Năm 1947, cậu bé Văn Ngọc Hướng 8 tuổi đang sống yên bình trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình trên quê hương Quảng Trị, thì thực dân Pháp đưa quân chiếm đóng. Với chiến lược “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, quân Pháp đã gây ra nhiều vụ thảm sát đẫm máu. Không khí đau thương, tang tóc bao trùm khắp các làng quê. Gia đình Văn Ngọc Hướng ở thôn Long Hưng (Hải Lăng) cách thành Quảng Trị 1 cây số về phía nam cũng không tránh khỏi những trận càn thảm khốc. Một ngày cuối đông năm 1947, quân Pháp tấn công vào làng từ mờ sáng khi nhiều gia đình vẫn đang say giấc, nghe tiếng súng cả làng hốt hoảng chạy giặc. Văn Ngọc Hướng vẫn đang ngái ngủ, nhưng cũng kịp bật dậy chạy ra chuồng trâu giúp bố mở cửa chuồng đánh trâu vào rừng. Sau đó cậu quay lại giúp mẹ và các em chạy trốn nhưng không kịp. Hai em gái còn nhỏ, mẹ mới sinh em thứ 3 nên không đi nhanh được, mới ra đến sân quân Pháp đã ập vào ngõ. Văn Ngọc Hướng kịp chạy rồi nhảy xuống con sông Nhùng trước nhà, ba tên lính Pháp đuổi theo xả súng và ném lựu đạn. Tưởng rằng Văn Ngọc Hướng đã chết, chúng quay lại đốt phá nhà cửa mà không biết khi nhảy xuống sông, cậu đã lặn ngược trở lại bờ, nấp ở bụi cây ngay dưới chân chúng.
Khi chỉ còn tiếng súng xa xa vọng về, Văn Ngọc Hướng mới dám từ dưới bờ sông chạy về nhà. Trước mắt cậu là ngôi nhà đã cháy rụi, bồ thóc bén lửa vẫn cháy âm ỉ, ngoài sân mẹ đã bị quân Pháp bắn chết, trên tay vẫn ôm con gái út. Cậu đau đớn bế em gái chạy đi tìm bố và hai em. Sau ngày tang tóc đó gia đình Văn Ngọc Hướng sống dựa vào số thóc ít ỏi chưa bị cháy hết. Khi những người dân thôn Long Hưng chưa hết bàng hoàng sau cái chết của người thân thì quân Pháp tấn công vào làng lần thứ hai, lần này bố cậu bị trúng đạn vào hông, phải điều trị gần một năm mới hồi phục. Kể từ ngày bố bị thương, Văn Ngọc Hướng trở thành trụ cột gia đình, hàng ngày cậu vừa bế em út đi khắp xóm xin sữa vừa chăm sóc bố.
PGS.TS Văn Ngọc Hướng thường xúc động khi nhớ về tuổi thơ |
Trước ngày Pháp đánh chiếm Quảng Trị, Văn Ngọc Hướng học chữ với một người anh trong làng cho đến khi đọc thông viết thạo. Sau ngày mẹ mất, nhà bị đốt, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nhưng Văn Ngọc Hướng quyết tâm học tiếp. Cậu sang làng Quy Thiện xin học ở trường tư của ông giáo Quỳ. Học được 2 năm không đủ tiền học phí cậu thi vào trường công lập ở cửa hữu thành Quảng Trị. Đây là ngôi trường chủ yếu dành cho con em của những người làm việc cho Pháp. Năm 1950, Văn Ngọc Hướng đăng ký và thi đỗ vào lớp nhất (lớp 5). Các bạn cùng lớp dù có điều kiện nhưng đều nể phục kết quả học tập của người bạn sớm phải mồ côi mẹ. Hướng học giỏi môn toán nhất lớp và rất hào phóng chia sẻ cách làm bài tập với bạn bè kể cả hai anh em Hà, Duyên là con Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị. Cậu cũng thể hiện óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo qua môn thủ công, cậu nặn các đồ vật, con vật rất giống với hình mẫu nên thường được trưng bày trong phòng truyền thống của nhà trường. Cuối năm 1950, Văn Ngọc Hướng thi tốt nghiệp tiểu học và đứng thứ 2 toàn tỉnh Quảng Trị nên được nhận phần thưởng là một tập vở kèm theo bộ quần áo.
