Góp phần khai mở ngành Giáo dục mầm non

 Gặp NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi ông bước sang tuổi 84 nhưng tôi vẫn cảm nhận được ở ông nguồn năng lượng và nhiệt huyết tràn đầy. Hiện nay, với tư cách là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người – IPD (Tổ chức phi chính phủ), ông vẫn tham gia đào tạo, truyền kinh nghiệm về giáo dục sớm ở trẻ em cho giáo viên mầm non và các bậc cha mẹ. Được biết, ông tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, nhưng thông tin viết về ông, về hoạt động của ông, chủ yếu lại liên quan đến trẻ em. Qua một số cuộc trò chuyện cùng ông đã giúp tôi giải đáp những thắc mắc ấy.

Lựa chọn chiếc áo blouse trắng và quyết định khó khăn

Năm 1953-1954, khi đang học lớp 8 trường cấp III Phan Đình Phùng Hà Tĩnh), Nguyễn Võ Kỳ Anh nhận được giấy triệu tập ra Nghệ An khám sức khỏe để đi học nước ngoài. Sau hai ngày khám sức khỏe, Kỳ Anh được thông báo không đủ điều kiện để đi học trường không quân ở Liên Xô. Tuy không trúng tuyển, nhưng bước kiểm tra sức khỏe đó để lại một kỷ niệm mà sau này góp phần quyết định việc chọn nghề của Kỳ Anh. “Khi cả nhóm thanh niên chúng tôi quây quanh bàn tiếp đón để nhận phiếu thứ tự vào khám sức khỏe thì có một chị mặc áo blouse trắng quát chúng tôi phải đứng ra xa bàn với giọng cáu gắt: “Các cậu đứng xa ra, mùi mồ hôi ai mà chịu được!” Mấy bạn cự lại và không chịu làm thủ tục nữa. Tôi đứng lại chờ đợi và cứ băn khoăn là tại sao làm nghề thầy thuốc lại ăn nói coi thường người khác như vậy?. Và nghĩ, nếu đi học ngành Y, với tính tình vẫn được khen là ngoan hiền, chắc chắn tôi sẽ làm người thầy thuốc biết tôn trọng mọi người và thương yêu bệnh nhân”[1] –  PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh kể.

Năm 1956, tốt nghiệp phổ thông hệ 9 năm, Kỳ Anh đăng ký dự thi và trúng tuyển vào trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Năm học thứ 5, ông được phân công học chuyên khoa Nhi, chương trình có các chuyên gia Liên Xô giảng dạy về phương pháp Nhi khoa hiện đại, trong đó có nội dung giảng về giáo dục lứa tuổi trẻ nhà trẻ, mẫu giáo. Ông được cử đi thực tập tốt nghiệp ở Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình), lá cờ đầu của hợp tác xã nông nghiệp cả nước với nhiệm vụ: gây dựng phong trào y tế ở địa phương, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo để các xã viên có thể gửi con và yên tâm làm việc.

Cuối năm 1961, Kỳ Anh tốt nghiệp trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Ông và ba sinh viên cùng khóa Trần Quỵ[2], Đào Thị Ngọc Diễn[3] và Nguyễn Công Khanh[4] được phân về Bộ môn Nhi giảng dạy. Ông cho biết: “Nhiệm vụ của cán bộ giảng dạy là hướng dẫn thực hành và giảng lý thuyết Nhi cơ sở, Nhi bệnh học cho sinh viên từ năm thứ ba đến năm thứ năm chuyên khoa; đồng thời phải tham gia thăm khám, điều trị bệnh nhi và tham gia trực hàng tuần ở khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Thực hiện phong trào thi đua xây dựng Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa, mỗi cán bộ giảng dạy là một Tiểu đội trưởng, mỗi người chúng tôi được phân công phụ trách giảng dạy cho một hoặc hai tổ sinh viên. Không những giảng dạy về lý thuyết bệnh học cho sinh viên trên lớp mà còn phải hướng dẫn thực hành các thao tác kỹ thuật, cách khai thác tiền sử, cách tìm nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán bệnh… Đồng thời, chúng tôi còn phải chịu trách nhiệm rèn luyện y đức cho sinh viên để họ có thái độ, tình cảm tốt với bệnh nhi và người nhà. Muốn vậy, bản thân chúng tôi phải luôn gương mẫu trong mọi việc làm, sinh viên và giảng viên gần gũi, thân thiện”[5]. Bên cạnh đó, tập thể bộ môn tổ chức biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo, sách phổ biến kiến thức, và tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, viết bài báo đăng ở các tạp chí chuyên ngành. Nhiều năm liền, Bộ môn Nhi là Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa và cá nhân giảng viên Kỳ Anh nhiều năm là chiến sĩ thi đua và là cán bộ công đoàn xuất sắc.

