Hạt neem – di sản còn lại
Neem là cách gọi của người dân Senegal về một giống cây thuộc họ xoan, có tên khoa học là Azadirachta indica, nguồn gốc từ vùng Trung cận Đông, Ấn Độ và được trồng rải rác ở Nam Á, Tây Phi…, trong đó có nước Cộng hòa Senegal.
Làm việc với chúng tôi, con gái GS Lâm Công Định là bà Lâm Kim Cương cho biết, những hạt giống neem ít ỏi đầu tiên cha của bà đưa về đã gieo trồng hết từ lâu. Bà chỉ có một gói hạt neem và ít lá neem khô do ông Võ Mầu là học trò “ruột” của cha mới tặng dịp tết Kỷ Hợi 2020 khi đến thăm nhà.
Ông Võ Mầu được đào tạo về công nghệ sinh học. Năm 1995, qua một chương trình trên truyền hình, ông biết và tìm đến GS Lâm Công Định để xin làm học trò. Lúc đó, GS Lâm Công Định đã 74 tuổi, ông “cảnh báo” trước với người học trò mới đến: Địa vị, danh vọng, hay tiền bạc rồi cũng hết, chỉ có làm khoa học là trường tồn mãi theo năm tháng, nhưng rất cam go, anh có làm khoa học thì theo tôi![1]. Ông Võ Mầu vui vẻ chấp nhận và từ ấy phụ giúp GS Lâm Công Định đeo đuổi những dự án trồng neem cùng các loại cây cải thiện đất khô hạn miền Trung.
Bình thường ở
Gói hạt neem và lá neem của bà Lâm Kim Cương tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
Trong bài “Cây neem có giá trị kinh tế – triển vọng cho những cánh rừng ven biển”, nhà báo Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Theo tài liệu của Viện Khoa học Ấn Độ và tạp chí Kinh tế thế giới, cây neem được xem như một loại cây trồng có tính chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới như Senegal, Ấn Độ và nhiều nước châu Phi. Ngoài tính năng cho gỗ, cải tạo môi trường sinh thái, trồng rừng phòng hộ…, neem còn cho nhiều sản phẩm chế xuất từ nó và hiện nay đã có mặt tại Việt Nam trong các lĩnh vực dược liệu y tế và dược liệu thực vật[2]. Hơn thế nữa, cây neem được coi là “vàng xanh” của thế kỷ XXI, giải pháp cho vấn đề nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch trên toàn cầu. Lá neem sử dụng làm phân bón rất tốt, còn nhân hạt có chất azadirachtin dùng làm thuốc trừ sâu sinh học hiệu quả.
Chỉ chừng ấy thông tin ban đầu cũng đủ khiến chúng tôi tò mò về câu chuyện đưa neem về trồng ở Việt
Neem – giải pháp chống sa mạc hóa chưa từng biết ở Việt Nam
GS Lâm Công Định sinh ra và lớn lên ở Huế. Dường như định mệnh đã gắn cuộc đời ông với những cánh rừng, ngay từ họ tên của ông. Năm 20 tuổi, chàng trai trẻ Lâm Công Định thi vào Đại học Đông Dương, đỗ phân khoa khoa học, nhưng do chiến tranh và kinh tế gia đình eo hẹp nên phải chuyển sang học ngành thủy lâm. Ra trường năm 1944, ông được cử vào Quảng Bình giữ chức Trưởng hạt Thủy lâm Đồng Hới.
Trong cuộc đời nghiên cứu, GS Lâm Công Định trăn trở nhiều về hiện tượng đất trồng bị hoang hóa và sa mạc hóa ở miền Trung. Ông xót xa trước việc bà con nơi đây chắt chiu từng giọt nước để sinh hoạt và cảnh những bãi cát trắng xóa không một bóng cây. Việc khôi phục những cánh rừng là việc làm cấp bách, có tính quyết định số phận của dải đất này. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, GS Lâm Công Định đã tìm cách trồng phi lao trên những đồi cát di động, rồi đưa keo và bạch đàn vào các chương trình trồng rừng. Tuy vậy, với vùng Ninh Thuận, Bình Thuận được mệnh danh là chảo lửa thì hiếm có loại cây nào trụ được trong nắng nóng khốc liệt. Giải pháp nào đây cho phủ xanh mảnh đất này? Câu hỏi ấy cứ đeo đuổi, thường trực trong ông.
Đọc nhiều tài liệu, GS Lâm Công Định quan tâm đến loài cây neem có mặt trên 30 quốc gia ở châu Phi, đặc biệt là những nước ven phía nam sa mạc Sahara. Neem có thể sống ở những vùng cát khô ven biển, nơi chỉ có loài xương rồng sống được. Nhưng, khó khăn là làm thế nào có được giống cây này để trồng thử.