Tốt nghiệp tiểu học, Văn Ngọc Hướng thi vào lớp đệ thất (lớp 6) của một trường trung học ở thị xã Quảng Trị. Từ nhà đến trường không quá xa nhưng cậu vẫn lựa chọn phương án ở nhờ trong nhà một người họ hàng gần trường, như vậy cậu có điều kiện vừa học vừa làm và quan trọng hơn đó là cơ hội để sau này cậu có thể tham gia kháng chiến. Chứng kiến mẹ và nhiều người thân bị giết hại, Văn Ngọc Hướng rất đau đớn, căm thù giặc Pháp và nuôi chí trả thù cho mẹ cũng như những người dân thôn Long Hưng đã chết dưới họng súng quân xâm lược. Nhưng ngày đó cậu còn nhỏ lại phải chăm sóc gia đình chưa thể tham gia chiến đấu cùng đội du kích địa phương. Dù vậy gia đình cậu đã trở thành cơ sở bí mật, là điểm dừng chân nghỉ ngơi của cán bộ Việt Minh mỗi lần từ chiến khu về đồng bằng hoạt động. Khi Văn Ngọc Hướng đi học ở thị xã Quảng Trị, một cán bộ Việt Minh đã vận động cậu tham gia hoạt động bí mật, thu thập thông tin và theo dõi mọi biến động của quân Pháp ở thị xã Quảng Trị. Sau giờ học Văn Ngọc Hướng lân la làm quen với những lính gác người Việt ở đồn lính lê dương gần trường. Thông tin thu được cậu chuyển về chiến khu Ba Lòng qua hòm thư bí mật. Văn Ngọc Hướng còn làm nhiệm vụ rải truyền đơn, cờ đỏ sao vàng vào các dịp tết, ngày Quốc tế lao động 1-5, Quốc khánh 2-9. Dịp nghỉ hè, lợi dụng những đêm trời mưa cậu bí mật cùng người dân trong thôn tải gạo đến điểm tập kết để chuyển lên chiến khu nuôi bộ đội.
Năm 1953, khi đang học lớp đệ lục (lớp 7), Văn Ngọc Hướng bị bắt giam do một người đồng đội cùng hoạt động bị giặc Pháp bắt đã khaira cậu. Trong xà lim Quảng Trị hệ thống tra tấn vô cùng dã man, tàn bạo. Văn Ngọc Hướng bị đưa vào phòng tra tấn số 1, dù bị đánh, bị kề súng vào đầu uy hiếp, nhưng cậu kiên quyết không khai báo. Vậy là chúng đưa cậu đến phòng số 2 chích điện, sau mỗi lần tra hỏi kẻ thù lại tăng cường độ dòng điện lên mạnh hơn đến khi Văn Ngọc Hướng ngất lịm. Rồi chúng hắt nước lạnh vào mặt cho cậu tỉnh để tra tấn tiếp. Sau vài lần bị tra tấn như vậy, Văn Ngọc Hướng nghĩ ra cách khi bị chích điện giả ngất ngay, để tránh bị chích điện kéo dài. Không lấy được thông tin, kẻ thù đưa Văn Ngọc Hướng sang phòng tra tấn số 3 có tên “Phòng tàu thủy”. Những người bị đưa vào đây sẽ bị đổ nước ớt, xà phòng vào miệng, bị dẫm lên bụng. Nhưng dù bị tra tấn bằng hình thức nào thì kẻ thù cũng chỉ nhận được sự im lặng và ánh mắt căm hờn của người chiến sĩ nhỏ. Kẻ thù đưa kẻ phản bội đến đối chất nhưng cậu kiên quyết không nhận. Nghĩ rằng người này khai báo bừa nên chúng đưa vào phòng tra tấn số 4. Đó là một căn phòng nhỏ trên tường cắm nhiều mảnh thủy tinh sắc nhọn, người bị tra tấn bị treo giữa phòng và bị đẩy vào các bức tường cho đến chết. Văn Ngọc Hướng đã bị tra tấn qua 3 phòng thì có người đến thăm. Đó là hai anh em Hà, Duyên – bạn học cùng tiểu học. Nhờ chuyến thăm của hai người bạn đặc biệt (con Tỉnh trưởng), Văn Ngọc Hướng được ra khỏi xà lim và thoát được phòng tra tấn số 4. Sau 3 tháng giam cầm Văn Ngọc Hướng được trả tự do.
