Nhà địa chất “anh hùng”, mà bình dị (Kỳ II)

Kỳ II: Những dấu ấn và di sản giá trị của nhà địa chất

“Dẫu có lúc màn trời chiếu đất

Gian nan càng thỏa chí tang bồng!”[1]

Quả thực, với Nguyễn Xuân Bao gian nan chẳng thể làm chùn ý chí của người đi chinh phục. Màn trời chiếu đất đã trở nên quá đỗi quen thuộc với cuộc sống của người làm địa chất như không khí để thở. Và thật thú vị khi gian khổ đó lại là gia vị đậm đà trong mỗi hành trình, là chất liệu làm nên những câu thơ mộc mạc của mỗi nhà địa chất. Suốt cuộc đời làm nghề, bước chân Nguyễn Xuân Bao, có lẽ, chưa bao giờ chùng xuống, kể cả khi đã ở độ tuổi ngoài 80. Và theo đó là những công trình, dấu ấn đậm nét ông để lại cho ngành cho đất nước.

Kể từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, khi Liên đoàn số 5 của Liên Xô sang Việt Nam để giúp khảo sát các mỏ quặng, phục vụ cho việc khai thác thì thực tế đã đặt ra yêu cầu phải thành lập Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam ở tỉ lệ 1/500.000 (vì lúc ấy đất nước đang chia cắt làm hai miền). Trước đó, người Pháp đã thành lập một số bản đồ địa chất tỉ lệ 1/200.000 nhưng còn rời rạc. Họ cũng đã tổng kết và thành lập bản đồ địa chất toàn Đông Dương ở tỉ lệ 1/2.000.000, nhưng bản đồ ấy còn sơ lược do trình độ về khoa học địa chất còn chưa được nhuần nhuyễn.

Khảo sát địa chất tại Măng Đen, Kon Tum, 5-2017

Năm 1959, chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam giúp thành lập Bản đồ Địa chất miền Bắc tỉ lệ 1/500.000. Đoàn Bản đồ 20 (Tổng cục Địa chất) được giao nhiệm vụ kết hợp với các chuyên gia Liên Xô để thực hiện bản đồ này. Nguyễn Xuân Bao tham gia công trình này và được phân công về đội do GS Dovjikov và nhà địa chất Bùi Phú Mỹ phụ trách. Tây Bắc, nơi chứa đựng nhiều bí ẩn của lòng đất đã lôi cuốn Nguyễn Xuân Bao mãnh liệt. Mà nói như lời khuyên của GS Dovjikov đối với nhà địa chất Bùi Phú Mỹ thì: “Đời anh, đời con, đời cháu anh nghiên cứu cũng chưa thể phát hiện được những bí ẩn của Tây Bắc”[2]. Những năm tháng tầm sư học đạo ấy càng làm ông trưởng thành hơn với nghề. Năm 1964, công trình Bản đồ Địa chất miền Bắc tỉ lệ 1/500.000 hoàn thành. Được trong hành ngũ những người tham gia – đó là sự động viên lớn đối với Nguyễn Xuân Bao, bước đầu ông đã được ghi nhận vai trò trong một công trình mang tầm cỡ thế kỷ ở Việt Nam. Công trình này giúp chúng ta nhận biết được cấu tạo địa chất miền Bắc Việt Nam, lịch sử phát triển địa chất miền Bắc Việt Nam, là tài liệu được điều tra ở chất lượng tỉ mỉ và chi tiết hàng đầu ở Châu Á vào thời điểm ấy.

Song song với việc tham gia khảo sát, lập Bản đồ miền Bắc tỉ lệ 1/500.000, năm 1963, Nguyễn Xuân Bao còn được giao nhiệm vụ làm chủ biên tờ bản đồ địa chất 1/50.000 vùng Nậm Muội tỉnh Sơn La. Kết quả của bản đồ này là đã lập ra hệ tầng Yên Châu tuổi Creta, phân vị địa tầng mới, phục vụ công cuộc tìm kiếm Niken ở Sơn La. Công trình đó có những phát hiện nhất định về mặt khoa học, cho đến nay vẫn còn tính thời sự. Đây cũng là công trình đầu tiên ông đứng vai trò chủ biên. Bản đồ địa chất vùng Nậm Muội được hoàn thành vào năm 1965, đánh dấu thành công của một nhà địa chất tiếng tăm trong tương lai.

