Cả cuộc đời cống hiến cho chuyên ngành Dịch tễ học

Dù hơn 30 năm đã trôi qua nhưng ký ức về ngày nhận nhiệm vụ mới vẫn in đậm trong tâm trí của TTND PGS.TS Đinh Kim Xuyến. Bà nhớ lại: Vào một buổi sáng thứ hai của tháng 6-1987, Ban giám đốc Viện mời tôi lên phòng Giám đốc và giao nhiệm vụ mới – cán bộ chuyên trách về bệnh dại với lý do là tôi có trình độ chuyên sâu về Dịch tễ học, có năng lực hoạt động cộng đồng. Tại thời điểm này, bệnh dại ở Việt Nam đang rất nghiêm trọng, số người chết cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch (500-600 người/năm). Vì vậy, Ban Giám đốc Viện cần một người tâm huyết chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này! Thực sự tôi cũng có một chút bất ngờ nên không kịp phản ứng gì mà chỉ cười gượng rồi nói: “Vâng! Ban Giám đốc đã giao thì em nhận ạ. Em sẽ cố gắng hết sức mình!”[1].

Năm 1980 bà được lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cử đi thi nghiên cứu sinh trong nước. Bà là một trong hơn 300 người trúng tuyển khóa đầu tiên này. Sau 2 năm học xong các môn cơ bản, bà trở về nơi công tác thực hiện đề tài luận án: Thử nghiệm phòng chống Aedes Aegypti – trung gian truyền bệnh Dengue xuất huyết ở Việt Nam trên cơ sơ nghiên cứu sinh học muỗi Toxorhynchites Splendens. Sau 3 năm vất vả bắt muỗi ở rừng, rồi miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, dưới sự hướng dẫn của hai thầy Đỗ Sỹ Hiển và Trần Văn Tiến, ngày 28-8-1985, NCS Đinh Kim Xuyến đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ với điểm xuất sắc. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên bảo vệ luận án Phó tiến trong nước của hệ Y tế dự phòng. Sau đó, bà được lãnh đạo Viện giao đảm nhiệm Tổ trưởng Tổ côn trùng thuộc khoa Dịch tễ. Trong hai năm bà làm tổ trưởng, tổ đều đạt Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa và bà được bầu là Chiến sĩ thi đua.

Do vậy, thời gian đầu nhận nhiệm vụ mới, PTS Đinh Kim Xuyến không khỏi băn khoăn, cũng không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Bấy giờ, bệnh dại tuy tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch nhưng việc nghiên cứu nó thì dường như ở tình trạng 3 không: Không có trong danh mục ưu tiên của Chính phủ; Không phải là dự án được cấp kinh phí hoạt động hàng năm như các chương trình khác và Không có hệ thống cán bộ chuyên trách ở các địa phương. Dẫu vậy, bà luôn tâm niệm: "Tôi đã hứa là phải làm và đã làm là phải đến nơi đến chốn. Tôi đề xuất lãnh đạo Viện dành riêng cho tôi một phòng nhỏ làm nơi làm việc. Hàng ngày, tôi luôn trăn trở, khi nghĩ được ý tưởng gì tôi đều ghi chép vào những mảnh giấy nhỏ. Có những đêm, tôi choàng dậy để ghi chép những điều vừa nghĩ"[2]. Qua việc tìm hiểu về công tác phòng chống bệnh dại trước đó, PTS Đinh Kim Xuyến thấy việc phòng chống bệnh dại ở Việt Nam đang có rất nhiều thách thức. Vaccine phòng dại cho người là Fenzalida do Việt Nam sản xuất sản xuất từ não chuộtnhắt trắng, nuôi với công nghệ rất thô sơ chưa thật sự an toàn, nhiều bệnh nhân tiêm bị phản ứng khá nặng như bị liệt, một số người đã tiêm vaccine nhưng vẫn tử vong nên người dân rất sợ tiêm vaccine sau khi bị chó dại cắn. Điều đó làm cho tỉ lệ tử vong vì chó dại càng tăng cao. Phải làm thế nào để có được đánh giá đúng về thực trạng bệnh dại, những nguyên nhân dẫn đến quá nhiều bệnh nhân tử vong, từ đó để làm cơ sở xây dựng một chiến lược phòng chống bệnh hiệu quả nhất; làm thế nào phải giảm số ca tử vong, giảm tổn thất về sức khỏe, giảm tổn thất về kinh tế cho cộng đồng càng sớm càng tốt… Để đánh giá được thực trạng bệnh dại cần có số liệu thống kê số lượng người bị bệnh dại, người chết vì bệnh dại, những con vật gây nên bệnh dại ở khắp các tỉnh thành trong nước. Trên cơ sở đó sẽ lập bản đồ dịch tễ bệnh dại ở Việt Nam. Bà kể: "Vận dụng phương pháp điều tra thống kê trong y học được Giáo sư Krichkerberg của trường Đại học Paris V (Pháp) dạy, tôi bắt đầu thiết kế bộ mẫu hồ sơ với các nội dung cụ thể gồm: Phiếu thông tin cá nhân khi bệnh nhân đến tiêm phòng dại giúp cho việc tổng hợp để đánh giá; Phiếu điều tra bệnh nhân tử vong do bệnh dại; Sổ theo dõi các bệnh nhân đến tiêm vaccine phòng dại, gồm 18 thông tin liên quan như: nơi cư trú, thời gian, tình trạng con vật lúc cắn người, tình trạng vết thương, cách xử lý… như vậy sẽ khoanh được vùng, mức độ, thời gian, nguy cơ… để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời”[3].

