GS.TS Nguyễn Văn Lợi – Một chuyên gia hàng đầu về Ngôn ngữ học

Giáo sư Nguyễn Văn Lợi sinh ngày 09 tháng 6 năm 1947, tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định. Làng Hành Thiện vốn là một địa danh nổi tiếng có truyền thống hiếu học và khoa cử, đỗ đạt cao. Câu dân gian truyền tụng “Đông Cổ Am, nam Hành Thiện” với hàm ý này. Ông là đảng viên cộng sản từ tháng 4 năm 1987, đã được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Ông nhận chức danh Giáo sư năm 1996, Huân chương Lao động hạng 3 năm 2012.

Năm 1966 – 1970, Ông học ngành Ngôn ngữ học, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thời đó, theo các Thầy Cô và bạn sinh viên, Ông đã nhiều lần tham gia các đợt điền dã nghiên cứu tiếng Tày-Nùng ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên (Bắc Thái). Đây là những khởi đầu và gợi mở cho sự lựa chọn sự nghiệp chính suốt đời của Ông: nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, ngữ âm học và ngôn ngữ học xã hội.

Giáo sư Nguyễn Văn Lợi

Năm 1970, Ông tốt nghiệp đại học rồi có Quyết định về Viện Ngôn ngữ học (thuộc Ủy Ban Khoa học xã hội Việt Nam – nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN) công tác, ở Ban (sau này gọi là Phòng) Nghiên cứu Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Từ năm 1979 – 1983, Ông được cử đi học nghiên cứu sinh ở Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1983, sau khi hoàn thành luận án về ngữ âm lịch sử và những vấn đề phương ngữ tiếng Hmông, Ông về nước tiếp tục công tác ở Viện Ngôn ngữ học. Năm 1984, Ông được giao trách nhiệm Phó trưởng phòng. Từ năm 1992 – 1995, Ông được giao trách nhiệm làm Thư kí khoa học cho Hội đồng Khoa học Viện. Ông được giao trách nhiệm thành lập Trung tâm Ngôn ngữ – vi tính năm 1997, là Giám đốc Trung tâm từ năm 2000. Năm 1995 – 2005, Ông được giao trách nhiệm Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.

Từ năm 2008, Ông chuyển sang công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam. Sự thay đổi này cũng khiến ông quan tâm thêm một mảng công tác khác: Từ điển học và Bách khoa thư học. Trước khi nghỉ hưu (ngày 01.12.2012), Ông là cán bộ Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.

Điểm lại cả quá trình hoạt động khoa học suốt 54 năm (kể từ khi là sinh viên, cho tới ngày mất của Ông – Ông mất đột ngột sau một ngày dài tham dự Hội thảo quốc tế Ngôn ngữ học, ngày 20.12.2020, tại Hà Nội), Giáo sư Nguyễn Văn Lợi đã tập trung nghiên cứu và thành công ở một số lĩnh vực chính, như sau:

1. Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số: Ông đã là Chủ nhiệm đề tài Điều tra ngôn ngữ các dân tộc thiểu số suốt 10 năm (2 giai đoạn); đã rất nhiều lần tham gia các đoàn điền dã Việt – Nga, Việt – Hoa Kì nghiên cứu các ngôn ngữ ở mọi miền đất nước; tham gia nhiều đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ; là thành viên Hội đồng thẩm định nhiều đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ; Là chủ biên hoặc tham gia viết nhiều công trình (sách. báo) xuất bản trong và ngoài nước về ngôn ngữ các dân tộc, cả về lí thuyết (so sánh cội nguồn, ngữ âm lịch sử. phương ngữ, phương pháp giáo dục, những vấn đề ngôn ngữ học xã hội, trong đó có nguy cơ tiêu vong của ngôn ngữ có số người nói ít và không có điều kiện sử dụng tiếng mẹ đẻ…) lẫn ứng dụng (các sách giáo khoa, từ điển, ngữ pháp, các nguyên tắc xây dựng hoặc cải tiến các hệ thống chữ viết, việc xác định thành phần tộc người ở Việt Nam…).

