Trường phổ thông cấp III Hà Nội, phân hiệu B2 – Một thời để nhớ

 Lê Thị Phong Tuyết sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Bố là Lê Xuân Khách công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, từng đảm trách chức vụ: Tỉnh ủy viên tỉnh Hà Tĩnh, Chánh án Tòa án tỉnh Hà Tĩnh và Chủ tịch Nông hội tổng Văn Lâm. Năm 1956, ông ra Hà Nội để chữa bệnh do đã từng bị địch giam cầm, tra tấn, nên ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Thêm nữa, ông muốn các con có điều kiện đi học nên đã xin cơ quan cho ở lại Hà Nội công tác và chuyển cả gia đình theo ông. Ở Hà Nội, ông giữ chức Bí thư Đảng ủy của Tổng cục Lương thực (thuộc Hội đồng Chính phủ, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Còn vợ là Phan Thị Tương làm ở Nhà máy bao bì của Tổng cục Lương thực. Năm 1956-1957, gia đình sinh sống ở nhiều nơi như phố Hàng Vôi, Phố Huế, Phùng Hưng. Đến năm 1958, ông Lê Xuân Khách được cơ quan cấp nhà tại số 9B Chân Cầm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Năm 1964, Phong Tuyết học lớp 6B Trường phổ thông cấp II Tô Hiệu B – Hà Nội. Do chiến tranh nên năm 1965 trường Tô Hiệu B giải thể. Ông Khách đưa gia đình sơ tán về xã Đại Áng, huyện Thường Tín, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ở đây, ông là Bí thư Đảng của Nhà máy xay xát Đông Quan. Còn bà Tương là quản đốc một phân xưởng của nhà máy. Năm 1966, Lê Thị Phong Tuyết là học sinh lớp 8A Trường phổ thông cấp III Nguyễn Trãi – Hà Nội (nay là trường THPT Nguyễn Trãi). Trước đó, trường có địa chỉ ở Hà Nội nhưng năm 1966 sơ tán về xã Đại Áng, huyện Thường Tín, Hà Tây. Năm 1967, Nhà máy xay xát Đông Quan sơ tán về làng Keo (nay là làng Giao Tất), xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội nên gia đình đã chuyển đến đây sinh sống. Bà Tương được cơ quan phân 2 gian nhà cấp 4 để ở và mảnh đất để trồng rau, nuôi lợn, gà, nhờ vậy cuộc sống gia đình khá đầy đủ.

Từ học kỳ 2 năm lớp 8A, Phong Tuyết học tại phân hiệu B2 của Trường phổ thông cấp III Hà Nội A – B sơ tán về làng Keo (huyện Gia Lâm, Hà Nội).  Đây là ngôi trường được thành lập ngày 3-3-1955 ở nội thành Hà Nội, mang tên Trường phổ thông  cấp II – III Hà Nội. Khi thành lập, trường có khoảng 900 học sinh, trong đó có học sinh cấp II, cấp III (là con em của cán bộ, chiến sỹ vào tiếp quản thủ đô Hà Nội), học sinh miền Nam tập kết và những lớp dự bị đại học. Đây cũng là trường đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội được thành lập sau giải phóng (10-1954), thực hiện chương trình học 9 năm. Đầu năm 1965, không quân Mỹ tăng cường ném bom phá hoại miền Bắc, trường phải phân thành các phân hiệu nhỏ và sơ tán về nhiều vùng lân cận Hà Nội. Ở mỗi địa điểm trường lấy tên gọi lần lượt là Trường phổ thông  cấp III Hà Nội A1, A2, B1, B2.

Thầy trò của phân hiệu B2 ở nhờ nhà dân trong làng Keo. Năm 1967, vì thiếu lớp học, mọi người phải chặt tre, nứa, dựng thành lán ngoài rìa đê, đồng thời làm thêm hầm chữ A để trú ẩn. Khi đó, giáo viên dạy văn ở trường là thầy Nguyễn Vinh Phúc (sau này là nhà Hà Nội học khá nổi tiếng) nói với học trò Tuyết mới chuyển về trường: Con cứ ở nhà, khi nào xây xong lớp thì vào học[1]. Bà không biết vì sao được thầy ưu tiên, chỉ biết thầy rất quý học trò.

PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, năm 2021

Ba năm học phổ thông, sĩ số trong lớp có nhiều thay đổi. Năm lớp 8 có 49 học sinh nhưng lên lớp 9 chỉ còn 31, đến năm cuối (lớp 10) có 41 học sinh. Trường tổ chức học trên lớp từ thứ 2 đến thứ 7, vào 1 buổi – sáng hoặc chiều. Chương trình gồm các môn: văn, lịch sử, địa lý, chính trị – thời sự, ngoại ngữ, toán, vật lý, hóa học, sinh vật và vệ sinh, thể dục. Ngày đó, tôi thấy chương trình học của trường nhẹ hơn hiện nay. Học sinh chỉ học ở trường, không đi học thêm  ngoài[2]PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết kể lại.

Trong các môn học, bà yêu thích nhất học môn toán. Ngay cả khi nấu cơm phụ giúp mẹ, bà cũng tranh thủ học, đặc biệt là môn toán . Không có giấy, thì bà lấy than, mẩu gạch viết ra nền đất để làm bài. Khi gặp bài toán khó, bà rất “tức” vì không giải được và quyết tâm làm lại bài đến khi có kết quả đúng mới thôi. Ngày đó, cô học trò Tuyết từng có nguyện vọng thi vào khoa Vô tuyến điện (nay là Viện Điện tử – Viễn thông), trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Một phần, bởi bà rất ngưỡng mộ ông cậu họ Trần Quang Tứ – người từng học trường Bách khoa nên bà, muốn học ngành giống cậu. Ngoài giỏi toán, cô học trò Phong Tuyết còn học rất giỏi môn văn, 3 năm phổ thông điểm tổng kết luôn đạt 4/5. Về những tiết học văn của thầy Nguyễn Vinh Phúc, bà nhớ từng có lần thẳng thắn trình bày quan điểm của mình về đề bài thầy giao: “Thời đại sản sinh anh hùng hay anh hùng sản sinh thời đại?”. Học trò Tuyết xung phong phát biểu: Thưa thầy, thời đại sản sinh anh hùng và có tác động tương hỗ, bổ trợ lẫn nhau[3]. Nhưng đáp án đúng là anh hùng sản sinh thời đại. Buổi học văn hôm đó thầy Phúc cho trò Tuyết 3 điểm (trên thang điểm 5). Nhận thấy học trò có năng khiếu môn văn nên thầy Phúc rất quý mến. Năm lớp 9 (1967-1968), thầy Phúc đã nhận học trò Tuyết làm con nuôi, dù thầy đã có 3 con trai và 2 con gái. PGS Tuyết chia sẻ: Hai con gái của thầy đều học giỏi và có ngoại hình xinh xắn[4]. Sau này, trong một lần trò chuyện với thầy Phúc, nhắc lại chuyện xưa, thầy tâm sự thật là khi đó đã cho bà Tuyết điểm oan và thực sự là thầy đồng tình với quan điểm của học trò.

Dù đã nghỉ hưu từ năm 2010 nhưng PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu, dịch thuật

Với học trò Phong Tuyết, ký ức về môn học và thầy dạy Thể dục Nguyễn Văn An cũng rất ấn tượng. Bà còn nhớ, trong giờ học ném lựu đạn thầy An hướng dẫn, do không thực hiện tốt các động tác, trò Tuyết bị nhiều bạn trêu: Bạn ném lựu đạn ngang với tự sát[5]. Thầy An còn dạy học sinh môn xà đơn, xà kép, xà lệch, một số học sinh nữ trong đó có trò Tuyết có thể thực hiện thành thạo động tác một bài xà lệch.Vào mỗi buổi sáng thầy cho học sinh tập thể dục, chạy vài vòng quanh đê. Thầy An còn mượn một ao trong xã, đổ cát, xây thành bể bơi, mỗi tuần 1-2 buổi vào tiết thể dục thầy sẽ dạy học sinh bơi. Trong việc phát động phong trào của trường thầy An luôn là người đứng đầu. Năm học lớp 9, Lê Thị Phong Tuyết được thầy cử đi thi bắn súng thể thao toz8 toàn miền Bắc và đạt giải khuyến khích. Kết quả này khiến thầy An có phần tiếc nuối nên đã bồi dưỡng học trò để thi vào năm sau. Nhờ được thầy ôn luyện, năm lớp 10 Lê Thị Phong Tuyết đi thi và đã đạt giải nhì. Phần thưởng ngày đó bà nhận được là 1 chiếc túi du lịch. Bà chia sẻ: Thầy An rất quý tôi, trước buổi thi, thầy đưa tôi về nhà ăn cơm, xong xuôi thì trở ra địa điểm thi[6]. Ngoài ra, trò Tuyết còn hát hay và ngâm thơ giỏi nên sáng thứ 2 hàng tuần trong tiết chào cờ, bà đều được thầy An gọi lên hát hoặc ngâm thơ trước toàn trường. Chủ yếu là những bài hát và bài thơ cách mạng của nhà thơ Tố Hữu như: Em ơi… Ba lan. Cũng vì vậy cho đến giờ nhiều bạn cùng trường vẫn nhớ đến bạn Phong Tuyết. Bà cho biết, có thể một phần do tên tôi lạ nên mọi người ấn tượng.

