Quyết chí học cho “bằng người”

PGS.TS Đoàn Như Kim lớn lên trong một gia đình gia giáo ở Hà Nội. Cha của ông là Đoàn Mạnh Dư, một trong những người học trường Thông ngôn của Pháp khóa đầu tiên. Như ông nhớ lại: nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình không quá khó khăn, chắc cha tôi cũng sẽ du học và thành đạt như những người bạn cùng lớp như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh…Và cụ đành làm công ăn lương cho công ty của một nhà tư sản dân tộc. Cụ muốn truyền ước vọng không thành của mình cho con trai nên dặn tôi: “Con muốn học thế nào thì học, cứ học như thằng Thảo”[1].

Thương bố vất vả, cậu con trai Đoàn Như Kim quyết tâm học tập và ấp ủ nguyện vọng thi vào trường Albert Saurraut[2] trong khi đang học trường phổ thông Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, mỗi năm trường Albert Saurraut chỉ tuyển 2 đến 3 học sinh từ trường ngoài với số điểm cao nhất, vì thế đối với những học sinh chưa quen với việc sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Pháp trong học tập như Đoàn Như Kim buộc phải nỗ lực học rất nhiều để có kết quả thi tốt nhất.

Để chuẩn bị cho Đoàn Như Kim (khi đó mới 12 tuổi) thi vào trường Albert Sauraut, từ năm 1949, ông Đoàn Mạnh Dư bắt đầu dạy tiếng Pháp cho con trai. Ông chọn mua những quyển sách tập đọc tốt nhất từ các hiệu sách của Pháp, bao gồm phần văn phạm, bài khóa minh họa và bài tập cho con. Không để cha phải nhắc nhở, cứ hàng tối sau khi ăn cơm xong Đoàn Như Kim mang sách ra hỏi cha. Ngoài việc chỉ dạy tỉ mỉ, bắt con đọc bài khóa để phát âm cho tốt, ông Đoàn Mạnh Dư còn giảng văn phạm, phân tích kỹ cách dùng từ trong câu. Sau đó, ông đọc chính tả để Đoàn Như Kim chép lại. Thỉnh thoảng, ông Đoàn Mạnh Dư còn ra bài luận trên cơ sở những cuốn sách mà cậu con trai đã đọc như viết về kỷ niệm thăm làng chài lưới (dựa theo tác phẩm của Pierre Loti tả về cảnh biển), hay kỷ niệm đi chơi vườn hoa (dựa theo Victor Hugo tả vườn hoa Luxembourg)…

Đoàn Như Kim còn đến học thầy Lê Công Đắc – một nhà giáo có tiếng về dạy tiếng Pháp và tiếng Latinh ở Hà Nội thời đó. “Thầy Công Đắc rất khó tính, một lớp học chỉ độ 10 người, có cả người Pháp, trụ được ở lớp này rất khó nhưng thầy luyện văn phạm tốt và ra nhiều bài tập” – PGS Đoàn Như Kim nhớ lại.

Để bổ sung vốn từ, Đoàn Như Kim còn tìm đọc các truyện, tác phẩm văn học Pháp của Victor Hugo, Pierre Loti… và viết lại vào vở những từ, cụm từ, trích đoạn hay. Trong cuốn vở 96 trang, kích thước 17x22cm[3]., Đoàn Như Kim cẩn thận đánh số thứ tự các từ mới và phân loại từ, từ số 132 đến 285 với các dạng “Tex”[4], “Voc”[5], “Exp”[6]… Mỗi một từ mới, Đoàn Như Kim thường viết cả câu hoặc đoạn văn minh họa và đều chú thích rõ nguồn trích.

Nét chữ ngay ngắn, cẩn thận bằng bút mực xanh và gạch chân, lưu ý bằng mực đỏ, năm 1949

Vào ngày trường Albert Saurraut tổ chức thi tuyển, trời mưa to nhưng học sinh dự thi ngồi kín ba phòng, mỗi phòng độ 50 người. Nhờ vốn tiếng Pháp được trau dồi suốt hai năm nên học trò Đoàn Như Kim là một trong ba thí sinh đạt điểm cao nhất và bắt đầu vào học tại trường từ năm học 1952-1953.

Nhưng đó mới chỉ là cửa ải đầu tiên với ông. Sau khi vào trường, để theo kịp chương trình học tập, Đoàn Như Kim tiếp tục tự học, trau dồi thêm tiếng Pháp. Ông chia sẻ: “Nếu đọc một bài lịch sử về Lê Lợi, Trần Hưng Đạo phải học thuộc cũng đã khó, nhưng chương trình lại học về lịch sử Pháp với Charlemagne, Luis XVI… hoàn toàn bằng tiếng Pháp, riêng việc đọc, tra từ mới cũng đã rất mất công. Do đó, học ở đây vất vả gấp đôi học sinh trường bình thường”. Tuy nhiên, với đội ngũ giáo viên có trình độ và khả năng sư phạm cao, điều kiện học tập tốt và chương trình học tập phong phú nên Đoàn Như Kim, sau những năm tháng học tại trường Albert Saurraut đã có được kiến thức nền về ngôn ngữ và văn hóa Pháp. Đó cũng là một trong những yếu tố thuận lợi để sau này PGS.TS Đoàn Như Kim đảm nhận việc thành lập lớp Xây dựng Pháp ngữ đầu tiên ở trường Đại học Xây dựng năm 1994.

Đoàn Như Kim (ngồi ngoài, bên phải) và các bạn học tại trường Albert Sauraut, khoảng năm 1954

Qua những năm sơ tán, chiến tranh ác liệt thời chống Pháp, Mỹ, nhưng cậu học trò Đoàn Như Kim ngày nào vẫn lưu giữ cuốn vở tự học tiếng Pháp – một minh chứng cho tinh thần nỗ lực, cần mẫn của mình. Kinh nghiệm học bổ sung vốn từ trong học ngoại ngữ như thế đã được PGS.TS Đoàn Như Kim truyền đạt lại cho sinh viên của ông tại các lớp Pháp ngữ sau này.

 

Trần Bích Hạnh

_______________________

[1] Tức Trần Đức Thảo, cụ Dư là bạn của bố Trần Đức Thảo (TG).

[2] Trường dành cho con em người Pháp và con em các quan chức người Việt Nam, người Miên và Lào. Nhiều người nổi tiếng học tại đây như Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Nguyễn Mạnh Tường và một số hoàng thân Lào.

[3] Hiện lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Viết tắt của dạng bài khóa.

[5] Viết tắt của dạng từ vựng.

[6] Viết tắt của dạng thành ngữ.

 

 

so your wife cheated guitar-frets.com my wife cheated now what do i do