp ông Duy để trao đổi: Tôi sang công tác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ phù hợp hơn, mong anh đồng ý. Ông Duy nói: Tôi biết anh không thích ở Viện Triết học vì vấn đề nội bộ thiếu đoàn kết, tôi có thể chuyển anh sang Viện Sử học hoặc Viện Văn học, thậm chí anh có thể sang Viện Văn hóa dân gian[13] của GS Đinh Gia Khánh[14] nhưng không được chuyển sang đơn vị khác. Phải nhờ đến sự giúp đỡ của GS Vũ Khiêu thì tháng 2-1984, ông mới chuyển sang làm Trưởng ban nghiên cứu Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh; Từ đây, ông tiếp cận một lĩnh vực hoàn toàn mới – nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 1987 ông được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Viện Mác – Lênin. Theo GS Trần Thành chia sẻ: Nếu không có tinh thần đổi mới của Đại hội VI thì Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng sẽ không được thành lập năm 1987. Đó là dấu mốc, bước khởi đầu của tôi trên con đường nghiên cứu Hồ Chí Minh sau này.
Dấu ấn để lại
Trước đây, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chú trọng trên phương diện đạo đức, lối sống, phong cách của Người, còn việc nghiên cứu Người là nhà tư tưởng, nhà văn hóa tầm quốc tế thì ít được chú ý. Nay có một cơ quan nghiên cứu về Hồ Chí Minh khiến nhiều người rất mong mỏi được hiểu biết sâu rộng về Người, GS Đặng Xuân Kỳ và ông Trần Thành được nhiều địa phương mời đến nói chuyện như tỉnh Nam Hà[15], Cao Bằng, Câu lạc bộ Thăng long…, GS Đào Nguyên Cát[16] có lần gặp ông nói: Thấy các anh ở đâu là không khí sôi sục ở đó.
Để có nhiều tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Thành dựa vào nhiều kênh khai thác. Thứ nhất, ông xin đến gặp và trò chuyện với các đồng chí từng sống và làm việc với Người như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Tố Hữu, Hoàng Tùng… đó là nguồn tư liệu sống động. Thứ hai, đến các cơ quan lưu trữ của Đảng và của Nhà nước khai thác các văn bản, công văn liên quan tới Người. Những dịp đi công tác nước ngoài, ông vào các cơ quan lưu trữ ở Trung Quốc, Liên Xô, Pháp để khai thác tư liệu về quá trình hoạt động của Người từ năm 1920-1941. Thứ ba, ông trực tiếp đến những nơi Người từng sống và làm việc, hoạt động cách mạng như hiệu cafe Đông Dương của ông bà Tống Minh Phương ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nơi Người sống trên căn gác xép nhỏ năm 1940. Rồi ông đến thành phố Quảng Châu, thăm trụ sở Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nơi Người hoạt động cách mạng những năm 1924-1927… để hỏi những bậc cao niên sống nơi đây về câu chuyện liên quan tới Người. Tất cả tư liệu đều được ông chỉnh lý và sắp xếp một cách tỉ mỉ từng chủ đề. Nhờ đó, ông có hàng vạn pích phiếu ghi chép thông tin liên quan tới Người, khối tư liệu quý này hiện được Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu trữ.
