Tám cuốn vở thời đi học ở Liên Xô

Trong 8 quyển vở thời sinh viên mà Trần Văn Nhân đã mang theo từ Liên Xô về và cất giữ đến nay, có sáu quyển của năm học thứ nhất (1956-1957), gồm ba quyển bài tập tiếng Nga, một quyển bài tập toán và hai quyển ghi bài giảng toán cao cấp, một quyển ghi thực hành môn hóa phân tích năm thứ hai (1957-1958), và một quyển ghi bài giảng hai môn hóa keo và cao phân tử năm thứ ba (1958-1959).

Đó là loại vở có khổ 17cm x 24cm, giấy kẻ ngang, bìa cứng với nhiều màu sắc khác nhau và có in chữ ở mặt ngoài, do Liên Xô sản xuất trong những năm 50 của thế kỷ trước, dày nhất là hai cuốn "Bài giảng toán cao cấp", 173 và 179 trang, những cuốn còn lại từ 50 đến 100 trang. Cả 8 cuốn đều đã cũ, giấy ố vàng, quăn mép, một số tờ bị long gáy. Cuốn nào cũng có nhãn vở viết bằng bút bi mực đen với đầy đủ thông tin: họ tên, trường, khoa, môn học và tên giảng viên. Trong vở viết bằng bút mực đen, mực xanh, nét chữ rõ ràng, tuy nhiều chỗ đã nhòe mờ nhưng vẫn đọc được.

Nhìn lại nét chữ của mình cách đây gần 60 năm, GS Trần Văn Nhân bồi hồi tâm sự: Tôi rời nước Nga đã hơn nửa thế kỷ, nhưng những hình ảnh về nước Nga, con người Nga vẫn tươi mới như ngày nào. Nước Nga trong tôi gắn với sông Moskva thơ mộng, đường bờ sông Smolenskoe, Quảng trường Đỏ lịch sử, điện Kremli tráng lệ và trường Đại học Tổng hợp Lomonosov nằm trên đồi Lênin với vẻ đẹp kiêu sa. Vì thế, tôi lưu giữ những kỷ vật này để nhớ về một thời kỳ đẹp đẽ trong quãng đời trai trẻ của mình[1].

Một trang viết trong các cuốn vở của GS.TS Trần Văn Nhân

Năm 1955, khi đang là sinh viên năm thứ hai ở khoa Hóa, trường Đại học Sư phạm, Trần Văn Nhân lọt vào danh sách 443 sinh viên được cử đi học ở nước ngoài. Mang theo niềm vinh dự và tự hào của người con Hà Tĩnh được đi du học trong lúc nhân dân ta còn gian khổ xây dựng đất nước sau kháng chiến, Trần Văn Nhân cảm thấy trách nhiệm lớn lao của mình, tự nhủ phải cố gắng học tập tốt để trở về phục vụ Tổ quốc. Khi ấy, việc đi học nước ngoài cũng là niềm vinh dự cho gia đình, đáp ứng lòng mong mỏi của hai cụ thân sinh muốn con mình noi theo con đường học tập của anh em Phan Anh, Phan Mỹ[2], người cùng xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, du học ở Pháp về và thành đạt.

Đặt chân đến Liên Xô ngày 11-9-1955, trước khi diễn ra lễ kỷ niệm lần thứ 38 Cách mạng tháng Mười, Trần Văn Nhân được viếng Lênin trong lăng ở Quảng trường Đỏ. Tuổi 20, lần đầu tiên anh tận mắt thấy nước Nga thanh bình với những cánh đồng bát ngát, hình ảnh người phụ nữ đi bới khoai tây, thanh niên lái máy cày…, được tiếp xúc với những người Nga hiền hậu ngay từ trên tàu đến Moskva, và anh nhận ra những hình ảnh rất đẹp trên nền thu vàng của không gian Nga, khác biệt hoàn toàn với quê nhà Việt Nam.

Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov – nơi Trần Văn Nhân theo học 5 năm, nằm trên đồi Lênin (nay gọi là đồi Sparov), bên dòng sông Moskva. Tòa nhà chính có hình tháp nhọn cao tới 240m. Trường được chia thành 10 khu và đặt tên theo thứ tự vần chữ cái. Khu A là nơi làm việc của Ban Giám đốc và bộ phận hành chính, các bảo tàng, khoa Địa chất, khoa Toán, còn lại các khu B, D, J, G lần lượt là ký túc xá – nơi ở của sinh viên và nghiên cứu sinh, các khoa Vật lý, Sinh học, Hóa học, Khoa học xã hội…, khu E là bệnh viện. Trong trường có đủ căngtin, cửa hàng thực phẩm, quầy bách hóa, rạp chiếu bóng, câu lạc bộ, sân vận động… Bốn cổng ra vào đều canh gác rất nghiêm, bất cứ ai muốn vào cũng phải xuất trình thẻ ra vào (propusk) có dán ảnh. Tuy vậy, như GS Trần Văn Nhân kể: … nhân viên bảo vệ không quen phân biệt mặt người Á đông, nhất là về mùa đông, khi áo măng-tô và mũ lông trùm kín người, chỉ hở hai con mắt, cho nên mỗi lần ra ngoài mà quên thẻ hoặc khi mời bạn bè từ trường khác đến chơi, chúng tôi lại cho nhau mượn thẻ. Sinh viên Trần Văn Nhân được ở một phòng khoảng 12m2 với đầy đủ tiện nghi: giường, tủ quần áo, giá sách, bàn ghế ngồi học, bàn ăn, ấm đun nước và cốc chén, chỉ dùng chung toilet và buồng tắm với người ở phòng kề bên. Mỗi tầng nhà ở có hai không gian bếp chung, sinh viên có thể tự nấu ăn ở đó hoặc ăn uống tại nhà ăn tập thể.

Niên khóa 1955-1956, Trần Văn Nhân vào học lớp dự bị đại học, quan trọng nhất phải kể đến môn tiếng Nga. Từ khi còn ở khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, anh đã được học "vỡ lòng" tiếng Nga của thầy Trần Thống. Sang đây, nghe người Nga nói chuyện, anh chẳng hiểu gì cả. Một nhóm sinh viên Việt Nam7 được bố trí học chung lớp tiếng Nga dưới sự hướng dẫn của hai cô giáo Anna Jakovlevna Naumova và Lilya Nikolaevna Shvedova. Các cô dạy nhiệt tình nhưng rất nghiêm khắc, không cho phép đến lớp mà không làm bài tập, cũng không cho sử dụng từ điển trên lớp, buộc sinh viên phải nhìn vào hiện vật và hình ảnh để học từ. Cô Svedova có phương pháp sư phạm khá tốt cho những đối tượng khác nhau, từ người bắt đầu học đến những người đã biết tiếng Nga ở mức độ nào đó. Sinh viên Trần Văn Nhân nhận thấy, trong việc học tiếng Nga, giáo viên người Nga dạy hiệu quả hơn nhiều so với giáo viên người Việt. Cô thường kết hợp giảng văn phạm với cho làm bài tập, đặc biệt chú trọng bài tập, để qua đó sinh viên hiểu được về văn phạm, cách sử dụng từ và vai trò của từ trong câu. Các bài tập được viết lên bảng, sinh viên chép vào vở của mình rồi sau khi làm xong thì nộp để cô giáo chữa cho. Cô Svedova thường gạch chân những chỗ sai bằng bút mực đỏ, để sau khi nhận lại vở thì sinh viên có thể sửa ngay.

Bên cạnh việc học trên lớp, sinh viên Trần Văn Nhân cũng dành nhiều thời gian để học tiếng Nga khi ở ký túc xá. Vì vậy, anh tiến bộ rất nhanh, chỉ sau một thời gian ngắn đã bước đầu đọc được tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoi, có thể cảm nhận được sự tinh tế của tiếng Nga, thấy yêu tiếng Nga, con người Nga và cả những cô gái Nga.

