Kết nạp Đảng ở nơi sơ tán

Cách đây vừa tròn 55 năm về trước, ngày 7-2-1965, không quân Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc dữ dội, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Lớp Sử khóa 8 (niên khóa 1963-1967) có 32 sinh viên gồm nhiều thành phần, một số người đang học ở Liên Xô phải về nước theo quyết định của nhà nước, một số là bộ đội, cán bộ ở các cơ quan được cử đi học… Cả lớp chỉ có 4 sinh viên nữ là Mão, Lý Hương, Bích Hoan, Tô Thị Vàng. Đường đi rất khó khăn, phải lội qua suối Đôi mới vào xóm Chùa nơi khoa Lịch sử sơ tán. Các bạn nam nhận nhiệm vụ vác gạo, thùng đựng sách, hòm tư trang, dụng cụ nấu nướng, còn phái nữ được ưu tiên mang những đồ nhẹ hơn. Sinh viên được phân về ở nhờ nhà dân địa phương. Ba sinh viên: Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Văn Thâm[1] và Nguyễn Văn Huy[2] được phân vào ở nhà bà Nhuần. Trong căn nhà đơn sơ nhưng giàu tình người, gia đình đã dành chiếc giường đôi cho ba chàng sinh viên trẻ ngủ.

Sinh viên Nguyễn Văn Hàm (thứ nhất từ phải) và hai bạn học tại Công viên Thống nhất, Hà Nội, 1964

Một thời gian sau thì lớp chuyển sang sơ tán bên xóm Trại Chuối, Nguyễn Văn Hàm được phân ở cùng bạn Nguyễn Trọng Lễ – vốn là thượng úy công an và đang giữ cương vị lớp trưởng ở nhà ông bà Sửu. Cuộc sống nơi sơ tán tuy gian khổ mà vui, mọi người cùng nhau đào hầm, dựng lớp học. Nhà ông Phấn ở lưng chừng đồi được chọn làm nơi dựng lớp học của khoa Sử. Để đảm bảo an toàn bí mật và tránh máy bay Mỹ ném bom, lớp học được xây dựng “nửa chìm nửa nổi” theo cách gọi của sinh viên, phảiđào sâu xuống lòng đất chừng hơn 1 mét, mái chỉ  được nhô cao so với mặt đất chừng một mét rưỡi.

Tháng 11-1966, Nguyễn Văn Hàm cùng hai bạn Nguyễn Văn Thâm và Lê Văn In[3] được điều sang Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng[4] đang sơ tán ở xã Tuân Lộ, huyên Sơn Dương, Tuyên Quang để thực tập và sẽ làm khóa luận tốt nghiệp về lưu trữ học. Theo PGS Nguyễn Văn Hàm chia sẻ: “Đây là bước chuẩn bị cán bộ giảng dạy cho việc thành lập bộ môn Lưu trữ học và đào tạo cán bộ ngành Lưu trữ ở khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau này theo quyết định số 733/KH ngày 17-5-1967 của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp”[5]. Sang nơi Cục Lưu trữ đang sơ tán, ba sinh viên phải  sống cách biệt trong khu có lực lượng vũ trang canh gác, bảo vệ, phải tuyệt đối giữ bí mật với dân bản xung quanh, không còn được cùng bạn bè trong lớp đi chơi các nhà dân trong xóm hay tụ tập bạn bè đi bẫy chim, bắt cá… như hồi ở nơi sơ tán xã Vạn Thọ.

Lễ kết nạp Đảng đáng nhớ

Tại nơi sơ tán của Cục Lưu trữ Phủ thủ tướng, ba người được bố trí nơi sống và làm việc ở phòng Chế độ nghiệp vụ do anh Nguyễn Xuân Lung – Trưởng phòng phụ trách. Ngoài ra, phòng còn có các anh chị như: Phạm Thân, Đỗ Ngọc Phác (sau là Cục phó Cục Lưu trữ), Võ Văn Sáu, Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Xuân Đăng (phụ trách dịch tài liệu tiếng Nga), Nguyễn Hữu Thời và Bùi Nguyệt Ánh, Nguyễn Thị Ngọc (phụ trách công tác nghiên cứu bảo quản). Những nhân viên ở đây là người từng tốt nghiệp ở trường Đại học Lưu trữ – Lịch sử quốc gia Moskva, Liên Xô, Đại học Nhân dân Bắc Kinh, Trung Quốc và khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mọi người nhanh chóng hòa vào công việc, hàng ngày, ông cùng các bạn đến phòng đọc tài liệu lý luận về công tác lưu trữ học được dịch từ tiếng Nga, tiếng Trung Quốc và một số tài liệu liên quan khác. Từ đây, cái duyên, cái nghiệp của của ông đã bắt đầu gắn bó với ngành lưu trữ.