Để công tác phòng chống dịch bệnh ở cộng đồng được hiệu quả, PTS Đinh Kim Xuyến đã lặn lội đến gặp Ban lãnh đạo Trung tâm y tế dự phòng huyện, tỉnh/thành phố đề nghị phối hợp thực hiện các nội dung trong công tác phòng chống bệnh dại. Để giải quyết vấn đề nguồn lây bệnh là loài chó, bà thấy cần phải có sự kết hợp giữa Thú ý và Y tế mới đạt được hiệu quả cao. TS Bùi Quý Huy – Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y được giao nhiệm vụ trực tiếp phối hợp thực hiện cùng bà.  

Trong 5 năm đầu thực hiện xây dựng hệ thống phòng chống bệnh dại  trên cả nước, rất nhiều nội dung phòng chống bệnh dại đã được thực hiện như: mở thêm điểm tiêm vaccine phòng dại cho người; theo dõi bệnh nhân tiêm vaccine; điều tra những ca tử vong do bệnh dại; xác định những nơi thường xuyên có súc vật bị dại; xác định loại súc vật thường truyền bệnh dại cho người… Từ kết quả ghi nhận được, bà tham mưu cho lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trình Bộ Y tế ra văn bản chỉ đạo các địa phương cả về tổ chức cũng như chuyên môn phòng chống bệnh dại.

PTS Đinh Kim Xuyến báo cáo tại một Hội nghị về bệnh dại, 1989

Từ năm 1992-1995, các hoạt động phòng chống bệnh dại tại các tỉnh/thành phố đi vào nề nếp. Song, kết quả giám sát dịch tễ cho thấy bệnh dại vẫn rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Cụ thể, năm 1994 cả nước ghi nhận được 504 ca tử vong do bệnh dại, trong đó Hà Nội hơn 100 ca, Vĩnh Phúc 97 ca, Thái Nguyên 49 ca… Bà nhận thấy cần phải có văn bản chỉ đạo ở cấp Chính phủ cho công tác này. “Nghĩ là làm. Tôi đến phòng Tổ chức của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương mượn một số văn bản, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo các hoạt động của ngành Y tế, đặc biệt là về Y tế dự phòng. Tôi cặm cụi nghiên cứu về nội dung, cách thức thảo Chỉ thị và cách làm thế nào để có được Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tiên tôi làm một bản báo cáo khá chi tiết về Thực trạng Bệnh dại ở Việt Nam trong 5 năm (1990-1995). Bản báo cáo hoàn thành, tôi trình bày với Viện trưởng – GS Hoàng Thủy Long vào năm 1995. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Viện báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trọng Nhân để Bộ trưởng xem xét trình Chính phủ… Để sớm có Chỉ thị của Thủ tướng, tôi chủ động Dự thảo những nội dung cơ bản của Chỉ thị và thông qua, tham khảo thư ký của Thủ tướng để soạn thảo văn bản trình Thủ tướng, bởi về chuyên môn và những hoạt động cụ thể, thì những người trực tiếp thực hiện mới hiểu được những nội dung sát thực nhất”[4].

