Hồi ức không quên trên đất nước Xô viết

Giữa năm 1966, Hà Tĩnh nhận được 3 chỉ tiêu đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, theo chuyên ngành do Bộ Thủy li phân bổ. Tỉnh ủy Hà Tĩnh xem xét và cử ba người đi học là Trương Đình Dụ, Lê Quang Diện, Nguyễn Hoàng Trạch.

Phương châm “cày, cày và cày”

Theo GS Trương Đình Dụ: Ba chúng tôi đều là sinh viên khóa 4, ngành Thủy lợi, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1959-1963), sau khi tốt nghiệp được phân về công tác tại quê nhà Hà Tĩnh[1]. Theo quyết định triệu tập của Bộ Thủy lợi, ba cán bộ ra Hà Nội để chuẩn bị đề cương đi làm nghiên cứu sinh, sau đó lại về địa phương công tác và chờ thông báo. Khi được ông Trần Quang Đạt – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo: Anh cho ba cậu này đi học nhé, ông Nguyễn Oanh – Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ty Thủy lợi lo lắng: Những người giỏi anh cử đi học hết, thì tôi làm việc với ai. Không lâu sau đó, Trương Đình Dụ có tên trong danh sách được cử đi nghiên cứu sinh ở Rumani.

Lúc này, miền Bắc đang bị không quân Mỹ ném bom bắn phá ác liệt nên việc liên lạc và đi lại rất khó khăn, giấy triệu tập do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chuyển về Hà Tĩnh bị chậm. Khi ông Dụ ra tới Hà Nội thì bị trễ chuyến tàu chở cán bộ, sinh viên ra nước ngoài học tập. Hôm sau, Trương Đình Dụ đến Bộ Đại học trình bày lý do chậm tàu thì được trả lời: Anh ra chậm thì ở lại nhận quyết định học tiếng Nga, Bộ sẽ sắp xếp cho anh, năm sau đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Khoảng 15 ngày sau, ông Lê Quang Diện cũng nhận được giấy triệu tập đi học tiếng Nga nên hai người đi học cùng nhau tại trường Bổ túc ngoại ngữ ở huyện Gia Lương, Hà Bắc. Còn ông Nguyễn Hoàng Trạch vì hoàn cảnh gia đình xin ở lại địa phương công tác.

Gần 1 năm học tiếng Nga, khoảng cuối năm 1967, ông Dụ nhận được quyết định sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Xây dựng Moskva. Cầm quyết định trên tay, tâm trạng ông vừa mừng vừa lo bởi được nhà nước quan tâm cho đi nước ngoài học tập, đó là một niềm vinh dự lớn và tự hào. Nhưng ông lo vì trình độ tiếng Nga, kiến thức học ở trường Đại học Bách khoa lâu không sử dụng nên sợ không đủ sức làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Để yên tâm hơn, ông quyết định đến gặp thầy hướng dẫn đồ án tốt nghiệp đại học là GS Nguyễn Văn Quỳ để hỏi kinh nghiệm. Lúc này, thầy Quỳ đã lên làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Nghe học trò trình bày, thầy thân tình nói: Tớ tốt nghiệp đại học loại giỏi ở Liên Xô và như cậu biết, tớ giỏi 4 ngoại ngữ, đã dạy đại học nhiều năm, thế mà làm luận án phó tiến sĩ cũng vất vả, tớ chỉ có một kinh nghiệm cho cậu: “cày, cày và cày”. Cậu nhớ lấy nhé. Nghe lời dạy của thầy, Trương Đình Dụ hiểu rằng: chỉ có chăm chỉ, cần cù và chịu khó học tập mới có thể thành công.

Những tháng ngày ở Liên Xô

Tháng 2-1968, đoàn nghiên cứu sinh rời ga Hàng Cỏ lên tàu sang Liên Xô. Ông vẫn nhớ cảnh chia ly đầy xúc động của nghệ sĩ Trà Giang tiễn người yêu nghệ sĩ viôlông Nguyễn Bích Ngọc; cô Mai Liên – cán bộ giảng dạy khoa Hóa, trường Đại học Bách khoa Hà Nội để lại con thơ mới sinh 15 ngày tuổi, lên đường đi nghiên cứu sinh…. Tàu chuyển bánh, mọi người trong đoàn cố vẫy tay tạm biệt người thân cứ dần khuất xa. Rời Hà Nội, ông ngắm nhìn các làng quê phố xá thân yêu, những nơi tàu lướt qua, trong tâm trạng bâng khuâng khi tạm xa Tổ quốc, và lo lắng làm sao hoàn thành nhiệm vụ để trở về cống hiến cho đất nước. Trên tàu, mọi người được ăn một bữa trưa rất ngon với đủ các món, hoàn toàn khác với cảnh thiếu đói suốt quãng thời gian ở trường Bổ túc Ngoại ngữ. Hơn hai ngày đi tàu, đoàn tới Bắc Kinh và được đi tham quan Cố cung. Sau 1 ngày nghỉ, mọi người lên đường qua đất Mông Cổ, thảo nguyên mênh mông đầy tuyết, ai cũng náo nức chờ đến biên giới Liên Xô, một đất nước mà thời đó người Việt Nam coi như “thiên đường”.

