Cuốn luận án nghiên cứu về tiếng Nga

Cuốn luận án có kích thước 21cm x 31cm, bìa màu xám, đến nay đã bong gáy, giấy ố vàng, mép giấy quăn và bị côn trùng cắn. Với PGS Bùi Hiền, đây không chỉ là kết quả từ quá trình nghiên cứu một vấn đề tâm đắc, mà còn là một kỷ vật quý giá. Năm 2014, với mong muốn cuốn luận án được bảo quản trong điều kiện tốt nhất và có thể phát huy giá trị cho hậu thế, ông đã tin tưởng trao tặng nó cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời kể lại những năm tháng say sưa học tập, tìm tòi và nghiên cứu khi ông là nghiên cứu sinh tại Liên Xô từ năm 1969 đến 1972.

Phó giáo sư Bùi Hiền tự nhận thấy cuộc đời mình diễn tiến theo đường thẳng, bước đường đi lên trong nghề nghiệp từ từ và chắc chắn. Năm 1953, ông được cử đi học tiếng Nga ở trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh, Trung Quốc. Năm 1955, ông về nước, được phân công giảng dạy và làm Trưởng ban Nga văn ở trường Ngoại ngữ. Năm 1958, trường Ngoại ngữ sáp nhập với trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trở thành khoa Ngoại ngữ gồm có 3 phân khoa là Nga văn, Trung văn và Anh văn. Năm 1959, khi đang phụ trách phân khoa Nga văn, giảng viên Bùi Hiền được trường cử sang Liên Xô thực tập. Năm 1962, ông trở về và tiếp tục phụ trách phân khoa Nga văn.

Đầu năm 1965, Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân, phân khoa Nga văn đi sơ tán ở Thái Nguyên. Cuối 1965, đầu 1966, tuyến đường từ Hà Nội lên Thái Nguyên bị bom đạn tàn phá nặng nề, ga Thái Nguyên bị hư hỏng hoàn toàn, giao thông ách tắc, không có đường tiếp tế từ Hà Nội lên. Vì vậy, khoa Nga văn chuyển đến huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Năm 1967, trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội được thành lập[1], ông Bùi Hiền tiếp tục phụ trách khoa Nga văn của trường. Năm 1968, tỉnh Hải Dương bị không quân Mỹ đánh phá nặng nề, trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội phải chuyển lên khu vực chợ Chờ ở huyện Yên Phong, Hà Bắc (nay là Bắc Ninh).

Trong bối cảnh như vậy, ông Bùi Hiền vừa làm công tác quản lý khoa, vừa tham gia giảng dạy trực tiếp, và ông đã phát hiện được vấn đề để nghiên cứu, như ông chia sẻ: Khi dạy tiếng nói chung, tiếng Nga nói riêng, có rất nhiều từ đồng nghĩa, nhưng để phân biệt từ này với từ khác thì rất khó. Các nhà khoa học Liên Xô đã nghiên cứu rất nhiều vấn đề về ngôn ngữ Nga, nhưng có một vấn đề mà họ chưa nghiên cứu, đó là từ đồng nghĩa cùng gốc… Trong quá trình giảng dạy, khi sinh viên đặt câu hỏi, có từ có thể tra từ điển và giải đáp, nhưng có từ thì không giải nghĩa được. Vì vậy, tôi chuẩn bị tư liệu về vấn đề từ đồng nghĩa có cùng một gốc, nhằm tìm cách phân biệt và sử dụng trong từng trường hợp, làm đề tài nghiên cứu. Mặc dù chưa chuẩn bị được nhiều tư liệu nhưng tôi đã có một vấn đề để nghiên cứu[2].

Cuối năm 1969, khi trường vẫn ở nơi sơ tán, ông Bùi Hiền được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Tôi đón nhận việc được cử đi nghiên cứu sinh với lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng và Nhà nước, với tập thể khoa Nga của trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, vì tôi cảm thấy bản thân chưa có cống hiến gì đáng kể, cũng không thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Do đó tôi ý thức được rất rõ trách nhiệm của mình là phải nghiêm chỉnh hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao để khỏi phụ lòng mong đợi của cấp trên và đồng nghiệp. Được trở lại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov cũng là một vinh dự lớn không phải ai cũng có được[3] – PGS Bùi Hiền tâm sự.

Tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, nghiên cứu sinh Bùi Hiền được phân về khoa Ngữ văn. Ông rất hài lòng về những thuận lợi tuyệt vời ở ngôi trường danh tiếng này: Ở đây tôi có môi trường học tập tuyệt vời, nhiều thầy cô giáo cũ (từ thời thực tập sinh) nổi tiếng thế giới và rất nhiệt tình chỉ bảo. Các điều kiện vật chất và tinh thần đều rất thuận lợi, mọi thứ ở trong và ngoài trường đều quen thuộc[4]. Với mức học bổng 70 rúp mỗi tháng dành cho các nghiên cứu sinh, ông chi tiêu thoải mái, thậm chí còn dành dụm được. Sống trong khu nhà chính của trường ở trên đồi Lênin, có thể hàng tháng trời không cần đi ra ngoài, bởi ở đây có đủ cả: có nhà ăn tập thể phục vụ 3 bữa hàng ngày, có nhà ăn dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Mông Cổ… Ngay trong trường, có thể mua mọi thứ cần dùng cho sinh hoạt, kể cả thực phẩm tươi sống để tự nấu ăn tại bếp bố trí ở mỗi tầng nhà của kí túc xá, tại đó có sẵn bếp ga. Sinh viên và nghiên cứu sinh cũng có thể xem phim, ca nhạc, biểu diễn nghệ thuật, tập thể dục dụng cụ, bơi lội, khiêu vũ… ở ngay trong trường. Nghiên cứu sinh được ở phòng riêng, có tủ sách và bàn làm việc, có phòng tắm nước nóng quanh năm. Bởi vậy, Bùi Hiền hầu như chỉ ra ngoài trường khi đi thư viện hoặc đến các hiệu sách lớn, các cửa hàng sách cũ để tìm kiếm tài liệu. Vào những ngày nghỉ và dịp lễ hội, ông mới đi chơi công viên, tới nhà hát, đi xem xiếc hoặc xem triển lãm “Các thành tựu kinh tế Liên Xô”…

Vì đã trải qua 3 năm thực tập sinh tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (1959-1962), vốn tiếng Nga tương đối tốt, nên Bùi Hiền được bầu làm trưởng nhóm nghiên cứu sinh và lưu học sinh Việt Nam của trường, phụ trách về đối ngoại và sinh hoạt chung. Ở đây, nghiên cứu sinh Bùi Hiền không chỉ là đại diện cho Việt Nam, mà còn được coi là tiếng nói đại diện cho phong trào giải phóng dân tộc châu Phi và châu Mỹ Latinh. Nhờ giao tiếp tốt được bằng tiếng Nga, Bùi Hiền thường được tín nhiệm phát biểu trong các cuộc hội nghị hay mít tinh, để biểu thị lòng biết ơn đối với Liên Xô, kêu gọi bạn bè các nước đoàn kết với Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh vì hoà bình và độc lập dân tộc trên thế giới. Lãnh đạo Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô và các thầy cô trong trường thường cử Bùi Hiền thay mặt sinh viên Việt Nam và quốc tế bày tỏ thái độ, quan điểm về vấn đề đấu tranh chống đế quốc và ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Sứ quán Việt Nam còn yêu cầu nghiên cứu sinh Bùi Hiền làm phiên dịch cho một số đồng chí lãnh đạo Việt Nam sang công tác, như ông Hoàng Quốc Việt, ông Huỳnh Tấn Phát, bà Nguyễn Thị Bình…

Nghiên cứu sinh Bùi Hiền tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao trong nội bộ lưu học sinh Việt Nam hoặc giao lưu với sinh viên các nước. Phát huy vốn Trung văn, ông liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc để mua các mặt hàng thực phẩm như mì chính, xì dầu, miến, chân giò, hải sâm, măng…, đem về trường phân phối cho lưu học sinh Việt Nam. Đến thời gian nghỉ hè, ông hăng hái tham gia các hoạt động như tham quan, trại hè, lao động hè.

Nghiên cứu sinh Bùi Hiền còn được thầy Bacmin phụ trách công tác lưu học sinh chọn đi giao lưu với các trường đại học khác. Trong số tài liệu mà ông đã tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, có bức ảnh chụp đại diện giảng viên, nghiên cứu sinh trường Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov và trường Đại học Novoxibia. Lần đó, nghiên cứu sinh Bùi Hiền và một số nghiên cứu sinh khác được thầy Bacmin cử đi giao lưu với trường Đại học Novoxibia[5]. Nhờ tham gia các hoạt động như vậy nên Bùi Hiền quen biết khá rộng rãi với lưu học sinh Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Cho đến nay, trong buổi gặp mặt hàng năm của cựu sinh viên trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, PGS Bùi Hiền vẫn nhận ra những người bạn cũ.

Nghiên cứu sinh Bùi Hiền (đầu hàng sau, bên trái) cùng các đại diện giảng viên, nghiên cứu sinh

trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva và trường Đại học Novoxibia, khoảng 1969-1971

Thầy hướng dẫn của NCS Bùi Hiền là Giáo sư -Viện sĩ Sanxky. Thầy rất bận do hướng dẫn đồng thời nhiều nghiên cứu sinh người Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc… Trong lần đầu gặp Bùi Hiền, thầy hỏi: Anh sang đây định làm vấn đề gì?. Nghiên cứu sinh Bùi Hiền trình bày ý tưởng nghiên cứu về từ đồng gốc đồng nghĩa trong tiếng Nga, trình bày cả về tài liệu đã chuẩn bị từ trước. Sau đó thầy nói: “Được, vấn đề này chưa ai làm, anh cứ thế làm đi!”. Và thầy không hướng dẫn gì thêm, kể cả vấn đề đọc tài liệu như thế nào, làm đề cương như thế nào – PGS Bùi Hiền kể lại.