Ngoài những lúc nghe anh chị trong phòng truyền lại lý luận và thực tiễn công tác lưu trữ mà họ được học, Nguyễn Văn Hàm và Nguyễn Văn Thâm còn tranh thủ đọc các tài liệu chuyên ngành như tạp chí Lưu trữ Xô Viết, Đảng án công tác Trung Quốc (đảng án theo tiếng Trung nghĩa là Lưu trữ) rồi trao đổi thông tin cho nhau. Đồng thời, ông còn vào K5[6] tìm hiểu thực tế tài liệu lưu trữ mà các bộ, ngành Trung ương sơ tán lên đây. Tài liệu lưu trữ của các Bộ ngành để chật trong kho, các anh chị trong phòng Chế độ nghiệp vụ do bận công vụ nên để các sinh viên tự chủ động đọc và nghiên cứu tư liệu. Những chỗ mà vướng về thuật ngữ hay gặp vấn đề khó thì ông lại đi tìm gặp các anh chị trong phòng để hỏi. Mỗi người được phân công tập trung đi sâu nghiên cứu một vấn đề viết khóa luận tốt nghiệp, đó cũng chính là bài giảng môn học cho sinh viên sau này. Theo đó, Lê Văn In nghiên cứu về hệ thống văn bản nhà nước, Nguyễn Văn Thâm nghiên cứu về đánh giá, xác định giá trị tài liệu, còn ông thì nghiên cứu về sưu tầm và bổ sung tài liệu lưu trữ. Cuộc sống nơi đây còn khó khăn nhưng ông và các bạn đều cảm thấy vui. Có buổi chiều, ông lại rủ hai bạn đi vào bản của đồng bào dân tộc Cao La mua mật mía đựng bằng ống bương và sắn để nấu chè ăn đỡ đói. Tiền được ông lấy từ học bổng toàn phần 22 đồng nhà trường chuyển theo bộ phận thường trực Cục Lưu trữ ở 31 Tràng Thi, sau khi nộp nhà ăn  là 15 đồng, còn 7 đồng chi tiêu. Vừa đọc tài liệu, ông cũng bắt tay vào viết khóa luận tốt nghiệp. Bản khóa luận được ông nhờ đánh máy và xin giấy thừa của các Bộ.

Khi ông chuẩn bị bảo vệ khóa luận tốt nghiệp về nghiên cứu sưu tầm và bổ sung tài liệu lưu trữ thì. Ông rất vui sướng, tự hào vì được kết nạp vào Đảng khi đó là niềm vinh dự bởi đó là một quá trình ông nỗ lực phấn đấu trong học tập, sinh hoạt, phải được tập thể lớp tín nhiệm giới thiệu là quần chúng ưu tú, chi bộ lớp thông qua trong lớp có nhiều cán bộlà đảng viên được cử đi học) và tiến hành các thủ tục theo điều lệ Đảng trình lên Đảng ủy trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xem xét và ra quyết định kết nạp Đảng.

Ông xin ông Vũ Dương Hoan – khi đó là Cục phó Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng cho mình và bạn Nguyễn Văn Thâm được nghỉ phép hai ngày về nơi sơ tán khoa Lịch sử để dự lễ kết nạp. Sáng sớm ngày 4-6-1967, hai ông đi xe đạp từ huyện Sơn Dương về huyện Đại Từ, Thái Nguyên dài khoảng 80 cây số, phải vượt qua đèo Khế với bao kỷ niệm khó quên. Đường đi rất xấu, chằng chịt ổ gà, ổ trâu, bụi đất mù mịt. Ông Thâm đi xe đạp Thống Nhất, còn ông Hàm đi xe đạp Favorit của Tiệp Khắc sản xuất mà bố mới trang bị cho ông. Với sức trẻ và niềm vui được kết nạp vào Đảng, hai người đạp xe vun vút trên đường về nơi trường sơ tán. Lúc đó, các đồi chè ở hai bên đường từ huyện Sơn Dương đến đèo Khế xanh mướt, bầu trời trong xanh, khung cảnh yên bình, không ai nghĩ máy bay Mỹ sẽ đến bắn phá bất cứ lúc nào.

