“Cha ngã xuống như một lời kêu gọi”

PGS.TS Phạm Đạo sinh năm 1940 tại làng He, thôn Xuân Phường, xã Phúc Thắng, huyện Mê Linh (nay là phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên), tỉnh Vĩnh Phúc. Cha ông – cụ Phạm Văn Đạt tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945. Cụ từng là Chủ nhiệm Việt Minh xã và được kết nạp Đảng từ năm 1945, và kết nạp lại năm 1947 vì chưa từng tham gia sinh hoạt trong một tổ chức của Đảng. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ công tác tại hãng vận tải "Nam Tiến", thuộc Ban Tài chính Trung ương, trụ sở ở Cầu Hai, Phú Thọ.

PGS Phạm Đạo không có nhiều thời gian được sống bên cha. Khi Phạm Đạo còn nhỏ, cha bận công tác thường xuyên vắng nhà. Hơn 10 tuổi, do chiến tranh mà việc học bị gián đoạn, Phạm Đạo đi làm thuê ở xưởng in Tô Hiệu, Tuyên Quang. Do bị sốt rét nên Phạm Đạo được cha đưa về Phú Thọ dưỡng bệnh, rồi sau đó, năm 1952 Phạm Đạo được chọn sang Trung Quốc học ở Khu học xá Nam Ninh Quảng Tây,. Ở Trung Quốc học tập suốt 11 năm, từ năm lớp 4 phổ thông cho đến khi tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông tại Học viện Bưu điện Bắc Kinh vào năm 1963, ông mới về nước. Nhưng không vì vậy mà hình ảnh cha và ký ức về người cha mờ nhạt trong ông. Ông luôn ghi nhớ những ngày tháng ở bên cha và lời cha dạy. Còn nhớ ngày ông lên đường sang Trung Quốc học tập, cha dặn dò: Con được đi học là vinh dự lớn cho gia đình, nhớ học tập, rèn luyện thật tốt. Đoàn thể và cả gia đình gửi trọn niềm hy vọng vào con đấy[1]. Với ông, hai chữ "Đoàn thể" như lời cha dặn rất thiêng liêng, đó là Đảng, là Nhân dân. Thời gian ở Trung Quốc, ông luôn nỗ lực và đạt kết quả học tập tốt. Do vậy, năm 1959, trong lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ông là đại biểu lưu học sinh Việt Nam duy nhất được đứng trên lễ đường Thiên An Môn. Trong mỗi bước đường đời, ông đều ghi nhớ và nỗ lực hết mình để không phụ niềm hy vọng của "Đoàn thể". Năm 1972, khi đang làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kỹ thuật Budapest, Hungary, nhận được tin cha hy sinh trong một trận không kích của Mỹ bắn phá Hà Nội, khi cụ đang làm nhiệm vụ , NCS Phạm Đạo vô cùng đau đớn, trong lòng thổn thức: “Bố ơi, Bố ơi”. Mất mát thật to lớn, ông nén đau thương, kiên cường tiếp tục hoàn thiện luận án Phó tiến sĩ, để chuẩn bị bảo vệ. Ở nước bạn xa xôi, nỗi nhớ quê hương cùng nỗi buồn thương nhớ cha, trong ông bật lên những vần điệu da diết:

Bố ơi !

Khi nghe tin bố mất

Có thể nào tin đó là sự thật !

Thời gian ngừng trôi, không gian rạn nứt

Con đi trên đường mà tim như ngừng đập

Con nuốt nước mắt vào lòng mà lệ cứ vòng quanh

Những mộng đẹp đã xây nay bỗng vỡ tan tành

Trước cái tang không bao giờ nghĩ tới.

Khi con tỉnh lại

Thấy mình phải nén khổ đau

Phải vươn lên trong những lúc hiểm nghèo

Đón gánh nặng gia đình bố đã trao cho con quá sớm.

Những dự định về tương lai

Con bắt đầu phải suy nghĩ lại

Càng thấy trách nhiệm mình nặng hơn.[2]

                                                                                                    Budapest, 20-1-1973.

Dù học ngành kỹ thuật, nhưng PGS Phạm Đạo lại yêu thích văn chương, ông hay viết văn và sáng tác thơ. Bởi từ nhỏ, đối với ba anh em, cha là tấm gương về sự ham đọc sách và khả năng ghi nhớ tốt. Cụ thuộc lòng Truyện Kiều của Nguyễn Du tới mức có thể đọc ngược, cụ cũng thuộc những cốt truyện của nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc như Tam Quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng… Được nghe cha đọc thơ, kể chuyện, đặc biệt hay kể chuyện hài, được thưởng thức cha hát chèo, kéo nhị là niềm hạnh phúc của ba anh em và điều đó đã ảnh hưởng, thấm sâu trong tâm hồn của Phạm Đạo và các em một cách rất tự nhiên. Em gái ông – Phạm Minh Hạnh, sau này bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ Văn học, các tác phẩm do bà sáng tác được nhiều người yêu thích.

Ở nước bạn Hungary – một xã hội với nền văn hóa châu Âu, ông Phạm Đạo đã xin phép chủ nhà được thờ cha,  và ông sửa soạn ban thờ trang trọng trên nóc tủ. Bạn bè đến chia buồn và cùng ông cúng lễ cha theo phong tục truyền thống: cúng tuần đầu, cúng 49 ngày, 100 ngày… Chứng kiến sự thành tâm, tôn kính cha của người con, chủ nhà rất cảm động và thông cảm cho hoàn cảnh của ông. Bài thơ Lời khấn cha của ông thể hiện sự quyết tâm bước tiếp chân cha của ông:

                                                                                               Cha ơi!