Sau hai tháng, trên cơ sở các tài liệu đã có, ông tập hợp thêm tài liệu mới để xây dựng đề cương nghiên cứu cơ bản cho đề tài. Như ông chia sẻ: Trong quá trình nghiên cứu, tôi cứ tự làm thôi, nửa năm sau mới gặp lại được thầy, và suốt 3 năm nghiên cứu sinh tôi chỉ gặp thầy khoảng 3 đến 4 lần để báo cáo tình hình công việc và tiếp thu ý kiến hướng dẫn. Sau này ngẫm lại, tôi thấy cách hướng dẫn như vậy mới đúng, nếu thầy cầm tay chỉ việc thì nghiên cứu sinh sẽ rất thụ động, ỷ lại.

Tại các thư viện, như thư viện Lênin, thư viện Khoa học xã hội, thư viện Gorki của trường Lomonosov…, nghiên cứu sinh Bùi Hiền tìm đọc tài liệu, ghi chép, thống kê các từ đồng gốc, đồng nghĩa. Có khi ông dành hàng tháng để tìm tư liệu, ghi chép cách dùng từ trong các tác phẩm văn học, báo chí, tra từ điển để tìm nghĩa của các từ, sắp xếp chúng lại theo hệ thống cấu trúc. Sau đó mới đến giai đoạn phân tích và chứng minh sự tồn tại và giá trị sử dụng của chúng, đây là khâu khó nhất trong quá trình nghiên cứu.

Trước khi khẳng định đề tài luận án, nghiên cứu sinh Bùi Hiền tới gặp cô giáo thời thực tập sinh để hỏi ý kiến. Ông kể lại chuyện này: Sau khi nghe tôi trình bày, cô giáo khuyên tôi nên bỏ, vì đây là đề tài khó, nhiều người Nga đã nghiên cứu mà không thành công rồi bỏ cuộc. Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc, bởi nếu không tiếp tục nghiên cứu sẽ không giải quyết được những vướng mắc trong nghiên cứu và giảng dạy.

Mấy tháng sau, nghiên cứu sinh Bùi Hiền hoàn thành phần đầu của luận án, viết được mấy chục trang trên cuốn vở mua ở Liên Xô. Lúc ấy ông băn khoăn: Vì tôi chưa bao giờ làm, không chắc chắn là mình đang đi đúng hướng, không biết mình đã viết đúng chưa, nên tôi tìm gặp thầy hướng dẫn, đưa cho thầy xem đề cương và phần đã viết, đồng thời tôi trình bày những gì đã nghiên cứu được … Hôm sau, thầy trả lại tôi cuốn vở nháp và đề cương rồi bảo: “Được, cứ thế mà làm!”. Tôi xem lại thì thấy thầy không chữa chữ nào, tôi còn nghi ngờ: không biết thầy có đọc không mà nói vậy?. Nhưng rồi lại nghĩ, chắc là đã đúng hướng, nên cứ vậy mà viết.

