Ký ức vào nghề

Năm 1964, khi đang là sinh viên ngành vật lý hạt nhân của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phùng Văn Trình ngoài đi dạy thêm, anh còn nhận làm công việc đóng than và chở than đi giao cho các nhà hàng có nhu cầu mua làm chất đốt. Cuối năm học thứ 4 (1966), thầy Lương Duyên Bình – Tổ trưởng tổ Vật lý đại cương trường Đại học Bách khoa sang trường Tổng hợp chọn một số sinh viên năm cuối ngành vật lý hạt nhân về Bách khoa làm cán bộ giảng dạy, trong đó có Phùng Văn Trình. Nhưng chờ mãi chưa thấy quyết định. Một ngày đầu tháng 12-1966, sau một ngày vất vả đổ than vào máy dập than hình quả bàng tại cơ sở sản xuất trên phố Nguyễn Công Trứ, trở về phòng ở ký túc xá trường Tổng hợp, Phùng Văn Trình nhận được một bì thư. Ông vội mở ra xem rồi mỉm cười mãn nguyện, đó là giấy thông báo tiếp nhận công tác của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sáng hôm sau Phùng Văn Trình đến trường Bách khoa, học kỳ 1 của niên khóa 1966-1967 sắp kết thúc nhưng sân trường vắng lặng không có một bóng sinh viên. Hơn một năm trước, trường Đại học Bách khoa đã sơ tán lên Lạng Sơn với tên gọi trường Văn hóa Hà Huy Tập, cả trường chỉ còn khoa Tại chức ở lại Hà Nội. Ông tìm đến văn phòng bộ môn Vật lý thì cũng chỉ có 1-2 cán bộ đang ngồi làm việc. Theo sự phân công, Phùng Văn Trình không lên Lạng Sơn mà ở lại Hà Nội hướng dẫn thí nghiệm cho sinh viên lớp tại chức. Ông được thầy Nguyễn Hữu Hồ – Phó chủ nhiệm bộ môn dẫn đi tham quan phòng thí nghiệm và đưa cho quyển bài tập thí nghiệm để chuẩn bị bài hướng dẫn thí nghiệm vào tuần sau. Những bài tập thí nghiệm này không khó, ở trường Tổng hợp ông đã được các thầy hướng dẫn thực hiện nhiều thí nghiệm phức tạp hơn. Thậm chí để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành vật lý hạt nhân, ông từng làm các thí nghiệm nguy hiểm với chất phóng xạ. Tuy không vất vả như các đồng nghiệp ở trường Văn hóa Hà Huy Tập, nhưng ở lại Hà Nội lúc này là đương đầu với bom đạn của giặc Mỹ. Nhiều lần đang hướng dẫn thí nghiệm thì còi báo động vang lên dồn dập, Phùng Văn Trình cùng sinh viên bỏ lại các dụng cụ thí nghiệm lao nhanh xuống tầng 1 trú ẩn dưới các gầm cầu thang, hoặc nhảy xuống các hố cá nhân có nắp đậy ngoài sân trường, nín thở chờ tiếng còi báo yên.

                          PGS.TS Phùng Văn Trình vẫn miệt mài với các trang sách

Hết đợt hướng dẫn thí nghiệm thì cũng qua một tháng, Phùng Văn Trình được lệnh lên khu C ở Lạng Sơn. Chiều tối ông và một đồng nghiệp là bạn học đại học có mặt ở ga Hàng Cỏ. Tàu chạy suốt đêm, gần sáng thì đến ga Đồng Đăng. Cố chợp mắt đợi trời sáng ở nhà ga, nhưng cái rét tháng chạp của vùng núi Lạng Sơn bắt đầu ngấm vào da thịt khiến hai giảng viên trẻ không thể ngủ được. Khi sương mù vẫn còn dày đặc, trời chưa sáng rõ phía ngoài nhà ga đã có tiếng người lao xao, tiếng vó ngựa, tiếng ngựa hí dài như báo hiệu cho những người còn ngái ngủ đã đến giờ về nơi xa. Phùng Văn Trình cùng đồng nghiệp ra bến xe ngựa, các phu xe xúm lại mời chào, sau khi nhìn khắp một lượt, hai người trèo lên chiếc xe ngựa có các bao tải treo trên thành xe để tránh gió lùa. Con ngựa bắt đầu cất vó nện những tiếng lộp cộp trên con đường gập ghềnh đầy sỏi đá. Con đường lên khu C quanh co, khó đi, nhiều đoạn khách phải xuống giúp phu xe đẩy xe ngựa lên dốc, mãi hơn 4 giờ chiều mới tới địa điểm H2 của khoa Điện, nằm trên địa bàn huyện Tràng Định, cách thị trấn Đồng Đăng khoảng 50 cây số. Ông sẽ làm việc ở đây vì bộ môn Vật lý khi đó thuộc khoa Điện.

Khu sơ tán gồm các nhà lán bằng tre nứa, bàn học cũng là những thanh tre ghép lại. Nhà ăn nằm sát bờ sông Kỳ Cùng, mùa này nước sông cạn và trong có thể nhìn thấy cá bơi dưới sông. Bữa ăn hôm nào cũng có món đỗ tương hầm, thịt trâu thì được ăn thường xuyên, thỉnh thoảng mới có thịt lợn. Rau xanh rất hiếm vì chợ ở xa, người dân trồng rau chỉ để tự túc, thừa thì cho chứ không bán. Phùng Văn Trình lớn lên ở một vùng quê nghèo của Vĩnh Phúc nên không lạ lẫm gì với điều kiện sinh hoạt ở nơi sơ tán.