Ngày 7-2-1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ban hành Chỉ thị 92-TTg, về việc tăng cường phòng chống bệnh dại. Để thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dânPháp lệnh Thú y, hạn chế thiệt hại về người và của cải, thực hiện mục tiêu khống chế bệnh dại vào năm 2000 và thanh toán bệnh dại vào những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị rõ trách nhiệm của: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bộ Y tế có nhiệm vụ: “Đưa công tác phòng chống bệnh dại là một trong những những nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung quản lý, chỉ đạo của Bộ từ nay đến năm 2000, tăng cường và thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong công tác phòng chống bệnh dại. Xây dựng Đề án sản xuất vaccine và tổ chức tiêm phòng chống bệnh dại cho người đến năm 2000 đặc biệt chú trọng những nội dung sau đây: Củng cố và nâng cấp, xây dựng hệ thống tiêm phòng và giám sát bệnh dại ở người trên phạm vi cả nước; Bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng vaccine, huyết thanh kháng dại tiêm phòng cho mọi đối tượng bị chó ghi dại cắn, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác phòng chống bệnh dại”[5]. PGS.TS Đinh Kim Xuyến chia sẻ cảm xúc của bà khi có kết quả sau hai tuần chờ đợi: “Hôm nhận được văn bản Chỉ thị 92-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tôi đã mừng đến chảy nước mắt. Tôi như một người đang bơi ở giữa dòng sông mà vớ được phao cứu hộ"[6].

Sau khi có Chỉ thị, Ban chủ nhiệm Dự án Phòng chống bệnh dại của Bộ Y tế cũng được thành lập vào cuối năm 1996. Ban chủ nhiệm gồm đại diện Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, một số lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trọng điểm có bệnh dại phát triển… GS.TS Nguyễn Văn Thưởng – Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban, PTS Đinh Kim Xuyến làm Thư ký.

Trong quá trình đảm nhiệm công tác phòng chống bệnh dại, PGS.TS Đinh Kim Xuyến đã đi hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước để điều tra nghiên cứu, phổ biến kiến thức về phòng chống bệnh dại. Khi phải chứng kiến nhiều cảnh thương tâm do bệnh dại gây nên, cùng những ước nguyện trẻ thơ vô cùng đau lòng: "Cứu em để em được nói với các bạn của em, cứu em để em được đi học với các bạn, và cứu em để em nói với tất cả mọi người rằng chó dại cắn khổ lắm, đau lắm…"[7], bà càng quyết tâm sớm thực hiện nhiệm vụ của mình. Và dù có gặp biết bao khó khăn, bà cũng kiên trì vượt qua. Bà đã trực tiếp chỉ đạo và giúp đỡ địa phương tổ chức được 996 lớp tập huấn về phòng chống bệnh dại; tham gia trực tiếp cùng địa phương xây dựng được hơn 100 chương trình tuyên truyền, giáo dục về tác hại của bệnh dại và biện pháp phòng ngừa… Bà cũng chủ biên cuốn Sổ tay Hỏi đáp những điều cần biết về bệnh dại, được in 250.000 cuốn để phát đến y tế tuyến xã/phường, đặc biệt những nơi có số ca bệnh dại cao, tài liệu được phát đến tận thôn/bản, giúp ích cho cán bộ tuyến cơ sở trong truyền thông và tư vấn cho cộng đồng.

