Phải cân nhắc, tin tưởng lắm GS Lương Ninh mới tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cuốn sách này, và ông vẫn giữ lại cho mình bản photocopy từ “bản gốc” đó. Cuốn sách được ghép bởi 6 tập giấy, gồm 224 trang với bìa màu hồng, khổ 20,6 x 29,3cm. Trên mặt bìa trước, ông ghi tên sách bằng chữ Phạn, dịch nghĩa là “Sách dạy chữ Phạn của Lương Ninh”, bên dưới ông viết bằng tiếng Latin: Nam sine doctrina Vita est quasi Mortis imago, có nghĩa là “Con người mà không có trí tuệ thì sống chẳng khác gì xác chết”[1].
GS Lương Ninh không thể quên sự kiện hồi tháng 10-1966, khi đang là giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì ông được điều chuyển lên Thái Nguyên làm Chủ nhiệm khoa Lịch sử của trường ĐH Sư phạm Việt Bắc mới thành lập. Cùng đợt ấy, Bộ Giáo dục điều chuyển nhiều cán bộ từ trường Sư phạm Hà Nội lên xây dựng trường Sư phạm Việt Bắc, trong đó có cả Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuấn.
Trong bối cảnh miền Bắc phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, khoa Lịch sử sơ tán ở xóm Ðồng Mon, xã Ðức Lương, huyện Ðại Từ, cách trụ sở chính của trường cũng ở huyện này nhưng đóng tại xã Phú Minh, (nay là xã Phú Thịnh) khoảng 10 cây số. Chủ nhiệm khoa Lương Ninh cùng các đồng nghiệp và sinh viên được dân địa phương giúp đỡ dựng lớp học, nhà ở, nhà ăn dưới vòm cây đa, cây cọ, tất cả đều bằng tranh tre nứa lá. Để đối phó với bom đạn, các lớp học làm theo kiểu vừa là hầm, vừa là lũy, phải đào sâu xuống khoảng hơn nửa mét và 4 phía đắp đất cao lên cũng chừng nửa mét…
Dù mới thành lập nhưng khoa Lịch sử nhanh chóng đi vào nền nếp, giảng dạy tương đối đủ chương trình về lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử thế giới, từ cổ đại, trung đại đến hiện đại. Ngoài việc đảm bảo soạn bài, lên lớp, họp hành… hết sức nghiêm chỉnh, những ngày rảnh rỗi ông Lương Ninh hay đạp xe gần 70km đến Thư viện Khoa học xã hội đang sơ tán ở Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang để đọc tài liệu. Tại đó, ông tìm được cuốn sách A practical grammar of the Sanskrit language (Ngữ pháp thực hành tiếng Phạn) của tác giả Theodor Benfey[2]. Cuốn sách xuất bản năm 1863 bằng tiếng Anh, phù hợp cho cả những người mới bắt đầu học chữ Phạn. Chữ Phạn là một loại chữ viết cổ ở Ấn Độ, ra đời vào thế kỷ VII trước Công nguyên. Trên thế giới rất ít người biết ngôn ngữ này, Việt Nam lại càng hiếm người quan tâm đến. Nói về chữ Phạn, PGS.TS Đinh Ngọc Bảo[3] cho biết: Nhiều người cho rằng đây là một ngôn ngữ chết, nhưng thực ra nó chưa chết hẳn mà vẫn tồn tại ở một số đền, chùa hay làng nhỏ. Ở Việt Nam, trước GS Lương Ninh chỉ có nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh biết thứ ngôn ngữ này, ông Đỉnh dịch và nghiên cứu các tác phẩm văn học và triết học cổ của Ấn Độ[4].
Ông Lương Ninh hiểu, nếu biết chữ Phạn sẽ có thể đọc được nhiều tài liệu cổ để nghiên cứu lịch sử, văn hóa Đông Nam Á và Ấn Độ, vì thế ông muốn học chữ Phạn. Bấy giờ, ở ta chưa có máy photocopy, ông chỉ có thể sao lại cuốn sách quan trọng kia bằng cách chép tay. May cho ông, cô thủ thư tên Quyên là một học trò cũ, nên đã đồng ý cho ông mượn cuốn sách mang về, dù theo quy định thì sách chỉ được mượn đọc tại thư viện. Ông hứa giữ gìn quyển sách cẩn thận từng trang và sẽ đem trả lại sau 2 tháng.