Học kỳ 2 niên khóa 1966-1967 cũng bắt đầu. Giảng viên tập sự Phùng Văn Trình cùng một số cán bộ trẻ mới nhận công tác được thầy Lương Duyên Bình hướng dẫn về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Ông chăm chỉ soạn bài theo cuốn giáo trình Vật lý đại cương và tập giảng, cứ 2 tuần thầy Lương Duyên Bình lại tổ chức cho cán bộ tập sự giảng thử trước bộ môn. Sau những giờ giảng thử, Phùng Văn Trình nhận được góp ý của các thầy để sửa chữa bài giảng và cách giảng sao cho đạt yêu cầu. Thời gian tập sự diễn ra suôn sẻ vì ông thích công việc giảng dạy và cũng vì có chút ít kinh nghiệm từ thời sinh viên đi dạy thêm.

Chưa hết thời gian tập sự, Phùng Văn Trình nhận được điện báo của anh trai từ quê, ông lặng người khi đọc nội dung: Mẹ chết, về ngay. Các đồng nghiệp đến an ủi chia buồn, ông mượn được chiếc xe đạp rồi vội vã về Đồng Đăng lên tàu về Hà Nội. Từ Hà Nội đi ô tô khách đến Sơn Tây rồi qua sông Hồng đi dọc đường đê 5 cây số là đến nhà. Thật ra mẹ chưa mất nhưng rất yếu, anh trai muốn ông về gặp mẹ vì mẹ có thể ra đi bất cứ lúc nào. Cụ Thảo – mẹ ông bị bệnh đường ruột, gia đình đã chạy chữa nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình không thuyên giảm, sức khỏe ngày càng suy giảm. Thấy con trai về thăm, cụ Thảo tươi tỉnh hơn một chút. Những ngày Phùng Văn Trình nghỉ phép ở nhà, mẹ cố tỏ ra vui vẻ để ông yên lòng dù có lúc lịm đi vì cơn đau. Cho đến hôm ông đi, mẹ ông vẫn kiên cường chống chọi bệnh tật. Trở lại chỗ sơ tán được 2 tuần, Phùng Văn Trình nhận được thư của anh trai báo mẹ qua đời và tang lễ đã được tổ chức xong xuôi. Ông thương xót nhớ mẹ đã khóc suốt đêm.

Học kỳ 2 kết thúc, Phùng Văn Trình cũng hoàn thành nội dung tập sự, ông được bộ môn điều chuyển lên nơi sơ tán của H6 (khoa Kỹ sư Kinh tế) cách H2 khoảng 10 cây số. Vào năm học mới (1967-1968), giảng viên Phùng Văn Trình được phân công dạy môn vật lý đại cương cho sinh viên khóa 11, khoa Kỹ sư kinh tế. Giờ dạy đầu tiên khá quan trọng, Phùng Văn Trình đã chuẩn bị tâm lý nhưng khi đứng trên bục giảng trước đông đảo sinh viên ông vẫn thấy run. Phải bình tĩnh – ông tự trấn an. Sau vài lời chào hỏi làm quen và được đáp lại bằng một chàng pháo tay. Bài giảng của thầy Trình bắt đầu mà không bị va vấp về ngôn từ, cũng không gặp sai sót về nội dung là nhờ thầy thuộc giáo án, nhưng có lẽ hăng hái quá nên Phùng Văn Trình giảng bài hơi nhanh. Ông nhận ra điều đó và điều chỉnh lại tốc độ giảng. Sau 2 tiết giảng đầu tiên, Phùng Văn Trình với tâm trạng lâng lâng khi bước vào nghề. Ông tự tin đã làm tốt công việc, nhưng phải tiếp tục cố gắng.  

Học kỳ tiếp theo Phùng Văn Trình được phân công dạy khóa 12 chuyên tu Kỹ sư kinh tế. Lớp này phần lớn là cán bộ đang công tác được cử đi học, hầu hết là đảng viên, có một tỉnh ủy viên, một Anh hùng lao động (Lâm Quang Tỉnh). So với mặt bằng kiến thức cơ sở, lớp này yếu hơn nên ông phải thay đổi cách dạy. Bài giảng ngắn gọn hơn, trong khi giảng phải luôn bổ túc thêm các kiến thức cơ sở và lấy nhiều ví dụ thực tế để minh họa.

Năm 1969, trường Đại học Bách khoa từ khu C Lạng Sơn trở về Hà Nội, lúc này khoa Toán – Lý được thành lập và bắt đầu đào tạo kỹ sư vật lý. Giảng viên Phùng Văn Trình được giao làm chủ nhiệm lớp Kỹ sư vật lý này. Ông gắn bó với môn Vật lý đại cương cùng các lớp kỹ sư vật lý trong nhiều năm. Năm 1985, Phùng Văn Trình chuyển về bộ môn Vật lý lý thuyết thuộc Viện Vật lý Kỹ thuật của trường Đại học Bách khoa mới được thành lập. Ông giảng dạy các môn cơ lượng tử, trường điện từ, đồng thời vẫn dạy vật lý đại cương cho sinh viên của Viện và các khoa khác cho đến tận ngày chia tay bục giảng về vui thú điền viên. Ký ức về thuở ban đầu mới vào nghề giảng dạy vẫn vẹn nguyên trong ông.

Lê Nhật Minh

_________________

PGS.TS Phùng Văn Trình (1942), nguyên Chủ nhiệm bộ môn Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý kỹ thuật, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.