Ngay từ nhỏ Phạm Văn Phúc là người rất thích đọc sách đặc biệt là những sách về văn học, lịch sử. Lớn lên, ông đã nhận thức được rằng con người sống phải biết lịch sử dân tộc. Năm 1957 khi là một bác sĩ ngoại khoa, Phạm Văn Phúc đã quan tâm và nghiên cứu đến Lịch sử Phẫu thuật. Đến năm 1986 bác sĩ Phạm Văn Phúc hệ thống lại kiến thức đã tìm hiểu, nghiên cứu để làm tài liệu tham khảo cá nhân. GS Dương Chạm Uyên- Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, trường Đại học Y Hà Nội biết đến tài liệu nghiên cứu về lịch sử phẫu thuật của bác sĩ Phạm Văn Phúc và ông nhận thấy đây là một tài liệu hay và rất bổ ích cho các bác sĩ cũng như cán bộ ngành Y. Giáo sư Dương Chạm Uyên đã đặt vấn đề mời bác sĩ Phạm Văn Phúc giảng dạy cho cán bộ trong Bộ môn và các bác sĩ chuyên khoa I. Trước đây trong chương trình học về Ngoại khoa của trường Đại học Y Hà Nội không có bài giảng về Lịch sử Phẫu thuật nên nhiều người mặc dù đã trở thành bác sĩ Ngoại khoa nhưng lại không biết về Lịch sử Phẫu thuật. Lần đầu tiên tham dự giờ giảng của bác sĩ Phạm Văn Phúc về Lịch sử Phẫu thuật, các học viên cảm thấy rất lý thú và bổ ích. Vì vậy ngay sau đó Nhà trường đã quyết định bổ sung bài học về Lịch sử Phẫu thuật vào chương trình học chính thức của Bộ môn Ngoại để giảng dạy cho những sinh viên Y5, Y6 và các bác sỹ chuyên khoa, đến nay bài học về Lịch sử Phẫu thuật có bổ sung những kiến thức mới vẫn được giảng dạy tại trường Đại học Y Hà Nội. Và có thể nói bác sĩ Phạm Văn Phúc là người có công đầu.
Bản thảo Bài giảng Lịch sử phẫu thuật do GS PhạmVăn Phúc biên soạn năm 1986
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc “… Phẫu thuật không còn là vấn đề kỹ thuật đơn thuần. Người phẫu thuật ngoài những kiến thức y học thì cần có “Đầu” (Trí), Trái tim (Tâm), tâm hồn tốt đẹp, tấm lòng nhân ái bao la, lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm cao, bàn tay vô cùng khéo léo, điêu luyện, giàu kinh nghiệm. Hai bàn tay được khối óc và trái tim điều khiển trong động tác phẫu thuật tinh vi, cân nhắc thận trọng”. Nhưng bác sĩ phẫu thuật sẽ không thể làm tốt công việc của mình nếu không hiểu về lịch sử phẫu thuật. Nội dung môn Lịch sử Phẫu thuật do bác sĩ Phạm Văn Phúc biên soạn rất công phu, bao quát từ thời cổ đại đến hiện đại: Thời thượng cổ; Quá trình phát triển từ Hippocrate; Sự phát triển, tiến bộ của gây mê hồi sức; Lịch sử Phẫu thuật hiện đại là ghép tạng; và bao quát cả thế giới cũng như ở Việt Nam. Giáo sư Phạm Văn Phúc còn nhớ sau một lần giảng về Lịch sử Phẫu thuật có bác sĩ đã nói với ông rằng: Chúng tôi biết thầy Phúc mổ giỏi, nhưng không ngờ ông lại có kiến thức sâu rộng như thế. Có lẽ đó chính là phần thưởng lớn đối với ông sau mỗi giờ giảng, là động lực để ông không ngừng phấn đấu trong sự nghiệp của mình.
