Dựa trên nguồn tư liệu đã có, lần đầu tiên, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) tổ chức trưng bày, giới thiệu những công trình/cụm công trình của các nhà khoa học được Giải thưởng Hồ Chí Minh[1] từ đợt I (1996) đến nay. Trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Với chủ đề “Khoa học: Sáng tạo và cống hiến”, thông qua 14 công trình/cụm công trình thuộc các ngành toán học, y học, vật lý, lâm nghiệp, nông nghiệp… Trưng bày giúp khách tham quan hiểu một phần bức tranh khoa học Việt Nam từ sau năm 1945 đến nay, cũng như sự đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học cho sự nghiệp xây dựng, kiến thiết và phát triển đất nước. Những câu chuyện được tái hiện theo lời kể của chính những người trong cuộc và bằng nhiều hiện vật đã giúp công chúng hiểu thêm nghị lực, sự sáng tạo của các nhà khoa học trong mọi hoàn cảnh và sự hy sinh của họ trong quá trình làm nghề.
Cuộc Trưng bày này cũng là dấu mốc quan trọng, khẳng định bước tiến mới của MEDDOM sau 12 năm kiên trì, nỗ lực với sự nghiệp sưu tầm, lưu trữ và phát huy di sản của các nhà khoa học. Quá trình “thai nghén” Trưng bày này nói riêng và các trưng bày/triển lãm khác nói chung đều là những ngày không thể quên với từng cán bộ nhân viên MEDDOM. Và đó là công việc không hề đơn giản.
Lễ khai trương Trưng bày tổ chức tại Công viên Di sản, 29-8-2020 |
Trước trưng bày trên, MEDDOM đã tổ chức thành công 3 trưng bày, triển lãm: “Khát vọng học hỏi và sáng tạo” (2014), “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” (2017), “Chuyện nghề địa chất” (2019). Qua mỗi trưng bày, chúng tôi càng trăn trở: Làm thế nào để phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học và đưa khối di sản này đến gần với công chúng hơn nữa? Làm sao để sau mỗi trưng bày có những kinh nghiệm tốt cho trưng bày tiếp theo?
Với phương châm, kể chuyện qua hiện vật và dựa vào tiếng nói của những người trong cuộc, những tháng cuối năm 2019, ngay sau khi xác định ý tưởng trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”, nhóm nội dung đã bắt tay vào việc tập hợp thông tin, tài liệu cũng như nghiên cứu, sưu tầm bổ sung. Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của các nhà khoa học và gia đình họ như GS.TS Trương Đình Dụ[2] (thủy lợi), gia đình các GS Đặng Văn Ngữ[3] (y học), GS Hoàng Tụy[4] (toán học), GS.TSKH Thái Văn Trừng[5] (lâm nghiệp)…
Đạo diễn Đặng Nhật Minh – con trai GS Đặng Văn Ngữ giới thiệu món quà của cha trong buổi tặng tài liệu cho MEDDOM, 2-2020 |
Nhiều nhà khoa học là tác giả của 14 công trình/cụm công trình được giới thiệu trong Trưng bày lần này đã mất hoặc cao tuổi, trí nhớ giảm sút. Chúng tôi đã phải khai thác thông tin, sưu tầm tư liệu bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, như các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm lưu trữ có liên quan. Cụ thể là Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, trường Đại học Y Hà Nội, Viện Thổ nhưỡng nông hóa… Đồng thời, chúng tôi tiến hành khai thác thông tin từ các đồng nghiệp, học trò của các nhà khoa học. Nhiều người trong số họ cũng đã ở độ tuổi trên dưới 80 tuổi.
MEDDOM làm việc với Viện Thổ nhưỡng nông hóa về Công trình Bản đồ đất được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000, 7-2020 |
Làm trưng bày vốn đã khó, đòi hỏi đầu tư cả về thời gian, vật lực, trí lực; thực hiện trưng bày trong điều kiện mùa đại dịch COVID-19 còn khó khăn hơn bội phần. Dù rất lo lắng về vấn đề đảm bảo làm việc an toàn trong mùa dịch, nhất là với các nhà khoa học cao tuổi, chúng tôi vẫn phải đảm bảo tiến độ các hạng mục Trưng bày. Có những buổi gặp trực tiếp, chúng tôi phải giữ khoảng cách an toàn và trò chuyện qua lớp khẩu trang nhưng không vì thế mà chất lượng buổi làm việc giảm sút. Càng trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, chúng tôi càng trân trọng sự ủng hộ, tin tưởng của các nhà khoa học và gia đình họ. Đặc biệt, nhiều buổi làm việc được tiến hành qua điện thoại, email, các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Hangouts Meet… nhưng có hiệu quả tốt, thu được nhiều thông tin, câu chuyện hay.
Nhờ công nghệ giúp xóa nhòa khoảng cách, chúng tôi có buổi trò chuyện thú vị cùng GS toán học Neal Koblitz của trường Đại học Washington (Mỹ) về cuộc đời và đóng góp của GS Hoàng Tụy. Giám đốc điều hành Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam – ThS Trần Bích Hạnh phỏng vấn GS Neal Koblitz chia sẻ: Ở Seattle, Mỹ, do đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành nên mọi thứ rất khó khăn. Thật tuyệt vời là GS Koblitz vẫn giữ được những bức ảnh ông đăng trong bài báo phỏng vấn GS Hoàng Tụy và toán học Việt Nam năm 1989.
