Một thời sinh viên Y Dược đáng nhớ

Năm 1958, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học tại trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh, Nghệ An, tôi háo hức ra Hà Nội để thi vào đại học. Tôi từng đắn đo việc thi trường Đại học Y Dược Hà Nội hay khoa Vật lý, trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Cuối cùng, tôi nộp đơn thi vào trường Y do ảnh hưởng từ ông ngoại là thầy thuốc đông y – Hoàng Đức Ky (ở làng Lạc thiện xã Phú thành, Yên Thành, Nghệ An, thường gọi là cụ đồ Ky). Cụ đã cứu chữa cho nhiều người, tôi được chứng kiến ông điều trị cho mẹ tôi thoát khỏi tình trạng thập tử nhất sinh. Cha tôi đã hy sinh trong chiến đấu chống thực dân Pháp tại mặt trận Bình Trị Thiên đầu năm 1950, mẹ tôi thuần túy làm nghề nông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Biết được hoàn cảnh đó, chú họ tôi là Phan Phúc Tường đang làm việc ở Hà nội, viết thư về nói rằng sẽ giúp nuôi tôi mấy tháng ôn thi vào đại học. Tôi cùng Phan Văn Ổn, bạn học cùng lớp, ra nhà chú Tường ở số 4 Thuỵ Khuê, Hà Nội và ôn thi cùng con trai cả của chú là Phan Phúc Vinh. Vinh bằng tuổi Ổn, lớn hơn tôi 4 tuổi. Thời đó những thanh niên tỉnh lẻ như chúng tôi ra Hà Nội đều choáng ngợp với vẻ đẹp của đất kinh kỳ với những hàng cây cổ thụ sừng sững, những cột điện sáng nhoà trong đêm mưa, nhiều con phố rộng rãi cùng những ngôi biệt thự với kiểu kiến trúc tây phương có vườn cây bao quanh. Mỗi lần ra phố tôi thích thú vô cùng, trong lòng lâng lâng, giục giã khi nghe tiếng tàu điện leng keng. Ba chúng tôi suốt ngày học và học…Cũng có lúc chúng tôi trao đổi và tranh luận kịch liệt nhưng cuối cùng lại rất thích thú và hiệu quả. Nhiều đêm nóng quá cả ba rủ nhau lên sân thượng của ngôi nhà mái bằng sát hồ Tây, trải chiếu ngủ. Gió từ hồ thổi mạnh nên không hề có muỗi. Lúc mệt mỏi cả ba cùng nhau đi ra phố. Cùng gia đình từ chiến khu Việt Bắc về đây sinh sống đã được 3 năm nên Vinh rất thành thạo phố xá thủ đô. Vinh dẫn chúng tôi đến nhà Thuỷ Tạ uống bia Trúc Bạch. Vì chưa quen với vị đắng của bia nên chúng tôi phải để Vinh uống giúp cho khỏi phí. Có lúc chúng tôi đi dạo vườn Bách Thảo, đường Cổ Ngư hoặc vào các quán cà phê ven đường. Lần đầu tiên chúng tôi làm quen với tàu điện. Hà Nội lúc đó còn nhỏ hơn nhiều so với bây giờ. Tôi và Ổn đã vì tò mò mà đi đến hầu hết bến cuối cùng của các tuyến tàu điện như: Bưởi – Chợ Mơ, Vọng hay bến gần thị xã Hà Đông. Lúc đó cuối phố Lò Đúc, Bạch Mai, Bưởi, Vọng… đã là ngoại thành Hà Nội. Hôm thi vào trường Đại học Y Dược Hà Nội tổ chức tại trường nữ trung học Trưng Vương ở phố Hàng Bài, tôi đi tàu điện, vì sợ chậm giờ nên tôi bắt chước Vinh nhảy xuống đường khi tàu điện đang chạy, chưa đến bến đỗ nên bị ngã, nhưng may chỉ bị sây sát nhẹ. Số thí sinh thi vào trường Y năm 1958 là hơn 2.000 người nhưng chỉ trúng tuyển gần 200. Tôi đỗ vào trường Đại học Y Dược Hà Nội năm đó, là khóa thứ 3 kể từ sau khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về tiếp quản thủ đô Cả khóa chỉ có 1 lớp.