Trở về trường, ông Lương Ninh tranh thủ thời gian rảnh để chép lại cuốn sách, bất kể ngày hay đêm. Địa điểm sơ tán của khoa nằm trong rừng, nhà cửa núp dưới những tán lá cọ và bóng cây cổ thụ, nên ban ngày cũng không đủ ánh sáng. Ông thắp đèn bão, treo đèn lên, dùng giấy bạc lấy trong các vỏ bao thuốc lá để hắt sáng tập trung vào bàn rồi ngồi chép sách. Ông dùng bút máy chép vào 6 tập giấy mới, loại giấy màu nâu nhạt có dòng kẻ ngang. Nhưng việc chép cuốn sách này không dễ dàng, như ông kể: Mượn sách về rồi, tôi viết thử, thật ra không phải viết mà là vẽ thứ chữ chưa ai nói tới. Trong chữ Hán có từng bộ, còn chữ Phạn không có bộ. Nghĩa là phải vẽ theo chữ in, nét cong, nét tròn, nét phẩy… Lúc đầu tôi chưa biết viết thế nào, sau rút ra các nét và thứ tự của các nét ấy. Tôi bắt đầu vẽ từng chữ một, từ đầu đến cuối cuốn sách. Tôi vẽ suốt ngày đêm, đến nửa đêm thì đi ngủ. Không thức muộn hơn được, vì mắt mỏi, lại dùng đèn dầu nên khoảng 11 giờ là mắt mỏi rồi[5]. Sau 2 tháng, ông hoàn thành việc “vẽ chữ”. Ở trang cuối ông viết: “Labor omnia vincit! Chép xong ngày 20-7-1967 tại núi rừng Việt Bắc”, mà theo ông, mấy chữ kia dịch sang tiếng Việt có nghĩa là: Công việc chinh phục tất cả. Rồi ông mang cuốn sách đi trả như đã hứa với cô thủ thư.
Trang bìa cuốn sách viết tay
Sau đó, dựa vào cuốn sách vừa chép được, ông Lương Ninh bắt đầu học bằng việc tập “vẽ” chữ. Ông nhặt nhạnh, tận dụng bất cứ giấy gì có được để tập viết. Khi đã thạo cách viết thì ông tập đọc, cuối cùng là học để hiểu nghĩa. Tiếng Phạn vô cùng khó học, với ông càng khó hơn bởi xung quanh không có ai biết và cũng không ai có ý định học thứ ngôn ngữ ấy. Không có thầy để hỏi, cũng không có bạn học cùng để trao đổi, ông tự mày mò tìm cách học. Ông chọn những từ phổ biến, hay gặp để học trước và đặt ra chỉ tiêu mỗi ngày phải học 3 từ. Xin được mảnh bảng gỗ của sinh viên bỏ đi, ông mang về phòng treo ở vị trí dễ nhìn nhất và viết từ mới lên đó. Hàng ngày, dù đi ra hay đi vào, ông không quên nhìn lên bảng để học, và ông tự nhủ: một lần không thuộc thì hai, ba lần sẽ thuộc. Có những trường hợp vài ba lần vẫn chưa nhớ nổi, mà phải tiếp tục học đi học lại cả mặt chữ, cách đọc và nghĩa của từ. Một số anh em trong khoa vào chơi, biết ông đang học chữ Phạn thì cho rằng ông thật liều lĩnh. Ông đoán có lẽ mọi người nghĩ là mình điên. Kể lại thời kỳ ấy, GS Lương Ninh chia sẻ: Đúng là phải hơi điên mới làm được như vậy, còn nếu không điên thì không ai dại gì mà làm như thế. Phải điên một tí, phải có gan dám chịu đựng, học những cái khó học, nhớ những cái khó nhớ[6].
Có khi, lâu ngày xem lại, ông thấy mình quên những từ đã học, thế là phải học lại. Theo ông cho biết, cuốn A practical grammar of the Sanskrit language bao gồm cả từ ngữ (thuật ngữ) và ngữ pháp, có cả cách cấu tạo câu và biến cách của nó. Biến cách sẽ kéo theo biến nghĩa như trong nhiều ngôn ngữ khác, nhưng tiếng Phạn phức tạp hơn bởi khi đó cách viết cũng khác đi.