Với ý thức trách nhiệm, với động cơ học tập để đền đáp công ơn của nhân dânViệt Nam và nhân dân Liên Xô đối với mình, nghiên cứu sinh Bùi Hiền đã cố gắng hết mình để học tập và nghiên cứu đạt kết quả cao nhất. Ông giãi bày những suy nghĩ hồi ấy: Ngày nay nói ra điều này có thể nhiều người cho là công thức sáo rỗng, nhưng lúc đó với tôi quả thực đó là một điều tâm niệm vô cùng thiêng liêng. Vì với hoàn cảnh con nhà nông dân, mồ côi mẹ từ 6 tuổi, mồ côi cha lúc 12 tuổi, nhờ được mẹ kế tần tảo nuôi nấng và họ hàng giúp đỡ cho ăn học trong những năm kháng chiến chống Pháp…, thì qua được cơn hoạn nạn và sống sót đã là may, chứ mong chi được học hết cấp III (lớp 9). Biết bao người bạn ở quê tôi vẫn còn thất học, bỏ học giữa chừng đấy thôi!. Tôi lại được nhiều lần đi nước ngoài học, được sống và học tập trong hoàn cảnh tuyệt vời mà bản thân tôi và nhiều người có hoàn cảnh như tôi chưa bao giờ mơ thấy hoặc tưởng tượng ra được, vậy cớ gì mà không tập trung trí lực để học cho tốt?. Vì vậy tôi luôn tâm niệm một điều là không được phụ ơn Tổ quốc và nhân dân, không được phản bội những bạn bè đồng trang lứa vẫn ngày đêm chiến đấu, hi sinh trên khắp các chiến trường để bảo vệ đất nước, và có thể họ đang mong những người như tôi sẽ về xây dựng đất nước sau ngày chiến thắng. Lương tâm của tôi không cho phép sao nhãng việc học tập[6]. Vì vậy, sau hai năm, nghiên cứu sinh Bùi Hiền đã hoàn thành bản thảo luận án phó tiến sĩ về đề tài “Những từ (danh từ) đồng nghĩa cùng gốc trong tiếng Nga văn học hiện đại” (Однокоренные синонимы в современном русском литературном языке (Имена существительные) và mang đến nộp cho thầy hướng dẫn. Bản thảo luận án không phải sửa mà được thầy cho phép đánh máy, điều đó chứng tỏ về mặt ngôn ngữ, ngữ pháp, kết cấu và chính tả của luận án đều tốt. Sau đó Bùi Hiền đi tìm người để thuê đánh máy. Họ là những thư kí chuyên nghiệp đã về hưu nên rất thạo việc, và đặc biệt tiền công đánh máy “rất vừa phải”. Người nhận đánh máy luận án cho ông ở khu vực trung tâm thành phố Moskva, nên hàng tuần ông phải đến đó để đọc kiểm tra lại và sửa chữa lỗi đánh máy, rồi sau khi hoàn chỉnh mới tìm chỗ đóng quyển. Luận án được đánh máy thành 7 bản, ông gửi cho 3 thầy phản biện, thầy hướng dẫn, khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov, còn hai cuốn ông mang về nước để nộp một cuốn vào Thư viện Quốc gia và ông lưu giữ một cuốn. Bản tóm tắt luận án được gửi đến 50 cơ sở giáo dục – đào tạo, trường đại học tổng hợp và trường sư phạm trên toàn Liên Xô để xin ý kiến nhận xét.

Sau khi đánh máy, bản chính luận án của nghiên cứu sinh Bùi Hiền dày tới 427 trang, gồm các phần:

I. Nội dung (Содержание).

II. Lời nói đầu (Предисловие).

III. Chương một. Về khái niệm từ đồng nghĩa cùng gốc trong tiếng Nga văn học hiện đại (О Понятии однокоренных синонимов в современном русском литературном языке).

IV. Chương hai. Những từ đồng nghĩa cùng gốc được cấu tạo từ những thân từ khác nhau (Однокоренные синонимы, имеющие разные мотивирующие основы).

V. Chương ba. Từ đồng nghĩa cùng gốc được cấu tạo từ một thân từ chung (Однокоренные синонимы, имеющие общую мотивирующую основу).

VI. Kết luận (Заключение).

VII. Tài liệu trích dẫn (Цитируемая литература).

 

Cuốn luận án phó tiến sĩ của PGS.TS Bùi Hiền

Về cấu trúc luận án, đây là một công trình thuần tiếng Nga, nên cấu trúc theo thực tiễn tư liệu của tiếng Nga, làm theo phương pháp miêu tả, so sánh, đối chiếu. Muốn miêu tả thì phải thống kê, việc thống kê của ông được hội đồng chấm luận án đánh giá làhầu như đã hoàn toàn đầy đủ các từ đồng gốc và đồng nghĩa trong tiếng Nga, khó có thể tìm ra được từ nào còn thiếu – PGS Bùi Hiền cho biết. Trên cơ sở kết quả đã thống kê được, ông miêu tả theo phương pháp cấu trúc – ngữ nghĩa. Phương pháp cấu trúc – ngữ nghĩa là ghép các từ, nhóm từ đồng nghĩa, đồng cấu trúc, gần cấu trúc lại với nhau, tức là nhóm các từ giống nhau về mặt hình thức, rồi từ đó mới phân tích và đối chiếu để tìm ra ý nghĩa và sắc thái ngữ nghĩa – tu từ riêng của chúng. Ông đưa ra một ví dụ cụ thể và phân tích: Ở trang 398 của luận án, tức là thuộc chương 3, tôi có dẫn ra một số từ đồng nghĩa đồng gốc như: Чита/льня – чита/льная – чита/лка (nơi để đọc) Умыва/льня – умыва/льная – умыва/лка (nơi để rửa mặt). Những từ này hoàn toàn đồng nghĩa với nhau vì chúng đều chỉ nơi thường xuyên diễn ra các hành động "đọc" và "rửa". Song, chúng cùng tồn tại trong ngôn ngữ được là vì chúng có mang những sắc thái tu từ khác nhau (trang trọng, bình thường hoặc thô lỗ), do đó chúng được dùng trong những tình huống giao tiếp cụ thể phù hợp với mỗi từ, mà nếu dùng từ khác thì sẽ làm cho câu nói không thực tự nhiên.