Hôm nay đã 100 ngày con vắng cha

Con làm mâm cơm theo tục lệ quê nhà

Mong cha hãy về đây chứng giám

Cho tấm lòng thành của con và các bạn.

Chúng con biết rằng có được hôm nay

Dân tộc mình đã đổ nhiều xương máu

Trong đó có một phần của cha

Cha mất đi thêm một người liệt sĩ

Và cuộc đời cha thêm một tấm huân chương.

Chúng con biết lắm, con đường

Cha đã theo suốt đời mà vẫn còn chưa tới

Cha ngã xuống như một lời kêu gọi

Chúng con lên đường bước tiếp bước cha đi.[3]

                                                                                   Budapest, 2 -> 4-4-1973.

 PGS Phạm Đạo tâm sự rằng: Tôi giống bố ở sự gan lì, quyết đoán trong mọi việc, đã làm gì là làm đến cùng, nhưng cũng rất vui vẻ, hài hước và lạc quan. Do vậy, khi nghe tin bố mất, tôi quyết tâm nén đau thương để hoàn thành nhiệm vụ "Đoàn thể" đã giao. Tháng 7-1973 tôi bảo vệ luận án, tôi vẫn đeo tang bố, điều đó khiến mọi người đã rất cảm động. Theo lẽ thường tình, một người chịu tang lớn như vậy sẽ bị ảnh hưởng tinh thần, nhưng tôi vẫn không nao núng, vẫn quyết tâm bảo vệ thành công luận án[4].

Nụ cười luôn thường trực trên gương mặt PGS.TS Phạm Đạo

Sau khi bảo vệ thành công luận án, ông trở về nước và công tác tại Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bưu điện. Cha đã mất, gánh nặng gia đình được đặt lên vai ông. Những năm bao cấp, để có thể lo cho gia đình nhỏ và mẹ già, ông Phạm Đạo đã nhận làm thêm việc sửa tivi ngoài giờ hành chính. Thậm chí ông đạp xe đến tận nhà khách để chữa tivi vào buổi tối.

Mỗi bước đường đời sau này, hình bóng và tấm gương của cha vẫn luôn bên ông. Ông tâm sự: Tôi ảnh hưởng ở cụ ở cách sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không hề tư lợi, không tham ô, tuy sau này có lúc tôi đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong ngành[5]. Tôi sẵn sàng giúp đỡ mọi người nhưng không muốn nhận bất cứ thứ gì từ họ, bởi tôi nghĩ rằng: nếu nhận là mắc nọ họ, mà cái nợ ấy khó trả lắm[6]! PGS Phạm Đạo đã trở thành người có uy tín trong nghề, đặc biệt ông có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ ngày mới thành lập (1997).

Năm 2001, PGS Phạm Đạo chính thức nghỉ hưu, ông dành toàn thời gian tham gia công việc của Dòng họ. Ông là Chủ tịch Hội đồng họ Phạm khóa 5 và 6 (từ 2002 đến 2015). Ông chia sẻ: Tôi còn được thừa hưởng từ bố phẩm chất khiêm tốn, không khoe khoang, đặc biệt rất lắng nghe anh em đồng nghiệp góp ý, thấy ý kiến hợp lý là nghe theo. Do vậy, trong công việc hay suốt quá trình làm Chủ tịch Hội đồng họ Phạm Việt Nam, tôi vẫn thường nghe theo ý tốt, ý đúng của tập thể, không bảo thủ[7].

Mỗi dịp 27-7 hàng năm, gia đình PGS Phạm Đạo, đại điện Hội đồng họ Phạm Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam… thường đến dâng hương tại khuôn viên Bia chiến tích trên đường phố Khâm Thiên – nơi cố Tổng Giám đốc Petrolimex – Liệt sỹ Phạm Văn Đạt đã anh dũng hy sinh. Mỗi dịp đến dâng hương, mọi người đều rất xúc động xen lẫn niềm tự hào về sự hy sinh của cụ Phạm Văn Đạt. Còn với riêng PGS Phạm Đạo, đây là dịp để ông tự nhắc bản thân nhớ về những điều cha đã dặn, để ông dạy con cháu sống sao cho xứng đáng với niềm tin, yêu của gia đình, "đoàn thể" và đặc biệt là sự hy sinh của cha. Đến nay, ông tự hào rằng những phẩm chất của cha, đặc biệt là sự lạc quan yêu đời, không bỏ cuộc trong mọi hoàn cảnh đã được di truyền sang con cháu ông. 

Lê Thị Hằng

________________________

* PGS.TS Phạm Đạo, chuyên ngành Điện tử, nguyên Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phạm Đạo, 19-7-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] http://kehe2.com/gia-dinh-dong-ho/mai-am/bo-oi.html

[3] http://kehe2.com/gia-dinh-dong-ho/mai-am/loi-khan.html

[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phạm Đạo, 19-7-2021, đã dẫn.

[5] Ông từng là Giám đốc Công ty Điện toán và truyền số liệu; Chánh Văn phòng Tổng cục Bưu điện và Giám đốc học Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

[6] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phạm Đạo, 19-7-2021, đã dẫn.

[7] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phạm Đạo, 19-7-2021, đã dẫn.