Bản thảo tập 1 bộ sách Hóa học vô cơ

Giữa những ngày hè oi bức năm 2015, chúng tôi có dịp làm việc với PGS Hoàng Nhâm[1] tại nhà riêng của ông trên phố Tương Mai, Hà Nội. Ông tâm sự: Nghề giáo chúng mình nghèo lắm, nhưng không vì thế mà xao nhãng nhiệm vụ. Ngoài giảng dạy, nghiên cứu, thì nhiệm vụ viết sách cũng không kém phần quan trọng. Đó là hai nhiệm vụ song song[2].

Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông giới thiệu và tặng chúng tôi tập bản thảo Hóa học vô cơ tập 1, ông viết từ năm 2002 đến 2005 và xuất bản năm 2011. Với ông, có lẽ đây là tập bản thảo trọn vẹn nhất, là công sức trong hơn 40 năm theo nghiệp nhà giáo mà ông diễn tả là "cấu phổi ăn dần". Bản thảo gồm 15 chương, biên soạn trên giấy khổ A4 và nó đã từng nếm trải “thiên tai” như ông kể: bị ngâm nước một đêm đúng vào trận lụt lịch sử năm 2008, do đó một số trang viết tay bị nhòe, những mảnh giấy in typo được cắt dán vào bản thảo bị rời ra và hỏng một ít. Trước khi trao tặng cho các bạn, tôi đã sắp xếp, chỉnh sửa lại nhưng vẫn chưa được giống như lúc đầu[3].

Nhìn tập bản thảo hơn 600 trang được sắp xếp cẩn thận theo từng cặp file, bên ngoài có chú thích cẩn thận bằng nét bút dạ kim, ông vui mừng vì đứa con tinh thần đã được xuất bản. Nhưng ít ai biết rằng, để cuốn sách ra đời và đến được tay bạn đọc cũng lắm gian nan.

PGS Hoàng Nhâm cho biết, ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm khoa học năm 1956. Cùng với các bạn Hoàng Minh Châu và Nguyễn Thị Thịnh, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy môn hóa học vô cơ cho sinh viên năm thứ nhất của hai trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp vừa mới được thành lập. Thời điểm ấy, trang thiết bị và cơ sở vật chất nói chung của nhà trường vô cùng thiếu thốn. Hai trường còn chung một trụ sở tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Chương trình giảng dạy cho sinh viên ngành hóa khá lộn xộn, với 4 môn học được tổ chức dạy song song trong hai năm: hóa vô cơ (thầy Hoàng Ngọc Cang), hóa phân tích (thầy Nguyễn Thạc Cát), hóa lý (thầy Nguyễn Đình Huề), hóa hữu cơ (thầy Ngô Văn Thông). Trong đó, chỉ hai môn hóa phân tích và hóa hữu cơ có phần thí nghiệm.

Khoảng năm 1957, khi chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ nhà trường xây dựng lại chương trình ngành hóa học thì chương trình đào tạo mới được cải thiện. Sinh viên năm thứ nhất học hóa vô cơ đại cương, năm thứ hai học hóa phân tích, năm thứ ba học hóa hữu cơ và năm thứ tư học hóa lý. Số giờ thực hành dành cho các môn học được nâng lên gấp đôi số giờ lý thuyết, bài giảng từ đó cũng phong phú hơn[4]. Thầy Hoàng Nhâm được phân công dạy hóa học vô cơ cho sinh viên năm thứ nhất, một môn học quan trọng, có tác dụng xây dựng tiền đề cho việc giảng dạy giáo trình hóa học phân tích và hóa học hữu cơ trong những năm sau.

Để hoàn thiện giáo án, ngoài giờ lên lớp, ông tranh thủ lên thư viện khoa Hóa ở 19 Lê Thánh Tông tìm đọc các sách về hóa học của Liên Xô và của Pháp. Đồng thời, từ khoảng năm 1955-1956, Thư viện Quốc gia tại phố Tràng Thi cũng bắt đầu có tạp chí về hóa học của Liên Xô, sinh viên và cán bộ giảng dạy có thể đọc để cập nhật kiến thức mới. Hồi ấy, cán bộ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có một khu tập thể ở phố Phan Huy Chú, quận Hoàn Kiếm. Nhà ông là một trong hai hộ gia đình được nhà trường bố trí cho ở cùng trong một gara ô tô cũ có diện tích vỏn vẹn 12m2. Nhớ lại thời kỳ gian khổ đó, PGS Hoàng Nhâm tâm sự: Cũng chính từ "căn hộ" ấy, bên ánh đèn dầu tù mù, các thầy giáo trẻ chúng tôi không ngừng đọc sách, dịch tài liệu để nghiên cứu[5].