Năm 1965, Nguyễn Xuân Bao tiếp tục được giao đảm trách chủ biên tờ Bản đồ Địa chất Vạn Yên tỉ lệ 1/200.000 ở Tây Bắc. Công trình này được hoàn thành sau 5 năm, có chất lượng vượt trội, được Tổng cục Địa chất khen thưởng. Ông chia sẻ: “Tờ Bản đồ Vạn Yên bao quát cả Sơn La, Hòa Bình, Nghĩa Lộ, Phú Thọ, vùng hạ lưu sông Đà, từ Yên Bái chạy sang Mộc Châu, xuống Hòa Bình. Qua công trình đó tôi cũng trưởng thành, vượt lên, nên được về làm ở tổ Tổng hợp tài liệu, rồi về làm Phó trưởng phòng kỹ thuật của Liên đoàn Bản đồ Địa chất”. Theo đánh giá của Hội Địa chất Việt Nam, công trình Bản đồ Địa chất Vạn Yên “có tầm cỡ, làm chín dần khả năng quan sát và tổng hợp của KS Nguyễn Xuân Bao”.

Cũng vào thời điểm 1965 đó, nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng trang lứa được cử ra nước ngoài để làm nghiên cứu sinh hoặc thực tập sinh, Nguyễn Xuân Bao không cảm thấy buồn, mà vẫn tiếp tục với những nhiệm vụ được giao phó. Năm 1970, ông được giao đo vẽ và lập tờ Bản đồ Hoà Bình – Suối Rút tỉ lệ 1/100.000, nhằm chuẩn bị nền địa chất cho công trình thuỷ điện Hoà Bình – công trình trọng điểm của Việt Nam lúc bấy giờ.

Tháng 10-1973, Nguyễn Xuân Bao cùng 14 cán bộ của Cục Bản đồ Địa chất bất ngờ nhận được quyết định điều động đi B. Số cán bộ này tập trung ở Như Quỳnh, Hưng Yên để thành lập Đoàn Bản đồ Địa chất B3 với nhiệm vụ đo Đo vẽ Địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1/200.000 ở các vùng giải phóng B3 (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk) và K5 (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Công việc bước đầu là khảo sát khái quát để chọn diện tích nghiên cứu, lập bản đồ cụ thể. Cái tên B3 được lập ra là cách gọi phân biệt với các đoàn đã vào khảo sát Tây Nguyên từ trước đó. Trưởng Ban chỉ huy Đoàn B3 là KS Nguyễn Xuân Bao, ông trực tiếp phụ trách việc lập bản đồ; ông Lê Giang là Phó đoàn, phụ trách điều tra khoáng sản; ông Trịnh Quang Hạo là Phó đoàn, phụ trách công tác hậu cần, kiêm Bí thư chi bộ.

Trước khi lên đường vào miền Nam, Đoàn Bản đồ Địa chất B3 tập trung tại Cục Vật tư địa chất đóng tại Yên Viên, Gia Lâm trong vòng 3 tháng để an dưỡng, nhận trang thiết bị cá nhân, hoàn thiện mọi mặt về công tác chuẩn bị. Trong quá trình ấy, Đoàn đã tiếp nhận thêm 19 cán bộ, nâng tổng số là 34 thành viên trong đoàn, gồm 7 kỹ sư địa chất, 2 kỹ sư địa vật lý, 11 kỹ thuật viên trung cấp, 7 công nhân kỹ thuật, 4 lái xe, 1 bác sĩ và 2 cán bộ quản lý. Đoàn cũng được cấp cho 1 xe con (Gaz 69) và 2 xe tải 3 cầu (Zil 157) và được trang bị một số súng đạn để phòng thân.

