Khóa học giữa núi rừng Việt Bắc





 Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp khóa 10 (1965-1968) có 44 sinh viên đến từ nhiều nguồn gồm: cán bộ, bộ đội đi học, học sinh tốt nghiệp cấp 3, học sinh miền Nam, hoặc bổ túc công nông…[1] Sau hơn một tuần nhập học và tổ chức kỳ thi sát hạch đầu năm[2], khoa Toán sơ tán lên xóm Na Buồn, xã Vân Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) và bắt đầu chuỗi ngày học tập giữa núi rừng Việt Bắc. Sinh viên chúng tôi đi xe lửa lên Quán Triều, nay thuộc thành phố Thái Nguyên rồi đi bộ vào Na Buồn khoảng 37km[3], ông Tâm kể. Tại đây, sinh viên và giảng viên ở nhờ nhà dân. Bùi Thế Tâm cùng 3 bạn Thái Ngọc Thấu, Vũ Đăng Thạnh, Đại ở nhờ nhà ông Nhi.

Khóa 10, khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. PGS.TS Bùi Thế Tâm hàng 2, thứ 5 từ trái

Thời gian đầu (tháng 11 năm 1965), sinh viên có nhiệm vụ xây dựng lớp học. Toàn khoa Toán có 4 khóa học và một lớp chuyên Toán A0 (lớp 8 phổ thông)[4], mỗi khóa tự tổ chức, quản lý việc xây dựng lớp học riêng cho từng khóa. Lớp Toán khóa 10 có tên là lớp A1 do giảng viên Nguyễn Xuân My là chủ nhiệm, Phạm Văn An là Lớp trưởng, Hoàng Văn Tịnh là Bí thư chi bộ, Nguyễn Văn Chỉ là Bí thư chi đoàn. Cán bộ lớp lên kế hoạch phân công cho từng thành viên nhiệm vụ đào hầm hào, lên rừng tìm gỗ, lấy nứa về làm nhà, xây dựng lớp. Bùi Thế Tâm là sinh viên nhỏ tuổi của lớp, cùng một số sinh viên, nhận nhiệm vụ lên rừng tìm gỗ, nứa về làm nhà, tìm măng nứa, măng giang trong rừng để cải thiện bữa ăn. Từng  làm việc nhà nông thủa ở quê nhà nên sinh viên Bùi Thế Tâm có kinh nghiệm: Rừng núi ở Đại Từ rậm rạp, có nhiều vắt. Để dễ dàng cho việc leo núi và quan sát vắt có bám vào chân hay không, tôi thường đi chân đất. Hôm nào cẩn thận thì tôi xát lá cây xẻ năm (loại lá có vị đắng) để vắt đỡ bám. Một số bạn không quen với việc đi rừng nên chọn cách đi giầy, đến khi bỏ chân ra nhặt được vô vàn những con vắt no căng máu”. Nhớ về  thời đó, GS Hạp[5] chia sẻ: Thuở đó sinh viên và giảng viên làm việc với sự nỗ lực bằng hai, bằng ba. Để khuyến khích và đẩy nhanh tiến độ công việc, lãnh đạo trường đã đưa ra cách làm khoán. Ví dụ, nếu dựng xong bếp thì sẽ được thưởng 5 con gà[6]

Lớp học sơ tán giữa rừng núi Bắc Thái được dựng theo kiểu nhà nửa nổi nửa chìm. Nền nhà đào sâu xuống khoảng hơn một mét, mái lợp lá cọ, tường đất đắp rất dày, có hai cửa ra giao thông hào dẫn đến các hầm trú ẩn, khi có máy bay Mỹ thì cả thầy và trò nhanh chóng chạy ra các hầm đó. Hầm trú ẩn thường làm hình chữ A dùng gỗ, tre ghép mái và phủ đất dày lên trên, hoặc khoét hàm ếch sâu vào bên thành các giao thông hào. Trong lớp kê hai dãy bàn ghế, bàn giáo viên được đặt trên một bục đất đắp cao hơn.

Hè năm 1966, khóa 10, khoa Toán trường Đại học Tổng hợp được lệnh chuyển về xóm Ba Trang, xã Vân Yên – nơi có địa hình thuận lợi hơn, xa dân cư, và để sinh viên sống độc lập. Địa điểm mới cách nơi ở cũ khoảng hơn 1km và phải xây dựng toàn bộ hệ thống lớp học, hầm trú ẩn, nhà ăn, nhà ở cho sinh viên. Trong 3 tháng hè hoàn thành việc xây dựng lớp học, nhà tập thể, sinh viên khóa 10 trong tâm thế phấn khởi, chuẩn bị vào năm học mới, thì nhận chỉ thị phải chuyển địa điểm học đến xóm Kỳ Linh, xã Vân Yên, cơ sở vật chất mới xây dựng để lại cho sinh viên khóa chuyên tu mới vào.

