Nhà địa chất “anh hùng”, mà bình dị (Kỳ I)

Kỳ 1: Khoác balo theo chuyên gia

Ấn tượng đầu tiên

Đã từng nghe danh nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao, nhưng mãi đến tháng 5-2019 tôi mới lần đầu tiên được gặp ông tại nhà riêng. Con đường nhỏ, lắt léo dẫn tôi đến nhà ông, nằm trên con phố Kim Biên vắng vẻ, khác hẳn với sự nhộn nhịp, huyên náo của một đô thị sầm uất, phát triển nhất trong nước. Chiều tháng 5, Sài Gòn vẫn nắng nóng như cái thời tiết đặc trưng đã có từ bấy nhiêu năm. Căn nhà hẹp, cũ kỹ khác hẳn với hình dung ban đầu của tôi. Tôi cứ tưởng nhà của một Anh hùng lao động, một nhà địa chất hàng đầu, nổi tiếng ở Việt Nam phải to đẹp, chứ đâu có thể như vậy. Đồng nghiệp cùng đi cho biết, năm trước, cuộc trò chuyện của Trung tâm với kỹ sư Nguyễn Xuân Bao cũng đã diễn ra trong căn phòng làm việc của ông: chật hẹp, nóng nực, tấm trần nhựa treo lơ lửng giữa nhà tưởng như có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào.

Mở cửa đón chúng tôi, ông cười tươi, đưa tay về phía trước hồ hởi chào đón những “người bạn nhỏ” từ miền Bắc. Ông nói ngay: “Ở Hà Nội vào hả? Vào khi nào?”. Chúng tôi phải nói rất to, vì ông chẳng nghe được. Ông giải thích cho sự việc này: “Vừa rồi ra Hà Nội, chẳng biết thế nào mà rơi mất chiếc máy trợ thính”. Rồi ông lại cười tươi. Đã ở tuổi 86 mà nụ cười ấy vẫn trẻ trung, cuốn hút đến lạ. Ông cho biết rất thích thú với hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ấn tượng với cách làm việc tâm huyết của các bạn trẻ ở Trung tâm. Trò chuyện với ông, chúng tôi lại càng mến phục tài năng, nhân cách của một người đã có 65 tuổi nghề, rong ruổi trên khắp các vùng miền của đất nước, đã vào sinh ra tử để hoàn thành nhiệm vụ ngành địa chất giao phó. Mỗi khi cần hỏi, tôi phải tiến đến và ghé sát vào tai ông. Với từng câu hỏi, ông đều cười lớn, tỏ vẻ hài lòng và bắt đầu diễn giải những vấn đề chúng tôi thắc mắc. Từng chi tiết, bối cảnh cụ thể được mở ra như những trang sách về cuộc đời ông, gắn liền với ngành khoa học địa chất. Khi dõi theo trang facebook của ông, tôi thật ngạc nhiên là ông vẫn đi điền dã khắp trong Nam, ngoài Bắc. Trên tay ông là chiếc búa đặc trưng của nghề, đầu đội chiếc mũ vải đã sờn và bạc màu.

Ấn tượng về ông không chỉ bởi tài năng, mà còn bởi tình yêu của ông dành cho nghề, cho đất nước và những người xung quanh. Bởi thế, dù không phải người trong nghề, tôi vẫn muốn viết điều gì đó về ông, như bày tỏ sự cảm phục của một người trẻ đối với thế hệ đi trước, một người “khổng lồ” trong ngành địa chất.

Những thử thách vào nghề

AHLĐ Nguyễn Xuân Bao sinh năm 1935 trong một gia đình quan lại ở Huế, bố từng là Lang trung và Tá lý Bộ Lại của triều đình nhà Nguyễn trước năm 1945. Ông sinh ra và có tuổi thơ gắn liền với xứ Huế. Trong kháng chiến chống Pháp, ông học ở các trường Phan Chu Trinh ở Quảng Nam và Lê Khiết ở Quảng Ngãi.

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), Nguyễn Xuân Bao tập kết ra Bắc và chỉ ít lâu sau thì được tuyển vào lớp sơ cấp địa chất. Với chàng thanh niên mới 20 tuổi, việc ra Bắc và tham gia lớp học ấy được coi là thời cơ lịch sử. Lớp sơ cấp địa chất diễn ra chỉ vỏn vẹn trong khoảng 6 tháng của năm 1955. Theo cách nhìn của ông thì sau giải phóng miền Bắc, một trong những việc đầu tiên của ngành địa chất là khôi phục các mỏ đã được phát hiện và khai thác từ thời Pháp thuộc. Mà muốn thực hiện nhiệm vụ đó thì phải nắm lại tình hình các mỏ. Bởi vậy, Liên đoàn Địa chất số 5 của Liên Xô sang để hỗ trợ Việt Nam, họ tuyển dụng lớp công nhân kỹ thuật, đào tạo những kiến thức sơ bộ về địa chất. Nghe nói địa chất được đến khắp các vùng núi cao biển rộng, thỏa mong ước tuổi thanh niên là được đi đây đi đó, hòa mình với thiên nhiên nên Nguyễn Xuân Bao rất hứng thú. Việc vào học lớp địa chất là bất ngờ, là duyên may với ông.