Một ngày đầu tháng 3-1974, Tổng cục Địa chất phối hợp với Ủy ban Thống nhất của Chính phủ tổ chức long trọng lễ xuất quân. Đi làm nhiệm vụ ở những vùng còn nguy hiểm, những nhà địa chất như Nguyễn Xuân Bao chẳng nề hà gian khó, chẳng mảy may suy nghĩ, sợ hãi về sự khốc liệt của chiến tranh. Ai nấy đều phơi phới, mong sẽ hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra, thu được nhiều chiến quả. Đoàn địa chất B3, cũng như những chiến sĩ ngoài tiền phương, chỉ có điều khác về nhiệm vụ – công việc của họ âm thầm và tỉ mỉ rất nhiều. Kể từ ấy, họ bắt đầu những tháng ngày “đội mũ tai bèo, đêm nằm võng”. Hình ảnh ấy thơ mộng, oai hùng chẳng kém gì những chiến sĩ giải phóng quân: “Lưng giắt súng lục, địa bàn/ Tay cầm chắc búa, gian nan sá gì”.

Cuộc hành trình đi B gian nan ngày ấy, được ghi lại sinh động theo dòng ký ức của ông: “Lúc vào thì vào từ Trường Sơn Tây, qua Lao Bảo, đi vào vùng A Tô Pơ, rồi Kon Tum, từ đó xuống Quảng Nam. Từ Quảng Nam tôi vào các vùng giải phóng khác. Lúc đó hình thái chiến tranh, địch chỉ ở các đô thị và dọc đường số 1, còn các vùng khác thì đã giải phóng khá rộng lớn. Trên các lộ trình phần lớn tôi được đi bằng ô tô, rồi đi bộ tới những điểm cần đến. Lúc bấy giờ những con đường của quân giải phóng đã tương đối nhiều rồi. Có thể vào tới Đắc Lắc, Bình Định bằng ô tô. Cho nên khảo sát được nhiều. Khi ra Bắc, chúng tôi đem 2 xe mẫu để thực hiện công tác văn phòng”. Một số cán bộ đã hi sinh, mãi mãi nằm lại trên đường làm nhiệm vụ khảo sát địa chất. Đó cũng là những giá trị thiêng liêng, góp phần làm nên thành công của tờ Bản đồ Địa chất sau này.

Tháng 7-1974, sau mấy tháng lăn lộn khắp các vùng đất ở miền Nam và Tây Nguyên, KS Nguyễn Xuân Bao cùng các kỹ sư Trần Tỵ, Lê Giang, Nguyễn Huy Tâm, Nguyễn Thành Tín sắp xếp những tài liệu, mẫu quặng, đá thu thập được mang ra Bắc để xử lý. Việc đầu tiên khi ra Bắc là gửi các mẫu vật đến các phòng thí nghiệm để phân tích. Chỉ trong các tháng 8 và 9-1974, Đoàn đã nhận được 10 kết quả xác định cổ sinh từ Đoàn nghiên cứu Địa chất 45 và hầu hết các kết quả phân tích mẫu đá, thạch học, khoáng vật từ Phòng phân tích, Cục Bản đồ. Riêng mẫu xác định tuổi tuyệt đối phải đợi lâu hơn mới nhận được kết quả từ các viện nghiên cứu của Liên Xô. Trên cơ sở các tài liệu thu thập được từ thực địa, những kết luận từ phòng thí nghiệm, KS Nguyễn Xuân Bao đã chủ trì xây dựng báo cáo đợt khảo sát, trình lên Cục Bản đồ và Tổng cục Địa chất.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Bao và đồng sự nhận định hiện trạng các vùng giải phóng ở miền Nam khá rộng lớn, có các điều kiện khả thi cho công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản ở tỷ lệ nhỏ. Ông cũng cho rằng những tài liệu mà người Pháp để lại còn khá sơ lược, nhiều sai sót, không thể làm cơ sở cho việc điều tra, đo vẽ bản đồ ở tỉ lệ 1/200.000. Bởi vậy, ông đề xuất phải thành lập bản đồ địa chất trên toàn miền Nam tỉ lệ 1/500.000. Ý tưởng đó ngay lập tức được Cục Bản đồ và Tổng cục Địa chất ủng hộ, cho phép lên phương án để thực hiện.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Bao kể: “Báo cáo của tôi có sức thuyết phục. Tôi cho rằng không nên triển khai một bản đồ ở một vùng với tỉ lệ 1/200.000 mà phải làm toàn bộ miền Nam. Với vùng giải phóng tương đối rộng sau Hiệp định Paris thì đã đủ diện tích làm cả miền Nam. Thống nhất đất nước, tôi hăm hở trở lại miền Nam ngay, xem xét các điều kiện để thực hiện. Trong khi đó Cục Bản đồ chuẩn bị lực lượng khoảng 500 người đưa vào miền Nam. Tôi được giao nhiệm vụ làm chủ biên tờ Bản đồ Địa chất miền Nam tỉ lệ 1/500.000”. Tháng 1-1975, Tổng cục Địa chất đã tổ chức cuộc họp để xem xét các phương án thực hiện việc lập bản đồ Địa chất miền Nam tỉ lệ 1/500.000. Cuộc họp diễn ra tại Như Quỳnh, Hưng Yên, với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học. Nhiều phương án, ý kiến được đưa ra để làm hoàn chỉnh hơn kế hoạch thực hiện tờ bản đồ địa chất này.