Ngoài tiếng Nga, lớp dự bị được học một số môn bổ túc trong chương trình phổ thông của Liên Xô như lịch sử, văn học, địa lý, toán, vật lý… Ảnh hưởng sâu sắc hơn cả đối với sinh viên Trần Văn Nhân là những tác phẩm văn học kinh điển Nga của Lev Tolstoi, Puskin, Gorki… Trong hồi ký của mình, GS Trần Văn Nhân đã viết: Lev Tolstoi đã mê hoặc tôi, tôi yêu Lev Tolstoi không chỉ qua những trang văn học, qua nhân vật tràn đầy sức sống như Natasa, Anna Karenina, mà còn ở tính cách của nhà văn, tuy xuất thân từ tầng lớp quý tộc nhưng mang trái tim người nông dân Nga chất phác, giản dị và độ lượng[3]. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến quá trình xây dựng các nhà máy thủy điện của Liên Xô trong môn địa lý cũng khiến cho anh say mê.

Sau một năm học tiếng Nga và bổ túc các môn học phổ thông, sang niên khóa 1956-1957, Trần Văn Nhân vào học chính thức tại khoa Hóa học. Sau ngày khai giảng, các sinh viên đến thư viện mượn sách để tự học. Bài giảng của thầy chỉ cung cấp một phần nhỏ trong lượng kiến thức của chương trình yêu cầu, do vậy sinh viên phải tự học, tự đọc tài liệu rất nhiều. Trần Văn Nhân học ngày học đêm, tham dự đầy đủ các buổi semina và làm hết những bài tập thầy giao. Ngay từ năm học này, Trần Văn Nhân đã choáng ngợp trước uy tín của các thầy là Viện sĩ hàn lâm, những đại diện xuất sắc nhất của nền khoa học Xôviết, như: thầy Spixin giảng hóa học vô cơ cho năm thứ nhất, thầy Alimarin giảng hóa học phân tích cho năm thứ hai, thầy Nesmeyanov – Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô thời đó, giảng hóa học hữu cơ cho năm thứ ba, thầy Geraximov giảng nhiệt động hóa học, thầy Frumkin giảng điện hóa học, thầy Emanuel giảng động hóa học…Được học các thần tượng khoa học là niềm vinh dự lớn và là động lực thôi thúc đối với sinh viên. Các thầy rất hiền nhưng cũng rất nghiêm. Nhờ chăm chỉ, kết quả học tập của sinh viên Trần Văn Nhân luôn đạt loại xuất sắc, thậm chí còn được trình bày báo cáo khoa học trước lớp về vấn đề phân tích điện hóa.

Năm học tiếp theo, năm thứ ba, kết quả học tập của sinh viên Trần Văn Nhân luôn đạt xuất sắc, anh bắt đầu học thêm tiếng Đức và học đàn piano.

Tháng 9-1959, bước vào năm thứ tư, Trần Văn Nhân được học các môn chuyên ngành. Lúc đầu, anh chọn nhiệt động học vì vẻ đẹp toán học của nó. Nhưng một hôm, tại phòng thí nghiệm nhiệt động học do Viện sĩ Gerasomov làm trưởng bộ môn, cô giáo phụ trách thực hành giới thiệu các hướng nghiên cứu và một số luận văn để tham khảo. Đọc mãi, anh chẳng thấy toán học, chỉ thấy các con số về hiệu ứng nhiệt của các phản ứng hóa học. Chán nản, anh chuyển hướng sang chuyên ngành khác, chọn động hóa học và xúc tác vì tính bí ẩn của nó. Trưởng bộ môn Động hóa học là Viện sĩ N. N. Semenov[4].

Cuối học kỳ I năm thứ tư (đầu 1960), khi sinh viên Trần Văn Nhân đang ôn thi môn hóa công nghệ thì đột nhiên mắt bên phải không nhìn thấy gì nữa. Đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ phát hiện cả hai mắt bị xuất huyết võng mạc, phải nằm viện để điều trị. Sau hai tuần, anh được ra viện nhưng bác sĩ dặn không được đọc sách nhiều, do đó môn hóa công nghệ khi thi chỉ được điểm 3, tức là đạt yêu cầu. Vì không muốn có điểm 3 trong sổ điểm nên anh đã xin thi lại và được thầy giảng chính môn này là Viện sĩ Volkovitch cho điểm 5 – điểm xuất sắc.