Không chỉ học qua sách, ông còn tập đọc và dịch văn bia để học cách dùng từ. Một thứ cổ ngữ xa lạ, rắc rối, khó học, khó dùng, nhưng ông quyết tâm chinh phục và không nản lòng. Ông học chữ Phạn bằng sự kiên trì không phải ai cũng làm được: Sau mấy tháng học, nhìn vào một văn bản mà chưa đọc được gì là chuyện bình thường, không có sốt ruột gì cả. Đúng là không được sốt suột, phải kiên trì mới làm được. Có khi đọc những cái cũ lại thấy mới, cũng là chuyện bình thường, mình lại chép và học lại[7]. Cứ như vậy, ông học hết năm này đến năm khác…
Trong mỗi chuyến đi công tác xa, ông Lương Ninh thường mang theo khoảng chục cuốn sách chuyên môn đựng trong ba lô và buộc cẩn thận trên cái đèo hàng của xe đạp. Từ cuối tháng 7-1967 trở đi, hành trang ấy của ông được bổ sung cuốn sách học chữ Phạn. Đến năm 1974, khi trở về trường ĐH Sư phạm Hà Nội công tác, cuốn sách và tấm bảng cũng theo ông về Hà Nội.
GS Lương Ninh kể về việc học chữ Phạn, 2018
Sau gần một chục năm công tác ở miền núi, GS Lương Ninh có được vốn chữ Phạn đủ để ông có thể đọc và thẩm định bản dịch tài liệu chữ Phạn. Ông mong muốn tự khẳng định chỗ đứng học thuật của mình bằng con đường nghiên cứu. Nhờ biết tiếng Phạn, ông tìm những bản dịch của các nhà khoa học Pháp về lịch sử thế giới cổ trung đại để tham khảo, đối chiếu với văn bản gốc và kiểm chứng tính chính xác của tư liệu trong các bản dịch. Từ đó, ông thu nhận được nhiều hiểu biết sâu sắc về những vấn đề lịch sử, để rồi năm 1975 ông cho ra đời cuốn giáo trình Lịch sử thế giới cổ đại, tiếp đến năm 1977 là cuốn Lịch sử thế giới trung đại, cả hai công trình đều do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành.
Học chữ Phạn không chỉ giúp ích cho việc nghiên cứu lịch sử – văn hóa của Ấn Độ và của Đông Nam Á, mà còn cần thiết để nghiên cứu về các vương quốc cổ Chăm Pa, Phù Nam xưa kia, liên quan đến lịch sử Việt Nam. Có lợi thế biết chữ Phạn, ông Lương Ninh nghiên cứu cổ sử Việt Nam từ cuối những năm 1970, với hai bài đầu tiên công bố trên tạp chí Khảo cổ học: “Mấy vấn đề vương quốc cổ Champa” (số 2/1979) và “Nước Chí Tôn – Một quốc gia cổ ở miền tây sông Hậu” (số 2/1982). Về sau, ông được coi là một chuyên gia hàng đầu về cổ sử với vai trò tháo dỡ những sự kiện lịch sử cổ xưa của các nền văn minh, văn hóa độc đáo của Việt Nam và khu vực[8]. Chính nhờ đọc được chữ Phạn, ông dựa vào khảo cổ học và sử học để nghiên cứu nền văn hoá Óc Eo, làm sáng tỏ những khía cạnh lịch sử và văn hoá của vương quốc Phù Nam, đồng thời nghiên cứu nền văn hoá Sa Huỳnh, làm sáng tỏ những vấn đề về vương quốc Chăm Pa. Qua các nghiên cứu này, ông cung cấp cho sử học những nhận thức mới[9]. Sinh thời, giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm từng gọi ông là “nhà Chăm Pa học”. Năm 2002, bộ môn Ấn Độ học thành lập ở khoa Đông phương học (trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và GS Lương Ninh được mời làm Chủ nhiệm bộ môn. Ông tiếp tục cống hiến cho khoa học những cuốn giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo có giá trị, như: Lịch sử vương quốc Champa (Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004), Vương quốc Phù Nam (Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2005), Lịch sử Việt Nam giản yếu (Nxb. Chính trị quốc gia, 2005), Lịch sử Đông Nam Á (Nxb. Giáo dục, 2005)… Trong đó, có nhiều kiến thức chuyên môn sâu, nhiều tư liệu quý là nhờ ông khai thác được nguồn tài liệu bằng chữ Phạn.