Trong lịch sử phẫu thuật, có những sáng kiến của người tiên phong không dễ dàng được công nhận. Ví dụ trường hợp của GS Tôn Thất Tùng và GS Meyer May phẫu thuật ca cắt gan trái bị ung thư vào năm 1938. Sau khi thực hiện ca mổ, hai vị Giáo sư đã viết một bản báo cáo khoa học gửi đăng trên Tạp chí của Viện Hàn Lâm phẫu thuật Pari. Nhưng đã gặp phải những ý kiến không tán thành của giới khoa học, như ông Fon Brain ta-nô cho rằng: “Bị ung thư gan đã là một án tử hình rồi lại còn để họ nhận một án tử hình thứ hai. Tại sao hai tác giả không dùng dao điện để cầm máu mà lại dùng phương pháp bất thường đó”. Nhưng sau này “Phương pháp bất thường đó” cũng chính là Phương pháp cắt gan khô của Giáo sư Tùng – phương pháp phẫu thuật nổi tiếng được áp dụng rộng rãi ở một số nước thời đó. GS Phạm Văn Phúc chia sẻ “Nếu không có người đi tiên phong trong ngành thì ngành Phẫu thuật không thể phát triển được”.
Để cho bài giảng về lịch sử của môn học được hấp dẫn và thu hút hơn, bác sĩ Phạm Văn Phúc đã tìm hiểu và đưa ra những ví dụ khá thú vị để chứng minh về sự phát triển của Lịch sử Phẫu thuật: Thời Cổ đại khi chưa có thuốc gây mê thì họ cho bệnh nhân uống rượu hoặc uống loại maphitán để người lơ mơ quên đi những đau đớn khi phẫu thuật. Dao mổ thời xưa rất thô sơ, do người thợ rèn làm nên. Ở Châu Âu khi chích nhọt thì người ta nhờ ông thợ cạo tóc, nên người ta nói lịch sử phẫu thuật của Âu Châu tiền thân là thợ cạo tóc. Đầu thế kỷ 19 thuốc gây mê ban đầu được phát hiện ở Anh là một loại ê te. Trong một câu lạc bộ Hóa học ở Anh, sau khi một người hít ê te và thấy trong người cảm thấy lâng lâng. Một nha sĩ người Anh biết được nên đã dùng thuốc này để bệnh nhân không thấy đau khi nhổ răng. Người Mỹ đã sử dụng ê te khi phẫu thuật một đoạn đùi của bệnh nhân ở Bệnh viện Massachussett và ca mổ này nổi tiếng khắp thế giới. Từ đó đã mở ra sự phát triển mới trong ngành phẫu thuật, trong đó có phát minh về thuốc gây mê.
Với nội dung bài giảng phong phú, ngôn từ dễ hiểu, bài giảng về Lịch sử Phẫu thuật không còn khô khan mà rất hấp dẫn đối với người học. Không chỉ được giảng cho sinh viên trường Đại học Y Hà Nội mà cũng năm 1986, bài về Lịch sử Phẫu thuật được bác sĩ Phạm Văn Phúc giảng dạy tại trường Đại học Cần Thơ. Bài giảng Lịch sử Phẫu thuật do GS Phạm Văn Phúc soạn đã được ông sử dụng giảng dạy cho đến khi về hưu năm 1999.
Bản thảo bài giảng về Lịch sử Phẫu thuật của GS Phạm Văn Phúc nay đã mất trang bìa và các trang đã bị quăn góc, nhưng những dòng chữ viết tay bằng bút bi mực xanh, đen vẫn còn rõ nét. Bài giảng đó sau được Giáo sư đánh máy lại thành 2 bản, có chỉnh sửa, bổ sung để bài giảng được hoàn chỉnh hơn.
Giang Thị Nhung- Nguyễn Phương Thúy
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[1]; [2]: Phỏng vấn GS.TS Phạm Văn Phúc ngày 8-7-2013.