Chuyện về bản luận án phó tiến sĩ

GS.TS Trần Văn Nhân[1] mở đầu câu chuyện bằng việc giới thiệu cuốn sách của GS C.L. Kiperman ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, có nhan đề Cơ sở động hóa học và xúc tác dị thể, xuất bản năm 1979 tại Moskva. Ở trang 109, GS Kiperman viết: “Trần Văn Nhân cũng đã lưu ý rằng nếu phương trình động học có dạng hàm mũ, nếu chỉ số mũ phụ thuộc nhiệt độ thì sự biến đổi này có thể làm thay đổi năng lượng hoạt hóa biểu kiến dẫn đến hiệu ứng bù trừ giả. Thông tin được lấy từ bản luận án phó tiến sĩ của Trần Văn Nhân bảo vệ tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva năm 1967 liên quan đến hiệu ứng bù trừ trong động hóa học”[2].

Bản luận án của PTS Trần Văn Nhân vừa được nhắc đến trên đây gồm 218 trang đánh máy tiếng Nga trên giấy 21cm x 30cm. Trải qua thời gian và nhiều lần chuyển nhà, quyển luận án đã cũ, giấy ố vàng, quăn các góc và bị rách gáy. Trước khi trao tặng nó cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 21-1-2014, GS Trần Văn Nhân đã gia cố chỗ rách ở đằng gáy bằng băng dính, đồng thời cẩn thận ghi chú tên luận án và năm thực hiện bằng tiếng Việt trên bìa. Bản luận án không chỉ chứa đựng những thông tin khoa học, mà còn là câu chuyện về tình thầy trò, đồng nghiệp và mối quan hệ hữu nghị trong giới khoa học Việt Nam – Liên Xô hồi những năm 60 của thế kỷ trước.

* * *

Năm 1955, khi đang là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Sư phạm khoa học ở Hà Nội, Trần Văn Nhân được cử sang Liên Xô học ở trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU). Tại đây, ông đã tốt nghiệp đại học với bản luận văn “Nghiên cứu động học phản ứng hydro hóa acetylen trên xúc tác platin và paladi kim loại” do GS Rem Ermolaevitch Mardaleisvilli hướng dẫn. Sau khi nhận đề tài, khoảng năm 1960, ông bị viêm màng não phải nằm bệnh viện và an dưỡng hơn 7 tháng, còn thầy hướng dẫn thì bận đi trao đổi khoa học tại Mỹ 2 năm. Khi ông bảo vệ luận văn tốt nghiệp tháng 12/1961, thầy vẫn chưa về…

Đến tháng 1-1964, Trần Văn Nhân trở lại MGU làm nghiên cứu sinh. Ông bắt đầu chuyến hành trình bằng tàu liên vận từ ga Hàng Cỏ ở Hà Nội, qua Bắc Kinh đến Moskva, sau đó đi ô tô từ ga Yaroslav về thẳng trường. Xa mái trường này hơn hai năm, giờ quay lại ông thấy mọi thứ đều thân thuộc. Ông đến bộ môn Động hóa học gặp thầy giáo cũ Rem Ermolaevitch Mardaleisvilli, hai thầy trò hàn huyên, tâm sự. Ngay buổi gặp đầu tiên ấy, hai thầy trò đã thống nhất với nhau về hướng của đề tài luận án: nghiên cứu hydro hóa nối đôi trên xúc tác kim loại quý (Pt, Pd) trong pha khí, tức là tiếp tục theo hướng của luận văn đại học hồi năm 1961. Nhờ thông thạo tiếng Nga, NCS Trần Văn Nhân chỉ cần ổn định nơi ăn ở và làm các thủ tục giấy tờ cần thiết mất khoảng một tuần, sau đó bắt tay ngay vào việc thực nghiệm.

