Hành trình thăm nhà và cuộc chia tay 21 năm





Mong ước được đến trường

Thái Phụng Nê là con thứ tư trong một gia đình nông dân có 6 anh chị em ở xã Hòa Thắng, thị xã Tuy Hòa (nay là huyện Phú Hòa), tỉnh Phú Yên. Cha là Thái Mâu (1901-1995), một người nông dân hiền lành, chất phác và không được học hành nhiều nên luôn cố gắng tạo điều kiện cho các con đi học. Người anh trai đầu là Thái Phụng Kỳ (1927-1995) được cha cho đi học ở một trường dòng tại Huế. Năm 1945, Thái Phụng Kỳ đang học năm cuối bậc Thành chung (tương đương với bậc Trung học cơ sở) thì Cách mạng tháng Tám thành công. Thái Phụng Kỳ về quê dạy học ở trường tiểu học Hòa Thắng (sau là hiệu trưởng của trường) và tham gia cách mạng từ năm 1947, rồi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương[1]. Đầu năm 1954, Thái Phụng Kỳ là Bí thư Chi bộ xã Hòa Thắng lãnh đạo lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với bộ đội địa phương chống lại các cuộc tấn công vào thị xã Tuy Hòa của lính Pháp trong chiến dịch Át-lăng[2]. Sau nhiều ngày đêm kiên cường chiến đấu, lực lượng cách mạng phải rút vào vùng rừng núi bảo toàn lực lượng. Gia đình ông cũng phải tản cư vào núi cách xã Hòa Thắng 10 km.

Người anh trai thứ hai là Thái Phụng Nơ (1931-1961) cũng được cha cho đi học ở trường cấp III An Nhơn, Bình Định. Khi đó, trường An Nhơn chỉ dạy đến lớp 8, cả Liên khu V[3] chỉ có trường Lê Khiết là dạy lớp 9. Năm 1952, Thái Phụng Nơ đang học lớp 8 và về quê nghỉ hè. Theo ông Nê cho biết: “Lúc đó nghỉ hè tức là nghỉ mùa, 1 năm nghỉ 2 kỳ vào mùa gặt lúa tháng 5 và tháng 10 để học sinh về phụ giúp gia đình chứ không phải nghỉ hè 1 kỳ như hiện nay”[4]. Một hôm, Thái Phụng Nơ vác cày đi bừa ở ngoài đồng nhưng mãi không thấy về, ông cụ Thái Mâu rất sốt ruột liền cho người đi tìm hỏi hàng xóm thì mới biết con đã trốn đi bộ đội.

Lúc này, Thái Phụng Nê vừa tốt nghiệp cấp II ở thị xã Tuy Hòa. Nhờ thành tích học tập tốt lại là học sinh gương mẫu của lớp nên phần thưởng khi tốt nghiệp là 1 lưỡi cày và 1 lưỡi cuốc. Ông mang về đưa cho cha, ông cụ mừng lắm. Nhờ kết quả tốt trong học tập nên Thái Phụng Nê được nhà trường chọn đi học tiếp lớp 8 ở trường An Nhơn, Bình Định. Đó là nguyện vọng của nhà trường nhưng cũng là mong ước của bản thân ông. Về nhà, Thái Phụng Nê xin cha,: “Con được nhà trường cho đi học tiếp lớp 8, đó là mong ước của nhiều người, con cũng mong được đi học. Con xin cha cho con đi học”.