Vừa qua biên giới, mọi người được phổ biến chuẩn bị ngắm nhìn Hồ Baican, dù tàu đi với vận tốc 80km/giờ nhưng phải mất hơn hai ngày mới đi qua hết khu vực hồ. Trong hơn 10 ngày ngồi tàu, Trương Đình Dụ càng cảm nhận được sự rộng lớn của đất nước Liên Xô. Tới nhà ga ở thủ đô Moskva, Trương Đình Dụ và khoảng 10 học viên khác được ô tô của Đại sứ quán Việt Nam đưa về ký túc xá của trường Đại học Xây dựng Moskva. Đây là trường Đại học nổi tiếng thế giới, được xây dựng từ hơn 150 năm trước. Hôm sau mọi người vào trường nhận phân công vào học các khoa khác nhau như: Giao thông, Công trình thủy lợi, Cấp thoát nước, Cơ khí… Trương Đình Dụ được phân vào khoa Công trình thủy (gọi tắt là Thủy công). Lúc gặp trò, thầy hướng dẫn – GS Beredinski Alêchxandơrơ Raphailôvic hỏi Trương Đình Dụ: Kết quả học tập của anh thế nào, đã có những công trình nghiên cứu gì? Ông không biết trả lời thế nào vì không hiểu thầy hỏi gì do tiếng Nga còn kém. Sau thầy phải ghi lên giấy thì ông mới trả lời tạm được. Thầy hướng dẫn tỏ vẻ tức giận nói: Trình độ tiếng Nga kém thế này thì khó làm nghiên cứu sinh được[2], phải học tiếng Nga nhiều vàoSau đó, GS Beredinski đã phản ánh với lãnh đạo Bộ môn về trình độ tiếng Nga của nghiên cứu sinh, một giáo sư trong Tổ chuyên về Thủy công, nói vui rằng: Nghiên cứu sinh Việt Nam đứa nào cũng kém tiếng Nga, bởi vì Đại sứ quán Việt Nam cấm đi chơi, nên không thể giao tiếp với gái Nga. Thôi, kiếm cho mỗi anh một cô vợ Nga để học tiếng. Mấy cậu nghiên cứu sinh Ả Rập đến sau, nhưng nhanh chóng nói tiếng Nga lưu loát vì chúng nó được đi chơi nhiều.

Theo chương trình, tất cả nghiên cứu sinh không tốt nghiệp đại học ở Liên Xô, thì năm thứ nhất sẽ được học tiếng Nga, còn lại ba năm làm luận án. Trương Đình Dụ quyết tâm phải học tốt tiếng Nga trên lớp với cô giáo Onga Natalia Raphailốpna, đồng thời mạnh dạn giao lưu với các bạn Nga để luyện nghe nói và đọc tài liệu chuyên môn, tích lũy từ vựng. Trong thời gian học tiếng, những ngày nghỉ, Trương Đình Dụ nhờ bạn bè dẫn đến Thư viện Lênin làm quen cách tra cứu và tìm đọc tài liệu chuyên môn về hướng nghiên cứu.

Cùng thời gian này, khoa bố trí lịch cho nghiên cứu sinh 3 tuần một lần gặp thầy giáo hướng dẫn để trao đổi hướng nghiên cứu làm luận án. Hướng nghiên cứu mà ông chuẩn bị ở trong nước với sự định hướng của Bộ Thủy lợi là đề tài Đập ngăn sông bằng cọc (tức đập cọc). GS Trương Đình dụ cho biết: Đề tài này dựa trên sự gợi ý của một cán bộ từng đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô tư vấn cho Vụ Tổ chức của Bộ. Lúc ông được gặp thầy Trưởng bộ môn Thuỷ công là GS Grisin, chuyên gia thủy công nổi tiếng thế giới xin trao đổi về hướng nghiên cứu đề tài luận án thì được nhắc nhở: Đập này trước đây nghiên cứu sinh Lê Duy Liêm[3] làm mãi mà không được đánh giá tốt vì đây là loại công trình không khả dụng; anh nên đổi hướng nghiên cứu sang thủy lực công trình, sẽ dễ hơn, anh liệu sức mà làm.