Những tưởng mọi chuyện sẽ dễ dàng, vì chất xúc tác dùng làm thí nghiệm thì ông đã điều chế rất thành thạo từ khi làm luận văn tốt nghiệp đại học. Nhưng rồi trục trặc đã xảy ra, chất xúc tác chỉ “chạy” đúng một lần rồi mất hẳn hoạt tính, ông kiên trì làm thí nghiệm suốt 2 tháng vẫn không có kết quả. Bỗng một hôm, phản ứng xảy ra trong sự ngỡ ngàng của cả hai thầy trò và nhân viên phòng thí nghiệm. Kể đến đây, ông quay sang hỏi chúng tôi: “Cô có biết điều gì xảy ra không?”, và ông bảo: “Cho đến nay, khi nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi cũng không hiểu điều gì đã xảy ra, nhưng chính sự bí ẩn của xúc tác đã cuốn hút tôi kiên trì đi theo hướng nghiên cứu này, xúc tác đúng là bí ẩn!”.

Sau khi xúc tác có hoạt tính thì NCS Trần Văn Nhân thu thập số liệu rất nhanh. Chỉ trong 3 tháng ông đã hoàn thành về cơ bản khối lượng thực nghiệm. Rồi hai thầy trò ngồi thảo luận kết quả thu được và mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh từ đây: thầy giải thích số liệu theo quan điểm gốc tự do, còn trò nhấn mạnh vai trò của các tâm xúc tác. Ông ghi lại trong nhật ký: “Quan hệ với GS R.E. Mardaleichvilli ngày một căng thẳng, nguồn gốc là sự tranh cãi thường xuyên giữa hai quan niệm đối lập… Không khí trong phòng thí nghiệm trở nên nặng nề… Tôi muốn cho ngày chóng qua để ra khỏi phòng thí nghiệm”[3]. Khi ông báo cáo kết quả nghiên cứu trước bộ môn Động hóa học, thầy chủ nhiệm bộ môn là Viện sĩ Emanuel đã tự tính toán lại các kết quả bằng thước tính logarit rồi bày tỏ ủng hộ quan điểm của nghiên cứu sinh. Song, thầy Mardaleichvilli lại nổi cáu và tuyên bố từ chối nhận NCS Nhân là học trò của mình. Nhưng cơn giận dữ của thầy rồi cũng qua đi, bộ môn dàn xếp ổn thỏa được mọi chuyện để tạo điều kiện cho ông tiếp tục làm các thí nghiệm và nghiên cứu.

Sau buổi báo cáo ấy trước bộ môn, NCS Trần Văn Nhân tập trung học để thi các chuyên đề. Thi xong, ông đi nghỉ hè tại nhà nghỉ Zvinegorod ở ngoại ô Moskva và sau đó trở về trường để tham dự đợt học chính trị do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức ngày 20-8-1965.

Sau ngày 2-9-1965, NCS Trần Văn Nhân trở lại phòng thí nghiệm làm việc. Lúc này, thầy Mardaleichvilli không tranh luận như trước nữa, “thầy bắt đầu dè dặt hơn khi nói về quan điểm của mình”[4]. Những lúc trao đổi với nhau, thầy hay bảo: “Anh có quan điểm của anh, tôi có quan điểm của tôi, cái đó không sao cả, quan trọng là ở kết quả thực nghiệm”. Hồi ký của GS Trần Văn Nhân có đoạn: “Tôi rất mừng vì quan hệ thầy trò trở nên tốt hơn, thầy nhiệt tình và tốt bụng, không định kiến, sẵn sàng cởi mở, thầy giúp tôi về máy móc thiết bị để thuận tiện trong nghiên cứu, chính tay thầy đã lắp ráp chiếc máy sắc ký khí để tôi sử dụng”[5].