Ông cụ nghiêm mặt nói: “Mày thấy đấy, tao suốt năm cày cấy nuôi chúng y đi học. Thế chúng mày đi học để làm gì? Thôi, ba đứa thì hai đứa thoát ly rồi, mày ở nhà phụ tao cày cấy”. Ở thời điểm đó, suy nghĩ của một người nông dân, một người trụ cột trong gia đình như vậy là hoàn toàn chính đáng. Nhưng vì mong muốn được tiếp tục đi học để mở mang kiến thức, còn ở nhà chỉ quanh quẩn với đám ruộng và con bò sẽ không khôn lớn được nên Thái Phụng Nê tiếp tục nài nỉ: “Cha thấy đấy, làng xóm mình có ai được nhà trường cho đi học lớp 8 đâu. Con mong muốn được đi học. Cách mạng sau này thành công thì mình có thể làm được nhiều việc, cuộc sống rồi sẽ khác chứ không phải như bây giờ”. Ông cụ mủi lòng, thương con  và nói với con dâu trưởng (vợ Thái Phụng Kỳ) rằng: “Con may cho nó bộ quần áo mới để nó đi học”. Vải do chị dâu dệt, nhờ thế Thái Phụng Nê mới có bộ quần áo mặc đến trường.

Ngày đến trường, trên vai Thái Phụng Nê vác ruột tượng may bằng vải đựng hơn chục cân gạo, một túi đựng mấy bộ quần áo. Ông đi bộ khoảng 120km từ thị xã Tuy Hòa, ra huyện An Nhơn, Bình Định để học, thi thoảng có chuyến xe goòng để đi nhờ. Vì tiêu thổ kháng chiến và bị bom đạn cày phá nên nhiều tuyến đường sắt đã bị phá hỏng, chỉ có thể sử dụng xe goòng thay thế trên những đoạn đường sắt còn lại. Ông đi bộ liên tục 2 ngày đêm thì đến trường An Nhơn. Tháng 5-1953, Thái Phụng Nê học hết lớp 8 và được nghỉ hè nên trở về Tuy Hòa để giúp đỡ gia đình. Đang cày ruộng thì ông nhận được thông báo là tiếp tục được cử đi học lớp 9 ở trường Lê Khiết tại xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành[5], Quảng Ngãi. Một lần nữa, ông lại khăn gói lên đường ra Bình Định học tập. Cuối năm 1953, trong một lần về thăm nhà thì ông nghe được tin Pháp đang cho quân đánh về thị xã Phú Yên theo chiến dịch Át – lăng, gia đình phải đi tản cư vào núi, cách chỗ cũ 10 km. Ngay tối hôm đó, ông phải xa gia đình, trốn ra trường Lê Khiết.

TS Thái Phụng Nê, ngày 8-7-2020

Mưu sinh

Sau khi Pháp chiếm thị xã Quy Nhơn, phía Nam tỉnh Bình Định thì đường về Phú Yên hoàn toàn bị cắt đứt. Ông tâm sự: “Khi lớp 8 học ở An Nhơn có thể về nhà xin gia đình hỗ trợ, chứ chuyển ra Quảng Ngãi là phải tự túc”. Nghỉ hè 2 tháng, thay vì về nhà phụ gia đình thì ông phải cùng bạn Thu[6] đi làm, kiếm tiền mua gạo thực phẩm trang trải cuộc sống. Thái Phụng Nê cùng bạn về xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, Bình Định kiếm sống. Đây là vùng dừa nên hai người xin đi hái dừa thuê, hàng ngày cứ trèo dừa để hái  quả, họ trả công mỗi ngày khoảng 30 đồng bạc tín phiếu[7] và cho ăn. Việc kiếm sống thứ hai là tát nước thuê bằng gàu sòng. Khác với vùng đồng bằng chỉ tát nước từ mương vào ruộng, còn ở vùng này phải tát qua 9 cấp thì nước mới lên tới ruộng nên rất vất vả, nhưng bù lại ông được họ bồi dưỡng thêm tiền hoặc cho ăn no hơn. Hết mùa, ông chuyển sang xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn chặt củi, sau đóng bè thả xuôi sông Bồng Sơn[8] bán. Cuộc sống của ông tuy vất vả nhưng vui, lại có tiền để tiếp tục học.