Đến năm 1991, lần đầu tiên tư tưởng Hồ Chí Minh được đưa vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội: Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động… tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội[17]. Đồng thời, Bộ Chính trị giao cho Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước[18] phụ trách xây dựng các chương trình cấp nhà nước phục vụ vấn đề xã hội trong tình hình mới, gồm: Chương trình KX.01 Về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam do GS Nguyễn Duy Quý – Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam làm chủ nhiệm, GS Dương Phú Hiệp – Viện trưởng Viện Châu Á – Thái Bình Dương làm thư ký. Chương trình KX.02 về Tư tưởng Hồ Chí Minh do ông Đặng Xuân Kỳ – Viện trưởng Viện Mác – Lênin làm chủ nhiệm, ông Trần Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng làm thư ký. Chương trình KX.03 về Xây dựng Đảng do trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc[19] phụ trách. Sau nhiều nghiên cứu, cân nhắc, với tư cách là thư ký Chương trình KX.02, ông Thành phác thảo 11 đề tài nhánh, sau đó đến xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp[20] khi đó là cố vấn chương trình. Đại tướng nói: Bản phác thảo này gợi được nhiều vấn đề rồi, nhưng cần bổ sung thêm vấn đề về kinh tế, khoa học và tri thức... Được Đại tướng gọi mở, ông chỉnh sửa và bổ sung thành 16 đề tài nhánh[21]. Đầu năm 1992, các đề tài của Chương trình KX 02 được tiến hành đấu thầu công khai tại trụ sở Viện Mác – Lênin, số 56B Quốc tử giám. Các đề tài được thực hiện trong 5 năm. Theo GS Trần Thành đánh giá: Chương trình KX. 02 đã nghiên cứu hệ thống cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó xác lập hệ tư tưởng, lý luận và phương pháp Hồ Chí Minh. Đặt nền tảng cho việc nghiên cứu toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh ở các giai đoạn tiếp theo[22]. Nhiều công trình được in thành sách như Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Hồ Chí Minh tiểu sử, Hồ Chí Minh với cách mạng tháng Tám…
Nhờ cơ duyên đến với nghiên cứu Hồ Chí Minh mà GS Trần Thành có nhiều công trình có giá trị như: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử (đồng chủ biên) , 10 tập, H- Chính trị quốc gia, 1992-1995, Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất, H- Chính trị quốc gia, 1999; Hồ Chí minh, nhà tư tưởng lỗi lạc, H- Lý luận chính trị, 2005; Hồ Chí Minh tiểu sử, H- Chính trị quốc gia, 2010; Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, H- Chính trị quốc gia, 2019… Đó là thành quả của sự tâm huyết bền bỉ trong nhiều năm của GS Trần Thành, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp nghiên cứu Hồ Chí Minh của đất nước.
Ngô Văn Hiển
* GS Trần Thành sinh năm 1935, chuyên ngành Chính trị học, nguyên Viện trưởng đầu tiên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Viện Mác – Lênin (nay thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
[1] Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, Vô duyên hữu diện bất tương phùng (nghĩa là: Có duyên xa mấy rồi cũng gặp. Vô duyên đối mặt cũng bằng không)
[2] PGS Tương Lai, sinh năm 1936, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (1988-1999).
[3] Lúc đó thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[4] Trường được thành lập năm 1959 với tên là trường Sư phạm Trung sơ cấp Hà Nội. Trải qua nhiều lần đổi tên, nay là trường ĐH Thủ đô. Nguồn tham khảo: http://hnmu.edu.vn/lich-su-truong/lich-su-phat-trien-truong-dh-thu-do-ha-noi.html.
[5] Nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội.
[6] GS Đặng Xuân Kỳ (1931-2010), nguyên Viện trưởng Viện Mác – Lênin.
[7] Tài liệu ghi âm GS Trần Thành ngày 12-10-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Các trích dẫn được lấy từ nguồn này.
[8] Tham khảo nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87n_V%C4%83n_h%E1%BB%8Dc_(Vi%E1%BB%87t_Nam)
[9] Đạo đức học, hay luân lý học, là môn khoa học triết học về đạo đức, nghiên cứu bản chất, các quy luật xuất hiện và phát triển trong lịch sử, các chức năng đặc trưng và các giá trị của đạo đức trong đời sống xã hội.
[10] Được thành lập ngày 12-9-1975, nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, địa chỉ: 270 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
[11] Sau được nhận giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1983.
[12] Nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh.
[13] nay là Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[14] GS Đinh Gia Khánh (1924-2003), nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian (1983-1987).
[15] Nay là 2 tỉnh Hà Nam và Nam Định.
[16] GS Đào Nguyên Cát (sinh năm 1927), chuyên ngành Kinh tế học, nguyên Tổng biên tập Thời báo kinh tế Việt Nam.
[17] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập tập 5, H- CHính trị quốc gia, 2007, tr. 29.
[18] Năm 1992, đổi tên thành Bộ Khoa học và công nghệ.
[19] Nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[20] Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
[21] KX 02.01 Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam; KX 02.02 Phương pháp luận nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; KX 02.03 Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh; KX 02.04 Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; KX 02.05 Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế; KX 02.06 Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách xã hội và con người; KX 02.07 Hồ Chí Minh với khoa học kỹ thuật và trí thức; KX 02.08 Hồ Chí Minh với vấn đề xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền; KX 02.09 Hồ Chí Minh với chiến lược đại đoàn kết; KX 02.10 Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức; KX 02.11 Tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự chuyển biến của thời đại; KX 02.12 Hồ Chí Minh với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; KX 02.13 Hồ Chí Minh với các nước đang phát triển; KX 02.14 Hồ Chí Minh – biên niên tiểu sử; KX 02.15 Hồ Chí Minh tiểu sử; KX 02.16 Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng tháng Tám.
[22] Tài liệu ghi âm GS Trần Thành ngày 23-7-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.