Vào Ngày lễ Độc lập mùng 2-9, đầu tiên được ở Thủ đô tôi rất ngỡ ngàng trước Quảng trường Ba Đình rộng lớn, khi đến Bờ Hồ ngắm nhìn nước Hồ Gươm xanh ngắt và bầu trời mờ ảo trong đêm pháo hoa rực rỡ. Những cảm xúc mới lạ đó càng làm cho tôi háo hức bước vào học tập với ý nghĩ rồi đây sẽ có biết bao điều mới lạ và một bầu trời đang rộng mở trước mắt mình. Ngay từ những ngày ấy không hiểu vì sao tôi đã có linh cảm rằng đây là nơi tôi sẽ lập nghiệp và nhất định tôi sẽ gắn bó với Thủ đô.

Những ngày đầu đến Hà Nội học tập, nhiều sinh viên chúng tôi gặp không ít khó khăn. Tôi còn nhớ anh Diệp Xuân Trác, một học sinh vùng kháng chiến về học trường Đại học Y Dược Hà Nội kể lại rằng: Lúc đó tài sản anh mang theo chỉ gọn trong một chiếc xắc cốt với số tiền 14 đồng. Do không quen biết ai, bối rối quá anh đến đồn công an ở số 29 phố Trần Nhân Tông (gần bến xe Kim Liên lúc đó, ở phía Nam thành phố) trình bày xin giúp đỡ. Thông cảm với hoàn cảnh của tân sinh viên, họ giới thiệu anh đến làm việc ở nhà trọ Thắng Ý. Hàng ngày, anh có nhiệm vụ ghi họ tên khách trọ vào sổ rồi đến trình với đồn công an phụ trách địa bàn, chỉ mất 2 giờ mỗi ngày, nhưng mỗi tháng họ trả cho 12 đồng, đủ tiền ăn và được ngủ luôn tại nhà trọ. Dần dần anh kiếm thêm được việc phát báo Thời Mới ở đường Nguyễn Du. Mỗi tháng Tòa báo trả cho anh 8 đồng, đủ tiêu vặt. Còn anh Nguyễn Văn Thu cho biết khó khăn đầu tiên của anh cũng là chỗ ở. Trong khi đang chờ trường xét cho vào ở ký túc xá, anh Thu trình bày với anh Phong, cán bộ đi học, lớp trưởng của chúng tôi. Nghe xong anh Phong nói “Thôi, chú đến nhà tôi ở tạm”. Thế đấy có một thời quan hệ bạn bè và con người với nhau đẹp như thế đó! Còn tôi mãi vẫn không có học bổng và chưa được vào ký túc xá. Nhà chú Tường ở xa, xe đạp lúc đó là mơ ước viển vông của tôi. Địa điểm học các môn cơ sở của trường Y thời đó, từ lý thuyết đến thực hành các môn cơ sở, lại nằm rải rác từ 13 Lê Thánh Tông đến Viện Giải phẫu – 48 Tăng Bạt Hổ hay số 1 phố Yersin cho đến số 5 Quang Trung, đã gây nhiều khó khăn cho tôi. Thấy tình cảnh gay go, chú Tường bày cho tôi viết đơn nêu rõ hoàn cảnh và nguyện vọng rồi gửi bằng bưu điện lên cho ông Lê Văn Lương – Phó ban Tổ chức Trung ương. Ít lâu sau, tôi được ông Hoàng Nha, Trưởng phòng Tổ chức của trường gọi lên gặp. Tôi lo lắng lắm không biết có chuyện gì đây ? Ông Nha xạc cho tôi một trận về tội tại sao “việc nhỏ” vậy mà gửi lên tận Trung ương. Tôi toát mồ hôi, trình bày lại hoàn cảnh. Nếu không đạt 2 nguyện vọng là được ở trong ký túc xá và được cấp học bổng tôi không thể tiếp tục theo học được. Tôi ra về với rất ít hy vọng. Cuối cùng, tôi được toại nguyện cả hai. Tôi được ở Ký túc xá (KTX), lúc đó ở cuối phố Lò Đúc, là ký túc chung cho cả hai trường Tổng hợp và Y Dược. Cuộc sống trong ký túc xá lúc đó rất vui, tự giác, trật tự, khá sạch sẽ. Ban ngày tất cả đều đi học ở trường, lớp, tổ. Tối đến sinh viên ngồi học bài chật ních cả hội trường lớn, chậm chân là không có chỗ ngồi phải quay về học tại phòng ở. Hàng mấy trăm người trong hội trường nhưng vẫn im phăng phắc. Đa số học đến 11-12 giờ khuya, có người còn học khuya hơn. Ngày nghỉ nhiều sinh viên thường học thi trong phòng. Có hôm bạn Vũ Đức Môn vốn người hay tếu táo xuống bếp KTX, không hiểu “dân vận” thế nào mà xin được cả tảng cháy còn nguyên vẹn hình đáy chảo và nóng hổi mang về phòng. Tất cả đang ngồi học nghiêm túc đột nhiên reo hò khi thấy Môn bước vào với “vật phẩm” trên tay. Những năm đầu của thập niên 60 tình hình kinh tế cả nước hồi đó đã khá. Học bổng toàn phần 22 đồng/tháng tạm đủ cho cuộc sống tằn tiện của mỗi sinh viên như tôi. Tiền cơm 15 đồng/tháng đóng cho Ban quản lý nhà ăn. Sáng ra chỉ cần 1-3 hào là có thể ăn các loại quà sáng trước cổng như xôi, bánh cuốn đến bánh mỳ kẹp chả. Giá cả mỗi loại đó chỉ từ 1-2 hào. Phở bò tái chín, sốt vang…và các loại tương tự thì 3 hào. Phòng có đến hơn 10 giường 2 tầng nên khá đông. Cuộc sống trong KTX có nhiều sinh hoạt chung nhưng vẫn có cuộc sống cá nhân riêng tư ví dụ như: cậu Hinh hay chơi violon, bạn Song Anh, Giao thích chơi cờ tướng, Doanh chăm ôn học tiếng Nga, Dỵ hay sáng tác thơ, Viện và tôi thường xuyên đọc sách nhất là các tiểu thuyết nước ngoài đã dịch. Ký túc xá gần rạp chiếu bóng trên phố Lò Đúc, Phố Huế… thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau đi xem.

