Cuốn sách đầu tay

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, trong bối cảnh Mỹ trực tiếp nhảy vào và tăng cường chiến tranh ở miền Nam, miền Bắc phải tích cực phát triển kinh tế để dần thoát khỏi tình trạng lạc hậu, khó khăn và để chi viện cho cách mạng miền Nam, trong đó có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là thực hiện công nghiệp hóa. Nhiệm vụ công nghiệp hóa khi đó được tác giả Đào Xuân Sâm hiểu như đã viết trong lời mở đầu cuốn sách đầu tay của mình: Cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở nước ta là làm cách mạng kỹ thuật, đó là quá trình từng bước cải tạo kỹ thuật và trang bị kỹ thuật mới cho tất cả các ngành kinh tế quốc dân. Nội dung chính của cuộc cách mạng kỹ thuật đó hiện nay là cơ khí hóa sản xuất[1]. Ông thực hiện công trình nghiên cứu về hiệu quả của cơ khí hóa, và kết quả nghiên cứu được công bố thành cuốn sách này. Cuốn sách dày 112 trang, khổ 13,5cm x 19cm, do Nhà xuất bản Khoa học[2] ấn hành, bìa được bọc vải màu xanh. Ông viết vào trang bìa lót thể hiện sự trân trọng và ý muốn ghi nhớ một dấu mốc sự kiện đặc biệt trong đời mình: Lưu niệm cuốn sách đầu tay, nhận ngày 21-11-1966. Trải qua 50 năm với nhiều lần chuyển nhà, cuốn sách này ông vẫn giữ được, dù nét chữ in đã nhạt mờ ít nhiều và giấy đã ngả sang màu vàng ố.

PGS Đào Xuân Sâm, 22-3-2016

Theo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) do Đảng và Nhà nước ta xác định, với yêu cầu phát triển mạnh công nghiệp nặng, tháng 8-1961, Bộ Công nghiệp nặng cho thành lập khu công trường khai thác than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày nay, do Công ty than Hòn Gai và Công ty than Cẩm Phả phụ trách. Từ trước, ở đây – đặc khu Hồng Quảng đã có Xí nghiệp quốc doanh than Hòn Gai được thành lập trên cơ sở tiếp quản Công ty than Bắc kỳ thời Pháp, cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ đã lạc hậu. Năm 1960, sản lượng khai thác than mới đạt mức 2,5 triệu tấn, nhưng đến năm 1963, với sự hỗ trợ trang thiết bị của Liên Xô, đã nâng tổng sản lượng lên 3.897.974 tấn, đạt 100,2% kế hoạch, và năm 1965 là 4,58 triệu tấn. PGS Đào Xuân Sâm cho biết: Ngành than Việt Nam được Liên Xô đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, gồm: ô tô tải loại 25 tấn, máy xúc, máy ủi… nhằm thực hiện chủ trương công nghiệp hóa và thúc đẩy việc khai thác nguồn khoáng sản này[3]. Thời kỳ đó, Công ty than Hòn Gai là điểm sáng về ứng dụng máy móc vào sản xuất, giúp nâng cao sản lượng khai thác, nên được Bác Hồ về thăm hai lần vào tháng 2-1965 và tháng 11-1968.

Năm 1961, sinh viên Đào Xuân Sâm tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Tài chính và được giữ lại công tác ở tổ Kinh tế công nghiệp, khoa Kinh tế công nông nghiệp. Khi đó ông đã 33 tuổi. Trước thực tế có nhiều vấn đề được coi trọng, như kinh tế công nghiệp, kinh tế xí nghiệp công nghiệp, cơ sở kinh tế công nghiệp…, nhưng vấn đề hiệu quả kinh tế trong công nghiệp nói chung và trong cơ khí hóa nói riêng thì chưa được nhắc tới, giảng viên Đào Xuân Sâm băn khoăn khi liên hệ tới những thành quả mà Công ty than Hòn Gai đạt được và ông tự đặt câu hỏi: Có phải áp dụng máy móc hiện đại vào khai thác khoáng sản là mang lại lợi nhuận kinh tế và năng suất cao?; lao động sức người có còn phù hợp trong thời kỳ công nghiệp hóa?; làm thế nào để tính được hiệu quả kinh tế trong sản xuất?. Ông trăn trở với những câu hỏi đó.