Năm 1971, Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Việt Nam được thành lập, do bà Đinh Thị Cẩn làm Chủ nhiệm, có nhiệm vụ thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em với hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh thành. Cụ thể là tổ chức nhà trẻ, giáo dục sức khỏe, truyền thông và vận động sinh đẻ có kế hoạch. Bác sĩ Kỳ Anh được điều sang bộ phận Đào tạo của Ủy ban. Đang công tác ổn định ở bộ môn Nhi của trường với nhiều cơ hội nghiên cứu, học tập ở trong và ngoài nước, nên ông trăn trở rất nhiều. Nhưng ông nghĩ: “Nhiệm vụ giảng dạy đào tạo lớp các cô giáo, thầy giáo có kiến thức, nghiệp vụ nuôi dạy trẻ cũng rất quan trọng. Ở môi trường mới, với những người bạn mới, mình sẽ được góp phần xây dựng một ngành học mới, đào tạo được nhiều người biết cách chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ dưới 3 tuổi (tuổi nhà trẻ) khỏe mạnh, hạn chế bệnh tật, cải tạo nòi giống, tạo điều kiện nâng cao chất lượng sống cho các gia đình và xã hội[6]. Sau buổi hướng dẫn sinh viên thăm khám cho các cháu nhỏ tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, BS Kỳ Anh trở về phòng của bộ môn, trường Đại học Y khoa cởi chiếc áo blouse trắng có đề tên Bộ môn Nhi lên mắc áo. Lòng ông không khỏi bồi hồi, luyến tiếc vì ông sẽ không còn thường xuyên khoác chiếc áo này mỗi ngày, điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông không còn được hàng ngày gặp các bệnh nhi và các em sinh viên thân yêu của mình nữa.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới

Sau khi tư tưởng đã thông suốt, BS Nguyễn Võ Kỳ Anh chính thức chuyển sang công tác tại Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Việt Nam vào ngày 9-6-1972. Ông được Chủ nhiệm Đinh Thị Cẩn trực tiếp giao nhiệm vụ xây dựng mô hình một trường trung cấp đào tạo cô nuôi trẻ và xây dựng chương trình đào tạo cho học viên trường này. Nhận nhiệm vụ, ông lập tờ trình về Mô hình trường học với hai hệ: một hệ trung cấp thực hành tuyển học sinh và các cô nuôi trẻ đã tốt nghiệp cấp II, sau 3 năm ra trường sẽ trực tiếp công tác tại các nhà trẻ; hệ trung cấp sư phạm nhận học sinh đã tốt nghiệp cấp III, sau 3 năm ra trường sẽ giảng dạy ở các trường đào tạo sơ, trung cấp của ngành. Theo BS Kỳ Anh, cô giáo không phải chỉ là người nuôi mà còn phải dạy trẻ bởi đây là nơi ươm mầm cho tương lai. Trong lần đi thực tập trước đó ở Hợp tác xã Đại Phong, ông đã thực hiện công trình nghiên cứu đầu tiên: “Nghiên cứu chế độ chăm sóc giáo dục trẻ em ở nhà trẻ”. Vận dụng những kiến thức đã có, ông kiến nghị với Chủ nhiệm Ủy ban: “Tôi kiến nghị đổi chức danh “cô nuôi trẻ” thành “giáo viên nuôi dạy trẻ” và không gọi là “Trường cô nuôi trẻ” mà gọi là “Trường Trung học chuyên nghiệp Nuôi dạy trẻ Trung ương”, thuộc sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Còn trường ở các tỉnh, gọi là “Trường sơ cấp nuôi dạy trẻ”. Sở dĩ tôi đề nghị như vậy là vì đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, không chỉ cần được chăm sóc nuôi dưỡng mà còn phải dạy cho trẻ biết ăn, biết nói, biết gói, biết mở… nhằm kích hoạt tiềm năng thiên bẩm của trẻ”[7].