GS Trương Đình Dụ tâm sự: Những người đã bảo vệ phó tiến sĩ nói với tôi rằng: làm nghiên cứu sinh, mà tìm được đề tài thì coi như là giành được 50% thắng lợi. Nay đề cương chuẩn bị từ trong nước không sử dụng được, nên tôi phải bắt đầu mày mò đọc theo hướng đi mới để tìm đề tài. Việc thay đổi đề tài cũng là khó khăn chung của nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam nên Đại sứ quán có chủ trương là đề tài luận án do thầy hướng dẫn quyết định chứ không phải báo cáo về nước như trước đây.

Ngoài những buổi học tiếng Nga ở lớp, phần lớn thời gian ông Dụ tìm đọc tài liệu ở Thư viện Lênin về thủy lực công trình và cơ học chất lỏng. Ngày nào ông cũng ngồi đến khi thư viện đóng cửa vào 10 giờ đêm mới về. Trong các tài liệu đó, ông thích nhất các cuốn sách Cơ học chất lỏng của các giáo sư: Côtrin, Kiben, Rôde và Milôvic. Tuy nhiên, ông càng đọc càng thấy đau đầu vì chủ yếu là phương trình toán học. Ông đặt mục tiêu mỗi ngày phải tìm và đọc cho được 5 tài liệu liên quan đến đề tài, có thể là bài báo hoặc cuốn sách rồi ghi chép lại. Cứ sau hai tuần lại gặp thầy hướng dẫn một lần để trình bày những điều thu thập được và nhận ý kiến chỉ đạo của thầy. Do GS Beredinski bị ốm nặng, không đến trường làm việc được, nên Bộ môn đã cử PGS Varabiôp Genadi Anaphaxêepvit – người hướng dẫn thứ hai. Ông vẫn nhớ GS Beredinski với lời dạy: Một luận án phó tiến sĩ phải tìm ra một cái mới, dù chỉ là một hệ số trong một công thức. Ông được nhà trường cho đi thăm các nhà máy thủy điện đang thi công trên dòng sông Dnhep ở nước Cộng hòa Ukraina, nhằm giúp nghiên cứu sinh tìm hiểu thực tế xây dựng công trình ở Liên xô.

Đầu năm 1969, nghiên cứu sinh Trương Đình Dụ tìm ra được vấn đề mới trong thủy lực công trình là: Nghiên cứu tổn thất cột nước ở các lưới chắn rác của nhà máy thủy điện. Theo GS Trương Đình Dụ: Khi thiết kế các nhà máy thủy điện, người ta phải tính tổn thất cột nước ở lưới chắn, đặt trước cống dẫn nước vào buồng xoắn để chắn rác, bảo vệ tua bin. Nhưng công thức đó chỉ tính được tổn thất do ma sát ở các tấm lưới, vì các nhà nghiên cứu thuỷ lực trước đây cho rằng tổn thất cột nước do ma sát giữa dòng chảy và lưới chắn là chủ yếu, nên việc tính theo công thức cũ là không chính xác. Trong quá trình nghiên cứu các tài liệu cơ học chất lỏng, ông đã phát hiện ra: Tổn thất cột nước qua một vật trong dòng chảy không phải chỉ do ma sát giữa dòng nước và vật cản đó, mà chủ yếu là do xoáy karơman và do sóng sau vật cản gây nên. Còn đối với lưới chắn ở nhà máy thủy điện, thì ngoài xoáy, sóng ngang còn có sóng giao thoa sau lưới gây nên do các thanh lưới nằm song song, là chủ yểu, còn tổn thất do ma sát  là thứ yếu.

Trước tiên, ông trình bày ý kiến này với thầy Varabiôp Genadi  Anaphaxêepvit, thầy khen: Anh tìm được đề tài nghiên cứu hay quá. Chúng ta sẽ trao đổi với GS Beredinski. Sau đó, hai người cùng lên gặp GS Beredinski thì thầy nói: Đề tài đã tìm ra là tốt rồi, bây giờ anh hãy chứng minh bằng tính toán lý thuyết và sau đó thí nghiệm mô hình để kiểm chứng được là thành công. Sau buổi gặp này, nghiên cứu sinh Trương Đình Dụ rất phấn khởi, vì đã tìm được đề tài mà hai thầy đều ủng hộ, vừa có lý thuyết vừa có thí nghiệm mô hình. Trong thời gian gần 3 năm còn lại, ông lập kế hoạch cho từng việc: phần lý thuyết rất quan trọng bởi nó là linh hồn của luận án nên dành 8 tháng, phần thí nghiệm 5 tháng, hiệu chỉnh tài liệu thí nghiệm 2 tháng, thời gian viết, sửa và hoàn chỉnh luận án 15 tháng.