Trong 10 năm (1996-2005) thực hiện Chỉ thị 92-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Dự án Quốc gia phòng chống bệnh dại được cấp tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước là gần 4 tỷ đồng. Cũng chính vì kinh phí hạn hẹp nên trong quá trình đi làm việc tại các tỉnh, PTS Đinh Kim Xuyến gặp không ít khó khăn. Như lần đến giám sát công tác phòng chống bệnh dại của tỉnh Bắc Thái, xuống tới địa phương, đoàn đến thăm cả những ngôi mộ người dân chết vì bệnh dại và vận động chính quyền. Nhưng đoàn cũng chỉ nhận được thái độ thiếu hợp tác bởi những khó khăn thực tế: "Tiền thì không có, lúc nào chị cũng bắt chúng tôi làm, chị xuống mà làm". Bà chia sẻ vướng mắc đó với người bạn của mình – BS Lý Ngọc Kính đang là Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Thái và được BS Kính giúp tháo gỡ và chương trình được triển khai[8].

Dù gặp nhiều thách thức, chắc trở do kinh phí hạn hẹp, nhưng Dự án Phòng chống bệnh dại vẫn đạt được kết quả cao. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm (1996-2005) thực hiện Chỉ thị 92-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng chống bệnh dại ở Việt Nam, khi báo cáo kết quả của Dự án đã đạt được ở các tỉnh trên toàn quốc, các đại biểu tham dự hội nghị thấy ngỡ ngàng về số ca tử vong do bệnh dại đã giảm từ hơn 500 ca tử vong ở năm 1994 giảm xuống còn 32 ca tử vong ở năm 2003. PGS.TS Đinh Kim xuyến cho biết, để có được thành công đó là cả một sự cố gắng của ngành Y tế, ngành Thú y, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương và cả sự cố gắng hợp tác của cộng đồng trong đó có chủ nuôi chó đã tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó nuôi. Đặc biệt có sự tâm huyết, đam mê, sự vượt lên mọi khó khăn của các cán bộ chuyên trách phòng chống bệnh dại, và sự tham gia của truyền thông. “Tôi vô cùng cảm ơn Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp đỡ đưa nhiều thông tin chương trình của chúng tôi đến người dân. Nhờ đó, hàng ngàn, hàng triệu tài liệu, thông tin có nội dung cụ thể về phòng chống bệnh dại được đưa đến người dân. Dần dần, người dân, người nuôi chó, cán bộ y tế, cán bộ thú y hiểu được thông tin bệnh, trách nhiệm của mình và cũng tham gia, hỗ trợ đoàn chúng tôi"[9].

Là một người làm công tác nghiên cứu khoa học, PGS.TS Đinh Kim Xuyến đã viết nhiều bài báo chuyên môn về bệnh dại, đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Đặc biệt, kết quả của ba đề tài cấp Bộ[10] do bà làm chủ nhiệm đều được ứng dụng có hiệu quả trong thực tế công tác phòng chống bệnh dại.

Đề tài thứ nhất: Nghiên cứu đáp ứng kháng thể và độ an toàn của vaccine dại Verorab sản xuất tại Pháp theo phương pháp tiêm bắp và tiêm trong da trên người Việt Nam tình nguyện, được nghiệm thu năm 2002. Để thực hiện đề tài, Bộ Y tế đồng ý cử PGS.TS Đinh Kim Xuyến sang Pháp hợp tác với Công ty Sanofi Partuer thảo luận xây dựng đề cương nghiên cứu. Đây là một đề tài nghiên cứu ứng dụng, được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao vì đã góp phần khẳng định hiệu quả của phác đồ tiêm trong da. Phác đồ tiêm này đã giảm được gần 2/3 kinh phí (giảm gần 600.000 đồng cho một bệnh nhân khi tiêm vaccine dại)  so với phác đồ tiêm bắp mà hiệu quả vẫn cao. Nhờ đó nhiều người dân có cơ hội để được tiêm vaccine hiệu quả cao và an toàn.