Ở Liên Xô, một số chuyên gia kinh tế cũng đặt ra vấn đề hiệu quả kinh tế trong nền sản xuất đại công nghiệp, họ đã cùng nhau viết cuốn sách Hiệu quả của vốn đầu tư vào đầu những năm 1960. Năm 1963, Nhà xuất bản Sự thật tổ chức dịch cuốn sách này sang tiếng Việt, nhưng khi soát lại nội dung thì thấy “sượng” do người dịch chưa hiểu hết các thuật ngữ chuyên ngành kinh tế công nghiệp. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Vấn – biên tập viên mảng sách về kinh tế được nhà xuất bản cử đến gặp ông Sâm tại nhà số 7, khu tập thể ĐH Kinh tế Tài chính để nhờ biên dịch lại. Nhận lời, ông Sâm mua thêm một số cuốn từ điển để tra cứu cho chuẩn xác, như: từ điển Nga – Việt, từ điển tiếng Việt, từ điển Pháp – Nga, từ điển Kỹ thuật. Trong quá trình biên dịch, ông hiểu hơn về tình hình công nghiệp hóa và những khó khăn trong sản xuất mà ở Liên Xô đang vướng mắc. Năm 1964, ông biên dịch xong cuốn sách và gửi cho nhà xuất bản, nhưng rồi không thấy hồi âm và cũng không được trả tiền thù lao. Mãi sau này ông mới biết lý do mà như ông chia sẻ: Vì Nhà xuất bản Sự thật đi sơ tán, nên cuốn sách không được xuất bản.

Đầu năm 1964, ông Đào Xuân Sâm được ông Nguyễn Ngọc Đàm – Bí thư đảng ủy kiêm Giám đốc Công ty than Hòn Gai mời xuống Quảng Ninh thuyết trình về hiệu quả trong việc áp dụng cơ khí hóa vào sản xuất. Với ông Sâm, đây quả là dịp may để nghiên cứu và khảo sát thực tế quá trình cơ khí hóa của Việt Nam. Được sự đồng ý của Hiệu trưởng Hồ Ngọc Nhường[4], ông Sâm và một cán bộ cùng khoa là ông Hồ Phương mang theo xe đạp và lên tàu ở ga Hàng Cỏ để đi xuống Hải Phòng. Từ ga Hải Phòng, hai ông đạp xe về nhà khách của Công ty than Hòn Gai, nay thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Làm việc với lãnh đạo Công ty, ông Sâm đề nghị cho xuống vùng mỏ Hòn Gai tìm hiểu tình hình thực tế. Hàng ngày, hai ông từ nhà khách đi xe đạp rong ruổi trên những con đường gồ ghề tới thăm các mỏ. Ông Sâm vẫn nhớ, chiếc xe của ông đi hồi ấy là xe của Tiệp Khắc sản xuất, mua bằng tiền xuất ngũ năm 1958 của ông, giá gần 300 đồng, còn ông Hồ Phương đi xe đạp của Liên Xô.

Sau đó, ông Đào Xuân Sâm và ông Hồ Phương chuyển đến khảo sát tiếp ở vùng mỏ Cẩm Phả. Hồi ấy, từ Hòn Gai phải đạp xe đến bến phà Bãi Cháy rồi đi phà qua sông Cửa Lục để đến Cẩm Phả. Tại Cẩm Phả, hai ông ở cùng lán với công nhân. Khi thăm công trường khai thác than lộ thiên, lần đầu tiên thấy những chiếc máy cỡ lớn của Liên Xô đang làm việc với cường độ cao, ông Sâm ước tính: Cứ một gàu xúc được 2,5m3 than đổ lên xe ben có khối lượng tải là 25 tấn, nếu so với sức người thì máy xúc làm việc hiệu quả hơn hẳn. Nhưng ông bị thôi thúc bởi câu hỏi tự đặt ra: Khai thác than trong hầm lò nằm sâu trong núi hoặc dưới lòng đất thì việc ứng dụng máy móc hiện đại ra sao?. Vậy là hai ông đi bộ mấy cây số theo đường goòng chở than để vào hầm lò tìm hiểu. Quả nhiên, không thể đưa máy xúc vào hầm lò, việc khai thác than ở đây chỉ trông chờ vào sức lao động của người công nhân sử dụng búa chim. Công việc vô cùng vất vả, điều kiện bảo hộ lao động thiếu thốn… Hôm đó, sau khi từ hầm lò ra, hai ông cùng ăn xôi với những người công nhân mặt lấm than đen nhẻm nhưng đôi mắt vẫn toát ra sự lạc quan.