2. Nghiên cứu tiếng Việt: chủ yếu về những vấn đề ngữ âm lịch sử, phương ngữ và vấn đề “chuẩn hóa” tiếng Việt; chữ Quốc ngữ; mối quan hệ giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Báo cáo cuối cùng Ông đọc trong ngày mất của Ông (Hội thảo quốc tế Ngôn ngữ học, ngày 20.12.2020) là về cơ tầng tiếng Chăm trong tiếng Việt ở Quảng Bình…

3. Nghiên cứu lí thuyết và cách thức biên soạn từ điển và bách khoa thư. Trong lĩnh vực này, Ông đã quan tâm đến nhiều khía cạnh: lí luận và kinh nghiệm biên soạn từ điển thuật ngữ ở nước ngoài; Sự phân biệt Từ điển học và Bách khoa thư học; Từ điển học trước nguy cơ tiêu vong các ngôn ngữ ở Việt Nam; Bình diện người sử dụng trong Từ điển học… Cuốn sách cuối cùng của Ông và các đồng nghiệp Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam do NXB Khoa học xã hội ấn hành có tên là “Nghiên cứu từ điển và bách khoa thư”… (Ông chưa kịp thấy được dáng vẻ “đứa con tinh thần” này).

4. Nghiên cứu Ngữ âm học bệnh học và Ngữ âm học nhận diện và tổng hợp tiếng nói: Trên nền tảng kiến thức ngữ âm học và khả năng sử dụng các chương trình máy tính, Ông đã có những nghiên cứu ngữ âm học bệnh học, được giới chuyên môn y khoa đánh giá rất cao. Ông đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh ngành Y bảo vệ thành công các luận văn, luận án về phương pháp khắc phục những khuyết tật ngôn ngữ. Ông cũng đã có những nghiên cứu trong áp dụng công nghệ thông tin nhận diện và tổng hợp tiếng nói, được ứng dụng trong khoa học hình sự.

5. Hướng dẫn nghiên cứu khoa học: Ông đã hướng dẫn và tham gia Hội đồng chấm rất nhiều luận án, luận văn về ngữ âm, những vấn đề ngôn ngữ học xã hội, ngân hàng dữ liệu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và tiếng Việt; những thao tác kĩ thuật. Ông tham gia giảng dạy ở nhiều cơ sở đào tạo; là diễn giả trong nhiều seminar khoa học… Trong giới Ngôn ngữ học Việt Nam, có gia đình cả 2 bố con đều là nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Ông…

Nhìn lại con đường Ông đã bền bỉ cặm cụi đi suốt cuộc đời, có thể nhận xét:

– Ông là một chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu: Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và tiếng Việt, Ngữ âm học, Ngữ âm học bệnh học…, đồng thời là một nhà nghiên cứu sâu sắc về Từ điển học và Bách khoa thư học. Nhiều công trình của Ông được đánh giá cao cả ở trong nước và nước ngoài. Một số công trình của Ông là tài liệu tham khảo của tất cả những ai đi vào các lĩnh vực nói trên.

– Sự thành công của Ông do nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến: khả năng ngoại ngữ (Nga, Anh…) thành thạo; sự say mê nghiên cứu, tự học và cặm cụi nghiên cứu, sự khát khao muốn cống hiến cho khoa học, luôn tìm sự riêng biệt; đi sâu về lí thuyết và luôn tìm cách ứng dụng lí thuyết vào thực tiễn; nhanh chóng nắm bắt và sử dụng các thao tác và kĩ thuật mới hiện đại, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu Ngôn ngữ học, Từ điển học và Bách khoa thư học trong điều kiện Việt Nam. Ông là người đầu tiên ở Việt Nam đã dùng các chương trình máy tính trong nghiên cứu các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, để lập ngân hàng dữ liệu và phân tích âm thanh tiếng nói. Ông là người nổi tiếng trong giới Ngôn ngữ học cả về mặt lí thuyết và ứng dụng.

Nguyên nhân khác nữa: Ông là người luôn đi tới cùng trong các vấn đề khoa học. Ông chưa bao giờ dừng bước trước khó khăn trở ngại, kể cả những khó khăn về khoa học, đời sống, các mối quan hệ xã hội và bệnh tật….