Sinh viên khóa 10 lại tiếp tục lên rừng lấy gỗ, nứa về dựng lớp và nhà ở tập thể. Theo PGS Tâm: Mất khoảng gần 2 tháng, từ vùng đất trống lớp chúng tôi xây dựng được bốn khu nhà trải dài dưới chân sườn núi Kỳ Linh. Khu 1 gồm bếp và để củi, kho chứa lương thực, phòng ăn tập thể, một gian cho hai sinh viên phụ trách nhà ăn, giếng nước ăn. Khu 2 gồm lớp học và nhà ở cho Ban Cơ học. Từ lớp học có các đường giao thông hào ngoằn ngèo tỏa ra sườn đồi để phòng tránh máy bay. Khu 3 gồm 2 nhà sau đó bố trí cho tổ Vận trù và tổ Máy tính. Khu 4 gồm 2 nhà sau đó bố trí cho tổ Phương pháp tính và tổ Xác xuất thống kê. Mỗi khu đều có giếng nước ngay cạnh bờ suối chỉ sâu khoảng hơn một mét và một chòi làm nhà vệ sinh cũng gần bờ suối. Đầu năm thứ hai lớp chúng tôi phân thành hai ban: ban Toán và ban Cơ học, tôi thuộc ban Toán[7].

Kể từ năm học này, sinh viên ở trong những ngôi nhà tập thể lợp nứa tự làm. Chân giường ngủ của sinh viên được chôn sâu xuống đất, hai cây gỗ to dọc giường có mộng ghép vào chân giường. Sinh viên đặt thêm các thanh ngang và cho phên nứa lên rồi trải chiếu lên trên. Một gian thường có bốn chiếc giường dành cho bốn sinh viên. Năm học đó, sinh viên Tâm ở cùng các bạn Nguyễn Ngọc Chuân, Đào Xuân Xuyên, Nguyễn Ngọc Lê. Sinh viên sinh hoạt theo kẻng, từ dậy tập thể dục, đi học, đi ngủ. Mỗi tháng một sinh viên được cấp 0,25 lít dầu hỏa, để tiết kiệm sinh viên thường lấy ống nghiệm cưa một đầu thay cho bóng đèn. Hai năm học ở núi Kỳ Linh dùng nước giếng cạnh suối, nhiều sinh viên bị ghẻ, hắc lào phải dùng thuốc DEP, hoặc tắm nước lá xẻ năm, cây lim để trị ngứa. Hắc lào cũng rất ngứa, dai dẳng khó chữa, nặng thì lan cả ra bụng, lưng, đầu. Sinh viên rủ nhau dùng cồn Iốt, hay bôi nhựa chuối xanh để trị loại bệnh này. Cũng có trường hợp đi rừng lấy gỗ, nhiều sinh viên bị sơn ăn mặt và thường chữa bằng cách tắm lá khế.

Thời đó, tài liệu tham khảo ít, sinh viên chủ yếu học theo vở ghi bài giảng của thầy ở lớp. Đôi khi lên thư viện khoa Toán mượn một số sách về tham khảo thêm, mỗi lần được mượn hai cuốn. Các bài giảng của các thầy thường soạn công phu, chứng minh chặt chẽ và chi tiết làm sinh viên khâm phục. Nhiều giảng viên dạy những vấn đề khó với công thức toán phức tạp mà không hề nhìn giáo trình như thầy Phan Đức Chính, thầy Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân My, thầy Phan Văn Hạp…

Năm học 1967–1968, khoa Toán, khóa 10 bước vào năm học thứ 3. Trong hoàn cảnh sơ tán, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng khoa vẫn sắp xếp các chuyên ngành đào tạo chuyên sâu. Nhóm sinh viên Bùi Thế Tâm, Hoàng Văn Tịnh, Lê Đình Phùng, Nguyễn Công Thành, Bùi Cao Chính, Thái Doãn Duy theo học chuyên ngành Vận trù. Vận trù (hiện nay gọi là Tối ưu hóa) là ngành gắn với nhiều bài toán thực tiễn, tôi thích làm những vấn đề thực tế nên quyết định chọn theo học chuyên ngành này [8] – PGS Bùi Thế Tâm chia sẻ. Khi ấy, giảng dạy chuyên ngành vận trù là PTS Hoàng Tụy và giảng viên Nguyễn Quang Thái (nay là Phó Chủ tịch thường trực Hội Kinh tế Việt Nam).

Theo nhu cầu cần cán bộ phục vụ công cuộc xây dựng miền Bắc của thời kỳ đó, một số sinh viên trường Đại học Tổng hợp được ra trường sớm một năm. Khóa 10 khoa Toán có một số sinh viên thuộc diện như vậy. Bùi Thế Tâm trong số những sinh viên ở lại trường học tiếp năm học cuối.