Khi trở lại Hòn Gai, ông Sâm dành mấy hôm để nói chuyện với cán bộ tại đây về nhiều vấn đề, như: giá cả trong khai thác than, hiệu quả trong việc sử dụng máy móc vào khai thác… Ông còn nhớ, ông đã phân tích như sau: Khi sử dụng máy móc, công ty có thể giảm bớt chi phí tiền lương trả cho công nhân, thay vào đó, phải bỏ tiền ra đầu tư trang thiết bị, khấu hao trong quá trình máy hoạt động như chi phí vật tư, điện, dầu… Như vậy, lãnh đạo công ty cần có sự cân nhắc trong sản xuất, khi nào sử dụng máy móc, khi nào dùng sức lao động, để đem lại hiệu quả cao nhất. Ông cũng đề cập đến tác phẩm kinh điển Tư bản của C. Mác, trong đó có một vấn đề liên quan đã được C. Mác chỉ ra khi viết về công xưởng tư bản, đại ý là: Khi đưa máy móc vào sản xuất, phải trả lời được câu hỏi có tiết kiệm được lao động xã hội không. Ông Sâm nêu ví dụ từ thực tế ở mỏ: Một chiếc máy xúc, mỗi gàu xúc được 2,5m3 than, vậy để đổ đầy thùng xe ben 25 tấn sẽ cần xúc 10 gàu và trong khoảng thời gian 30 phút. Nếu sử dụng sức người, phải cần đến 20 công nhân làm trong mấy giờ đồng hồ. Như vậy, việc sử dụng máy móc giúp tiết kiệm sức lao động, Tuy nhiên, một vấn đề cần đặt ra là: chi phí khấu hao máy móc so với số tiền lương trả cho công nhân có rẻ hơn không?. Sau khi tính toàn bộ chi phí bỏ ra để khai thác một tấn than, người quản lý mới tính ra được giá thành sản phẩm.

Sau hơn một tháng công tác ở Quảng Ninh, ông Đào Xuân Sâm trở về Hà Nội và viết bài “Giá thành than trong quá trình cơ khí hóa” đăng trên tạp chí Công nghiệp của Ban Công nghiệp Trung ương. Bài viết được nhiều chuyên gia kinh tế ở Ban Công nghiệp đánh giá cao, nhất là ông Lê Thanh Nghị – Trưởng ban và ông Nguyễn Đăng Định – trợ lý của ông Nghị.