Khoảng tháng 3-1954, anh trai Thái Phụng Nơ đến thăm nơi học của em ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Thái Phụng Nê rất ngạc nhiên và hỏi: “Anh ở đâu mà đến thăm em”. Thái Phụng Nơ nói: “Anh đang ở khu y viện đóng ở làng bên cạnh”. Hai anh em nói chuyện vui vẻ mà ông không nghĩ tới y viện là nơi dành cho thương binh. Đang nói chuyện thì có báo động máy bay của Pháp đến nên vội xuống hầm. Thấy một tay anh trai cứ đút trong túi quần nhưng ông không để ý. Một tuần sau, ông tìm đến nơi anh trai ở theo địa chỉ đã ghi lại. Hỏi thăm một bà cụ về tình hình của anh Nơ, Thái Phụng Nê bị bà mắng rằng: “Anh cháu bị thương mà không biết sao?”. Ông nói: “Cháu dại nên không biết, xin bà cho biết anh cháu bây giờ ở đâu”. Bà cụ trả lời: “Nó về đơn vị rồi”. Ông buồn bã trở về trường mà không biết tình hình thương tật của anh.

Tháng 6-1954, Thái Phụng Nê đang ở Tam Quan thì nghe tin giải phóng Điện Biên. Ông vui mừng quá bởi sẽ được về nhà. Thị xã Tuy Hòa bị quân Pháp chiếm đóng nhưng theo Hiệp định Giơnevơ thì “Các bên tham chiến thực hiện cam kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh. Dân chúng mỗi bên có quyền di cư sang lãnh thổ do bên kia kiểm soát trong thời gian quân đội hai bên đang tập kết”[9] nên ông về nhà để báo cho mọi người biết mình vẫn còn sống. Mọi người trong nhà ai cũng mừng, trò chuyện rôm rả về cuộc sống trong thời gian qua. Hai hôm sau thì Thái Phụng Nê trở lại Quảng Ngãi để học tiếp.

Hành trình về thăm nhà

Đầu tháng 10-1954, đang trong giờ học, thì nhà trường giới thiệu một cán bộ của Phòng giáo dục Liên khu V đến. Mọi người im lặng chờ đợi, Thái Phụng Nê nhìn anh cán bộ Phòng giáo dục thấy quen quen, sau mới nhận ra là chú họ Lê Thông[10] – Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất của ngành Giáo dục. Bố ông Lê Thông là em trai của bà nội Thái Phụng Nê. Theo thông báo của Phòng giáo dục, lớp có 45 học sinh thì 41 người được chọn đi tập kết ra Bắc, còn 4 người không được chọn vì thành phần gia đình, trong đó có bạn Thu. Tiến sĩ Thái Phụng Nê chia sẻ: “Cả Liên khu V mới có một lớp 9 nên những học sinh miền Nam chúng tôi ra Bắc tập kết với chủ trương của Đảng là cho đi đào tạo để sau này xây dựng đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa”.

Mọi người được lệnh chuẩn bị ra tập kết ở cảng Quy Nhơn, Bình Định. Đoàn học sinh trường Lê Khiết do ông Lê Thông dẫn đầu đi bộ từ Nghĩa Hành về tập trung ở Bồng Sơn, cách cảng Quy Nhơn 90 km. Mọi người có thể về thăm nhà nhưng ngày 15-10-1954 phải có mặt để đoàn xuống cảng Quy Nhơn lên tàu ra Bắc. Trong số 41 học sinh lớp 9 ra Bắc tập kết, Phú Yên có 4 người gồm: Nguyễn Đình Điện[11], Đoàn Văn Điện[12], Trần Mạnh Trí[13] và Thái Phụng Nê. Tới Bồng Sơn, 4 anh em họp nhau: “Theo phổ biến của trưởng đoàn, anh em ta đi tập kết ở miền Bắc, hai năm sau tổng tuyển cử cả nước, chắc chắn sẽ trở về xây dựng quê hương. Những anh em ở Bình Định, Quảng Nam đều về thăm nhà. Quê mình tuy là vùng tạm chiếm nhưng vẫn phải về nhà để báo cho gia đình biết”. Tiến sĩ Thái Phụng Nê chia sẻ thêm: “Lúc đó tuổi học sinh nên ngây thơ nghĩ rằng Hiệp định Giơnevơ là hiệp định quốc tế do các nước lớn tham dự và bảo lãnh nên vững tin về thăm nhà rồi trở ra nơi tập kết vẫn kịp, không bị cản trở. Nhưng không biết Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa có ý đồ tiến hành ngăn cách hai miền và sau này Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam, bởi vậy hành trình về thăm nhà để chia tay gia đình trước khi đi tập kết của ông thật vô cùng vất vả, có những lúc tưởng chừng cuộc ra đi sẽ không thực hiện được.