Đề tài thứ hai: Nghiên cứu đáp ứng miễn dịch của vaccine dại Fenzalida (trên thực địa) sản xuất tại Việt Nam bằng phương pháp tiêm trong da, được nghiệm thu năm 2002. Đề tài này nhằm khẳng định hiệu quả và an toàn của vaccine dại sản xuất trong nước từ mô não chuột ổ. Kết quả nghiên cứu khẳng định được đáp ứng miễn dịch của vaccine dại Fenzalida không cao, chỉ có thể bảo vệ được trên 70%, độ an toàn cũng thấp, có nhiều phản ứng phụ tại chỗ và toàn thân. Từ kết quả nghiên cứu này, đã đề xuất Bộ Y tế nên sớm ngừng sử dụng vaccine này để đảm bảo an toàn và tính mạng cho bệnh nhân. Sau công trình nghiên cứu này, PGS.TS Đinh Kim Xuyến phải nhận nhiều lời trách móc, chỉ trích, thậm chí là rất thậm tệ: "Tôi bị nhiều người mắng nhiếc một cách đau đớn, rằng tôi cướp miếng cơm manh áo của cán bộ y tế…". Tôi cũng thẳng thắn: "Cướp đi cuộc sống của người dân, cướp đi sức khỏe, tính mạng của người dân quan trọng hay cướp đi miếng cơm manh áo của cán bộ y tế quan trọng hơn". Một người bạn của tôi còn nói: "Tôi còn 300 liều Fenzalida, nếu cần thì cho bạn đem về nấu cháo". Nhưng tôi mặc kệ, tôi vẫn làm đúng với khoa học"[11].

Đề tài thứ ba: Đánh giá hiệu quả và hoàn thiện mô hình phòng chống bệnh dại theo hướng xã hội hóa ở một số tỉnh, thành phố của Việt Nam, được nghiêm thu vào năm 2005. Đề tài này được nghiên cứu trong quá trình thực hiện Chỉ thị 92-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm các nội dung: xây dựng mô hình, can thiệp, đánh giá hiệu quả và hoàn thiện mô hình. Trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình xã hội hóa và kết quả của đề tài đã góp phần rất lớn trong công tác phòng chống bệnh dại của nước ta.

Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, cho sự nghiệp y tế với chuyên ngành Dịch tễ học, PGS.TS Đinh Kim Xuyến luôn sẵn sàng lên đường bất cứ đâu,  nơi có dịch bệnh hoành hành, dù đó là tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, cúm mùa, dịch hạch, dại, thủy đậu, cúm A/ H5N1, SARS…. Bằng tâm huyết, nghị lực và năng lực của mình, PGS.TS Đinh Kim Xuyến đã không ngừng phấn đấu để trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành về phòng chống bệnh dại ở Việt Nam.

 Hoàng Thị Liêm

__________________________ 

[1] Hồi ký của PGS.TS Đinh Kim Xuyến (Bản đánh máy), tr.34, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Đinh Kim Xuyến, ngày 6-4-2021, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Hồi ký của PGS.TS Đinh Kim Xuyến, tr.37, đã dẫn.

[4] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Đinh Kim Xuyến, ngày 6-4-2021, đã dẫn.

[5]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Chi-thi-92-TTg-tang-cuong-phong-chong-benh-dai-39677.aspx

[6] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Đinh Kim Xuyến, ngày 6-4-2021, đã dẫn.

[7] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Đinh Kim Xuyến, ngày 6-4-2021, đã dẫn.

[8] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Đinh Kim Xuyến, ngày 6-4-2021, đã dẫn.

[9] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Đinh Kim Xuyến, ngày 6-4-2021, đã dẫn.

[10] Nội dung thông tin về ba đề tài tham khảo trong tài liệu Hồ sơ xét duyệt giải thưởng Kovalevskaia (2007) của PGS.TS Đinh Kim Xuyến, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[11] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Đinh Kim Xuyến, ngày 6-4-2021, đã dẫn.