Theo PGS Bùi Hiền, về nguyên tắc, trong ngôn ngữ cái gì thừa sẽ mất đi, nhưng nếu nó tồn tại song song thì ắt nó phải có cái gì đó khác nhau. Khi phân tích, về ngữ nghĩa thì hầu như không khác nhau, bởi ba từ kể trên đều có nghĩa là “nơi để người ta đọc”, chỉ khác nhau ở sắc thái của mỗi từ. Чита/лка có nghĩa là nơi đọc nhỏ hẹp, đơn giản, sách vở ít, thường dùng chỉ chỗ đọc sách báo của gia đình, dùng trong ngôn ngữ hội thoại, không thể dùng miêu tả phòng đọc của một thư viện. Чита/льная và Чита/льня cũng chỉ “nơi để đọc”, nhưng ít dùng trong sinh hoạt, mà thường dùng trong ngôn ngữ chuẩn: Чита/льная có tính chất nghề nghiệp và dùng chỉ khu vực dành cho bạn đọc của thư viện, còn Чита/льня mang tính phổ biến, để chỉ phòng đọc của một cơ quan, câu lạc bộ… Như vậy, hai từ này khác nhau ở chỗ, một từ có tính chất chuyên nghiệp, như ở thư viện Lênin: Чита/льная; một từ có tính chất phổ thông, như ở câu lạc bộ: Чита/льня. Ông đi từ việc thống kê, so sánh, phân tích, đối chiếu để đưa ra cách sử dụng từng từ, hay nói cách khác, đi từ các từ, các hình thức khác nhau, sau đó đi vào phân tích và chứng minh bằng những trích dẫn từ các tác phẩm văn học, chính luận… để thấy nội dung có sự khác nhau. Trong ví dụ vừa nêu, từ một gốc tách làm ba, cả ba từ đều cùng một nghĩa, chỉ khác nhau về sắc thái biểu cảm – tu từ.

Luận án của nghiên cứu sinh Bùi Hiền còn giải quyết vấn đề về ngôn ngữ, cụ thể là tách nghĩa của các từ, sau đó ứng dụng vào giảng dạy như thế nào, tức là vừa giải quyết vấn đề nội dung ngôn ngữ, vừa giải quyết về mặt giáo học pháp. Ví dụ: cùng là những từ chỉ “nơi để đọc” thì nên dạy cho sinh viên từ nào?. Phải lựa chọn một trong 3 từ đồng nghĩa để dạy, đó là từ giá trị nhất, đặc trưng nhất, còn lại những từ khác thì chưa cần thiết, không dùng đến nhiều, sinh viên có thể học, nhớ hay không cũng được. Không nên cùng một lúc dạy tất cả các từ đồng nghĩa cùng gốc, để tránh làm cho sinh viên bị rối. Song, nếu không nghiên cứu thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề đó.

Sau khi nộp luận án cho khoa Ngữ văn và hội đồng chấm luận án của trường, nghiên cứu sinh Bùi Hiền đến báo cáo với Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô để chuẩn bị cho buổi bảo vệ luận án. Tuy nhiên, Sứ quán đề nghị ông hoãn lại, chờ đến cuối thời hạn 3 năm nghiên cứu sinh mới bảo vệ luận án, và gợi ý ông có thể dùng thời gian chờ đợi đó để học thêm các lĩnh vực khác có liên quan. Cán bộ sứ quán khuyên ông rất thiện chí: Anh thấy vấn đề gì cần bổ sung thì học đi, về nhà còn dùng, bây giờ anh bảo vệ thì sẽ mất một năm học bổng. Nếu về nước, anh muốn xin một năm học bổng để đi làm luận án tiến sĩ hay thực tập sinh khoa học đều rất khó khăn. Vì vậy, nghiên cứu sinh Bùi Hiền đã xin hoãn bảo vệ luận án và tập trung vào việc học thêm.

Luận án đã hoàn thành, nên ông có thể thoải mái lựa chọn việc học môn gì, lĩnh vực gì mà ông thấy cần thiết. Ông cho biết, từ thời thực tập sinh ông đã học bổ túc toàn bộ chương trình của khoa Ngữ văn thuộc trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva. Hai năm đầu học chương trình cơ sở chung của khoa, sau đó phân ra thành hai chuyên ngành là ngôn ngữ và văn học. Nhờ có vốn tiếng Nga tốt nên khi đọc văn học Nga ông có thể hiểu sâu, do đó rất ham, vì vậy ông đã học hết và học ngoài chương trình.