Tháng 10-1972, trường Trung học chuyên nghiệp Nuôi dạy trẻ Trung ương được thành lập. Bác sĩ Kỳ Anh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng (thời gian này chưa có Hiệu trưởng). Một mặt, ông phối hợp với ông Nguyễn Văn Triển, Chánh văn phòng Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em và ông Nguyễn Văn Luông, Trưởng ban Xây dựng kiến thiết đi tìm địa điểm xây dựng cấp tốc nhà trường ở nơi sơ tán để kịp vào năm học mới; một mặt cùng Vụ Tổ chức tuyển dụng cán bộ, giáo viên, cùng Vụ Đào tạo chuẩn bị phương án tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu đã được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phân bổ. Sau chưa đầy 5 tháng, trong điều kiện máy bay Mỹ bắn phá, nhưng một ngôi trường bằng tranh tre, nứa lá đã được dựng lên dưới chân dãy núi gần chùa Tây Phương, ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

Tháng 3-1973, trường chính thức làm lễ khai giảng. Bà Nguyễn Thị Phương Hà, nguyên Hiệu trưởng trường Múa Việt Nam được điều động về làm Hiệu trưởng của nhà trường. Nguồn giáo viên của trường là bác sĩ, dược sĩ ở các trường Đại học Y trong nước; các cử nhân tâm lý, giáo dục trẻ nhỏ được đào tạo tại các trường sư phạm Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu; giáo viên văn hóa và mỹ thuật, âm nhạc, múa, đồ chơi... đều được đào tạo ở các trường Đại học Sư phạm và các trường nghệ thuật ở Hà Nội.  

Để kịp tuyển sinh năm học đầu tiên, Phó Hiệu trưởng nhà trường – BS Kỳ Anh đã trực tiếp đến trình bày với Vụ Trung học chuyên nghiệp thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, khi đó đang sơ tán tại một làng ở Phúc Yên, để xin chỉ tiêu và đề xuất phương thức tuyển sinh đặc thù cho nhà trường. Được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đồng ý, Vụ Đào tạo của Ủy ban đã gửi thông báo tuyển sinh về các địa phương miền Bắc. Khóa đầu, nhà trường trực tiếp về tuyển sinh tại các tỉnh có thí sinh đăng ký dự tuyển. “Ngoài đặc cách xét học lực qua học bạ của cả hai hệ sư phạm và thực hành, Hội đồng tuyển sinh còn yêu cầu các em phải kiểm tra sức khỏe. Những nữ sinh bị khuyết tật về hình thể, bị khiếm thính, khiếm thị hoặc nói ngọng nhiều,.. sẽ bị loại. Những em đã đạt trình độ học lực và chuẩn sức khỏe sẽ được kiểm tra về các môn năng khiếu như kể chuyện, hát múa, hội họa”[8].

Nhờ chủ trương tuyển sinh đặc cách, khóa đầu đã kịp thời khai giảng vào tháng 3-1973 với hơn 250 học sinh, trong đó có hai lớp Sư phạm và ba lớp Thực hành. Với lớp Thực hành được học bổ túc các môn văn hóa gồm văn, toán, lý, hóa, sinh một năm để có trình độ trung học phổ thông rồi mới học chuyên môn nghiệp vụ và thực hành nuôi dạy trẻ tại các nhà trẻ; còn hệ Sư phạm dành cả 3 năm học chuyên môn nghiệp vụ và thực hành sư phạm nuôi dạy trẻ ở nhà trẻ và ở các trường sư phạm sơ cấp. Những mùa tuyển sinh sau, nhà trường thực hiện theo quy chế tuyển sinh chung của các trường Trung học chuyên nghiệp. “Với kết quả đầu vào có chất lượng nên sau ba năm học tập và rèn luyện tại trường, sau khi về địa phương công tác các em đã trưởng thành nhanh chóng và toàn diện. Cho đến bây giờ các em vẫn tự hào là học sinh trường chuyên nghiệp Nuôi dạy trẻ Trung ương vì không chỉ giỏi hoàn thành nhiệm vụ của ngành mà còn đảm đang như những người vợ, người mẹ biết nuôi dạy con nhỏ theo phương pháp khoa học ưu việt”[9] – PGS Kỳ Anh cho biết.