Tháng 3-1964, trường ĐH Kinh tế Tài chính tổ chức hội thảo về vấn đề công nghiệp hóa. Nhiều người tham dự hội thảo quan niệm năng suất lao động tính bằng cách đem tổng sản phẩm làm ra chia cho bình quân đầu người. Song, ông Đào Xuân Sâm lại cho rằng cách tính đó chưa thực sự hợp lý. Ông lấy ví dụ: Muốn biết năng suất của công nhân làm ra bao nhiêu Kwh điện trong một năm, có thể chia tổng sản lượng điện của nhà máy cho số công nhân thì sẽ biết trung bình mỗi người đạt bao nhiêu. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy, vì khi làm ra một Kwh điện cần rất nhiều chi phí phụ kèm theo như: máy móc, than, khấu hao chi phí… Còn với người nông dân, việc lấy sản lượng thóc chia cho đầu người là tương đối đúng, vì thóc được sản xuất chủ yếu bằng sức lao động cá nhân (chiếm khoảng 80%). Từ đó đặt ra bài toán, liệu năng suất lao động của người công nhân có cao hơn người nông dân hay không. Để người nghe hiểu hơn vấn đề, ông Sâm dẫn ra tư tưởng của C. Mác về năng suất lao động trong tác phẩm Tư bản để làm luận cứ. Nhưng cái khó là ở chỗ, không một chuyên gia kinh tế nào ở ta tính được năng suất lao động xã hội, bởi chẳng hạn như sản xuất một tấn than thì chi phí điện chiếm bao nhiêu, chi phí hao mòn máy móc chiếm bao nhiêu, sức lao động của người công nhân chiếm bao nhiêu… Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, thị trường tự xác định giá cả hàng hóa thì người sản xuất tính được giá trị của hàng hóa và công sức của người lao động, còn ở các nước xã hội chủ nghĩa, thị trường bị triệt tiêu nên không định được giá cả hàng hóa. Trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gotha, C. Mác cũng đề cập điều này: Vấn đề giá cả hàng hóa sẽ do xã hội trực tiếp tính (còn gọi là xã hội có tính xã hội trực tiếp) mà không cần thị trường … Trong một xã hội được tổ chức theo nguyên tắc chủ nghĩa tập thể, dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất thì những người sản xuất không trao đổi sản phẩm của mình, ở đây lao động chi phí vào sản xuất ra các sản phẩm không biểu hiện ra thành giá trị của các sản phẩm ấy [5]. Do vậy, Ủy ban Vật giá nhà nước ra đời để tính toán và định mức giá cả theo cách tính “Quy ước” của nhà kinh tế học Liên Xô nổi tiếng là ông M. Stroumiline, sau đó một chuyên gia kinh tế khác của Liên Xô là ông E. Préobrajensky đã tiếp tục bổ sung và cùng với ông Boukharine[6] viết cuốn sách ABC của chủ nghĩa cộng sản[7]. Theo đó, sản phẩm đắt hay rẻ là do giá thành quy định, muốn có giá cả phải biết được giá thành; nhưng chủ nghĩa xã hội xóa bỏ thị trường nên không thể có giá cả được, do đó ông Stroumiline nghĩ ra công thức là: Giá trị = C+V+M (C là lao động quá khứ, V là tiền công (lao động sống), M là thặng dư (tự quy ước).

Tại cuộc hội thảo tháng 3-1964 này, ông Đào Xuân Sâm đã có những phân tích sâu về vấn đề giá trị thặng dư của mỗi nền kinh tế. Trong kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản, nhà kinh doanh tính hết chi phí sản xuất vào sản phẩm, sau khi bán được lãi bao nhiêu thì đó là giá trị thặng dư. Còn với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, vì không chấp nhận thị trường nên phải tự quy ước giá trị thặng dư. Chính sự nhận thức và cách tính giá trị thặng dư của hàng hóa khác nhau đã tạo ra sự khác biệt trong hai nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa dần rơi vào tình trạng ì ạch, lối mòn, hàng hóa không phong phú, thì các nhà máy ở các nước tư bản luôn nắm bắt nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng để sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, nhà nước tư bản thu được thuế từ doanh nghiệp, người dân được sử dụng các mặt hàng mới, nhà sản xuất thu được lợi nhuận.

Sau khi kết thúc cuộc hội thảo kể trên, ông Phạm Đình Tân – Tổ trưởng tổ Kinh tế công nghiệp, khoa Kinh tế công nông nghiệp phản ánh với ông Nguyễn Đăng Định về bài tham luận của ông Sâm có hàm ý phê phán cả chủ chương của lãnh đạo Đảng về vấn đề công nghiệp hóa, điều này làm cho ông Định không vui.