GS.TSKH Phan Sỹ An nhớ về những năm tháng dưới mái trường Đại học Y Dược Hà Nội

Khóa chúng tôi năm đó gồm ba đối tượng chính là học sinh phổ thông, bộ đội, cán bộ đi học và học viên miền Nam tập kết, có hơn 50 Đảng viên và 80 Đoàn viên thanh niên Lao động. Năm 1959 trước tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước, 30 sinh viên thuộc diện quân đội cử đi học được gọi về học tập tại trường Đại học Quân y mới được thành lập. Họ tiếp tục được đào tạo cấp tập đến tháng 11-1961 tốt nghiệp và kịp tăng cường lực lượng cho quân y.

Trang phục của nữ sinh viên thời đó là áo dài, quần trắng, còn nam sinh thường ăn mặc chỉnh tề với giầy da hoặc xăng đan, xưng hô với nhau là “ông, tôi” hoặc “bà, tôi" nếu cùng trang lứa. Năm thứ nhất sinh viên học chính trị để xác định động cơ và mục tiêu học tập, đối tượng phục vụ, sau đó là học các môn khoa học cơ bản và cơ sở của y học. Kết thúc năm học thứ nhất là chuyến đi lao động thực tế với bà con nông dân ở Hải Dương để củng cố các nhận thức đã thu được về chính trị. Chúng tôi được chia nhỏ thành từng tốp nhỏ để "ba cùng" (cùng ở, cùng ăn và cùng làm) với gia đình nông dân. Tôi nhớ mãi trong chuyến đi thực tế kéo dài hàng tháng này, lần đầu tiên tôi được ăn con rươi bắt từ ngoài ruộng. Trông nó rất giống một loài sâu nên nhiều người sợ không dám ăn, nhưng nếu đánh nhuyễn cùng với trứng rồi rán thì ăn rất thơm ngon. Sang năm thứ 2 là đợt đi thực tế kéo dài 30 ngày cùng với công nhân mỏ than ở Cọc 6 và Cửa Ông, Quảng Ninh. Chúng tôi được phân công vào các công việc cụ thể ở các bộ phận trên mặt đất như tuyển chọn và vận chuyển than, nhưng không được xuống hầm lò. Tôi nhớ mãi kỷ niệm là mặc dù đã được giải thích, nhưng người dân ở đây cứ nhầm lẫn, thường gọi chúng tôi là Vệ sinh viên thay cho từ Sinh viên.

Thời đó Chủ tịch Hồ Chí Minh thường cùng nguyên thủ quốc gia của một số nước, như Tổng thống Braxat, Thủ tướng Neru, Ấn độ hay Tổng thống Indonesia Sucarno, đến thăm trường trong dịp đoàn sang thăm Việt Nam. Năm thứ nhất và thứ hai tôi tham gia Đội đồng ca của trường do anh Tâm sinh viên lớp trên phụ trách, Đội thường tập hát tại giảng đường 3. Đội đồng ca thường biểu diễn vào các dịp lễ hội hoặc đón khách quan trọng đến thăm trường. Dịp chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Indonesia Sucarno đến thăm trường, Ban đồng ca chúng tôi đã biểu diễn chào mừng đoàn tại sân bóng rổ của trường ở 13 Lê thánh Tông. Điều đặc biệt là trong đoàn có Bộ trưởng Bộ Văn hoá Tobing lại là ca sỹ, ông đã hưởng ứng hát một bài hát Indonesia tiếp sau tiết mục của Đội đồng ca trường Y. Không khí hôm đó vì thế trở nên rất ấm cúng và thân mật.