Đầu năm 1974, Chủ nhiệm Ủy ban Đinh Thị Cẩn giao cho BS Kỳ Anh lập danh sách các thiết bị đồ dùng giảng dạy và học tập cho các bộ môn của trường để xin viện trợ của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển. Ông tham khảo các bộ môn ở trường Đại học Y, Đại học Sư phạm, trường nhạc, trường múa, trường mỹ thuật công nghiệp… để tìm hiểu và thống kê những thiết bị mà nhà trường cần. Đồng thời, ông phối hợp với Công ty Thiết bị trường học của Bộ Giáo dục lập dự án đề xuất phía Thụy Điển tài trợ cho trường Nuôi dạy trẻ Trung ương của Ủy ban và trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương của Bộ Đại học và Trung học đóng ở Hà Nam (thành lập từ năm 1964). Tháng 5-1974, BS Kỳ Anh là trưởng đoàn sang Thụy Điểnđể ký kết với Tổ chức Cứu trợ trẻ em của nước này về hợp tác viện trợ. Sau đó, hai trường của Việt Nam nhận được đầy đủ các thiết bị đồ dùng do phía Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển viện trợ. Là một trường đặc thù 100% là nữ sinh, nhiều em mới qua tuổi dậy thì nên việc bảo vệ an toàn để các em an tâm học tập và yêu nghề được đặt lên hàng đầu. Ông nhớ lại: “Nhà trường thành lập một đại đội tự vệ, ngày đêm luân phiên tuần tra, canh gác. Các lớp học sinh tự động thiết lập hệ thống báo động tự chế bằng ống bơ, sẵn sàng báo động, có lớp thì khi đi ngủ mỗi em để sẵn bên mình một đĩa nhôm và một đôi đũa, cái thìa, nếu nghe động thì tất cả đồng loạt gõ để báo động cho toàn trường”[10].

Cuối năm 1974, trường chuyển dần về ở cơ sở mới tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Trường được xây cấp tốc trên một cánh đồng còn nhiều mồ mả của các gia đình trong xã. Trường là hệ thống nhà cấp bốn, nhưng có hội trường lớn, các phòng bộ môn, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phòng y tế, các lớp học, nhà hiệu bộ, nhà ở của gia đình cán bộ nhân viên, giáo viên và ký túc xá cho hơn 1200 học sinh. Các phương tiện đồ dùng dạy học được trang bị khá đầy đủ nhờ ngân sách Nhà nước và sự tài trợ của Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển. Nhờ đó chất lượng giảng dạy và học tập của nhà trường ngày càng được nâng cao.

Tổng Bí thư Lê Duẩn (giữa) đến thăm trường Nuôi dạy trẻ Trung ương, năm 1976.

Chủ nhiệm Ủy ban Đinh Thị Cẩn (bên trái), BS Nguyễn Võ Kỳ Anh bên phải

Đầu xuân năm 1976, nhà trường vinh dự được Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm. “Sáng hôm ấy, toàn trường như một ngày hội lớn. Thầy trò chúng tôi vui mừng và xúc động được đón đồng chí Tổng Bí thư cùng đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban đi bộ từ cổng làng vào thăm trường. Sau khi thăm một số lớp học, phòng thực hành, thí nghiệm, tại Hội trường lớn, đồng chí Tổng Bí thư đã nói chuyện chân tình về một số vấn đề: Tại sao Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải coi trọng việc chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng trẻ nhỏ ngay từ những năm đầu đời? Để làm được việc đó, các cô giáo nuôi dạy trẻ phải vừa là người mẹ hiền, vừa là cô giáo giỏi. Muốn vậy, nhà trường phải là trường học kiểu mẫu và học sinh phải nỗ lực rèn luyện đạo đức và trau dồi năng lực chuyên môn cho thật tốt!. Sau gần một giờ đồng hồ, với giọng nói miền Trung nhẹ nhàng, điềm đạm và thân thiết, Tổng Bí thư đã truyền cảm hứng cho cán bộ công nhân viên, giáo viên và học sinh trường tôi. Có thể nói đây là một buổi giảng về tình yêu trẻ, yêu nghề, yêu ngành mà Đảng và Nhà nước gửi gắm đến đội ngũ những người vun trồng cho sự nghiệp giáo dục trẻ thơ”[11].