Khi đã có trong tay các kết quả thực nghiệm, ngày 8-2-1966, NCS Trần Văn Nhân bắt tay vào viết phần tổng quan, ngày 30-3-1966 bắt đầu viết phần thực nghiệm và các phần còn lại của luận án. Đến cuối tháng 11-1966, bản thảo luận án viết xong, ngoài các phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận án gồm hai phần: Tổng quan và Kết quả thực nghiệm. Ông trích tiền học bổng 70 rúp mỗi tháng để thuê đánh máy. Lúc này, chỉ còn phải vẽ các bảng biểu và sơ đồ. Đến tháng 1-1967, trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva ra quyết định thành lập hội đồng chấm luận án phó tiến sĩ về đề tài Nghiên cứu các mối tương quan giữa hoạt tính và độ chọn lọc của các chất xúc tác dị thể của NCS Trần Văn Nhân.

Buổi bảo vệ luận án đã diễn ra và thành công tốt đẹp ngày 17-1-1967 tại khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva. GS Trần Văn Nhân kể: “Phản biện của tôi là TS Kiperman ở Viện Hóa hữu cơ thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, một người rất giỏi về lĩnh vực nghiên cứu động hóa học các phản ứng xúc tác dị thể. TS Kiperman đánh giá rất cao kết quả của luận án, được minh chứng bằng việc ông trích dẫn công trình của tôi trong cuốn sách của mình”[6].

* * *

Với GS.TS Trần Văn Nhân, 3 năm nghiên cứu sinh là khoảng thời gian không dài, nhưng đó là thời gian vừa giúp ông trưởng thành về chuyên môn, học thuật, vừa có tác dụng bước đệm để ông bước vào con đường nghiên cứu khoa học. Cũng trong 3 năm ấy, ông được gặp gỡ, giao lưu và có nhiều kỷ niệm đẹp với những thầy giáo và những nhà khoa học Liên Xô. Năm 1966, ông được tham dự kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Viện sĩ Semenov[7]. Buổi lễ sinh nhật hôm ấy diễn ra trong không khí ấm cúng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ quản lý, đông đảo đồng nghiệp, các đơn vị sản xuất và nhân viên các phòng thí nghiệm. Viện sĩ Semenov mặc bộ complet đen, tươi cười nhận hoa, cảm ơn và luôn đưa tay sửa lại tóc trên mái đầu hói của mình. Lúc đó, NCS Trần Văn Nhân nghĩ: “Được như các thầy thật là vinh quang!”. Một lần khác, ông được tham dự Hội nghị Xúc tác pha lỏng toàn Liên bang Xôviết từ ngày 23-9 đến mồng 2-10-1966, theo lời mời của Viện sĩ Sokolskii – người đã sang Việt Nam giúp đỡ khoa Hóa học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong thời kỳ đầu mới thành lập. Đến Alma Ata – thủ đô nước Cộng hòa Kazaxtan để tham dự hội nghị, ông được vợ chồng VS Sokolskii đón tiếp nồng nhiệt. GS Trần Văn Nhân kể lại: “Lần đầu tiên tôi được ở một mình trong một biệt thự của vùng ngoại ô, có nhiều người phục vụ. Ngoài việc tham dự các buổi báo cáo khoa học, tôi cùng với các đại biểu được dẫn đi tham quan thành phố. Hôm bế mạc hội nghị, tôi được mời đến nhà riêng của Viện sĩ dự tiệc cùng các vị khách quan trọng. Tôi chưa có kinh nghiệm đi dự tiệc, đang tuổi thanh niên, thấy người ta bưng ra món gì cũng ăn hết. Đến cuối tiệc, có nhiều món ngon khác bưng ra thì không ăn được nữa! Điều tôi khá ấn tượng là có rất nhiều tranh sơn mài của Việt Nam được trang trí trong phòng khách cùng rất nhiều sách chuyên khảo. Khi đến thăm trường Đại học Alma Ata, tôi được dẫn đi tham quan phòng thí nghiệm xúc tác. Ở đấy, tôi thấy có nhiều bình phản ứng “con vịt” mà ông Sokolskii đã mang sang Việt Nam những năm 60 để giúp đỡ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”[8]. Hôm rời Alma Ata, ông Nhân được bà Sokolskii biếu một hộp giấy đầy táo “Aport”, loại táo đặc sản, rất ngon, mà theo bà giải thích thì Alma Ata có nghĩa là “mẹ của táo”. Còn quà tặng của VS Sokolskii là hai “con vịt” (bình phản ứng xúc tác pha lỏng) được chế tạo tinh vi, để ông Nhân đem về Việt Nam dùng làm thiết bị thí nghiệm.