Tháng 9-1960, sinh viên Trần Văn Nhân bước vào năm thứ năm và bắt đầu làm luận văn tốt nghiệp, đề tài được giao làNghiên cứu động học phản ứng hydro hóa acetylen trên xúc tác platin và paladi kim loại, do GS Rem Ermolaevitch Mardaleisvilli hướng dẫn. Để hoàn thành luận văn, anh đến làm việc tại phòng thí nghiệm số 123, một trong 10 phòng thí nghiệm của bộ môn Động hóa học. Vào học kỳ II của năm học này, thầy hướng dẫn đi trao đổi khoa học ở Mỹ, bộ môn không phân công người hướng dẫn thay thế, nhưng sinh viên Trần Văn Nhân vẫn tiếp tục thực hiện các nghiên cứu và thí nghiệm như đã trao đổi với thầy từ trước. Sau đó, luận văn của anh đạt kết quả xuất sắc và anh được thầy phản biện khen về khả năng biện luận khoa học. GS Trần Văn Nhân cho biết, đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên của ông về động hóa học và xúc tác, để rồi ông theo đuổi lĩnh vực này trong suốt cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu của mình.

Trần Văn Nhân (số 1) cùng các bạn và cô giáo dạy tiếng Nga Lilya Nikonaevna Svedova

tại trường Lomonosov, Liên Xô, năm 1955

Một phần quan trọng trong ký ức của GS Trần Văn Nhân về Liên Xô chính là con người Nga. Ông xúc động khi bày tỏ từ đáy lòng: Tuyệt vời lắm các em ạ, những cô giáo Nga, con người Nga thật tuyệt vời!. Từ chỗ sống trong cái đói, cái nghèo, ăn còn chẳng đủ no, khi ở Nam Ninh – Trung Quốc đã cảm thấy sướng, nhưng sang đến đất nước Cách mạng tháng Mười mới thấy được sự khác biệt của chủ nghĩa xã hội và tình cảm quốc tế dạt dào của những người dân Nga.

Giáo sư Trần Văn Nhân không thể quên, những ngày đầu ông và các bạn từ Việt Nam mới sang Moskva, các cô giáo tiếng Nga đã dẫn đi mua áo măng-tô và mũ lông để chống lại cái rét khủng khiếp của mùa đông nơi đây. Các cô không chỉ dạy học, mà còn là những hướng dẫn viên du lịch, dẫn sinh viên Việt Nam đi tham quan các danh lam thắng cảnh, các bảo tàng, di tích lịch sử. Có những chuyến đi thăm thành phố Tula, du ngoạn bằng thuyền trên sông Moskva, vào rừng bạch dương ngắm mùa thu vàng nước Nga, thăm nhà của Tolstoi và tận mắt thấy nơi nhà văn ngồi viết tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, thấy nấm mồ đất của Tolstoi phủ đầy hoa trong khu rừng thưa Yasnaya Polyana… Vào những dịp đặc biệt, cô Lilya Nikolaevna Shvedova thường mời những học trò Việt Nam của mình đến nhà chơi, tham dự các buổi sinh nhật hay các ngày lễ của người Nga. Nhà cô Shvedova ở khu chung cư, mỗi căn hộ có 2-3 phòng thiết kế khá đơn giản nhưng ấm cúng, thường được gọi là kiểu nhà thời Stalin.