Nhân ban đêm, cả bốn người lén về thăm nhà mà không báo cho ông Lê Thông biết bởi nếu báo cáo với trưởng đoàn chắc chắn sẽ không được đi. Khi đi, ai cũng mang trong mình niềm tin sẽ quay trở lại. Theo lộ trình, mọi người đi bộ từ Bồng Sơn về thị xã Tuy Hòa mất 3 ngày 3 đêm dọc theo quốc lộ 1. Trên vai mỗi người đeo túi có vài đồ đạc  cần dùng, một ít đồng bạc tín phiếu, còn tất cả vật dụng cá nhân để lại nơi tập kết. Đi đến ga Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định, mọi người men theo đường sắt để đi. Hai người nắm tay nhau đi trên đường ray, bởi chân đi dép cao su, nếu đi đường đất gồ ghề sẽ đau chân. Hơn một ngày đi bộ, đến huyện Sông Cầu, phía Bắc tỉnh Phú Yên thì bạn Đoàn Văn Điện bảo: “Thôi, tao không về nhà nữa”, rồi quay lại địa điểm tập kết. Nguyên nhân là trên đường đi mọi người nghe người dân bàn tán với nhau chuyện treo giải thưởng cho ai khai báo người ra Bắc tập kết, chỉ điểm được 1 người sẽ được thưởng 2000 đồng Đông Dương. Sợ bị lộ, Đoàn Văn Điện liền quay lại khu tập kết.

Ba người tiếp tục vừa đi vừa bàn với nhau: trên đường về nhà sẽ đi qua thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, Phú Yên sợ gặp các bạn học cũ hoặc người quen. Do đó, mọi người chia lẻ ra mà đi cách nhau 100 mét, nếu người đầu gặp người quen thì hất tay phía sau để người đi sau biết mà tránh. Đến gần La Hai thì ông Trần Mạnh Trí (đi đầu tiên) gặp cậu bạn. Người này mặc đồ bà ba đen, đeo kính đen, lưng giắt súng lục, đích thị là phòng nhì[14]. Nguyễn Đình Điện (đi giữa) và Thái Phụng Nê đi sau cùng thấy lo thì Trần Mạnh Trí ôm chầm lấy người bạn kia. Hóa ra cậu bạn này cùng học với Trần Mạnh Trí, lại cùng phòng và cùng giường nên rất thân thiết.

Trần Mạnh Trí hỏi bạn: “Tao nghe nói mày đi làm Phòng nhì cho phía Ngô Đình Diệm có phải không?”.

Cậu bạn trả lời: “Nói tầm bậy, tao đi làm kiếm ăn thôi”. Rồi hỏi lại: “Tao nghe bọn bay đi tập kết cơ mà”.

Trần Mạnh Trí nói: “Làm gì có, trường không dạy nữa, bọn tao về nhà thôi. Mày có việc gì thì chỉ giúp chúng tao việc làm”.

Nguyễn Đình Điện và Thái Phụng Nê đi sau cùng cũng vẫn đến tay bắt mặt mừng. Chuyện một lúc rồi nói: “Bọn tao về để kiếm việc làm để sống chứ giờ chưa biết sống sao. Bây giờ cũng muộn rồi, đi bộ từ sáng đến giờ cũng sắp tối, bọn tao phải về không muộn mất”.