Là một bác sĩ Nhi khoa, BS Kỳ Anh hiểu rõ, để trở thành một thầy thuốc giỏi, nhất là thầy thuốc phục vụ trẻ em cần phải coi trọng việc thực hành tay nghề tại các phòng thí nghiệm và các cơ sở bệnh viện thực hành. Vì vậy, muốn giáo sinh nuôi dạy trẻ có kỹ năng thực hành tốt chuyên môn và nghiệp vụ quản lý công việc trong tương lai, ông đã đề xuất với Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em cho xây dựng Nhà trẻ thực hành trực thuộc trường. Được Ủy ban đồng ý và được Hà Nội cấp đất gần hồ Giảng Võ, sau hai năm xây dựng, đúng ngày 19-5-1978, Nhà trẻ thực hành Hoa Sen (sau này là trường Mầm non thực hành Hoa Sen) chính thức đón nhận trẻ. Trước đó, để có đội ngũ giáo viên vừa trực tiếp nuôi dạy trẻ, vừa làm người hướng dẫn thực hành cho học viên thực tập, BS Kỳ Anh đã đề xuất với Sở Giáo dục Hà Nội và Ban tuyển sinh thành phố cho nhà trường tuyển 100 học viên theo hệ đào tạo tay nghề một năm. Cuối khóa nhà trường đã chọn được 45 em xuất sắc về làm cô nuôi dạy trẻ ở Nhà trẻ thực hành đầu tiên này, số còn lại được phân về các nhà trẻ lớn của Hà Nội.

Trong thời gian công tác ở trường, tuy bận rộn với công tác quản lý với vai trò Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng trường Trung học chuyên nghiệp Nuôi dạy trẻ Trung ương (tháng 7-1979), nhưng BS Kỳ Anh vẫn nỗ lực học tập chuyên môn Nhi khoa như ông từng tự hứa với lòng mình. Năm 1982, ông học bổ túc ngắn hạn bác sĩ chuyên khoa cấp II tại trường Đại học Y Hà Nội. Cũng trong năm này, với sáng kiến xây dựng hệ thống trường thực hành cho các trường đào tạo giáo viên nuôi dạy trẻ kể trên, BS Kỳ Anh đã được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng khen và Huy chương Lao động sáng tạo và Trung ương Đoàn thanh niên tặng Huy chương Vì thế hệ Trẻ (năm 1982).

Nhớ lại ngày nhận nhiệm vụ mới, NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh tâm sự: “Tôi không tiếc nuối khi phải rẽ sang một lĩnh vực khác, nhưng tôi phải phấn đấu rất nhiều. Dẫu tôi không công tác ở Bộ môn Nhi, không được trực tiếp điều trị cho các bệnh nhi nhưng tôi vẫn tiếp tục làm chuyên môn, học chuyên khoa Nhi. Tôi tự hào là người khai mở ngành học giáo dục mầm non và y tế trường học”[12]. Và theo ông: “để nghiên cứu khoa học phục vụ cho trẻ em, phải có tình thương yêu thật sự với trẻ và truyền được tình yêu thương đó đối với những người đồng nghiệp, nhất là những người phục vụ trực tiếp cho trẻ em ở các cơ sở. Nếu như làm việc vì trẻ em mà không có tình thương yêu, thì dù có cơ sở lý luận khoa học như thế nào thì cũng không thể thành công được”[13].

Hoàng Thị Liêm

_______________________

[1] Ghi âm NGND. PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh ngày 28-11-2020, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Sau là GS.TS, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

[3] Sau là PGS.TS, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương.

[4] Sau là GS.TS, nguyên Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam.

[5] Ghi âm NGND. PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh ngày 28-11-2020, đã dẫn.

[6] Ghi âm NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh ngày 28-11-2020, đã dẫn.

[7] Ghi âm NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh ngày 28-11-2020, đã dẫn.

[8] Ghi âm NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh ngày 28-11-2020, đã dẫn.

[9] Ghi âm NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh ngày 28-11-2020, đã dẫn.

[10] Bản đánh máy Hồi ký của PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, tr.63, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[11] Bản đánh máy Hồi ký của PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, tr.71, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[12] Ghi âm NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh ngày 28-11-2020, đã dẫn.

[13] Ghi âm NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh ngày 11-12-2020, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.