Phó giáo sư Bùi Hiền cho biết: Khi làm luận án phó tiến sĩ, tôi đã học hết phần cơ sở ngôn ngữ học rồi. Ngoài ra, những chương trình thực hành về tu từ học tiếng Nga dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh người Nga mà người nước ngoài không học nổi nên không có trong chương trình học, thì tôi cũng đã học và làm luận án về vấn đề đó – tức là ở một mức độ cao hơn. Vì thế, trong một năm chờ bảo vệ luận án, ông học tất cả những gì cần cho việc mở rộng kiến thức của mình, đi sâu thêm vào chuyên ngành ngôn ngữ, đọc và học, thậm chí còn lên lớp cùng với sinh viên và nghiên cứu sinh để thực hành tu từ học. Tại các buổi thực hành đó, giảng viên thường giao cho học viên một số tờ báo, để với tư cách là một nhà ngôn ngữ học, tu từ học, học viên có nhiệm vụ nhận xét xem bài báo viết như vậy đã được chưa, các từ, các câu đúng hay sai như thế nào và sửa lại cho đúng. Việc tham gia các buổi học như vậy rất bổ ích: Tôi cũng nhận xét và sửa, có cái đúng, cái sai. Và tôi nhận ra một điều rằng người Nga cũng giống như người Việt, không phải ai cũng dùng và viết đúng tiếng mẹ đẻ của mình. Nhờ quá trình đó mà tôi đã học và thực hành được rất nhiều. Còn các nghiên cứu sinh khác thì không có thời gian để học như vậy. Đó là năm tôi thu hoạch được rất nhiều kiến thức.

Không chỉ vậy, nghiên cứu sinh Bùi Hiền còn bước sang một lĩnh vực khác. Khoa Ngữ văn của trường này chỉ đào tạo về ngữ và văn, không đào tạo về phương pháp sư phạm để dạy về giáo học pháp ngoại ngữ. Ông không quan tâm lắm đến phương pháp dạy tiếng Nga, mà quan tâm đến phương pháp dạy tiếng Nga với tư cách là một ngoại ngữ nói chung. Vì vậy ông dành thời gian đọc các sách và tài liệu về phương pháp dạy của Nga, Anh, Pháp, Mỹ (đã được dịch sang tiếng Nga), đó là các phương pháp trực tiếp, nghe – nhìn, ngữ pháp – phiên dịch… Ông giải thích lý do của việc tìm hiểu này: Tôi thấy rằng mình phải học để có được nhận thức về phương pháp dạy tiếng nước ngoài, bởi hiện thời việc dạy ngoại ngữ ở trong nước không có cơ sở lý luận mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chủ nghĩa.

Cũng trong một năm đó, nghiên cứu sinh Bùi Hiền còn tranh thủ tham quan các viện bảo tàng lịch sử, nghệ thuật, văn hoá, văn học, quân sự ở trong thành phố và ngoại ô Moskva. Ông cũng tích cực hoạt động thể dục thể thao, chạy bộ, xà đơn, xà kép, bóng chuyền, cầu lông vào mùa hè, còn mùa đông thì trượt băng trong sân trường và trượt tuyết quanh đồi Lênin. Nhờ vậy mà suốt thời gian đó, ông luôn duy trì được tình trạng sức khỏe tốt nhất để học tập và nghiên cứu.

Trở lại với luận án của nghiên cứu sinh Bùi Hiền, các thành viên hội đồng chấm luận án đều nhận thấy tuy vấn đề từ đồng nghĩa cùng gốc là một đề tài khó, trước đó đã có nhiều người bỏ cuộc, nhưng luận án này đã giải quyết xuất sắc cả về ngôn ngữ và nội dung. Liên quan điều đó là một chuyện khá hy hữu đã xảy ra, có một vị phản biện nghi ngờ liệu nghiên cứu sinh Bùi Hiền có phải là người Việt Nam hay là một người Nga nào đó đã mạo danh, và ông ta đến phòng quản lý sinh viên và nghiên cứu sinh ngoại quốc để xác minh, tận mắt nhìn thấy toàn bộ hồ sơ, hộ chiếu của nghiên cứu sinh Bùi Hiền rồi mới hết nghi ngờ.

Luận án có một điểm đặc biệt nữa, đó là độ dài trên 400 trang, mà theo quy định thì luận án phó tiến sĩ chỉ trên dưới 180 trang, luận tiến sĩ là 200 trang. Như vậy, nếu theo nguyên tắc, luận án của nghiên cứu sinh Bùi Hiền không đúng quy định. Nhưng cuối cùng các thành viên hội đồng chấm luận án thống nhất một điều rằng: luận án đã giải quyết triệt để vấn đề nghiên cứu và nếu tách ra hay cắt giảm đều không được, bởi nó sẽ gây thiếu hụt nhiều phần. Luận án đề cập đầy đủ các từ đồng nghĩa cùng gốc của tiếng Nga, các từ đó đều có giá trị như nhau, các chương viết đều hợp lý, vì thế luận án được thông qua và giữ nguyên 427 trang.