Sau một buổi làm thí nghiệm, năm 1969.

Nghiên cứu sinhTrương Đình Dụ (bên trái) cùng hai cán bộ Phòng thí nghiệm trường Đại học Xây dựng Moskva 

Tháng 10-1969, sau khi ông tính toán và tìm ra công thức lý thuyết tính tổn thất cột nước ở lưới chắn trước nhà máy thuỷ điện với các hệ số sẽ được xác định trong thí nghiệm mô hình, ông đã thiết kế mô hình trình thầy hướng dẫn và Bộ môn duyệt, để đưa cho Xưởng làm mô hình của nhà trường, đặt kế hoạch chế tạo lắp đặt. Sau một tháng Xưởng làm mô hình đã lắp đặt xong máng và chế tạo xong 5 loại mô hình thanh lưới. Nhờ vậy sau kết thúc phần lý thuyết, ông được chuyển luôn sang phần việc thí nghiệm. Ông quan hệ tốt với phòng thí nghiệm, nên họ giúp đỡ ông rất nhiệt tình, nhiều buổi đã hết giờ làm việc, song họ cho ông tiếp tục làm thí nghiệm để xong một xeri. Cán bộ, nhân viên phòng thí nghiệm giúp đỡ vô tư và trách nhiệm theo tinh thần chỉ đạo của Nhà trường. Khi kết thúc phần thí nghiệm, ông biếu hai chai Lúa mới cho anh nhân viên giúp việc và Trưởng phòng thí nghiệm với tấm lòng biết ơn.

Bắt đầu từ tháng 11 năm 1969 đến tháng 3 năm 1970 ông tiến hành thí nghiệm. Và sau 5 tháng ông cơ bản thu thập và chỉnh lý xong số liệu rồi vẽ lên được những đường quan hệ giữa các thông số lưới và tổn thất cột nước bằng thí nghiệm, để so sánh với đường quan hệ đã tìm ra bằng lý thuyết. Từ đó tìm được những hệ số giả định để làm cho công thức lý thuyết chính xác hơn. Do thí nghiệm đến hết phần nào thì phải chỉnh biên phần đó, nhưng đề phòng bắt trắc, ông vẫn đề nghị phòng thí nghiệm cho giữ lại các mô hình lưới và máng thí nghiệm sau 4 tháng. Điều mừng nhất là kết quả đường quan hệ lý thuyết khớp với đường quan hệ thí nghiệm, sai số cho phép 3-5%. Những kết quả này lúc đầu ông phải tính toán thủ công nên mất nhiều thời gian, may được vợ thầy PGS Varabiôp là chuyên gia lập trình nên những tính toán được đưa vào chạy kiểm tra máy tính, kết quả khớp nhau.

Mô hình thí nghiệm thủy lực của NCS Trương Đình Dụ,

thực hiện tại Phòng thí nghiệm trường Đại học Xây dựng Moskva, năm 1970

Dựa trên những số liệu đã có, nghiên cứu sinh Trương Đình Dụ tập trung viết luận án. Ông tâm sự: Nghiên cứu lý thuyết thì vất vả, làm thí nghiệm mô hình lại rất cực nhọc, vì cả ngày 12 tiếng ở trong phòng thí nghiệm thủy lực kín và ẩm, chỉ nghe tiếng máy bơm và nước chảy. Nhưng khi bắt tay vào viết luận án bằng tiếng Nga, cảm thấy khó khăn vất vả hơn hai giai đoạn trước, bởi đây là lần đầu tiên tôi viết tiếng Nga để diễn tả, trình bày những hiện tượng khoa học được tìm ra. Thầy Varabiôp khuyên ông cứ viết đầy đủ những vấn đề khoa học, rồi thầy sẽ góp ý thêm về ngữ pháp và chính tả. Đề tài: Nghiên cứu tổn thất cột nước ở các lưới chắn rác của nhà máy thủy điện của Trương Đình Dụ dài 150 trang, gồm: Chương 1. Lưới chắn rác trong công trình thủy lợi, thủy điện; Chương 2. Tổng quan những nghiên cứu về lưới và đặt vấn đề nghiên cứu; Chương 3. Nghiên cứu lý thuyết gồm 7 vấn đề; Chương 4. Nghiên cứu thí nghiệm; Chương 5. Phân tích kết quả nhận được và Kết luận. Trong luận án có 196 công thức tính toán, 81 hình vẽ và 106 tài liệu tham khảo. Ông tâm đắc nhất là ý nghĩa kinh tế trong luận án bởi theo tính toán của các chuyên gia Liên Xô về tổn thất cột nước do lưới chắn khiến sụt giảm điện năng rất lớn ở các nhà máy thủy điện từ 2-5% một năm. Công thức tính công suất ở các nhà máy thủy điện là: N=8.Q.H (8 là hệ số, Q là lưu lượng tính theo mét khối trên giây, H là chênh lệch cột nước trước và sau nhà máy thuỷ điện tính bằng mét. Người ta quan tâm tới trị số H bởi nếu có cái yếu tố khác làm H giảm 5cm thì nhà máy thủy điện lớn tổn thất hàng triệu KWh. Trong kết luận luận án, ông nêu: Tổn thất cột nước ở lưới các nhà máy Thủy điện tính theo lý thuyết cơ học chất lỏng, thì tổn thất do xoáy chiếm 81%, tổn thất do sóng ngang và sóng giao thoa chiếm 10%, còn tổn thất ma sát chỉ chiếm 9%. Còn công thức cũ, tính theo phương pháp thủy lực không tính tổn thất do xoáy, sóng, mà chỉ tính tổn thất do ma sát, gây ra sai số lớn.  