Lúc đạp xe lên đèo Khế, hai người phải đi theo hình “rắn lội nước” tức đi hình chữ S để giảm độ ma sát và dễ đi hơn đường thẳng. Tới đỉnh đèo đã gian nan, lúc xuống đèo cũng rất nguy hiểm, chẳng may xe hỏng phanh thì nguy. Hai sinh viên trẻ bàn nhau tìm một cành cây lá đã héo vứt ở bên đường rồi lấy dây buộc vào sau xe để giảm tốc độ xuống đèo. Nhưng xuống đến chân đèo phía Đại Từ để dừng xe vứt bỏ cành cây, đồng thời kiểm tra phanh thì ôi thôi, má phanh cao su đã mòn vẹt, vành xe bị vỏ sắt của má phanh bào sâu vào trông thật xót xa. Nhưng trong lòng ông vẫn vui vì đã xuống đèo an toàn. Mặt mũi, quần áo, tay chân hai người bị bụi đất bám đầy như được ngụy trang để không nhận ra vậy.

Tiếp tục dong duổi “ngựa sắt” về Vạn Thọ, hai “kỵ sĩ” phải vượt qua suối Đôi. May quá, nước suối đầy nên hai ông dừng lại ít thời gian rửa xe và chỉnh trang lại tư trang kẻo anh em trong lớp không nhận ra. Đến xóm Trại Chuối, nơi đặt “bản doanh” của lớp Sử, gặp lại mọi người, ai cũng tay bắt mặt mừng và chúc mừng hai anh sinh viên đã vượt qua quãng đường dài một cách an toàn.. Sau bữa cơm trưa (chỉ là nắm bột năng luộc còn lẫn nhiều mọt) với mọi người, dù khó khăn như thế nhưng ai cũng trò chuyện rôm rả. Chiều ngày 4-6, mọi người chuẩn bị hội trường: treo cờ Đảng, bàn chủ tọa có khăn trải bàn và lọ hoa, đơn giản nhưng trang trọng. Bí thư chi bộ lớp là anh Lê Phước Đảng – cán bộ miền Nam tập kết và hai người cùng lớp giới thiệu ông vào Đảng là Nguyễn Chữ, Trần Duy Khang dặn dò rất kỹ, hướng dẫn về các thủ tục trong lễ kết nạp từ ăn mặc cho đến đọc lời thề. Sáng ngày 5-6-1967, buổi lễ kết nạp diễn ra rất trang nghiêm ở lớp học nửa nổi nửa chìm với sự tham dự đông đủ các bạn trong lớp và Chủ nhiệm khoa Lịch sử Nguyễn Văn Hách. Nguyễn Văn Hàm mặc  áo sơ mi trắng, khi nghe Bí thư chi bộ Lê Phước Đảng thay mặt Đảng ủy nhà trường đọc quyết định kết nạp sinh viên Nguyễn Văn Hàm vào Đảng thì tim ông bỗng đập nhanh hơn, lòng dâng lên niềm cảm xúc vui mừng khó tả. Từ đây, ông đã  vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, nguyện đem công sức và nhiệt huyết của mình cống hiến cho đất nước. Sau  lễ kết nạp Đảng, hai Đảng viên trẻ Nguyễn Văn Hàm và bạn Nguyễn Văn Thâm lại dong duổi trên con ngựa sắt trở về nơi sơ tán của Cục Lưu trữ để hoàn thành khóa luận còn dang dở.

Đến nay, với 53 năm gắn bó với ngành Lưu trữ và cũng là 53 năm PGS.TS Nguyễn Văn Hàm được kết nạp Đảng, ông vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt những gì mà Đảng ủy nhà trường và ban lãnh đạo khoa Lịch sử giao phó. Đồng thời, ông cũng là người xây dựng khoa Lưu trữ học (nay là khoa Lưu trữ học và quản trị văn phòng), trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn phát triển như ngày hôm nay. Hơn nửa thế kỷ trôi qua là quá dài so với cuộc đời của một con người, nhưng ấn tượng về buổi kết nạp Đảng viên sống và đọng mãi trong ký ức ông.

Ngô Văn Hiển

 


* PGS.TS Nguyễn Văn Hàm, sinh năm 1944, chuyên ngành Sử học, nguyên Chủ nhiệm khoa Lưu trữ học (nay là khoa Lưu trữ học và quản trị văn phòng), trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

[1] GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm, nguyên Trưởng khoa Văn bản và công nghệ hành chính, Học viện Hành chính quốc gia.

[2] PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

[3] TS Lê Văn In, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lưu trữ học và quản trị văn phòng, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

[4] Ngay là Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước.

[5] Tài liệu phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Hàm ngày 8-6-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] K5 là bí danh của Kho lưu trữ của Trung ương, được xây 5 tầng trong hang núi đá vôi với thiết kế khá hiện đại, có điện chiếu sáng và máy điều hòa, hút ẩm chạy bằng máy Lu – cô đốt bằng than củi. Theo Nguyễn Văn Hàm, Một số vấn đề Lưu trữ – lịch sử và công bố tài liệu lưu trữ, H- Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr. 398.