Ngày 13-10-1972, buổi bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Bùi Hiền được tổ chức tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. Ông kể lại: Có một điều có thể nói là hơi lạ, hôm đó có 3 nghiên cứu sinh cùng bảo vệ luận án, nhưng không quy định chặt chẽ là ai trước, ai sau. Vì hai nghiên cứu sinh người Nga kia lo sợ nên đã đẩy tôi lên trước. Vì vậy, tôi đã lên bảo vệ luận án trước.

Sau một năm kể từ khi nghiên cứu sinh Bùi Hiền nộp luận án, các thành viên hội đồng cũng như thầy hướng dẫn đều đã đọc luận án và ông đã biết trước nhận xét của họ, chỉ có câu hỏi tại chỗ là không biết. Nhưng ông rất tự tin vào vốn tiếng Nga và kết quả nghiên cứu của mình, nên rất bình tĩnh, tự tin trình bày bài thuyết trình đã chuẩn bị sẵn gồm hơn 10 trang viết tay. Hôm đó có nhiều thầy cô giáo cũ và các bạn đến dự và cổ vũ, nên ông được khích lệ tinh thần và rất vui.

Tại buổi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh Bùi Hiền trình bày vắn tắt những ý chính về ý nghĩa, giá trị của công trình nghiên cứu của mình, những nội dung cơ bản trong từng chương của luận án…

Với các nghiên cứu sinh nước ngoài, rất ít khi có câu hỏi tại chỗ trong buổi bảo vệ luận án, nhưng sau khi nghiên cứu sinh Bùi Hiền trình bày xong, một chuyên gia về ngữ nghĩa học là Viện sĩ Backhuđarov đặt câu hỏi: Anh phân biệt như thế nào là nghĩa và sắc thái ngữ nghĩa?. PGS Bùi Hiền còn nhớ mình đã trả lời như sau: Hai cái đó thực chất là một. Định nghĩa trong luận án của tôi nêu: nghĩa là nội dung của từ đó dùng để gọi tên một sự vật, khi nó đã gọi tên một sự vật này xong, nó chuyển sang gọi tên một sự vật khác thì nó là nghĩa khác chứ không phải là sắc thái, không phải là nghĩa phụ. Ví dụ trong tiếng Việt: từ “mũi” ban đầu dùng chỉ cái mũi của người và động vật, khi nó chuyển sang chỉ “mũi giầy” thì nó đã hoàn toàn khác. Và ông kể tiếp: Ông ta đồng ý với ý kiến đó của tôi. Tôi còn chứng minh thêm: hiện tại, trong nhiều từ điển, thường đặt từ “mũi – нос ” người là nghĩa chính, “mũi – нос” giầy là nghĩa phụ, và trong tiếng Việt còn có một nghĩa khác nữa là “mũi – мыс” đất như “mũi” Cà Mau. Rõ ràng thực tế tôi nghiên cứu thì đó là một từ định danh cho ba sự vật chứ không có cái nào chính, cái nào phụ cả. Đó cũng là một đóng góp lớn của luận án, nó làm rõ vấn đề nghĩa, nghĩa phụ và sắc thái ý nghĩa.

Có một thành viên hội đồng không đến dự buổi bảo vệ luận án được, nên đã gửi ý kiến phản biện tới, trong đó có đánh giá đại ý rằng: Đây là luận án dùng tiếng Nga xuất sắc, trong đó có thể trích nhiều chỗ để đưa vào sách giáo khoa Nga. Hay như GS.VS Sanxky cũng nhận xét: Đây là một trong những luận án tốt nhất về lĩnh vực từ đồng nghĩa trong tiếng Nga. Tuy nhiên, PGS Bùi Hiền không biết sau đó luận án của ông có được trích vào sách giáo khoa Nga hay không.

Một giáo sư khác, ngoài việc khen ngợi kết quả thực hiện đề tài, đã góp ý: Giá mà cấu trúc của luận án đi từ nội dung đến hình thức thay vì đi từ hình thức đến nội dung như trong luận án thì sẽ hay hơn rất nhiều. Theo PGS Bùi Hiền, ý của vị giáo sư này là nên đi từ nội dung của các từ cùng một gốc, một nghĩa đến phân tích sự khác nhau về mặt biểu đạt. Hôm ấy, nghiên cứu sinh Bùi Hiền đã bình tĩnh giải đáp: Nếu là người Nga, tôi sẽ làm như ông nói, bởi trong đầu người Nga đã có sẵn các từ đồng nghĩa đó. Người ta chỉ cần biết tại sao có các từ đó, các từ cùng một gốc có thêm các đuôi phía sau và giải thích những sắc thái ý nghĩa khác nhau; nhưng những người ngoại quốc thì không biết tất cả những điều đó, nên họ phải nhận diện và phân biệt ba chữ đó về mặt hình thức trước rồi mới đi vào nội dung được.

Luận án được hội đồng thông qua dễ dàng và đánh giá đạt loại xuất sắc. Do nghiên cứu sinh Bùi Hiền đã nộp luận án từ trước đó 1 năm, nên chỉ 1 tháng sau khi bảo vệ thành công luận án, ông đã được nhận bằng Phó tiến sĩ tại phòng quản lý nghiên cứu sinh của trường, mà không phải chờ 6 tháng như những nghiên cứu sinh khác.