Những ngày cuối tháng 4-1975, tin chiến thắng dồn dập được thông báo, như nguồn động viên lớn với KS Nguyễn Xuân Bao cùng các đồng nghiệp. Ngày 30-4-1975, Đất nước thống nhất – một niềm hạnh phúc lớn lao, và cũng là động lực để ông quyết tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Những ngày đầu tháng 5, ông trở lại miền Nam, và lần này không cần phải xuyên Trường Sơn, mà cứ quốc lộ 1 thẳng tiến. Tháng 11-1975, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất Nguyễn Văn Điệp ký Quyết định thành lập ba Liên đoàn Địa chất 5-6-7 để chính thức triển khai việc tìm kiếm, thăm dò khoáng sản và nước ngầm trên toàn miền Nam. Song song với nó là việc ký Quyết định thành lập Đoàn 500 trực thuộc Cục Bản đồ để thực hiện việc lập Bản đồ Địa chất miền Nam tỉ lệ 1/500.000 (trước đó đã được Tổng cục Địa chất phê duyệt). Cũng kể từ thời điểm này, Đoàn Bản đồ Địa chất B3 chính thức giải thể, nhập vào Đoàn 500 để thực hiện một sứ mệnh mới.

Suốt 5 năm, KS Nguyễn Xuân Bao có mặt ở mọi địa danh của miền Nam, từ đất liền đến biển đảo, thỏa chí khám phá và cháy hết mình cho những đam mê. Và thành công chẳng bao giờ ngoảnh mặt với những người chân thành, tâm huyết như ông và các đồng nghiệp. Năm 1981, 5 năm sau quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử này, tại Hội nghị khoa học Địa chất được tổ chức ở Hà Nội, thay mặt Liên đoàn Bản đồ, KS Nguyễn Xuân Bao đã báo cáo kết quả thành lập tờ Bản đồ Địa chất miền Nam tỉ lệ 1/500.000. Báo cáo được toàn thể Hội nghị hoan nghênh, đánh giá cao. Nhà báo Nguyễn Như Mai đã ví: “Tờ bản đồ như bức chân dung chân thật và đẹp đẽ của Tổ quốc thống nhất”[3].

Sau khi hoàn thành Bản đồ Địa chất miền Nam tỉ lệ 1/500.000, KS Nguyễn Xuân Bao đề đạt với Tổng Cục trưởng Tổng cục địa chất Trần Đức Lương về việc thống nhất bản đồ địa chất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trên cơ sở hai tờ Bản đồ Địa chất miền Bắc tỉ lệ 1/500.000 và Bản đồ Địa chất miền Nam tỉ lệ 1/500.000 được biên soạn thành Bản đồ Địa chất Việt Nam tỉ lệ 1/500.000. Đồng chủ biên cho công trình này chính là hai nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao và Trần Đức Lương. Bản đồ này được Tổng cục Mỏ và Địa chất xuất bản năm 1988, cho đến nay vẫn có giá trị tham khảo cơ bản.