Từ các buổi giảng bài cho sinh viên, dưới sự hướng dẫn của thầy Hoàng Ngọc Cang (Chủ nhiệm bộ môn Hóa học vô cơ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội), giảng viên trẻ Hoàng Nhâm tự mình xây dựng các bài giảng về hóa vô cơ. Trên cơ sở đó, trong năm học 1957-1958, ông tập hợp và biên soạn thành tập bài giảng đầu tiên của mình – "Hóa học vô cơ" dành cho sinh viên năm thứ nhất.

Sau đó, tập bài giảng do thầy Hoàng Nhâm viết tay được chuyển cho bộ phận tư liệu đánh máy, in roneo để cho sinh viên cả hai trường học tập. Mặc dù còn ở mức sơ khai, nhưng lần đầu tiên, ngoài phần lý thuyết, trong tập bài giảng "Hóa học vô cơ" này có phần bài tập tương ứng với từng chương. Đây là điểm khác biệt so với các giáo trình sau này, khi sinh viên chỉ được học lý thuyết là chính và ít vận dụng vào bài tập.

Đến năm 1975, khi triển khai chủ trương của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp về việc viết giáo trình đại học, Chủ nhiệm bộ môn Hoàng Ngọc Cang động viên ông viết một quyển sách giáo khoa về hóa học vô cơ. Thầy Cang không thạo tiếng Nga nên đề nghị ông tham khảo thêm các giáo trình tiếng Nga để đưa vào nội dung giảng dạy. Ông Nhâm định viết xong mỗi chương thì mang đến nhờ thầy Cang đọc và góp ý, nhưng thầy chủ động đề nghị rằng, mỗi lần có việc đạp xe lên phố, thầy sẽ mang bản thảo đã đọc đến nhà ông Nhâm để trao đổi ý kiến. Vì thế, ông Nhâm đề nghị cả hai người đứng tên đồng tác giả và ghi tên thầy Cang trước tên mình. Giáo sư Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đồng ý cho in bản thảo Hóa học vô cơ gồm hai tập của Hoàng Ngọc Cang – Hoàng Nhâm làm giáo trình, với số lượng 1000 bản. Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp ấn hành hai tập sách này, tập 1 xuất bản năm 1975, trình bày về lý thuyết đại cương hóa học; tập 2 xuất bản năm 1978, đề cập đến các nguyên tố hóa học điển hình.

Gần 20 năm sau, khi nước ta đã có thêm nhiều trường cao đẳng và đại học mới được thành lập, sách giáo khoa về hóa học không đáp ứng đủ nhu cầu học tập ngày một cao, Nhà xuất bản Giáo dục tái bản cả hai tập Hóa học vô cơ vào năm 1994, có sự bổ sung và chỉnh sửa nội dung. Lúc này, GS Hoàng Ngọc Cang đã chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh và vì không có điều kiện theo dõi bản thảo nên đã đề nghị không đứng tên đồng tác giả với PGS Nhâm nữa. Tuy vậy, trong những lá thư trao đổi với PGS Nhâm, thầy Cang luôn động viên ông cố gắng dành thời gian hoàn thành thêm tập III để giáo trình Hóa học vô cơ được trọn bộ. Cho đến năm 2000, tập III với nội dung về các nguyên tố chuyển tiếp đã ra đời, rồi sau đó được tái bản nhiều lần cùng với hai tập trước.

Năm 2000 cũng là thời điểm PGS Hoàng Nhâm nhận quyết định nghỉ hưu. Nhà xuất bản Giáo dục gợi ý ông viết lại bộ sách Hóa học vô cơ để cập nhật những kiến thức khoa học mới. Năm 2002, PGS Hoàng Nhâm bắt tay vào viết lại bộ giáo trình này, bổ sung những kiến thức hiện đại cần thiết về hóa học lý thuyết cũng như hóa học ứng dụng, nhằm xây dựng một hành trang vững chắc và đầy đủ về hóa học vô cơ cho cả sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ quan tâm đến hóa học. Ông dự định biên soạn bộ sách mới, lấy tên làHóa học vô cơ nâng cao, giữ nguyên ba tập và có bổ sung thêm nhiều kiến thức mới. Về bản thảo tập 1 lần này, ngoài những phần đánh máy và in typo của cuốn sách xuất bản năm 1994 được giữ lại, PGS Hoàng Nhâm bổ sung hơn 300 hình vẽ và những kiến thức mới về hóa học, dựa trên việc tham khảo tài liệu của giới nghiên cứu hóa học thế giới. Như ông viết trong lời nói đầu: "Trước đây, để phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, giáo trình Hóa học vô cơ được xây dựng trên tinh thần tinh giản chương trình môn học của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Khi nhiều trường đại học được mở thêm và nhu cầu học tập của sinh viên cũng như nhu cầu tham khảo của giảng viên ngày càng tăng cao thì những kiến thức giáo trình cung cấp đòi hỏi cần phong phú thêm. Mặt khác, ngành hóa học hiện đại thuộc những lĩnh vực khác nhau như vật lý, hóa lý, hóa học hữu cơ, sinh vật học và công nghệ được thu hút vào hóa học vô cơ khiến giáo trình này vốn đã phong phú nay trở thành phong phú vượt bậc"[6].