Ba người đi bộ thêm gần 2 tiếng nữa thì đến nhà Trần Mạnh Trí (xã An Định, huyện Tuy An). Trời đã tối, mà giờ chỉ còn hai người là Nguyễn Đình Điện và Thái Phụng Nê, đi đâu cũng thấy các khẩu hiệu chống Cộng ráo riết. Để kiểm soát, ngăn cản người dân đi tập kết ra miền Bắc, mỗi người dân đều bị chụp ảnh, dán hình trước nhà. Dân vệ sẽ đến kiểm tra bất cứ lúc nào, nếu gặp người lạ không khai báo hoặc thiếu người trong nhà thì sẽ bị bắt tra hỏi. Hai người đang bí quá, không biết làm cách nào thì Thái Phụng Nê nhớ trong xã An Định có nhà thầy giáo tên Đống dạy trường Tiểu học An Định. Con của thầy giáo Đống cũng đi hoạt động cách mạng rồi ra Bắc tập kết. Ông Đống cũng biết Thái Phụng Nê là em trai ông Thái Phụng Kỳ (từng làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Thắng). Trời tối, hai người vào gặp ông Đống trình bày lý do. Ông Đống nói: “Các cháu cứ vào nằm nghỉ, sáng đi sớm, cách nhà 2 km có bến xe, ra bắt xe vào thị xã Tuy Hòa”. Sáng hôm sau, hai người dậy sớm ra bến bắt xe hàng, khi đưa đồng bạc tín phiếu thì họ không chấp nhận, chỉ dùng tiền Đông Dương. Bất đắc dĩ, hai người phải tiếp tục đi bộ. 

Đến trưa thì tới dốc Quán Cau (ranh giới hai xã An Cư và An Hiệp của huyện Tuy An) cũng là tới nhà anh rể Nguyễn Đình Điện. Hai người vào xin bữa cơm không đói quá. Anh rể đi vắng, chị gái thấy em trai rất mừng, nói tình hình trong nhà vẫn bình thường. Để tránh tai mắt của đám mật thám và dân vệ các vùng, chị gái ông Điện dạy cách đi: “Hễ họ hỏi đi đâu thì cứ bảo đi buôn, buôn ở đâu thì bảo đi buôn ở La Hai về, thế thôi. Không được giải thích nhiều. Tốt nhất là đi lẫn vào đoàn người đi buôn, cố gắng hòa mình vào họ”.

Tới đầu thị xã Tuy Hòa, hai người vòng sang đi đường tắt thì còn cách nhà khoảng 10km. Trời đã gần chiều rồi nên hai người chia tay nhau. Hẹn nhau 2 ngày nữa gặp ở đây rồi cùng đi ra nơi tập kết. Về tới gần nhà thì trời có mưa lất phất chứ không mưa lớn bỗng ông phát hiện một người trong xóm là Đặng Thiệu đang vác cày từ ngoài ruộng về nhà. Ông phải cảnh giác bởi không biết địch ta nên phải đi đường vòng rẽ qua xóm khác rồi về nhà, còn ông Thiệu vừa vác cày vừa nhìn theo.

Khi bước vào nhà thấy trước cửa treo danh sách những người trong gia đình. Ông cụ Thái Mâu vừa nhìn thấy con liền mắng luôn: “Tại sao mày đi tập kết mà không đi, còn quay về đây. Nếu mày về nhà thì lập tức sang báo chính quyền để nó chụp ảnh”. Thái Phụng Nê nói: “Con đi tập kết nhưng 2 năm lâu quá nên ghé về thăm nhà”.

Ông cụ liền quát: “Thế thì lập tức vào trong buồng”, và cấm không cho ra ngoài để tránh hàng xóm phát hiện. Đêm hôm đó, nghe mọi người nói chuyện gia đình mà tang thương, anh cả Thái Phụng Kỳ do từng làm Bí thư Đảng ủy, tham gia kháng chiến nên bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam, đánh đập tra tấn chưa rõ sống chết  ra sao. Anh thứ hai Thái Phụng Nơ bị thương mất một bàn tay, đang bị quản thúc rất chặt ở nhà vì tham gia chống Pháp. Tối hôm đó, hai anh em ngủ chung một giường trong buồng và kể chuyện cho nhau nghe. Ông Nơ vì tham gia chiến dịch Bắc Kon Tum, đánh đồn Mang Đen và Mang Bút[15] bị trúng lựu đạn và cụt bàn tay. Hôm ông Nơ đến thăm em trai đã cố ý giấu tay bị thương vào túi quần vì sợ em buồn.

