Năm nay, PGS Đỗ Doãn Đại đã bước sang tuổi 94. Những lần tôi ghé thăm, khi nhớ về ký ức năm 1972, những giọt nước mắt tưởng chừng đã khô kiệt theo thời gian, lại lăn dài trên khuôn mặt gầy gầy, xương xương của ông.
Bác sĩ Đỗ Doãn Đại tiếp quản Bệnh viện Bệnh Mai từ năm 1969 khi bệnh viện mới từ nơi sơ tán trở về Hà Nội. Thời kỳ đó, ông còn kiêm chức Hiệu phó trường Đại học Y Hà Nội. Bệnh viện Bạch Mai cũng là cơ sở thực hành, thực tập của sinh viên y khoa. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện cũng như trình độ chuyên môn của cán bộ còn hạn chế nên ông và các đồng nghiệp phải mất vài năm để xây dựng, tổ chức lại các khoa, thành lập thêm đơn vị mới, ổn định đội ngũ cán bộ…
Là Giám đốc bệnh viện (1969-1983), ngoài chỉ đạo, thực hiện chuyên môn khám chữa bệnh, bác sĩ Đại quan tâm từ những việc nhỏ nhất như nhà vệ sinh bệnh viện có bị tắc không, rồi bất chấp trời mưa bão vẫn đạp xe vào viện để kiểm tra tình hình, đến thăm khu tập thể của nhân viên xem có bị dột ướt để nhắn họ cần thiết thì chuyển vào viện ở nhờ… Với phong cách làm việc sát sao của Giám đốc, hầu hết các tình huống đều được giải quyết, xử lý ổn thỏa. Duy có một sự kiện khiến bác sĩ Đại cứ canh cánh trong lòng.
Bệnh viện Bạch Mai tan hoang sau những trận bom dữ dội,1972. Nguồn: Vov.vn
Đó là năm 1972 – một năm lịch sử và khốc liệt nhất của Bệnh viện Bạch Mai với 4 lần bị không quân Mỹ ném bom, trong đó trận bom ngày 22-12-1972 là ác liệt nhất. Từ đầu năm 1972, bệnh viện đã đưa hàng trăm bệnh nhân đến nơi sơ tán an toàn, mang theo các trang thiết bị, máy móc giá trị, chỉ còn để ở Hà Nội khoảng 300 giường bệnh. Đội ngũ y bác sĩ còn lại có nhiệm vụ cấp cứu thương bệnh binh phía Nam thành phố và các tỉnh từ Hà Nam về Hà Nội. Theo yêu cầu của Giám đốc Đỗ Doãn Đại, họ thay nhau trực chiến 24/24. Nhờ có hệ thống hầm dài, tương đối kiên cố với lớp bê tông dày do Pháp xây dựng, các phòng mổ, phòng xét nghiệm, một số giường bệnh được bố trí ở dưới hầm. Khi có báo động, bệnh nhân có nơi trú ẩn khá an toàn và y bác sĩ vẫn có thể làm việc, chữa trị cho người bệnh.
Rạng sáng ngày 22-12-1972, tiếng B52 gầm rú giữa tiết trời giá lạnh căm căm. Tất cả bệnh nhân và các y bác sĩ nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Một lúc sau, mặt đất rung chuyển. Theo PGS Đỗ Doãn Đại, hàng 100 quả bom đã dội xuống cơ sở y tế lớn nhất của miền Bắc. Chỉ trong phút chốc, Bệnh viện Bạch Mai thành đống đổ nát, các khu nhà lần lượt đổ sập. Từ nhà ở khu tập thể Kim Liên, ông tức tốc đạp xe đến bệnh viện, sau tiếng còi báo yên. Phải dừng xe ở cổng viện vì không thể đi vào trong được nữa, ông vội chạy như bay vào trong xem tình hình. Trời vẫn chưa sáng, một cảnh tượng hoang tàn chưa từng thấy. Những tiếng khóc, tiếng rên rỉ cầu cứu ám ảnh. Khoa Da liễu và khoa Tai Mũi Họng bị tàn phá nặng nề nhất. Khu tập thể của nhân viên y tế cũng chỉ còn phần móng. Riêng tòa nhà khoa Nhi may mắn không trúng bom. Hệ thống hầm Bạch Mai vững chắc thế cũng không chịu nổi sức ép của bom. Rất nhiều người bị mắc kẹt, có người bị bê tông đè đến biến dạng.
