Câu chuyện tình cờ từ cuốn học bạ trường Bưởi

Dù không biết tiếng Pháp, chúng tôi vẫn đoán định đây chắc hẳn là một tài liệu quý, có thể là sổ học bạ của GS Phạm Đồng Điện, vì có ảnh chân dung của ông và mốc thời gian 1937-1940, cùng những môn học và những nhận xét. Vì thế, chúng tôi quyết định thuyết phục vợ ông là bà Lê Thị Minh Châu tặng cuốn sổ này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Bà Châu tuổi đã cao và sức khỏe đã giảm sút nên không thể nhớ nổi đó là tài liệu gì.

Tình cờ, trong một lần xem các tài liệu sưu tầm được đưa về Trung tâm, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn của Trung tâm đã bất ngờ nhận ra chữ ký rất quen trong cuốn sổ này. Và ông hiểu ngay, đây là một cuốn học bạ, có chữ ký của thân phụ ông là GS Nguyễn Văn Huyên, giáo viên dạy môn lịch sử cho ông Phạm Đồng Điện thời bấy giờ.

Chúng tôi đã tìm lại được câu chuyện quá khứ liên quan đến cuốn học bạ của GS Phạm Đồng Điện thông qua bạn bè, người thân của ông, như nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc[1] và PGS.TS Phạm Quý Tư[2].

Sinh ra trong gia đình có cha làm tri huyện ở huyện Vũ Tiên (Thái Bình), Phạm Đồng Điện và các em có điều kiện được học tập. Năm 1934, ông thi vào trường Trung học Bảo hộ ở Hà Nội (thường gọi là trường Bưởi, nay là trường PTTHChu Văn An) – một trường nổi tiếng nhất ở miền Bắc nước ta bấy giờ, mỗi khóa chỉ lấy 120 học sinh. Hồi đó, trường Bưởi là trường trung học có hai cấp: cấp Cao đẳng tiểu học (tương đương lớp 6 đến lớp 9 hiện nay) và cấp Tú tài (tương đương với cấp 3). Sau khi học 4 năm Cao đẳng tiểu học, người học được thi để lấy bằng Thành chung, sau đó có thể làm công chức tại các Sở của nhà nước. Còn những ai muốn học tiếp sẽ thi vào ban Tú tài, học đến năm thứ ba thì phân ra thành lớp Triết học và lớp Toán. GS Phạm Đồng Điện học cả hai cấp ở trường Bưởi.

Ông Hữu Ngọc còn nhớ khá rõ: Hàng năm, trong mấy trăm học sinh của trường Bưởi, Hội đồng kỉ luật xem xét và khen thưởng những học sinh xuất sắc. Vào năm 1938, có 7 người được trường khen thưởng, trong đó có Phạm Đồng Điện và ông. Phần thưởng là được mời đến Nhà hát lớn thành phố và ở đó tổ chức tuyên dương, nhận phần thưởng là một chồng sách, phải thuê xe xích lô để mang về[3].

PGS.TS Phạm Quý Tư cũng kể: “Anh Điện học cấp 2 từ năm 1934 tại trường Bưởi. Thấy anh Điện học, anh Khoán (em thứ tư trong gia đình) đòi học theo. Do đó, từ lớp 5 đến hết ban Tú tài, hai anh em học cùng nhau. Anh Điện học xuất sắc, còn anh Khoán học khá, mỗi năm một lớp”… “Anh Điện không bao giờ kể về thành tích học tập của mình cho các em, cũng không bao giờ nói học giỏi hay được phần thưởng”[4]. Có lần, ông Tư được người anh thứ ba tên là Mạc (đang học cấp 2) đi dự buổi phát phần thưởng về kể lại rằng: kết quả thi học sinh của Pháp và các nước thuộc địa[5], Phạm Đồng Điện được giải nhì môn tiếng Pháp. Ông Tư cho biết thêm, hồi ông còn nhỏ, trong nhà có tủ sách to, mà toàn là sách phần thưởng của anh Điện[6].

Những điều kể lại từ kí ức ấy cho thấy GS Phạm Đồng Điện thuở nhỏ học rất giỏi, mà điều đó cũng được khẳng định qua cuốn học bạ của ông từ năm 1937 đến 1940 tại trường Bưởi. Cuốn học bạ có kích thước 16cm x 21,5cm, còn nguyên cả bìa và 12 trang ruột, bìa trước bị ố góc dưới,phía dướigáy bịráchkhoảng 1cm, tuy giấy đã bị ố nhiều nhưng vẫn khá lành lặn và phẳng phiu. Toàn bộ nội dung được viết bằng mực tím, đen và xanh trên mẫu đánh máy, tất cả đều bằng tiếng Pháp. Với mỗi học sinh trường này, học bạ lưu lại rõ ràng và cụ thể kết quả học tập hàng năm, có bảng điểm tất cả các môn học, có nhận xét của hiệu trưởng và các giáo viên về tình hình học tập, sự tiến bộ và hạnh kiểm của học sinh. Có lẽ đây là một hiện vật hiếm hoi về thời học trò của GS Phạm Đồng Điện, cho thấy thành tích học tập đáng nể phục của ông trong suốt 3 năm ở trường Bưởi.