Tham gia lớp sơ cấp địa chất, Nguyễn Xuân Bao biết được những kiến thức cơ bản về địa chất đại cương, trong đó nói về khoáng vật, đất đá, lịch sử hình thành trái đất… Ông từng chia sẻ: “Khóa học này giúp mình không những có nhận thức về địa chất mà còn là dịp để quen biết hơn 100 anh em – những người tham gia lớp học địa chất đầu tiên. Sau này đó là những người có đóng góp nhất định cho ngành địa chất. Cho tới bây giờ, người còn người mất nhưng ai cũng nhớ tới ngày đầu tiên học lớp sơ cấp địa chất”.

Sau khoảng thời gian ngắn ngủi tham gia lớp học “vỡ lòng” về địa chất, từ cuối năm 1955 đến 1957 chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Bao được vác balo theo chân các chuyên gia Liên Xô đi thực địa ở nhiều nơi của miền Bắc. Lúc đó Liên đoàn Địa chất số 5 của Liên Xô phái sang Việt Nam được chia nhiều đội, mỗi đội đi sâu vào một chuyên đề. Nguyễn Xuân Bao cùng Trần Đức Lương[1] tham gia trong các đội tìm kiếm chì, kẽm và than do chuyên gia Liên Xô – Vladimir Maximovitch Jeleznov dẫn đầu. Bên cạnh đó, còn có những đội khác làm apatit, thiếc, đồng, khoáng sản phi kim loại… Hai thanh niên trẻ luôn được cử đi tiền trạm, tìm hiểu các điều kiện vật chất, liên hệ với địa phương, hậu cần trước mỗi chuyến đi. Họ được phát một chiếc xe đạp dân sinh và thường chở nhau rong ruổi trên khắp các nẻo đường. Đường từ Bắc Cạn vào Chợ Đồn, Na Hang… lúc lên dốc, khi xuống đèo. Chiếc xe đạp dân sinh vì thế mà cũng hư hỏng đi nhiều. Chiếc vành xe đạp yếu ớt chẳng thể chịu đựng được sức nặng của hai thanh niên. Mỗi khi vành xe bị vênh, ông lại dùng chân đạp vào vành, xe chạy được là lại tiếp tục hành trình. Có lần xuống dốc mà phanh xe không ăn, hai ông phải lao vào bụi rậm bên đường để dừng xe an toàn. Các mỏ chì, kẽm ở các vùng Bắc Cạn, Tuyên Quang, Đồng Mỏ… đều ghi đậm dấu chân của những chàng thanh niên mới chập chững vào nghề.

Nhà Địa chất Nguyễn Xuân Bao, ở tuổi 84 ông vẫn mê mải với nghề khảo sát. Lệ Thủy, Quảng Bình, 6-2019

Trong đợt đi tiền trạm ở Chợ Đồn, Nguyễn Xuân Bao và Trần Đức Lương phát hiện ra một mỏ quặng mới và báo cáo chuyên gia Liên Xô. Ông kể: “Trong lúc rỗi rãi chúng tôi ra suối đập đá, phát hiện mạch quặng Piarit – dùng làm axit sunfuric, để cùng apatit chế biến supe phốt phát. Quặng ấy lúc đó rất quý để phục vụ cho nông nghiệp. Sau đó Giám đốc Sở Địa chất là Hồ Đắc Liên đã tuyên dương chúng tôi, có công tìm tòi và phát hiện ra được cái mỏ như vậy”[2]Năm sau (1957), Nguyễn Xuân Bao rời sang đội khảo sát than ở vùng Hà Nam, Ninh Bình… Ngoài ra ông còn đến một số điểm quặng sắt ở Diễn Châu (Nghệ An), Nông Cống (Thanh Hóa). Những ngày tháng hồn nhiên, vô tư vác balo theo chuyên gia Liên Xô như khơi dậy, nuôi dưỡng niềm đam mê địa chất đối với Nguyễn Xuân Bao. Đó là khoảng thời gian ông vừa học nghề, vừa xây đắp tình yêu với nghiệp đời mình.

Sau gần 2 năm công tác, Nguyễn Xuân Bao được về Hà Nội và thi vào trường Đại học Bách khoa, khoá 2. Đến năm 1959, mặc dù vẫn là sinh viên nhưng ông được phân công về Đoàn Bản đồ địa chất 20 để tham gia lập bản đồ Địa chất miền Bắc tỉ lệ 1/500.000. Lại vác balo trên vai, ông được theo một nhà địa chất lừng danh của Liên Xô – GS Dovjikov, người đảm nhiệm việc nghiên cứu, khảo sát vùng Tây Bắc Việt Nam. Nguyễn Xuân Bao và nhiều cán bộ Việt Nam được theo chuyên gia này thực địa ở nhiều vùng đất khác nhau, để giúp việc và học tập. Ông tâm sự: “Trong quá trình học ở trường và những năm trước có đi theo chuyên gia nên tôi nói được tiếng Nga, được giao việc phiên dịch tiếng Nga, giúp việc cho GS Dovjikov. Qua những năm đó con người mình được tôi luyện rất nhiều, vượt lên khó khăn của thiên nhiên, đồng thời duy trì cuộc sống của người địa chất”.