Bản thảo tập 1 bộ sách Hóa học vô cơ

Ròng rã hơn 3 năm, đến năm 2005, ông hoàn thành bản thảo tập 1 và mang nộp cho Nhà xuất bản Giáo dục. Đó là thời kỳ Nhà xuất bản hình thành mô hình hoạt động gồm các công ty con, công ty cổ phần. Do có sự tranh chấp giữa các công ty, phải đến năm 2007, Nhà xuất bản mới quyết định nhận in bản thảo này, nhưng yêu cầu tác giả tự đánh máy. PGS Hoàng Nhâm nhờ người đánh máy giúp và việc này kết thúc vào cuối năm 2007. Nhưng sau đó lại trải qua nhiều năm trì hoãn do có sự bất đồng giữa Nhà xuất bản và tác giả, nên mãi đến năm 2011 cuốn sách mới ra mắt bạn đọc, dày 616 trang và được đóng bìa cứng màu xanh. Nhà xuất bản Giáo dục vẫn giữ nguyên tên gọi cuốn sách như các lần xuất bản trước làHóa học vô cơ.

Thấy ông giới thiệu đứa con tinh thần của mình, phu nhân của ông là bà Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ với chúng tôi: Thời kỳ bao cấp, nhuận bút nhà xuất bản trả cho tác giả chẳng được là bao, lương cán bộ giảng dạy "ba cọc ba đồng". Mỗi tháng, có nhuận bút hay lương, con cái được bố chiêu đãi món chè 3 hào. Mặc dù tôi làm kế toán nhà máy rượu, nhưng chẳng đủ để nuôi gia đình và hai đứa con nheo nhóc, cực lắm cháu ạ! Ông ấy cũng chẳng đi dạy thêm như bao người khác. Để có thêm thu nhập, chúng tôi đành phải làm thêm nhiều nghề, từ kéo sợi, gia công nút chai… Mấy chục năm rồi, giờ kinh tế đã khá hơn, nghỉ hưu rồi mà ông ấy vẫn trăn trở lắm[7]. Theo bà cho biết, trước đây bàn làm việc của ông Nhâm ở trên tầng 3, nhưng sau này, gia đình chuyển xuống tầng 1 để tiện cho sinh hoạt. Bởi cứ ngồi vào bàn làm việc, cứ mở sách, đọc tài liệu là ông quên hết mọi thứ xung quanh. Nhiều lần, đến giờ ăn cơm mà ông vẫn còn mải mê công việc. Khi PGS Hoàng Nhâm hồ hởi bảo: Tôi tặng các bạn công trình khoa học của cả hai vợ chồng. Phần lớn công lao khi soạn ấn phẩm này thuộc về bà ấy, lúc thì chép tay các công thức hóa học, lúc thì cắt, dán các nội dung từ các bản thảo trước, sắp xếp các trang[8], bà Mai bộc bạch thêm: Thương ông ấy, nhìn ông ấy cặm cụi một mình, tôi chẳng đành lòng, vì thế mà hai vợ chồng cùng biên soạn đấy[9].

Dù đã hoàn thành ba tập sách lý thuyết Hóa học vô cơ, cho đến nay, khi đã ngoài 80 tuổi, PGS Hoàng Nhâm vẫn miệt mài theo đuổi công trình biên soạn sách bài tập về hóa học vô cơ, cũng ba tập, với mong muốn việc dạy và học môn hóa phải được thay đổi, giúp sinh viên chủ động hơn trong học tập. Hy vọng rằng, với những nỗ lực bền bỉ của ông, bộ sách Hóa học vô cơ hoàn chỉnh có cả phần bài tập sẽ sớm đến tay bạn đọc. Đây quả là đứa con tinh thần mà ông nuôi dưỡng từ những năm 50 của thế kỷ trước đến nay.

Nguyễn Thị Hiên

____________________

[1] PGS Hoàng Nhâm, nguyên trưởng bộ môn Hóa học vô cơ, khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

[2] Ghi âm phỏng vấn PGS Hoàng Nhâm ngày 6-6-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Lời tác giả Hoàng Nhâm giới thiệu về bản thảo sách Hóa học vô cơ tập 1 khi tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Ghi âm phòng vấn PGS Hoàng Nhâm ngày 3-9-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Hỏi chuyện PGS Hoàng Nhâm ngày 25-6-2014.

[6] Lời nói đầu bản thảo Hóa học vô cơ, tập 1. tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Ghi âm phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh Mai, phu nhân PGS Hoàng Nhâm, ngày 6-6-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Ghi âm phỏng vấn PGS Hoàng Nhâm ngày 6-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[9] Ghi âm phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh Mai ngày 6-6-2014, tài liệu đã dẫn.