Ba xã Vân Yên, Ký Phú, Vạn Thọ nằm trong thung lũng dưới chân Tam Đảo, nơi trường Đại học Tổng hợp sơ tán, lại đúng vào đường bay thường xuyên của máy bay Mỹ khi đánh Hà Nội và Thái nguyên (nửa thung lũng này hiện nay là hồ Núi Cốc). Khi tấn công bắn phá Hà Nội hay Thái Nguyên các máy bay thường bay rất thấp qua thung lũng này và dọc sườn phía đông của dãy Tam Đảo để tránh ra đa của ta phát hiện, khi hết dãy Tam Đảo thì máy bay nâng độ cao để ném bom bắn phá Hà Nội. Các máy bay Mỹ (loại F101, F105, F4) đều là siêu thanh, nên khi máy bay đã đi qua mới nghe tiếng động rít xé trời. Năm học 1965-1966 lượt máy bay không kích nhiều hơn cả, cứ buổi trưa trời nắng trong xanh là máy bay bắt đầu hoạt động. Xóm Bầu, nơi khoa Hóa sơ tán đã một lần bị ném bom, một lần phi công Mỹ nhảy dù xuống đó khi máy bay bị bắn hạ. Thôn Đình, nơi Hiệu bộ trường cũng bị ném bom bi nhưng may mắn không có thiệt hại về người. Nhiều đêm máy bay Mỹ ném bom Thái Nguyên, tiếng đạn pháo nổ và tiếng máy bay gầm rú trên đầu. Từ khu sơ tán của trường nhìn rất rõ những đường đạn rực trời của lực lượng phòng không Quân đội ta. Sau 4 năm sơ tán tại Đại Từ, kết thúc năm học 1968 – 1969, thầy và trò trường Đại họcTổng hợp quá độ chuyển về Đông Anh và hè năm 1970 chuyển hẳn về nội thành Hà Nội.

Cuộc sống nơi sơ tán tuy thiếu thốn vật chất nhưng tình thầy trò gần gũi thân thiết, san sẻ cho nhau từng lọ dầu thắp sáng. Bữa ăn của thầy trò nhiều khi là món bột mì nặn thành bánh không nhân, rồi luộc lên. Bánh cứng như đá. Có câu thơ vui được truyền tai nhau “Bất an là cái hầm hào/ Bất nhân là cái bánh bao trường mình”. Có lần do làm việc quá sức nên giảng viên Phan Văn Hạp bị ngất ở cánh đồng trên đường từ lớp học về văn phòng khoa. Sinh viên phát hiện và đưa ông về nhà của hai cán bộ khoa ở gần đó chăm sóc. Tuy đời sống học tập nơi sơ tán là hình ảnh sinh viên đi chân đất hoặc dép lốp, giảng viên thường cắp dép đi bộ, khi gần đến lớp mới đi dép cho lịch sự, quần áo chúng tôi thì lấm lem bùn đất và xắn lên xắn xuống như người đi lội ruộng, nhưng việc tổ chức dạy và học vẫn diễn ra bình thường, nghiêm túc, tinh thần học tập của sinh viên rất cao. Đồng thời, trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi văn nghệ và các buổi seminar để trao đổi khoa học[9],.

Khoa Toán, khóa 10 kỷ niệm 50 năm ngày ra trường. PGS.TS Bùi Thế Tâm hàng đứng, thứ 5 từ trái

Kết thúc học kỳ 1 năm học thứ tư, năm 1969, khoa Toán chuyển về Hà Nội. Sinh viên khóa 10 tham gia thực tập tại các đơn vị rồi viết khóa luận tốt nghiệp. Vậy là khóa học của chúng tôi gần như trọn vẹn 4 năm học tập giữa núi rừng Bắc Thái. Có nhiều kỷ niệm và cả những ân tình về cuộc sống, con người nơi đây trở thành một phần ký ức không quên với chúng tôi[10]. Khóa 10 khoa Toán mãi là một khóa học đặc biệt, là khóa học duy nhất được đào tạo gần như trọn vẹn giữa núi rừng Tây Bắc. Tuy điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng sau khi ra trường họ trưởng thành và góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển miền Bắc[11].

Hoàng Thị Kim Phượng

 


[1] Danh sách sinh viên khoa Toán khóa 10 gồm: 3 nữ, 41 nam.

[2] Khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp tổ chức kỳ thi sát hạch đầu năm với một môn thi là toán. Sinh viên vượt qua kỳ thi mới chính thức được nhập học. Khoa Toán khóa 10 có khoảng 4 sinh viên trượt.

[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Bùi Thế Tâm, ngày 6-1-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[4] Khối chuyên Toán – Tin Ao, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiền thân là khối phổ thông chuyên Toán, được thành lập ngày 14/9/1965 theo quyết định của Thủ tướng. Lớp có nhiệm vụ phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu Toán học nhằm cung cấp cán bộ khoa học kỹ thuật xuất sắc để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

[5] GS.TS Phan Văn Hạp, nguyên Hiệu Phó trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

[6] Tài liệu ghi âm GS.TS Phan Văn Hạp, ngày 9-1-2016, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

[7] Tài liệu ghi âm PGS.TS Bùi Thế Tâm, ngày 6-1-2020,  …đã dẫn.

[8] Tài liệu ghi âm PGS.TS Bùi Thế Tâm, ngày 6-1-2020, đã dẫn.

[9] Tài liệu ghi âm GS.TS Phan Văn Hạp, ngày 9-1-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[10] Tài liệu ghi âm PGS.TS Bùi Thế Tâm, ngày 6-1-2020, đã dẫn.

[11] Tài liệu ghi âm GS.TS Phan Văn Hạp, ngày 9-1-2016, đã dẫn.