Hai tháng sau, ông Đào Xuân Sâm tiếp tục trình bày tham luận “Tiêu chuẩn hiệu quả kinh tế” tại buổi thảo luận ở khoa Kinh tế công nông nghiệp, ngoài các giảng viên trong khoa còn có Hiệu trưởng Hồ Ngọc Nhường, ông Nguyễn Đăng Định và một số cán bộ Ban Công nghiệp Trung ương tham dự. Ông Sâm đưa ra nhiều ý kiến đánh giá từ kết quả chuyến đi khảo sát thực tế của mình tại khu mỏ than ở Hòn Gai và Cẩm Phả. Theo ông, việc xác định hiệu quả kinh tế của cơ khí hóa trong ngành công nghiệp nặng nói chung và ngành than nói riêng vẫn chưa được chú trọng; năng suất lao động được tính từ kết quả mà mỗi đơn vị lao động cá biệt (là các công ty, xí nghiệp) đạt được, chưa tính được sự hỗ trợ của các ngành khác. Ông lấy một ví dụ cụ thể: Muốn hạ giá thành than, ngoài đầu tư trang thiết bị vào khai thác, người quản lý cần tính đến phương án vận chuyển, thuộc ngành vận tải phụ trách, bởi nếu vận chuyển xa và dùng các loại phương tiện khác nhau thì sẽ tạo ra sự chênh lệch giá than. Thực tế ở vùng mỏ cũng cho thấy như vậy, như về sau ông viết trong cuốn sách đầu tay của mình (tr. 44): Công ty than Hòn Gai đã tự sửa sà lan cũ để tăng lượng chở hàng hóa đường sông và đường biển, vừa nhanh vừa rẻ và nhờ đó khắc phục được một phần tình trạng thiếu ô tô, hạ giá thành sản phẩm được 30%. Nhưng ngay khi nghe ông Đào Xuân Sâm trình bày như vậy, mấy vị ở Ban Công nghiệp đứng lên phê phán kịch liệt, họ cho rằng ông viết lung tung, rằng ông quá nhấn mạnh tới lợi nhuận kinh tế (một vấn đề ít được đề cập trong nền kinh tế bao cấp), thậm chí có người còn nói: Anh vốn liếng thế nào mà dám viết như thế?… Cả ông Sâm và ông Nhường đều bất ngờ trước sự phản ứng gay gắt như vậy, ông Sâm chỉ trả lời nhẹ nhàng: Xin lỗi các anh, tôi không có thì giờ để giải thích, nhưng ý của tôi không phải như thế.

Sau này, ông Đào Xuân Sâm được hai bạn học thời sinh viên là Nguyễn Lân và Nguyễn Bích – cùng là chuyên viên Ban Công nghiệp Trung ương kể lại chuyện sau khi kết thúc hội thảo hôm ấy: Khi mấy vị cán bộ Ban Công nghiệp từ trường ĐH Kinh tế Tài chính về đến trụ sở ở số 4 – Nguyễn Cảnh Chân, họ tiếp tục nói tới nội dung cuộc thảo luận và phê phán quan điểm của ông Sâm. Hai ông Nguyễn Bích, Nguyễn Lân liền giải thích đại ý rằng quan điểm của ông Sâm trong bài “Tiêu chuẩn hiệu quả kinh tế” là nhằm đầu tư ít vốn, tiết kiệm chi phí nhưng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất công nghiệp, chứ không phải vấn đề lợi nhuận trong buôn bán. Ông Trần Diệp – Phó trưởng ban Công nghiệp Trung ương cũng ủng hộ tư tưởng trong bài này của ông Sâm. Thấy vậy, ông Nguyễn Đăng Định đã đọc lại bài viết và cũng nhận thấy nhiều ý kiến hay trong đó. Ông Định còn gợi ý Trưởng ban Lê Thanh Nghị đưa ông Sâm về công tác ở Ban. Vốn đã có ấn tượng tốt về bài viết trước của ông Sâm nên ông Nghị gọi điện trao đổi việc này với Hiệu trưởng Hồ Ngọc Nhường. Ngay hôm sau, ông Nhường gọi ông Sâm đến văn phòng và hỏi: Ban Công nghiệp đang thiếu người làm thư ký cho ông Nghị, họ muốn anh lên đó công tác, ý anh thế nào?, ông Sâm thẳng thắn trình bày: Tôi vốn quen nghiên cứu độc lập, nếu về làm thư ký cho ông Nghị e rằng không phù hợp, mong anh lựa lời từ chối. Cuối cùng, ông không bị điều chuyển và vẫn tiếp tục công tác ở trường ĐH Kinh tế Tài chính.