Hai anh em nói chuyện tới 4 giờ sáng. Ngồi ăn cơm, nhìn ra ngoài nhà thấy chị dâu đang gói ghém đồ đạc là mấy gói thuốc chữa bệnh, sắp đôi quang gánh giả làm người đi buôn, tiền thì đút một phần vào túi áo đi đường. Hơn 4 giờ sáng. Ông cụ dẫn Thái Phụng Nê đi luồn qua ngõ nhỏ sau nhà rồi băng qua cánh đồng Cỏ mà đi. Hai bố con đi mà không nói lời gì. Trời sáng, ông cụ nói: “Giờ con cứ thẳng đường mà đi, cha đi qua nhà ông cậu (tức bố ông Lê Thông) ở xã Hòa Quang ở đó ngày hôm sau cha về. Nếu về bây giờ chúng (tức dân vệ) thấy sẽ nghi”.

Do tình hình gấp gáp nên ông và bạn Nguyễn Đình Điện không chờ nhau như hẹn mà tự lo liệu. Thái Phụng Nê đi bộ liên tục 3 ngày 3 đêm, trốn tránh các trạm dò xét của chính quyền Việt Nam Cộng hòa mới tới được thị trấn La Hai thì trời tối. Lúc này, ông đã rất mệt nên ghé vào quán cơm bên đường dùng đồng bạc tín phiếu (xe hàng không dùng nhưng người dân nhiều nơi vẫn tiêu tín phiếu) ăn một bữa rồi ông đặt đòn gánh xuống ven đường nằm ngủ. Do quá mệt nên ông ngủ say không biết trời đất là gì, tỉnh dậy thì mất đôi quang gánh, may còn ít tiền đút ở túi áo là không mất, đủ mua đồ ăn tới nơi tập kết. Sau khi đi đò qua sông La Hai ông ngồi cùng đám người đi buôn trên một chuyến xe goòng tới huyện Vân Canh, một huyện phía Nam tỉnh Bình Định. Nơi đây vẫn thuộc quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Thấy có đám người trên xe, lính ngụy liền yêu cầu dừng xe, bắt tất cả xuống khuôn vác làm cầu. Trong lòng Thái Phụng Nê lo lắng ghê gớm, nếu giữ lại ở đây lâu thì sẽ lỡ hẹn thời gian đến nơi tập kết. Mọi người bị bắt khuân vác đá, đẩy xe cút kít vật liệu… nếu không làm được là bị ăn dùi cui.

Sau hai tiếng bị lao động cực nhọc, mọi người liền cùng nhau bỏ chạy, thấy thế ông cũng chạy. May mà đám lính cũng không đuổi bắt nên mọi người thoát thân. Từ ga Vân Canh bộ hơn 10 km là tới trạm gác của 2 bên, phía Nam của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, phía Bắc là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai bên cách nhau 100 mét. Trước khi qua bên trạm kiểm soát của chính quyền ta, họ hỏi: “Mày đi buôn cái gì?”. Ông Nê đáp: “Tôi đi buôn heo con về nuôi”. Rồi họ cho qua. Đến khi ông bước qua trạm kiểm soát của chính quyền ta thì mới thở phào nhẹ nhõm, coi như kết thúc hành trình đầy vất vả khi về thăm nhà trước khi ra Bắc tập kết. Do mệt quá, lúc này ông không còn lo lắng gì nữa, để giải tỏa mệt mỏi liền ngủ một giấc. Tỉnh dậy ông tiếp tục đi bộ tới thị trấn Đập Đá (nay là thị trấn Thành Bình Định), huyện An Nhơn thì vào nhà Trần Thống, bạn cùng lớp cũng được đi tập kết. Lúc này đang vào vụ mùa, cả nhà đang phơi rơm, ông Nê hăng hái tham gia. Buổi trưa bố bạn Trần Thống về hỏi: “Sao cháu ra sớm thế”. Ông Nê kể lại chuyện đã qua, bố Trần Thống bảo: “Thôi cháu cứ ở đây, hôm nào bác cho xe chở  Thống đi Bồng Sơn thì cháu cùng đi một thể.” Ngày hôm sau thì Trần Mạnh Trí ra tới nơi, hôm sau nữa thì Nguyễn Đình Điện cũng tới. Hai người bạn này được gia đình đưa đi tập kết cũng dưới hình thức đi buôn nên không vất vả như ông Nê. Ba anh em gặp nhau mừng quá.