Sau khi thoát khỏi nhà lao, Văn Ngọc Hướng không thể tiếp tục hoạt động ở thị xã Quảng Trị bởi kẻ thù vẫn theo dõi sát sao, cậu tìm đường lên chiến khu Ba Lòng làm liên lạc cho Trung đoàn 95[1]. Văn Ngọc Hướng làm nhiệm vụ dưới sự chỉ huy của một liên lạc lớn hơn cậu 2 tuổi tên Trần Ngọc Tuấn. Một lần cả hai được giao nhiệm vụ về các thôn xóm liên hệ, vận động người dân ủng hộ gạo cho bộ đội. Trước khi đi nhóm được đơn vị phát cho 1 khẩu súng ngắn kèm theo 2 quả lựu đạn. Trên các con đường vào thôn xóm có nhiều bốt gác và ổ phục kích của quân Pháp nên phải rất thận trọng. Từng tiếp xúc với nhiều lính Pháp khi còn hoạt động ở thị xã Quảng Trị, Văn Ngọc Hướng đã “quen mùi lính”, vì thế khi phát hiện mùi lạ cậu báo hiệu cho đồng đội dừng lại để thăm dò. Nhưng do chủ quan trước lời cảnh báo, anh Tuấn cứ vượt lên phía trước, vừa đến đường tàu thì một loạt súng khô khốc vang lên xé tan màn đêm, Trần Ngọc Tuấn ngã xuống khi rơi vào ổ phục kích của giặc. Ngay sau đó các loại đại bác của Pháp ở thị xã Quảng Trị cũng bắn tới tấp về hướng có con đường dẫn lên chiến khu. Văn Ngọc Hướng lăn vội xuống rãnh nước gần đó ẩn nấp, đợi khi ngừng tiếng súng mới bò lên đường tàu tìm đồng đội. Thi thể người chỉ huy không còn nguyên vẹn, giặc Pháp đã chặt đầu anh cắm lên cọc ở gần đó. Trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm và đau thương, Văn Ngọc Hướng quyết định đưa thi thể anh Tuấn về thôn xóm gần đó nhờ người dân tìm cách lấy lại thủ cấp của anh về mai táng. Yên tâm về việc gửi gắm dân làng an táng chu đáo cho đồng đội, Văn Ngọc Hướng tiếp tục làm nhiệm vụ vận động, quyên góp gạo cho kháng chiến.
Năm 1954, miền Bắc được giải phóng, Trung đoàn 95 tập kết ra Bắc đóng ở Vĩnh Linh. Văn Ngọc Hướng trình bày nguyện vọng tiếp tục đi học và được đơn vị chấp thuận. Cầm giấy giới thiệu của đơn vị, Văn Ngọc Hướng xin vào học lớp 6 trường cấp 2 Vĩnh Linh. Tốt nghiệp trường cấp 2 Vĩnh Linh, Văn Ngọc Hướng được tuyển thẳng vào trường cấp 3 Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) vì đạt kết quả học tập xuất sắc. Sau này, vì đam mê với môn hóa nên ông quyết định thi vào khoa Hóa, trường Đại học Tổng hợp và đi theo con đường nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên. Trên chặng đường nghiên cứu khoa học, ông vẫn luôn giữ vững ý chí, tinh thần, không khuất phục trước khó khăn và cả những nỗi đau để đạt được nhiều thành tựu khoa học.
Lê Nhật Minh
———————————————————————-
* PGS.TS Văn Ngọc Hướng, chuyên ngành Hóa học, nguyên Phó Giám đốc Xưởng sản xuất hóa chất của trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Tiền thân là Chi đội Thiện Thuật, thành lập ngày 19-9-1945 ở tỉnh Quảng Trị, là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và là một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội Việt Nam.