Giáo sư Trần Văn Nhân mang trong mình lòng biết ơn đối với người Nga. Không biết ơn sao được khi người Nga đã tạo điều kiện cho ăn, ở chu đáo, đã bồi dưỡng kiến thức và đào tạo chuyên môn, và còn cứu mạng sống nữa – như lời ông tự bạch. Chuyện là, vào năm học thứ năm, tháng 9-1960, khi đã nhận đề tài luận văn tốt nghiệp, sinh viên Trần Văn Nhân bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Sau vài ngày cảm sốt, tự nhiên thấy đau đầu dữ dội và nửa mặt méo xệch. Anh đến trạm y tế của trường khám rồi được chuyển ngay đến bệnh viện thành phố. Sau mấy ngày, vẻ lo lắng hiện lên trên gương mặt bác sĩ điều trị là bà Abramova, bà chẩn đoán anh bị viêm màng não và chuyển anh sang phòng dành cho bệnh nhân nặng. Suốt ba tháng trời, anh phải nằm, thậm chí không được ngẩng đầu lên. Thuốc penicilin tiêm cứ 4 giờ một mũi, 4-5 ngày lại rút tủy sống một lần để kiểm tra. Khi đã được phép ngồi dậy, anh được hai cô y tá xốc nách giúp tập đứng và tập đi. Kể lại thời gian nằm viện, GS Trần Văn Nhân thổ lộ lòng biết ơn chân thành: Tôi cảm phục tinh thần trách nhiệm, lòng tận tụy thương yêu người bệnh của các bác sĩ, y tá và hộ lý, tôi đã nợ họ rất nhiều về mạng sống của mình[5].

Kể thêm về lịch sử những cuốn vở của mình, ông cho biết: Sau khi tốt nghiệp khoa Hóa học, trường Đại học Tổng hợp Lomonosov và trở về Việt Nam, ông không sử dụng đến những cuốn vở thời sinh viên của mình ở Liên Xô nữa. Năm 1963, khi rời Hà Nội để trở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh, ông gửi 8 quyển vở này cùng nhiều sách vở khác tại nhà của GS Nguyễn Thạc Cát ở phố Hàng Chuối. Sau đó, đến tận khi chấm dứt những năm tháng theo trường đi sơ tán lần lượt ở Thái Nguyên, Đông Anh rồi trở về thủ đô Hà Nội và có nhà riêng trong khu tập thể ở phố Lò Đúc, ông mới nhận lại số tài liệu đó và lưu giữ cho đến ngày trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam năm 2014.

Với nhiều người, sổ sách đã sử dụng thường bỏ đi, nhưng GS Trần Văn Nhân thì giữ lại, kể cả đã cũ, đã rách. Và 8 quyển vở này cũng vậy. Bởi lẽ, ông coi đây là kỷ niệm quý báu. Ông đã nói với chúng tôi: Có thể tôi đã kể quá chi tiết những việc này, nhưng tôi nghĩ thời gian qua đi như mây trôi chẳng để lại dấu tích, còn cuộc sống luôn gắn liền với ký ức, mà ký ức được giữ lại bằng những vật kỷ niệm. Mỗi lần xem những kỷ vật được giữ lại, tôi thấy mình như được sống lại thời đã qua với bao hạnh phúc và niềm vui. Được làm việc với các bạn, tôi càng trân trọng những tư liệu này, và tôi hy vọng các bạn sẽ phát huy cho thanh niên ngày nay biết về quá khứ, để tăng thêm sức mạnh và ý nghĩa của cuộc sống.

 

Nguyễn Thị Hiên – Phan Thị Tuyết

_______________________

[1] Phỏng vấn GS Trần Văn Nhân, 19-3-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, những lời kể của ông đều trích dẫn từ tài liệu này.

[2] Luật sư Phan Anh (1912-1990), Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Luật sư Phan Mỹ có thời kỳ làm Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng.

7 Số sinh viên này gồm: Trần Văn Nhân và Trần Hiệu (hóa học), Cao Chi và Đào Vọng Đức (vật lý), Nguyễn Đình Huyên (sinh học), Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Hàm Dương (văn học), Phan Hữu Dật (sử học), Nguyễn Quang Tuấn và Nguyễn Huy Phú (điện ảnh), Lê Thanh Đức (mỹ thuật).

[3] GS.TS Trần Văn Nhân, hồi ký “Làng tôi và những chuyến đi xa đầy suy ngẫm”, Hà Nội, 2013, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Viện sĩ N. N. Semenov được giải thưởng Nobel hóa học năm 1956 nhờ phát minh ra phản ứng dây chuyền. Năm 1965, khi làm nghiên cứu sinh, Trần Văn Nhân có cơ hội tham dự lễ mừng sinh nhật lần thứ 70 của ông.

[5] GS.TS Trần Văn Nhân, hồi ký “Làng tôi và những chuyến đi xa đầy suy ngẫm”, tài liệu đã dẫn.