Cơ duyên đến vào đầu năm 1981, khi GS Lâm Công Định được cử làm trưởng đoàn sang dự hội nghị quốc tế của FAO về vai trò của rừng trong việc phát triển cộng đồng nông thôn. Đây là lần đầu tiên ngành lâm nghiệp Việt Nam xã hội chủ nghĩa chính thức đi dự hội nghị quốc tế về rừng do phía tư bản tổ chức. Mới đầu, sự hiện diện của đoàn Việt Nam chưa được mọi người quan tâm. Khi GS Lâm Công Định lên phát biểu và kể về những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống sa mạc hóa thì hội nghị lặng im, rồi cả hội trường vỗ tay ào ào. Ông chảy nước mắt sung sướng và tự hào. Buổi làm việc sau, đoàn Việt Nam được mời lên ngồi ở hàng ghế danh dự.
Trong chương trình tham quan của hội nghị, GS Lâm Công Định có dịp thấy tận mắt một rừng neem xanh tốt giữa miền cát khô hạn cận sa mạc Sahel, như ông mô tả: Nơi đây chỉ toàn là cát xám khô nóng, rời rạc, cảnh quan trơ trụi, nghèo khổ phơi bày trước mắt, dân bản địa da đen chỉ đi chân đất trên cát nóng. Dưới trời nắng chang chang, một quần thể neem cao 3-5m, tán lá tươi mát xanh um tỏa bóng dịu bao quanh che mát cho một khu cát khô nóng[3]. Và ông có được nhận biết quan trọng: Tôi ngạc nhiên về tính chịu hạn độc đáo của loài neem này, lại như may mắn được trực tiếp khảo nghiệm cái giá trị quý báu của nó, giúp con người chống lại sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên ác liệt trên con đường sa mạc hóa[4]. Nghĩ đến miền cát nóng hạn Thuận Hải, tức là Ninh Thuận và Bình Thuận, ông thầm ao ước có được hạt giống cây đó mang về cho đất nước.
Rồi đúng ý ông, vì quý trọng sự nhiệt tình và đóng góp của đoàn Việt Nam, nên ông Amady Fall – cố vấn khoa học của Bộ trưởng Bộ Thủy lâm Senegal – khi tiễn đoàn ra máy bay về nước đã biếu ông một gói nhỏ, khoảng vài lạng hạt giống neem họ đang có sẵn. Ông mừng rỡ cảm ơn và mang gói hạt giống về.
Từ Senegal đến Tuy Phong
GS Lâm Công Định mang về Việt Nam gói hạt giống neem nhưng không có bất cứ chỉ dẫn khoa học cụ thể nào kèm theo. Theo tài liệu đọc được và qua kiểm tra thực tế, ông thấy hạt neem có chất dầu, rất khó bảo quản, không thể duy trì lâu khả năng nảy mầm. Vả lại, ông cũng chưa rõ hạt giống được bạn hái và bảo quản từ bao lâu trước đó, nên không chắc về khả năng nảy mầm. Ông nâng niu đem ít hạt giống đầu tiên đó về trao cho Giám đốc Sở Lâm nghiệp Thuận Hải gieo ươm để giữ giống.
Ngày bắt đầu gieo giống được ông ghi chép lại chi tiết trong tài liệu về công trình nghiên cứu nhập nội giống cây neem về Việt Nam. Đó là ngày 15-6-1981, gieo hạt ở Phan Thiết. Chỉ nửa tháng sau, ít hạt giống từ một nước xa xôi tới đã nảy mầm và bắt đầu phát triển, mở đầu cho quá trình làm quen, thử thách và thích ứng của loài cây này với điều kiện môi trường nóng hạn khắc nghiệt nhất ở Việt Nam[5]. Cây mọc rất tốt trên đất cát Phan Thiết, sau ba năm đã trở thành cây mẹ, vừa tỏa xanh quanh năm, vừa hội tụ chim muông đến ăn trái.
Với kết quả đáng mừng đó, GS Lâm Công Định yêu cầu Sở Lâm nghiệp dẫn giống từng bước loài neem này từ vùng cát nóng khô Phan Thiết ra vùng cát hoang mạc nóng hạn Tuy Phong. Đến năm 1990, đã hình thành được ba thế hệ tiếp nối nhau: Thế hệ 1 (gốc Senegal) là cây mẹ ở Phan Thiết, cho giống để đem trồng sang vùng cát nóng khô Tuy Phong thành thế hệ 2, rồi từ đó cho giống đem trồng trên cát hoang mạc nóng hạn ở Tuy Phong thành thế hệ 3.
GS Lâm Công Định kiểm tra cây con 1 tháng tuổi, 1998
GS Lâm Công Định cho biết: Ngay từ đầu, để tránh nhầm lẫn loài neem này với loài xoan của nước ta, đã rất quen thuộc ở miền Bắc với tên khoa học là Melia Azedarach, tôi đã đặt cho nó cái tên Việt Nam là “xoan chịu hạn” để nhấn mạnh đến đặc tính quý báu cơ bản của nó là chịu được hạn cao[6]. Từ đó, tên gọi “xoan chịu hạn” dần trở nên quen thuộc ở Việt Nam.