GS.TS Nguyễn văn Lợi (thứ 2 phái sang) tại lễ ra mắt tạp chí Từ điển học & bách khoa thư

Đã nhiều lần là bệnh nhân cấp cứu về bệnh tim, các bác sĩ đặt trong tim Ông nhiều stent động mạch vành. GS Nguyễn Văn Lợi có lần cười nói đùa: Trong trái tim mình có thép và đang có nhiều chất thép. Theo lời vợ ông – TS Ngôn ngữ học Chu Bích Thu kể lại, sau lần suýt ra đi đột ngột vì bệnh tim năm 2007, Ông có một lời nguyện là sẽ nghiên cứu các vấn đề thuộc ngành Y, để tri ân ngành khoa học đã phục sinh cho Ông.

Tất nhiên, Ông không thể một mình vượt qua được khó khăn trở ngại. Cùng đồng hành với Ông luôn có bà Chu Bích Thu, người vợ luôn hết mực yêu thương chồng con. Là một nhà khoa học (bà là nhà Từ điển học, Tiến sĩ Ngôn ngữ học), bà thông hiểu và hết sức tạo đều kiện cho chồng trong công việc, từ lo việc gia đình, thuốc thang, thời gian…, lắng nghe những chuyện chuyên môn khoa học và cả những chuyện về tình người, tình đời. Nhiều lần bà theo GS Nguyễn Văn Lợi tham dự các Hội thảo, lễ bảo vệ luận văn luận án, luôn mang theo thuốc kẻo Ông quên, giục Ông uống đúng giờ và lặng lẽ đi bên cạnh để đề phòng Ông bị vấp. Những năm gần đây, bà chú ý “khuyên can” theo tinh thần “dừng chân nghỉ trước khi đi tới cùng”. Những cố gắng này của bà đa số đã thành công…

Cùng đồng hành với Ông, còn có những đồng nghiệp và học trò của Ông. Họ là những người đã chia sẻ những ý tưởng khoa học, những buồn vui trong chuyện đời chuyện người (đôi khi cả những phiền muộn). Cũng như trong khoa học, trong đời sống, GS Nguyễn Văn Lợi là người rất tận tình. Đồng nghiệp và bạn bè đã trân trọng nhận xét về Ông bằng mấy chữ: không ham chức quyền lợi lộc, trung thực, chân tình, đáng tin cậy  thủy chung.

Thông tin TANG LỄ GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN LỢI, nguyên cán bộ Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (2008-2012), nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (1995-2005), tổ chức tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng từ 11h30' ngày thứ năm, 24/12/2020. Lễ truy điệu vào lúc 12h45' cùng ngày. Hoả táng tại Đài Hoá thân Hoàn Vũ, Hà Nội.

Sự ra đi của GS Nguyễn Văn Lợi quá sức đột ngột, đã khiến nhiều người không tin vào thực tế đau xót này. Mong sao đây chỉ là sự lầm lẫn. Cứ nghĩ như những lần trước, Ông vào bệnh viện rồi lại ra, lại bàn chuyện khoa học như thường vậy thôi. Còn những ý tưởng chưa được viết ra, còn những cuộc hẹn gặp vào dịp xuân sang… Có những người mất đi rồi, khiến ta thấy có một khoảng trống quá lớn để lại, như Ông, và thấy quý giá biết bao những lúc an bình thong thả ngồi cạnh, mời Ông một chén trà!

Mong sao các đồng nghiệp, bạn bè và các thế hệ học sinh hãy đoàn kết, tận tình với khoa học, cùng thực hiện những ý tưởng chưa kịp thực hiện của GS.

Xin gửi tới TS Chu Bích Thu cùng toàn thể gia đình lời chia buồn trước nỗi đau và sự mất mát này. Mong bà và gia đình vượt qua buồn đau, để sống, và sống khỏe mạnh vì con cháu.

Xin cúi đầu trước anh linh GS.TS Nguyễn Văn Lợi. Xin vĩnh biệt Ông!

Thầy ơi, cầu chúc Thầy thanh thản an giấc ngàn thu!

 

PGS.TS Tạ Văn Thông

Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam

https://tamnhin.net.vn/gsts-nguyen-van-loi-mot-chuyen-gia-hang-dau-ve-ngon-ngu-hoc-97692.html