Phỏng vấn online GS Neal Koblitz về GS Hoàng Tụy, 7-2020 |
Có lẽ trong lịch sử hoạt động của MEDDOM chưa bao giờ có nhiều cuộc họp chuyên môn qua các ứng dụng họp trực tuyến đến thế, nhất là trong hơn một tháng toàn cán bộ nhân viên làm việc tại nhà. Đó là những cuộc họp online giữa nhóm cán bộ ở Hà Nội và Hòa Bình – hai địa điểm làm việc chính của MEDDOM, là những buổi thảo luận giữa nhóm chuyên gia và các nghiên cứu viên trẻ về nội dung, bản thiết kế trưng bày. Đó còn là hàng chục giờ đồng hồ, cả nhóm “toét mắt” tìm lỗi, sửa từng câu, từng chữ trong những pano giới thiệu công trình…, rồi sung sướng, hạnh phúc khi nghiên cứu, sưu tầm được những câu chuyện hay, những hiện vật quý. “Càng gian khổ, càng sáng tạo” – câu nói của GS Đặng Văn Ngữ như truyền thêm cảm hứng cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Một trong rất nhiều cuộc họp trực tuyến của cán bộ MEDDOM |
Đúng vào dịp kỷ niệm hai ngày lễ lớn, tháng 8-2020, Trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” đã được hoàn thành theo tiến độ. Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường, lễ khai trương trưng bày được tổ chức vào ngày 29-8, muộn hơn theo dự kiến. Nhằm đảm bảo an toàn cho các khách tham dự, trước khi tiến hành lễ khai trương, MEDDOM gửi thông báo, đề nghị tất cả các vị đại biểu, khách mời nghiêm túc khai báo y tế, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, không bắt tay, sát khuẩn tay… Tại nơi diễn ra lễ khai trương – Tòa nhà Quyển sách mở, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, MEDDOM tổ chức 5 phòng trưng bày, triển lãm để tránh tập trung quá đông tại một địa điểm; bàn ghế được bố trí theo quy định về giãn cách…
Lễ khai trương trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” diễn ra trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy, song đã thành công ngoài mong đợi. Ban tổ chức nồng nhiệt tiếp đón nhiều nhà khoa học, gia đình nhà khoa học, đại diện các cơ quan, tổ chức đến tham dự. Một số người thân, học trò của các nhà khoa học mới đi công tác xa trở về, biết tin đã ngay lập tức lên tham dự lễ khai trương. Đặc biệt, MEDDOM vinh dự đón chào các đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, huyện ủy Cao Phong đến tham dự và phát biểu tại buổi lễ. Thật cảm động khi nhiều gia đình nhà khoa học mang theo tài liệu từ Hà Nội tặng trực tiếp cho MEDDOM trong buổi lễ trang trọng và ý nghĩa này. Tất cả những tình cảm, những sự quan tâm đó thật đáng quý, là nguồn động viên to lớn với chúng tôi. Thông qua buổi lễ khai trương, nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân đã biết và hiểu thêm về hoạt động của MEDDOM. Quan trọng hơn, tất cả đều khẳng định ủng hộ sự nghiệp sưu tầm, lưu trữ và phát huy di sản các nhà khoa học mà chúng tôi đang theo đuổi.
Bên cạnh những điều đã làm được, chắc chắn Trưng bày vẫn có mặt hạn chế, thiếu sót. Bằng những kinh nghiệm và tinh thần học hỏi, sáng tạo, với những trưng bày và triển lãm trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng đa dạng hóa cách thể hiện theo nhiều phương thức truyền tải hiện đại để có thể phát huy giá trị của những tài liệu hiện vật quý mà MEDDOM đang lưu giữ. Thách thức rất nhiều nhưng cũng là cơ hội để MEDDOM khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp sưu tầm, lưu giữ và phát huy di sản các nhà khoa học Việt Nam, tạo dấu ấn riêng trong lĩnh vực bảo tàng, lưu trữ học. Và chúng tôi có niềm tin vào những giá trị tốt đẹp mà chúng tôi đã, đang và sẽ mang lại cho cộng đồng.
Nguyễn Điệp
____________________
[1] Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng danh giá, cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam dành cho các công trình ở thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, giáo dục, nông nghiệp… có đóng góp đặc biệt xuất sắc về khoa học, phục vụ xã hội, nhân dân.
[2] GS.TS Trương Đình Dụ (sinh năm 1938), nguyên Viện Phó Viện Khoa học thủy lợi, đồng tác giả cụm công trình về Đập trụ đỡ và đập xà lan được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2013.
[3] GS Đặng Văn Ngữ (1910-1967), nguyên Viện trưởng sáng lập Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, tác giả cụm công trình Điều tra về muỗi sốt rét ở Việt Nam và chế dung dịch Penicillin trong kháng chiến chống Pháp được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
[4] GS Hoàng Tụy (1927-2019), nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, tác giả công trình thuộc lĩnh vực tối ưu hóa được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
[5] GS.TSKH Thái Văn Trừng (1917-2004), nguyên Viện trưởng Viện Sinh học Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả công trình “Những hệ sinh thái rừng Việt Nam” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.