Người bạn đồng hành đặc biệt

Trong ngành địa chất nói chung và Thạch học nói riêng, kính hiển vi phân cực là một thiết bị vô cùng quan trọng để phân tích các mẫu khoáng vật và xác định hằng số quang học và xác định tên gọi chính xác của khoáng vật. Trong thời gian đầu khi Bộ môn Địa chất của trường Đại học Bách khoa Hà Nội mới thành lập, trang thiết bị còn hạn chế, “chỉ có ba bốn chiếc kính hiển vi từ thời Pháp còn lại. Sau đó, đầu những năm 1960, khi các chuyên gia Liên Xô sang thực hiện đề tài vẽ bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500000 thì mới đưa sang thêm một số kính hiển vi phân cực do Liên Xô sản xuất. Năm 1965, qua các chuyên gia Liên Xô, Bộ môn có đặt mua thêm một số kính hiển vi phân cực để sử dụng cho việc nghiên cứu và giảng dạy.”[1]. Vậy nên để được học và thực hành với kính hiển vi là rất hiếm hoi.

May mắn đến với Phan Trường Thị khi cuối năm học thứ 2, Trường Đại học Bách khoa mời được GS Nhemkov từ Liên Xô sang giảng dạy. GS Nhemkov đã giới thiệu ông – giảng viên của Bộ môn sang Tổng cục Địa chất ở số 6 Phạm Ngũ Lão gặp TS Nhemkova – một chuyên gia về kính hiển vi phân cực đang làm việc tại Cục Địa chất và cũng là phu nhân của GS Nhemkov. “Bà Nhemkova rất giỏi về việc sử dụng kính hiển vi phân cực nghiên cứu địa chất trong văn phòng. Được ông Nhemkov giới thiệu, bà đã tận tình chỉ bảo cho tôi về quang tinh học (là môn học về nguyên lý sử dụng kính hiển vi phân cực). Học với bà Nhemkova tôi thấy nhiều điều thú vị, nhất là được thực hành nhiều trong phòng nghiên cứu. Buổi sáng tôi giảng dạy ở trường, buổi chiều đạp xe sang Tổng cục Địa chất tìm bà Nhemkova để học. Sau đó tôi về trường dạy lại những gì đã học được cho các sinh viên khóa sau[2] Cứ như vậy trong 3 tháng liên tục vừa học vừa thực hành, Phan Trường Thị nắm vững việc sử dụng kính hiển vi phân cực và đem những gì mình đã học được về giảng lại cho sinh viên khóa sau.

Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy, Phan Trường Thị được Bộ môn phân cho quản lý và sử dụng một chiếc kính hiển vi phân cực. “Năm 1965, giá một chiếc kính hiển vi phân cực ở Liên Xô tương đương khoảng 5000 USD. Chiếc kính này thuộc dòng kính hiển vi phân cực Min 8, chuyên được sử dụng trong nghiên cứu Thạch học và các ngành thăm dò địa chất”. Trải qua một thời gian học tập và sử dụng kính hiển vi phân cực, Phan Trường Thị đã tổng kết kinh nghiệm và viết thành cuốn giáo trình “Quang tinh học”, được Đại học Bách khoa Hà Nội in roneo để phục vụ cho công tác học tập và giảng dạy từ tháng 2-1966.

Chiếc kính hiển vi phân cực và cuốn giáo trình “Quang tinh học” đã đồng hành cùng GS Phan Trường Thị trong suốt quá trình nghiên cứu và giảng dạy địa chất hơn nửa thế kỷ. Ông tâm sự: “Sinh viên trước nay và cả bây giờ rất yếu trong việc sử dụng kính hiển vi phân cực. Có thể họ chưa nắm được vai trò và tầm quan trọng của kỹ năng này trong nghiên cứu địa chất nên chưa chịu học tập đến nơi đến chốn việc này. Khi tôi giảng dạy học trò, tôi yêu cầu rất cao trong việc sử dụng kính hiển vi phân cực. Bởi khi đi vào nghiên cứu địa chất, các kỹ năng này vô cùng quan trọng. Không thể cứ mang mẫu đi nhờ người khác kiểm tra mãi được, nhiều khi nhà nghiên cứu phải tự mình kiểm tra để tăng độ tin cậy cho các kết luận của mình” [3].

                                                                                    

Phan Trường Thị (bên trái hàng trước) và các thầy trò Bộ môn Địa chất, Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1957.

Khi chuyển công tác sang trường Đại học Mỏ-Địa chất (1966 -1974), rồi Đại học Tổng hợp Hà Nội (1981-2000), ông đều được lãnh đạo cho phép mang chiếc kính hiển vi này theo để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy. Năm 2000, GS Phan Trường Thị nghỉ hưu, chiếc kính hiển vi được để lại ở Khoa Địa chất, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) như là một hiện vật mang dấu ấn lịch sử trong ngành Địa chất. Năm 2001, khi GS Phan Trường Thị thành lập Viện Đá quý và Trang sức (thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam), ông đến trường xin lại chiếc kính hiển vi phân cực đã theo ông gần cả cuộc đời về làm kỷ niệm. Ông tâm sự: “Nhà địa chất là những người gắn liền cuộc đời mình với những cuộc viễn du dài ngày ở những miền đất lạ. Khi bước chân vào con đường nghiên cứu địa chất, người đó cũng xác định rằng cuộc đời mình từ nay sẽ gắn liền với ba lô, búa và kính hiển vi. Đó là những người “bạn thân” sẽ đồng hành với cuộc đời còn lại của mình. Vì vậy, tôi muốn xin chiếc kính hiển vi đã theo tôi hơn nửa đời người về để trên bàn làm việc. Giờ sức khỏe không cho phép tôi đi thực địa nhiều, nhưng mỗi lần nhìn thấy nó, trong lòng tôi lại nhớ về những ngày tháng trèo đèo lội suối” [4].

Trân trọng nghề nghiệp, nâng lưu kỷ vật đã gắn với cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình nên khi trao tặng lại cho Trung tâm chiếc kính hiển vi phân cực, GS Phan Trường Thị không khỏi lưu luyến: “Mình trao cho cậu, đó là một phần của cuộc đời một nhà địa chất đấy”.

Bùi Minh Hào

____________________

[1] Tài liệu phỏng vấn GS Phan Trường Thị ngày 23-11-2011.

[2] Tài liệu phỏng vấn GS Phan Trường Thị ngày 23-11-2011.

[3] Tài liệu phỏng vấn GS Phan Trường Thị ngày 18-7-2012.

[4] Tài liệu phỏng vấn GS Phan Trường Thị ngày 22-12-2011.