Ngày 14-10-1954, Thái Phụng Nê và các bạn tới Bồng Sơn, kết thúc hành trình về thăm nhà đầy vất vả. Ngày 15-10-1954, từ Bồng Sơn, đoàn lên xe ô tô đến cảng Quy Nhơn. Nghỉ ngơi một ngày, mọi người đi thuyền đánh cá ra nơi tàu của Na Uy neo đậu (vì tàu to nên không vào được trong bến cảng) rồi lên tàu bằng thang dây. Đến tối, trời yên biển lặng, ông mới lên boong tàu ngắm biển cả mênh mông. Một cảm xúc hạnh phúc và vui mừng dâng trào trong ông bởi khát vọng ra miền Bắc học tập đã thành hiện thực. Những tưởng chỉ 2 năm xa cách, nào ngờ phải 21 năm sau ông mới trở lại quê nhà.

Chuyện đã trôi theo thời gian 66 năm, nhưng khi kể cho chúng tôi về những hồi ức này, TS Thái Phụng Nê vẫn không khỏi xúc động bồi hồi – miền ký ức đã trở thành dấu ấn cuộc đời ông. Cũng nhờ ý chí và quyết tâm ra Bắc học tập, ông được Bộ Giáo dục cử sang Liên Xô học tập và trở thành thế hệ phó tiến sĩ ngành thủy điện đầu tiên ở Việt Nam. Dấu chân ông in dấu khắp đất nước, góp phần xây dựng nên các công trình thủy điện thế kỷ của Việt Nam như: Thác Bà, Hòa Bình, Yaly, Sơn La…

Ngô Văn Hiển

 


* TS Thái Phụng Nê sinh năm 1936, chuyên ngành Điện, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (1992-1996).

[1] Nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

[2] Chiến dịch Át lăng diễn ra từ cuối tháng 12-1953 nhằm chiếm các tỉnh vùng tự do Liên khu V (gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên). Tham khảo thêm nguồn: http://www.baophuyen.com.vn/94/113366/bai-4–danh-bai-chien-dich-at-lang-cua-thuc-dan-phap-o-phu-yen.html

[4] Phỏng vấn ghi âm TS Thái Phụng Nê ngày 8-7-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, các trích dẫn trong bài đều lấy từ nguồn này.

[5] Một huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi. Vùng tự do này được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cai quan đến khi ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 21-7-1954) thì chuyển giao cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

[6] Người bạn ở Huế, sau làm giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Cần Thơ.

[7] Một loại tiền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành cho vùng Liên khu V. Tham khảo thêm: http://www.div.gov.vn/Default.aspx?tabid=122&News=121&CategoryID=1.

[8] Một nhánh của sông Lại Giang, nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BA%A1i_Giang.

[10] Ông Lê Thông có con trai là Lê Việt Anh – sau làm Giám đốc Nông trường sữa Ba Vì (hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh), cũng tập kết ra miền Bắc sau này.

[11] Sau là GS.TS Nguyễn Đình Điện, công tác ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

[12] Sau là PGS.TS Đoàn Văn Điện (sinh năm 1937), nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh (1989-1994).

[13] Sau là GS.TS Trần Mạnh Trí (sinh năm 1937), nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ hóa học, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

[14] Cơ quan mật thám theo cách gọi của Pháp.