Phong Tuyết chơi thân với một số bạn: Sao, Hạc, Nguyễn Thị Dừa. Bố bạn Sao là người hoa, làm nghề bốc thuốc. Mỗi lần Phong Tuyết sang nhà bạn Sao chơi thì hai người thường nén bốc một bát táo tàu để ăn. Sau này, bạn Sao và  Hạc học trường Sư phạm rồi về làm giáo viên ở trường làng. Nguyễn Thị Dừa thì làm tại Xí nghiệp May 10 (nay là Tổng Công ty May 10). Ngoài giờ học, cô học trò Tuyết còn tham gia tập văn nghệ cùng nhóm học sinh ở trường. Những buổi tập tổ chức tại sân chùa làng Keo, có khi tối muộn mới xong. Khi đó, ông Khách cầm đèn măng xông ra tận nơi đón con gái.

Những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, người dân sống trong bom trong đạn nhưng thầy và trò Trường phổ thông  cấp III Hà Nội, phân hiệu B2 luôn cố gắng “tiếng giảng dạy át tiếng bom”. Không biết bao lần, đang trong giờ học, bỗng tiếng kẻng đánh ầm ầm, báo hiệu có máy bay Mỹ, thầy cô giáo vội đưa học sinh xuống hầm trú ẩn. Những căn hầm được dựng san sát gần lớp học. Nhưng ngày đó các cô cậu học trò còn nhỏ dại, lại sẵn tính hiếu kỳ nên tranh nhau đứng gần cửa hầm để “ngó” ra ngoài. Nhớ về năm tháng xưa, PGS Tuyết bộc bạch: Khi nhà nước cho đi sơ tán đã chọn những vùng an toàn nhất có thể, để thầy trò yên tâm học tập. Nhưng tình hình lúc đó mà bị bom rơi đạn lạc, thì chắc cả lũ chúng tôi “đi”[7].

Trải qua những năm phổ thông đầy ắp kỷ niệm thân thương với thầy cô, bạn bè, năm 1969, Lê Thị Phong Tuyết bước vào kỳ thi tốt nghiệp gồm 5 môn: toán, lý, hóa, văn, sử. Mỗi ngày học sinh thi 2 môn. Như PGS Tuyết chia sẻ: Vì học đều tất cả các môn nên tôi đoán kết quả thi tốt nghiệp sẽ đạt. Nhờ thành tích học tập, kết quả tốt nghiệp phổ thông cùng trình độ tiếng Nga tốt, giữa năm 1969, Lê Thị Phong Tuyết có tên trong danh sách học sinh được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) chọn đi học khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Babes Bolyai – Romania. Nhận được thông báo, bà rất vui mừng và háo hức mà không để ý mặt đầy lo âu của cha. Ông Khách không đồng ý để con gái đi học nước ngoài vì lo lắng con còn ít tuổi, đến một nơi xa xôi không có người chăm sóc, bảo ban. Thầy Văn Quỳnh – Hiệu phó nhà trường phải đến tận nhà thuyết phục, khi hiểu rõ về quy chế, chương trình đào tạo, ông Khách an tâm và đã đồng ý.

Thời học sinh khép lại, mở ra một hành trình mới cho Lê Thị Phong Tuyết đến với đất nước Romania – nơi bà sẽ gắn bó suốt 5 năm học đại học, để rồi sau này bà trở thành một trong những người có tên tuổi nghiên cứu về văn học Pháp ở Việt Nam. Dù trải qua bao thăng trầm, buồn vui cuộc sống nhưng những kỷ niệm với thầy cô, bạn bè dưới mái Trường phổ thông  cấp III Hà Nội, phân hiệu B2 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của bà.

* PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, nguyên Phó trưởng phòng phòng Văn học nước ngoài, Viện Văn học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Nguyễn Thị Hằng


[1] Tài liu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 20-7-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Tài liệu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 20-7-2021, đã dẫn.

[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 20-7-2021, đã dẫn.

[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 20-7-2021, đã dẫn.

[5] Tài liệu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 20-7-2021, đã dẫn.

[6] Tài liu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 20-7-2021, đã dẫn.

[7] Tài liu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 20-7-2021, đã dẫn.