Hồi đó khi bảo vệ được trình bày bằng placat (bản vẽ lớn), chưa có máy tính chiếu như bây giờ. Nghiên cứu sinh Trương Đình Dụ đã dành cả tháng để chuẩn bị cho buổi bảo vệ luận án. Ông được nghiên cứu sinh Võ Văn Thảo, có khả năng vẽ tốt và nhanh, hỗ trợ nên ông có 36 bản vẽ rất đẹp. Hàng ngày, ông căng bản vẽ và tập thuyết trình bằng tiếng Nga để có thể trình bày tốt nhất trước hội đồng. Ông cũng được bảo vệ thử trước thầy hướng dẫn và Bộ môn. Thầy giáo Varabiôp căn dặn: Chỉ được trình bày trong 20 phút, nên phải bình tĩnh, nói to và nhấn mạnh những kết quả mới quan trọng, để gây ấn tượng cho các thành viên Hội đồng và để họ hiểu được những đóng góp mới quan trọng của luận án. Nhờ chuẩn bị kỹ như vậy nên hôm bảo vệ chính thức trên giảng đường ông trình bày rất trôi chảy và cuốn hút. Bản luận án được các giáo sư trong Hội đồng đánh giá có tính tìm tòi, sáng tạo mới và ý nghĩa thực tiễn cao.

Tháng 1-1972, phó tiến sĩ Trương Đình Dụ lên đường về nước, kết thúc chặng đường 4 làm năm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Ông tự hào vì bản thân đã cố gắng hết sức để bảo vệ tốt luận án phó tiến sĩ, hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao. Những lúc khó khăn nhất khi vướng mắc trong đề tài nghiên cứu, ông vẫn tự động viên và chia sẻ với bạn bè rằng: Trong lúc bao thanh niên đang phải chiến đấu trên chiến trường đầy gian khổ, mình lại được ra nước ngoài học tập, nếu không làm được luận án, thì khi về nước biết ăn nói thế nào với cơ quan, bạn bè!. Tôi phải hoàn thành tốt luận án phó tiến sĩ !

Hàng năm, mỗi độ xuân về, GS.TS Trương Đình Dụ cùng các bạn cựu sinh viên, nghiên cứu sinh trường Đại học Xây dựng Moskva tổ chức gặp mặt để cùng nhau ôn lại kỷ niệm về những tháng ngày học tập ở ngôi trường và đất nước thân yêu này. Gần 50 năm qua, dù trải qua nhiều biến thiên trong lịch sử nhưng tình cảm của ông dành cho trường Đại học Xây dựng Moskva và đất nước Liên Xô vẫn luôn sâu đậm, không bao giờ phai nhạt.   

Ngô Văn Hiển

 


* GS.TS Trương Đình Dụ, chuyên ngành Thủy lợi, nguyên Viện phó Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

[1] Tài liệu ghi âm GS.TS Trương Đình Dụ ngày 4-10-2019, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN. Các trích dẫn trong bài lấy từ nguồn này.

[2] Tài liệu ghi âm GS.TS Trương Đình Dụ ngày 6-11-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Ông Lê Duy Liêm làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô (1960-1963), về nước làm Trưởng phòng kỹ thuật, Viện Thiết kế thủy lợi (sau ung thư mất năm 1971 khi chưa đầy 40 tuổi). Theo báo cáo đặt vấn đề TS Thái Phụng Nê ngày 3-3-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.