Với ba thế hệ neem, trong điều kiện khí hậu và cát khác nhau, từ nóng khô đến nóng hạn, GS Lâm Công Định đã tìm hiểu được đặc tính sinh thái trồng rừng và giá trị môi sinh kinh tế của loài xoan này, ông viết thành tài liệu để giới thiệu rộng rãi. Năm 1999, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận làm văn bản xác nhận sự cống hiến quý báu của GS Lâm Công Định, trong đó có đoạn: Loài xoan chịu hạn này đang được tiếp tục trồng ngày càng thêm nhiều, đáp ứng mục tiêu trồng 5 triệu hecta rừng theo những phương thức trồng rừng và kết hợp lâm nông. Đó là một vốn quý mới do chính GS Lâm Công Định đã nhiệt tình ưu tiên và kiên trì đem lại cho Bình Thuận nói chung và Ninh Thuận nóng hạn nói riêng[7]. Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cũng rất ấn tượng và đánh giá cao thành công này: Neem gần như là loài cây duy nhất có thể chịu được cái nắng như thiêu như đốt ở đây… Neem được trồng quanh nhà, dọc các lối đi, trồng trong các công sở, trường học, trồng ngay trên các con đường ở thành phố Tháp Chàm[8].
Tại vùng đất Phước Dinh – cái rốn của chảo lửa Ninh Thuận, những loài cây chủ lực trong lâm nghiệp như keo và bạch đàn đều không trụ được, chỉ cây neem mới có thể đứng vững được giữa vùng nắng nóng khốc liệt này. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Dinh trong thư cảm ơn GS Lâm Công Định đã nhấn mạnh: Mới hơn 8 năm mà cây xoan chịu hạn đã phát triển xanh tốt thành rừng, khí hậu không còn khắc nghiệt như xưa, nước ngầm đã có, trồng trọt đang phát triển, chúng tôi đã được hưởng lợi từ cây neem. Cuộc sống của người Phước Dinh giờ đây không còn sợ nghèo đói nữa[9].
Không những vậy, cây neem còn đem lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây. Là người nông dân đầu tiên ký hợp đồng trồng thử nghiệm cây neem với ngành nông nghiệp vào năm 1998, ông Nguyễn Văn Xịt (thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh) bộc bạch: Ban đầu tôi không tin là loài cây này sẽ làm thay đổi sự cằn cỗi ở vùng đất khắc nghiệt này, nhưng giờ đây nhìn hàng chục hecta rừng neem phát triển tốt, lòng rất vui. Từ năm 2000 đến nay, thu hoạch trên 400kg và bán cho Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn với giá từ 100-140 ngàn đồng/kg… Gia đình tôi từ chỗ thiếu thốn đã được cải thiện đáng kể[10]. Thậm chí, một nhà khoa học Ấn Độ khi đến thăm rừng neem ở Phước Dinh đã dự đoán: Kho vàng xanh của các bạn sẽ được đánh thức vào đầu thế kỷ XXI[11].
*
* *
Sinh thời, GS Lâm Công Định mãn nguyện vì đã góp phần tạo nên chìa khóa thành công trong việc chinh phục miền cát hoang mạc miền Trung, đặc biệt là đưa những hạt neem đầu tiên từ Senegal về và nghiên cứu chuyển hóa thành giống xoan chịu hạn Việt Nam. Trân trọng trao những hạt neem cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
Trần Bích Hạnh
___________________
*GS Lâm Công Định (1921-2012), chuyên ngành Lâm nghiệp,nguyên Cố vấn khoa học Bộ Lâm nghiệp, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật.Lâm nghiệp Việt Nam.
[1] TL do bà Lâm Kim Cương cung cấp ngày 30-12-2012, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Thời báo Kinh tế Việt Nam, số 21 (483), thứ bảy, 13-3-1999.
[3] Tài liệu về công trình nghiên cứu nhập nội giống cây neem về Việt
[4] Tài liệu về công trình nghiên cứu nhập nội giống cây neem về Việt
[5] GS Lâm Công Định, “Giới thiệu xây xoan chịu hạn nhập nội vào vùng cát nóng hạn Phan Thiết – Tuy Phong”, tháng 2-1991, TL lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[6] GS Lâm Công Định, “Xoan chịu hạn – một loài cây chống sa mạc hóa, làm giàu sinh cảnh vùng nóng hạn”, Tạp chí Lâm nghiệp, tháng 1-1998, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[7] Giấy xác nhận số 999/SNN-KH của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, ngày 23-11-1999.
[8] Nguyễn Lân Hùng, “Neem, cây chịu hạn cực giỏi ở nam miền Trung”, https://nongnghiep.vn/neem-cay-chiu-han-cuc-gioi-o-nam-mien-trung-d265478.html
[9] Thư cảm ơn của ông Nguyễn Trung Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Dinh gửi GS Lâm Công Định ngày 22-10-2004.
[10] Nguyễn Trung, “Kho vàng xanh”, báo Lao động, số 326, năm 2003.
[11] Nguyễn Trung, “Kho vàng xanh”, đã dẫn.