Có đợt khảo sát, Nguyễn Xuân Bao được giao phụ trách một lộ trình riêng biệt bằng xuồng cao su. Ký ức về những chuyến đi ấy vẫn còn nguyên, như mới diễn ra ngày hôm qua: Năm 1962, GS Dovjikov giao cho Nguyễn Xuân Bao cùng một cán bộ sơ cấp địa chất khảo sát lộ trình từ Lai Châu đến ngã ba biên giới Trung Quốc, Việt Nam, Lào. Hai người thuê ngựa chở xuồng cao su và đồ đạc đi cùng. Đến suối Nậm Hô thì đi bằng xuồng, bắt đầu lộ trình khảo sát. Để phục vụ công việc, các ông thuê hai dân công người Hà Nhì đi theo hỗ trợ. Dọc theo lộ trình là con suối Nậm Ma chảy song song với đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Qua bản người Thái đầu tiên, dọc theo suối không có dân cư sinh sống, xung quanh chỉ có núi rừng hoang vu. Có đoạn, xuồng đi rất êm nhưng có đoạn nước chảy rất mạnh, hiểm nguy có thể đến bất cứ lúc nào. Hai dân công đi cùng, sau hôm đầu phải bỏ cuộc vì 4 người ngồi trên một chiếc xuồng vướng và nguy hiểm hơn. Họ gốc là người địa phương nhưng cũng rất sợ những con thác nổi giận. Nguyễn Xuân Bao cùng người đồng nghiệp tiếp tục công việc của mình. Đi tới đâu ghé vào bờ đập đá, đo thế nằm, khảo sát đá ở đó. Có những tối phải nằm ngay trên những cồn cát cạnh bờ suối, giăng màn và đốt lửa xung quanh để ngủ. Có đêm, còn phát hiện thú rừng tới ngửi, may là chúng lại bỏ đi. Có chặng gặp ba con hổ, khi thì thấy những bãi phân voi mới thải.

“Nhưng không gian nan bằng lộ trình thứ hai, tôi và anh Toàn – công nhân đi từ đầu nguồn suối Nậm Mu về sông Đà. Không may, ngay ngày đầu gặp gió mùa Đông Bắc, mưa cả ngày, nước lũ dâng lên càng lúc càng cao. Trước khi lũ về, người Thái cắm đăng để bắt cá. Mỗi lần gặp đăng của họ phải khiêng xuồng đi qua. Có nhiều đoạn phải kéo xuồng qua suối cạn, qua những bãi đá. Có một lần kéo như thế, xuồng bị thủng. Nhớ lại trong truyện Giông tố, Nghị Hách lấy rạ nhồi vào lốp ô tô. Mình lên ruộng của người Thái vơ ít rạ độn vào cho nó phồng lên mà đi tiếp. Có đoạn gặp mưa, lũ lên, tối đến, dọc bờ suối cũng không có chỗ mà nằm. Gạo, chăn màn, ướt sũng. Qua bản người Xá, bước lên bờ anh nào cũng run cầm cập. Đồng bào ở đó đốt lửa hơ cho ấm, cho áo quần mới, cho xôi, thịt và uống rượu vui vẻ. Sáng hôm sau lại đi tiếp. Chiều hôm đó gặp xuồng cao su của Đặng Vũ Khúc và Bùi Phú Mỹ cũng đang khảo sát một lộ trình. Nước rút xuống nhanh, xuồng của ông Mỹ lao phải những vìa đá lòi ra, văng ông Khúc xuống nước. Ông Khúc trôi dập dềnh giữa suối kêu với lên: đồng chí Bao ơi … May mà thoát chết” – Ông Bao hồi tưởng lại.

Những lộ trình khảo sát thông qua lời kể của nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao khiến chúng tôi như được trải nghiệm một không gian địa lý, địa chất kỳ thú, sống động và chân thực, đặc biệt là cảm nhận được những trạng thái cảm xúc, khi hồi hộp, lo lắng, khi lại vui sướng, hạnh phúc của những nhà địa chất. Câu chuyện ấy còn được tiếp tục trong hành trình cuộc đời của nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao, mà chúng tôi sẽ có dịp được lắng nghe, ghi chép lại.

Nguyễn Thanh Hóa

_______________________

[1] Ông Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam. Ông từng là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất (1979 -1987).

[2] Sau khi phát hiện ra mỏ quặng, các ông báo ngay cho chuyên gia Liên Xô. Sau đó, Sở Địa chất tổ chức đoàn tới điều tra mỏ quặng đó. Sau gần một năm điều tra thì thấy mặc dù bên trên có biểu hiện quặng tốt nhưng xuống sâu, do sự phức tạp của cấu tạo địa chất nên trữ lượng quặng ít, việc ấy phải dừng lại. Đó là điểm đầu tiên Nguyễn Xuân Bao và Trần Đức Lương có công phát hiện và đề xuất thăm dò nhưng sau đó kết quả không được như ý.