Ngày 21-1-1967, PTS Trần Văn Nhân rời Moskba lên đường về nước cùng với một bạn học là Quách Đăng Triều (sau là Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ngoài bạn bè, còn có thầy R.E. Mardaleichvilli cũng đến tiễn ông. Trở về nước công tác tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông không quên công ơn của thầy hướng dẫn, thỉnh thoảng ông lại viết thư thăm hỏi vị giáo sư đáng kính của mình.

Mười hai năm sau, năm 1979, khi trở lại Liên Xô thực tập khoa học 2 tháng tại Viện Xúc tác ở Siberi và Viện Dầu mỏ ở Moskba[9], ông Trần Văn Nhân đến nhà riêng thăm GS R.E. Mardaleichvilli và biếu thầy một chai rượu “Lúa mới”, nhưng thầy đang đau dạ dày nên không uống được. Và như ông thổ lộ về tình cảm với thầy: “Kể từ khi Liên Xô tan rã, tôi không biết tin tức về ông, có thể ông đã trở thành công dân Nga, cũng có thể ông đã trở về quê hương Gruzia của mình… Tôi nay đã trở thành giáo sư, còn ông, có lẽ đã về với cát bụi, nhưng tình cảm thầy trò thì còn mãi. Tôi vô cùng quý mến và biết ơn ông!”[10].

Khép lại câu chuyện quanh bản luận án phó tiến sĩ của mình, GS.TS Trần Văn Nhân nhắc đi nhắc lại với chúng tôi câu nói mà ông tâm đắc trong cuốn sách Thế giới như tôi thấy của A. Einstein: “Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể chiêm ngưỡng chính là sự bí ẩn. Đó là ngọn nguồn của nghệ thuật và khoa học chân chính”. Rồi ông tiếp: “Và xúc tác cũng vậy, chính sự bí ẩn của nó đã cuốn hút tôi đi theo hướng này và kiên định với nó hơn 50 năm qua”[11]. Với GS.TS Trần Văn Nhân, 12 đề tài nghiên cứu khoa học đã thực hiện, khoảng 70 công trình đã công bố, 17 cuốn sách ông đứng tên chủ biên và đồng tác giả…, đó là những thành tựu góp phần khẳng định về sự đóng góp khoa học của ông trong lĩnh vực động học xúc tác.

Nguyễn Thị Hiên

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


[1] GS.TS Trần Văn Nhân là nhà hóa học, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Hóa, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

[2] Theo lời dịch của GS.TS Trần Văn Nhân. Ghi âm phỏng vấn GS.TS Trần Văn Nhân ngày 21-1-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Nhật ký của GS.TS Trần Văn Nhân, ngày 3-1-1966, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Hồi ký của GS.TS Trần Văn Nhân, Hà Nội, 2013, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Hồi ký của GS.TS Trần Văn Nhân, tài liệu đã dẫn.

[6] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Trần Văn Nhân ngày 21-1-2015, tài liệu đã dẫn.

[7] Trưởng bộ môn Động hóa học, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, người được giải thưởng Nobel về Hóa học năm 1956 nhờ phát minh ra cơ chế phản ứng dây chuyền.

[8] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Trần Văn Nhân ngày 21-1-2015, tài liệu đã dẫn.

[9] Cùng đi thực tập khoa học chuyến này tại Liên Xô có bà Nguyễn Bích Hà, con của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên.

[10] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Trần Văn Nhân ngày 21-1-2015, tài liệu đã dẫn.

[11] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Trần Văn Nhân ngày 21-1-2015, tài liệu đã dẫn.