Cuốn sách đầu tay của PGS Đào Xuân Sâm

Giữa năm 1964, ông Đào Xuân Sâm bắt tay vào viết cuốn sách Xây dựng phương án và xác định hiệu quả kinh tế của cơ khí hóa, hơn một năm thì hoàn thành. Trong cuốn sách này, ông tổng kết lại những nhận thức từ chuyến đi nghiên cứu thực tế ở vùng mỏ than Hòn Gai, Cẩm Phả cũng như sau lĩnh hội thêm nhiều vấn đề khi tham dự hội thảo ở trường và khoa. Bản thảo sách dày 112 trang, được chia làm hai phần: Xây dựng phương án cơ khí hóa; Xác định hiệu quả kinh tế của cơ khí hóa. Trong đó, ông Sâm đánh giá: Đi đôi với việc xây dựng phương án cơ khí hóa là việc cần thiết phải xác định đúng đắn hiệu quả kinh tế của cơ khí hóa. Đó là những việc không thể thiếu được trong khi xác định phương hướng, bước đi, cũng như khi nghiên cứu thiết kế, lựa chọn phương tiện kỹ thuật… Đảm bảo sử dụng vốn và sức lao động có hiệu quả nhất, đảm bảo cơ sở vững chắc cho việc không ngừng nâng cao năng suất lao động cho xã hội (tr. 108). Sau đó, ông Sâm mang bản thảo tới Ban Công nghiệp để nhờ ông Nguyễn Đăng Định đọc trước. Hôm sau, ông Định gọi ông Sâm tới gặp và khen: Cậu đi sâu nghiên cứu nhiều vấn đề quá!, và gợi ý nên chuyển bản thảo cho Nhà xuất bản Khoa học để ấn hành. Ngay lúc đó, ông Định gọi điện trao đổi với ông Trần Phương – Viện trưởng Viện Kinh tế học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, đề nghị tạo điều kiện để xuất bản cuốn sách của ông Sâm. Ngày 26-11-1966, Nhà xuất bản Khoa học cử người đến nhà đưa cho ông Sâm một số cuốn sách biếu và 400 đồng tiền nhuận bút. Ông cho biết: Số tiền này gấp 3 lần tiền lương một tháng của tôi lúc đó. Nhờ có khoản tiền ấy, ông mua thêm một chiếc xe đạp “Praha” của Tiệp Khắc cho vợ đi làm. Cuốn sách sau khi ra đời được sinh viên sử dụng làm tài liệu tham khảo cho môn kinh tế công nghiệp ở khoa Kinh tế công nghiệp[8].

Năm 1978, ông Đào Xuân Sâm chuyển sang công tác ở khoa Quản lý kinh tế, trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Từ đây, ông tập trung nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin và về đường lối của Đảng trong điều hành kinh tế đất nước.

Cuốn sách Xây dựng phương án và xác định hiệu quả kinh tế của cơ khí hóa được ông giữ làm kỷ niệm trong suốt nửa thế kỷ qua. Đối với ông, nó rất quý, bởi đây là công trình nghiên cứu và xuất bản đầu tay, khi ông còn công tác ở trường ĐH Kinh tế Tài chính. Ngày 10-11-2015, PGS Đào Xuân Sâm đã tặng cuốn sách này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Cầm cuốn sách trên tay, PGS Đào Xuân Sâm tâm sự: Mỗi lần nhìn nó, tôi thường nhớ lại những ký ức về chuyến đi thực tế mỏ than ở Quảng Ninh, cũng như những khó khăn và bỡ ngỡ của ngày đầu bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học[9].

Ngô Văn Hiển

___________________________

* PGS Đào Xuân Sâm, chuyên ngành Kinh tế chính trị, nguyên Trưởng khoa Quản lý kinh tế, trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

[1] Đào Xuân Sâm, Xây dựng phương án và xác định hiệu quả kinh tế của cơ khí hóa, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1966, tr. 3, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Nay là Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Từ Tổ xuất bản được thành lập năm 1953, sau đổi tên thành Nxb. Văn – Sử – Địa (1955-1959), Nxb. Sử học (1960-1963), Nxb. Khoa học (1963-1966), và đến năm 1967 đổi tên thành Nxb. Khoa học xã hội, thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

[3] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm, 2-8-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, các lời kể của ông đều trích dẫn từ tài liệu này.

[4] Ông Hồ Ngọc Nhường làHiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Tài chính trong thời kỳ 1963-1968 (từ năm 1965, trường đổi tên là ĐH Kinh tế Kế hoạch, từ năm 1997 là ĐH Kinh tế quốc dân).

[5] C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 48.

[6] Ông Boukharine (1888-1938), Tổng biên tập báo Pravda (báo Sự thât) của Liên Xô.

[7] Dẫn theo Đặng Phong, Tư duy kinh tế Việt Nam, 1975-1989, Nxb. Tri thức, Hà Nội, tr. 57.

[8] Năm 1965, khoa Kinh tế công nông nghiệp tách thành hai khoa: Kinh tế công nghiệp và Kinh tế nông nghiệp.

[9] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm, 9-8-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.