Trong quá trình nghiên cứu những vấn đề về lịch sử như vậy, ông Lương Ninh vẫn không sao nhãng việc học chữ Phạn, học đều đặn hầu như hằng ngày. PGS Đinh Ngọc Bảo kể lại: Khi ấy, tôi là hàng xóm của GS Lương Ninh … Mỗi lần đi qua nhà GS Lương Ninh, điều tôi ấn tượng nhất là hình ảnh một người đã ngoài 40, với cái đầu hói, lúc nào cũng cởi trần, mồ hôi nhễ nhại ngồi học chữ Phạn. Khi tôi vào nhà, thấy la liệt những tờ lịch cũ được tận dụng để viết chữ Phạn, ghim trên các bức vách. Ngoài ra còn có một tấm bảng được ghép bởi mảnh ván đã vỡ nham nhở được thầy dùng viết chữ Phạn. Tôi rất khâm phục con người say mê khoa học như thầy. Điều đó để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm và là mẫu hình mà tôi muốn theo[10].
GS Lương Ninh trải qua hơn nửa thế kỷ vừa học vừa sử dụng chữ Phạn để nghiên cứu lịch sử, vậy mà ông vẫn khẳng định: Không thể thành thạo được ngôn ngữ này, bởi đó là ngôn ngữ nước khác. Phải lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần sẽ quen, sẽ thuộc, nhưng không có từ điển. Nó khó đến nỗi trên thế giới có những người lấy làm tự hào vì học thạo chữ Phạn, thứ ngôn ngữ không mấy người biết[11]. Với ông, quá trình học chữ Phạn chỉ mới chấm dứt năm nay – 2020, khi ông rời cõi tạm. Và cuốn sách chép tay từ thời sơ tán đã là tài liệu công cụ giúp ông theo đuổi thứ chữ cực khó này trong suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua.
Lê Thị Hằng
* GS Lương Ninh (1934-2020), chuyên ngành Sử học, Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Việt Bắc (nay là ĐH Sư phạm Thái Nguyên); Chủ nhiệm đầu tiên bộ môn Ấn Độ học của khoa Đông phương học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Tài liệu ghi âm GS Lương Ninh, 7-1-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Theodor Benfey (1809-1881) là nhà triết học và học giả người Đức, một chuyên gia về tiếng Phạn. Các tác phẩm của ông, đặc biệt cuốn Sanskrit-English dictionary đã có đóng góp lớn cho nghiên cứu tài liệu tiếng Phạn.
[3] PGS.TS Đinh Ngọc Bảo có thời kỳ là Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Giám đốc Nxb. Đại học Sư phạm. Ông từng là học trò thân thiết và từ năm 1976 đến 1978 là hàng xóm của GS Lương Ninh tại dãy C3 trong khu tập thể trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Đinh Ngọc Bảo, 6-10-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] Tài liệu ghi âm GS Lương Ninh, 9-10-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[6] Tài liệu ghi âm GS Lương Ninh, 7-1-2019, đã dẫn.
[7] Tài liệu ghi âm GS Lương Ninh, 7-1-2019, đã dẫn.
[8] Thanh Hà, “Mừng PGS Nguyễn Văn Hồng và GS Lương Ninh tuổi 80”, http://ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Mung-PGS-Nguyen-Van-Hong-va-GS-Luong-Ninh-tuoi-80-1-490-10038
[9] Thanh Hà, “Mừng PGS Nguyễn Văn Hồng và GS Lương Ninh tuổi 80”, đã dẫn.
[10] Tài liệu ghi âm PGS.TS Đinh Ngọc Bảo, 6-10-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[11] Tài liệu ghi âm GS Lương Ninh, 9-10-2018, đã dẫn.