Sau những thành công lớn trong hành trình thành lập Bản đồ địa chất đó, đóng góp của KS Nguyễn Xuân Bao đã in đậm ở mỗi công trình. Năm 1981, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ mới – Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất. Hai năm sau đó, ông được cử làm Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất 6, phụ trách tổng hợp, điều tra địa chất khu vực miền Nam Việt Nam. Trên cương vị mới, trong những năm 1992-1993, ông chịu trách nhiệm hiệu đính các tờ bản đồ địa chất và khoáng sản tỉ lệ 1/200.000 toàn miền Nam Việt Nam, chuẩn bị cho việc xuất bản chúng.

Những công trình khoa học trong cuộc đời làm địa chất của KS Nguyễn Xuân Bao luôn có chất lượng tốt, được những người trong nghề đánh giá cao. Bởi vậy Hội Địa chất Việt Nam mới đánh giá: “Trong cuộc sống, có những tên tự nó có giá trị trong cộng đồng, không cần hàm, tước gì đi kèm. Nguyễn Xuân Bao thực sự là một tên tuổi như vậy”[4].

Đã 86 tuổi đời và có tới 66 tuổi nghề, nhưng bước chân của Anh hùng Địa chất Nguyễn Xuân Bao vẫn ghi dấu ở mọi vùng miền của Tổ quốc. Hình ảnh ông luôn quen thuộc, gần gũi trong mắt bạn bè, đồng nghiệp khắp trong Nam, ngoài Bắc. Chưa nghĩ tới chuyện dừng chân, bởi theo ông: Thọ sắp chín mươi tưởng đời chùng/ Ai dè ông lão hãy còn sung/ Ngang dọc đó đây cùng trời biển/ Sá chi sương gió với bão bùng !…

Tôi cứ ấn tượng mãi với nụ cười hồn nhiên, vô tư của Anh hùng Nguyễn Xuân Bao. Cả đời ông đã dành trọn cho khoa học, cho đất nước và vẫn sẽ tiếp tục cống hiến. Ngành Địa chất may mắn đã có được một nhà khoa học, một vị Anh hùng như thế.

 “Sẽ là thiếu sót và sai lầm nếu nghiên cứu về lịch sử ngành địa chất Việt Nam mà không nhắc tới Anh hùng Lao động Nguyễn Xuân Bao”. – GS.TSKH Lê Đức An, Nguyên Viện trưởng Viện Địa lý Việt Nam.

“Các bạn của tôi được cử đi học ở nước ngoài rất nhiều, có học vị, học hàm khá cao. Việc không được đi học không có gì phải hối tiếc, vì mình vẫn có thể nâng cao trình độ, vẫn theo kịp các nhà khoa học có uy tín khác. Đương nhiên nếu được đi học thì tốt hơn nhiều, nhưng vì hoàn cảnh, nhiệm vụ cứ nối tiếp nhau, buộc mình phải thực hiện”. (KS Nguyễn Xuân Bao). 

Nguyễn Thanh Hóa

________________________

*  KS Nguyễn Xuân Bao, nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất 6, Phó Chủ tịch Hội Địa chất Việt Nam. Xem thêm kỳ I: Khoác balo theo chuyên gia.

[1] Thơ của AHLĐ Nguyễn Xuân Bao.

[2] Tài liệu ghi âm nhà địa chất Bùi Phú Mỹ, 26-5-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Kỷ niệm 40 năm các đoàn Địa chất đi B (1973-2013), tr.21

[4] Nhà Địa chất lâu năm – Anh hùng Lao động Nguyễn Xuân Bao 60 tuổi, Tạp chí Địa chất, số 235, 1996