Vậy là trong 3 năm, ngoài việc giải quyết được những vướng mắc và nghiên cứu thành công theo đề tài đã chuẩn bị từ trước, nghiên cứu sinh Bùi Hiền còn trang bị thêm được kiến thức về mặt tu từ học, văn học và phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, để về sau ứng dụng trong giảng dạy, nghiên cứu và làm công tác quản lý. Năm 1974, ông được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Từ năm 1978 đến năm 1993, ông giữ cương vị Viện phó Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông kiêm chức Trưởng ban Ngoại ngữ ở Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Thời gian ấy, ông đã tặng cuốn luận án phó tiến sĩ của mình cho thư viện của Viện. Tuy nhiên, việc bảo quản của thư viện không tốt, nên sau khi về hưu ông đã xin lại cuốn luận án và đem về cất giữ tại nhà.

Ngày nay, những người học và yêu tiếng Nga hẳn không thể không biết đến PGS Bùi Hiền, bởi ông là tác giả của 28 cuốn sách các loại: giáo khoa, giáo trình, sách giáo viên, sách đọc thêm tiếng Nga cho trường phổ thông, từ điển. Trong đó có bộ Từ điển giáo khoa Nga – Việt dày 1.800 trang (Nxb. Giáo dục, 2001) đã được tặng hai huy chương quốc tế "Bussiness initiative directions" và "International gold star for quality". Đáng chú ý nữa là bộ sách giáo khoa Tiếng Nga cho trường phổ thông gồm 7 tập, 21 cuốn, do ông Bùi Hiền cùng Viachutnhev đồng chủ biên (Nxb. Tiếng Nga của Liên Xô và Nxb. Giáo dục Việt Nam hợp tác xuất bản từ năm 1978 đến 1986). Bộ sách ra đời đã góp phần thay đổi hệ thống dạy học ngoại ngữ (cả tiếng Nga, Trung, Anh, Pháp), từ dạy theo kiểu ngữ pháp phiên dịch, không chú trọng đến giao tiếp, sang cách dạy giao tiếp, thực tế. Bên cạnh hai công trình đồ sộ đó, còn phải kể đến nữa là 6 quyển chuyên khảo về các lĩnh vực giáo dục, 6 tác phẩm dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt, 117 bài nghiên cứu, 32 bài đăng trên tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học trong và ngoài nước. PGS Bùi Hiền đã được tặng thưởng Huy chương Puskin vì thành tích truyền bá tiếng Nga và Huy chương "Cán bộ ưu tú ngành xuất bản Liên Xô".

Nhìn lại cuốn luận án của mình, PGS Bùi Hiền cảm thấy thực sự hài lòng về cả giá trị khoa học cũng như ý nghĩa thực tiễn đối với việc dạy và học tiếng Nga. Ông từng nói: Tiếng Nga là công việc của đời tôi[7], nhưng ông cũng chia sẻ với đầy tiếc nuối: Tôi vẫn có nguyện vọng được in cuốn luận án thành sách để phổ biến và giới thiệu với các bạn yêu tiếng Nga. Tuy nhiên, ngoài việc để đánh máy và chỉnh sửa lại hơn 400 trang là một điều không dễ dàng, còn một vấn đề, đó là từ sau khi Liên Xô sụp đổ, số người biết tiếng Nga ít đi, nhu cầu sách tiếng Nga giảm đi và nguồn tài trợ cho in ấn thì không có, nên có lẽ điều đó không thể thực hiện được[8].

Lê Thị Hằng

______________________

* PGS.TS Bùi Hiền, chuyên ngành Ngôn ngữ học, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội (1973-1978); Phó viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (1978-1993).

[1] Năm 1967, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tách ra thành ba trường: trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội được thành lập trên cơ sở 4 khoa ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung) của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

[2] Ghi âm hỏi thông tin PGS Bùi Hiền, 29-6-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, các lời kể của ông đều trích dẫn từ tài liệu này (nếu không có chú thích).

[3] Ghi âm hỏi thông tin PGS Bùi Hiền, 12-9-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Lời kể của PGS Bùi Hiền qua email gửi nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa khọc Việt Nam, 22-8-2016.

[5] Trường Đại học Novoxibia thuộc Phân viện Hàn lâm khoa học Liên Xô vùng Xiberi.

[6] Email của PGS Bùi Hiền gửi nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa khọc Việt Nam, 22-8-2016.

[7] http://khoanga.edu.vn/home/thay-bui-hien-tieng-nga-la-cong-viec-cua-doi-toi.html.

[8] Ghi âm hỏi thông tin PGS Bùi Hiền, 12-9-2016, tài liệu đã dẫn.