Năm học 1937-1938, Phạm Đồng Điện đạt điểm trung bình cả năm là 14,65/20, xếp thứ nhất trong lớp có 38 học sinh và phần lớn các môn được giáo viên khen ngợi:

Giáo viên Pháp văn: chăm chỉ, có phương pháp, cần cù nhưng hơi rụt rè.

Triết học, lịch sử và địa lí: lịch sử học sinh rất tốt[7], địa học rất tốt.

Toán: học sinh xuất sắc, rất nghiêm túc và chăm chỉ nhưng hơi chậm.

Vật lí: hài lòng hoàn toàn.

Tiếng An Nam: học sinh rất tốt, nghiêm túc và chăm chỉ, kết quả rất tốt.

Tiếng Anh: rất cố gắng và chịu suy nghĩ, kết quả xuất sắc.

Vẽ: xuất sắc, chăm chỉ…

Còn nhận xét chung của hiệu trưởng vào ngày 5-6-1938: Học sinh rất tốt.

Năm học thứ hai (1938-1939), lớp có 32 người, điểm xếp hạng của ông đạt 14,28/20 và tiếp tục đứng đầu lớp, được các giáo viên nhận xét là Học sinh rất tốt và Học sinh xuất sắc.

Sang năm học thứ ba (1939-1940), Phạm Đồng Điện học lớp Toán, trong lớp có 43 người. Điểm các môn của ông đạt 14,29/20, đồng thời ông còn được nhận nhiều giải thưởng: giải nhất về sử và địa, giải nhì về tiếng An Nam, vật lí và toán, giải khuyến khích về triết học. Các thầy giáo vẫn hết lời khen ngợi ông:

Pháp văn và triết học: học sinh xuất sắc, có năng lực và cần cù, xứng đáng với kết quả.

Lịch sử và địa lí: học sinh xuất sắc, hoàn toàn hài lòng.

Toán: học sinh tốt, có phương pháp và chăm chỉ, có thể đứng đầu lớp.

Tiếng An Nam: học sinh xuất sắc[8].

Một trang học bạ có nhận xét của các giáo viên

Lúc đó, Phạm Đồng Điện được mệnh danh là “Thần đồng thành Nam”[9]. Sau khi tốt nghiệp trường Bưởi, ông vào học ban Tự nhiên của trường Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Rồi ông tham gia cách mạng và công tác tại Phòng Hóa chất của Cục Quân giới, sau làm Phó giám đốc Nha Nghiên cứu kĩ thuật. Năm 1951, ông được Trung ương Đảng cử tham gia đoàn cán bộ khoa học kĩ thuật đầu tiên đi đào tạo tại trường Hóa Mendeleev ở Liên Xô. Trong suốt những năm kháng chiến gian khổ và đi học nước ngoài, hành trang của Phạm Đồng Điện chỉ là hai bộ áo quần đựng trong chiếc ba lô nhỏ, cuốn học bạ phổ thông năm nào ở trường Bưởi dường như bị quên lãng. Về nước năm 1956, ông lao vào nhiệm vụ mới, làm cán bộ giảng dạy rồi Chủ nhiệm khoa Hóa của trường Đại học Bách khoa mới thành lập. Từ đầu những năm 1960 đến năm 1980, ông là Phó hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Mãi đến năm 1975, khi vào tiếp quản miền Nam mới giải phóng, một người em họ của GS Phạm Đồng Điện trong lực lượng công an đã tình cờ phát hiện ra hồ sơ của anh mình tại trụ sở công an thuộc chính quyền Việt Nam cộng hòa. Thì ra, trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Quốc phòng nước ta có 3-4 người được coi là “yếu nhân” về nghiên cứu vũ khí, trong đó có GS Phạm Đồng Điện. Người Pháp định tổ chức bắt cóc ông, nên họ thu thập tài liệu liên quan đến ông để tìm hiểu, trong đó có cuốn học bạ này. Người em họ kia đã đem cuốn học bạ về cho anh Điện. Theo PGS Phạm Quý Tư, nếu không có hoàn cảnh đặc biệt như thế thì chắc cuốn học bạ đã không tồn tại được qua những năm chiến tranh lâu dài và ác liệt.

Sau khi nhận lại cuốn học bạ thời học trường Bưởi của mình, GS Phạm Đồng Điện cất vào tủ cùng với các tập ảnh và những tài liệu ghi chép của ông. Khi ông qua đời (năm 2007), bà Lê Thị Minh Châu tiếp tục lưu giữ và đến tháng 10-2011 bà đã tặng tài liệu quý này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Trần Bích Hạnh

___________________

* GS Phạm Đồng Điện (1920-2007) là nhà Hóa học, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

[1] Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc (năm nay đã 97 tuổi) cũng là cựu học sinh trường Bưởi nhưng học khóa trước ông Phạm Đồng Điện.

[2] PGS.TS Phạm Quý Tư là em trai của GS Phạm Đồng Điện và từng là Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

[3] Ghi âm chuyện kể của nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc ngày 9-4-2012, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4], [6] Ghi âm chuyện kể của PGS.TS Phạm Quý Tư ngày 11-4-2012, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Tương tự như thi học sinh giỏi toàn quốc ngày nay.

[7] Môn sử do GS Nguyễn Văn Huyên dạy.

[8] Môn tiếng An Nam (nay là môn tiếng Việt) do GS Dương Quảng Hàm dạy.

[9] “Thành Nam” được dùng để chỉ Nam Định, quê hương của GS Phạm Đồng Điện.