Tưởng niệm những cán bộ Bệnh viện Bạch Mai hy sinh năm 1972. Nguồn: Thời báo Ngân hàng
Đội cứu trợ của bệnh viện dưới sự trợ giúp của các đơn vị khác trong thành phố đã nhanh chóng tiến hành dọn bê tông, cứu người. Bác sĩ Đại yêu cầu nhóm bếp và nấu ngay mấy nồi cháo đường. “Nạn nhân phải ăn và chúng ta cũng phải ăn” – Ông nói. Vì trời còn tối, đội cứu trợ phải bò, len lỏi vào các đường hầm rất nguy hiểm để cứu người và tìm kiếm người dưới những khối bê tông, gạch đá. Công việc cứu người đòi hỏi sự khẩn trương nhưng cũng phải hết sức thận trọng để tránh tạo ra rung chấn nguy hiểm. Các đồng nghiệp đề nghị ông Đại không trực tiếp vào hầm vì rất có thể xảy ra tai nạn nhưng ông dứt khoát: “Không được, thấy Giám đốc mọi người sẽ an tâm hơn”. Thế là họ thay nhau dùng cuốc, dùng xẻng và cả tay để đào bới. Nhiều ống khí oxy được thả xuống qua các kẽ hở của đống đổ nát kèm theo những lời động viên, trấn tĩnh. Có những cửa hầm bị chặn kín bởi các thi thể trong tư thế ôm chặt lấy nhau, không thể tách rời. Ông Đại cùng đồng nghiệp đành quyết định dùng những biện pháp rất đau lòng để mở cửa hầm. Người đầu tiên ông Đại tìm thấy trong hầm là bác sĩ da liễu Ninh đang run bần bật. Rồi ông đau sót khi thấy hộ lý Hoàng Thị Thoa, 39 tuổi, mẹ của 4 đứa con nhỏ dưới tấm bê tông. Và cả hình ảnh em Đinh Thị Thúy, sinh viên Y6, trường Đại học Y Hà Nội, em chỉ kịp nói: “Thầy Đại” rồi rơi vào hôn mê và hy sinh vì đã bị thương nặng. Đêm 22-12, ông tranh thủ nghỉ dưới hầm của nhà hành chính bệnh viện, nhưng chứng kiến những đau thương, hy sinh của đồng nghiệp, ông không sao chợp mắt được. Trong số y bác sĩ của Bạch Mai tử nạn do bom B-52 trút xuống Hà Nội mấy ngày trước có nữ bác sỹ Ngô Thị Ngọc Tường – em dâu tương lai của ông. Đáng lẽ, chính ngày 22-12 là ngày vui của gia đình ông, vậy mà…
Sáng sớm hôm sau, ông Đại cùng mọi người lại khẩn trương tiếp tục công việc. Trong thời tiết khắc nghiệt, làm việc vất vả cả ngày lẫn đêm, họ tự nhủ lúc này không được ốm, ốm là thất bại. Từ ngày 23-12-1972, các đoàn cán bộ lãnh đạo lần lượt đến thăm và động viên bệnh viện trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng… Có ý kiến cho rằng ông Đại nên để mọi người chuyển đi sớm vì Mỹ có thể sẽ tiếp tục bắn phá bệnh viện nhưng ông và một số anh em vẫn kiên quyết ở lại vì bệnh viện vẫn cần y bác sĩ sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân. Biểu dương tinh thần đó, Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng đã tặng Bằng khen cho Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có ghi dòng chữ “Kiên cường”, “Bám trụ”.
Giám đốc Đỗ Doãn Đại (áo trắng) tiếp đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ngoài cùng bên phải)
đến thăm Bệnh viện Bạch Mai sau trận bom ngày 22-12-1972
Sau 5 ngày vật lộn trong đống đổ nát, đội cứu trợ đã giúp gần 300 bệnh nhân và tài sản không bị hư hỏng sơ tán an toàn về Ứng Hòa. Có tất cả 28 người đã tử nạn, chủ yếu là các y, bác sĩ[1]. Đa số họ vẫn còn rất trẻ, là những cán bộ chuyên môn rất quý của bệnh viện. Tình hình ở Bạch Mai vừa tạm ổn thì đêm 26-12-1972, Khâm Thiên bị ném bom khiến gần 300 người thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Đội cứu sập bệnh viện đang tiếp tục đào bới ở Bạch Mai, họ xin ý kiến Giám đốc Đỗ Doãn Đại có cần cho anh em đến hỗ trợ Khâm Thiên không. Bệnh viện Bạch Mai nổi tiếng với hệ thống hầm kiên cố nên thường có người dân đến trú ẩn nhờ. Nếu ngừng việc tìm kiếm, ông Đại rất lo sợ vẫn còn ai đó đang mắc kẹt dưới hầm. Nhưng tình huống cấp bách, buộc ông phải đưa ra quyết định điều động mọi người đến Khâm Thiên. Ngay trong đêm 26-12, các y bác sĩ còn lại của bệnh viện đã nhận cấp cứu hàng trăm bệnh nhân từ Khâm Thiên.
Quyết định đêm 26-12 ấy cứ đeo đuổi ông Đại mãi những năm sau này. Phải đến năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, Bệnh viện Bạch Mai được xây dựng lại, trong quá trình thi công không phát hiện hài cốt nào, ông mới thôi day dứt vì chắc chắn không có ai mắc kẹt trong hầm, trong đống đổ nát của bệnh viện. Một Đài tưởng niệm các y bác sĩ đã được xây dựng tại khuôn viên bệnh viện. Vào ngày 22-12 hàng năm, kể cả khi đã cao tuổi, PGS Đỗ Doãn Đại vẫn đến đây thắp hương. Lời hứa năm 1972 của ông với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, với những người đồng nghiệp đã khuất “sẽ quyết tâm xây dựng lại Bệnh viện Bạch Mai to đẹp hơn, giỏi giang hơn” đã trở thành hiện thực.
Mấy năm nay, sức khỏe yếu hơn, PGS Đỗ Doãn Đại không đến đài tưởng niệm được nữa. Trí nhớ ông cũng giảm sút ít nhiều nhưng trong những câu chuyện mà ông vẫn thường kể cho tôi hay bất kỳ phóng viên nào ghé thăm luôn có hình bóng của những người đồng nghiệp đã hy sinh năm 1972.
Nguyễn Điệp
[1] http://bachmai.gov.vn/gioi-thieu-ve-benh-vien/lich-su-hinh-thanh-menuleft-236/so-luoc-lich-su-105-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-benh-vien-bach-mai-menuleft-238.html.