Vào năm học thứ thứ hai tôi được kết nạp vào Đoàn. Là Đoàn viên thanh niên rồi thì phải phấn đấu vào Đảng, nhất là những người có lí lịch tốt như tôi. Tôi được chi bộ lớp cho vào diện cảm tình Đảng. Quá trình thử thách là tôi được phân công giúp đỡ, cùng học tập với một đồng môn là bộ đội chuyển ngành, tổ trưởng tổ sinh viên của tôi, chi uỷ viên Chi bộ lớp. Ở trường Y, mỗi tổ sinh viên có 20 người, gắn bó với nhau như một gia đình. Mọi hoạt động đều cùng nhau, nên việc tôi giúp đỡ anh có nhiều thuận lợi. Từ năm thứ tư, chúng tôi bắt đầu đi thực tập tại các bệnh viện trong đó có Viện Radium (lúc đó chưa thành Bệnh viên K riêng biệt như sau này) do Bác sĩ Phạm Thụy Liên làm Giám đốc. Thầy Thụy Liên đã tổ chức một nhóm sinh viên trong đó có tôi tham gia nghiên cứu khoa học tại Viện. Nhờ đó tôi bắt đầu làm quen với các kĩ thuật dùng các kim Radium phóng xạ để điều trị ung thư vùng hàm miệng và cơ quan sinh dục nữ. Đến năm học thứ 5, lớp chúng tôi bắt đầu phân chia học chuyên khoa. Tôi được xếp vào học chuyên khoa Ngoại Sản, nghĩa là có thể hành nghề Ngoại khoa và Sản khoa. Sau một tháng, chúng tôi được thông báo: Nhà trường cần một sinh viên trong lớp sẽ theo học về Phẫu thuật chỉnh hình cho bệnh nhân phong (hủi), sau khi tốt nghiệp sẽ vào làm việc tại trại phong Quỳnh Lập, Nghệ An. Lúc đó đang tồn tại quan niệm rằng bệnh phong rất dễ lây và rất khó chữa khỏi nên mọi người đều rất sợ. Chi bộ lớp chưa cần nhắm giao nhiệm vụ cho một ai đó, thì tôi xung phong đăng ký vào vị trí đó. Tôi không đắn đo suy nghĩ nhiều vì muốn làm một chuyên khoa khác biệt với đa số. Đề nghị của tôi được chấp nhận ngay và tôi được giới thiệu xuống gặp giáo sư Đặng Vũ Hỷ, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai kiêm Chủ nhiệm bộ môn Da liễu, trường Đại học Y Dược Hà Nội. Thầy kèm cặp tôi học về bệnh da liễu, đặc biệt là bệnh phong. Sau đó giáo sư Hỷ cử tôi đến khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức học về Chấn thương, do bác sĩ Đặng Kim Châu, Trưởng khoa phụ trách, tôi còn học về Chỉnh hình, từ bác sĩ Nguyễn Quang Long, Phó khoa. Các thầy đều động viên tôi rằng đây là một xu hướng mới của y học hiện đại, trước mắt là chữa cho bệnh nhân bị bệnh phong nhưng sau này sẽ mở rộng ra là phẫu thuật về các dây thần kinh để phục hồi cảm giác, vận động cho các chi và xa hơn nữa là ghép da và phẫu thuật thẩm mĩ. Một chân trời mới ánh lên trước mắt tôi. Các thầy quý mến tôi có lẽ vì tuổi trẻ, mạnh dạn, nhanh nhẹn và sáng dạ. Kết quả thi tốt nghiệp đã phản ánh được những năm học tập siêng năng, vất vả, tôi được 2 điểm 10 cho cả hai môn Da liễu và Chấn thương chỉnh hình. Tháng 12-1963, sau khi tốt nghiệp hầu hết mọi người trong lớp được phân công về các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc miền Trung xa xôi, một số rất ít được ở Hà Nội. Tôi được Bộ Y tế quyết định về công tác tại khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội chứ không phải đi Quỳnh Lập, như tôi đã đăng ký xung phong vào vị trí đó trước đây. Từ đây, tôi bước sang giai đoạn mới với những thử thách đang chờ đón.

Nguyễn Thị Phương Thúy (ghi)