Phụ nữ làm khoa học – Muôn nỗi gian nan

TTDS: Thưa GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, hơn 12 năm kết nối nữ trí thức trên cả nước với vai trò là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, theo Giáo sư, phụ nữ làm khoa học thường gặp những rào cản gì?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Chào các bạn. Khi phụ nữ làm khoa học, theo tôi rào cản lớn nhất là khó vượt qua được chính mình. Nhiều phụ nữ làm khoa học không đúng sở trường, nên sự đam mê không đủ lớn để vượt qua tất cả khó khăn. Các bạn trẻ mới lập gia đình thường còn lúng túng trong tổ chức các công việc một cách phù hợp để hài hòa giữa gia đình và sự nghiệp khoa học. Tôi không nói là tất cả, nhưng phần nào đó trong xã hội, kể cả trong giới khoa học, nam giới chưa thực sự thấy rõ tài năng khoa học nữ, cho nên họ không đủ niềm tin để giao phó công việc cho nữ giới. Họ thích người phụ nữ chú tâm nhiều thời gian cho gia đình hơn là cho khoa học, công việc. Định kiến giới có ảnh hưởng rất lớn đến người phụ nữ.

 GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu trong buổi trò chuyện

với NCV Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 2018

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, cùng với việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW (khóa X) của Bộ Chính trị, ban hành tháng 4-2007 về Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã nêu rõ việc tạo điều kiện bình đẳng nam nữ về cơ hội được đào tạo, việc làm, xoá đói giảm nghèo, tham gia lĩnh vực quản lý và chính trị, đảm bảo về chăm sóc sức khỏe… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập nảy sinh, nên trong thực tế những điều này chưa được thực hiện một cách toàn diện. Đứng về khía cạnh bảo vệ sức khỏe, rõ ràng, quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ ít hơn nam giới 5 năm, được xem như là một sự ưu ái của Nhà nước với lao động nữ. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe không thể chỉ căn cứ vào giới mà còn phụ thuộc nhiều vào ngành nghề. Ở độ tuổi 55-60, về mặt trí tuệ, nữ và nam không có gì khác biệt. Ngoài ra, tỉ lệ phụ nữ bị các bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, tim mạch…) còn thấp hơn nam. Điều này đã được Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố thống kê. Vì vậy, đối với nữ trí thức, việc quy định tuổi nghỉ hưu sớm hơn nam 5 tuổi, có lẽ chưa đủ cơ sở khoa học!

Trong thực tế, nhiều phụ nữ khi đạt được học hàm Phó giáo sư, thì phần lớn cũng đã ở tuổi trên dưới 50. Theo quy định hiện hành chị em phải nghỉ hưu ở tuổi 55 sẽ ảnh hưởng đến sự phấn đấu tiếp tục của nhiều chị em, phải chăng cũng là sự lãng phí lớn về chất xám, kinh phí đào tạo và kết quả là tỉ lệ nữ Giáo sư trên tổng số Giáo sư ít hơn khoảng 3 lần, so với tỉ lệ này đối với Phó giáo sư; đồng thời nhà khoa học nữ ở trình độ cao cũng ít hơn nam. Điều này rõ ràng sẽ giảm nguồn nhân lực trí tuệ phục vụ sự nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế trí thức của nước nhà. Chúng ta đang nói rất nhiều về bình đẳng giới. Nhưng từ trong sâu thẳm, việc xây dựng chính sách, pháp luật vẫn thể hiện những dấu ấn về quan niệm không bình đẳng giới!. 

TTDS: Giáo sư có thể chia sẻ về những nhọc nhằn của bản thân khi làm khoa học cũng như của những nhà khoa học nữ mà bà từng biết? Bà và các nữ trí thức đã vượt qua những khó khăn ấy như thế nào?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Về mặt gia đình, mọi người thường nghĩ phụ nữ “chân yếu tay mềm”, sống nặng về tình cảm. Trong cuộc sống gia đình, họ rất dễ thỏa hiệp, hy sinh sở thích riêng của mình để giữ hòa khí chung, thà mình chịu thiệt thòi để giữ êm ấm cho gia đình là được. Nhiều chị em đã không đủ mạnh mẽ, bản lĩnh và đam mê để theo đuổi con đường khoa học. Cũng có những chị vượt qua được điều đó nhưng tình duyên lại “đứt gánh giữa đường”. Số chị em giữ được hài hòa giữa làm khoa học và gia đình, để tiến lên trong sự nghiệp, mặc dù ngày càng tăng nhưng chưa được như yêu cầu. Những người phụ nữ đó, để hài hòa được cả sự nghiệp và gia đình cần biết cách làm cho người thân trong gia đình thông cảm với những nguyện vọng chính đáng và sự đam mê nghề nghiệp của mình.

Về mặt chuyên môn, đặc thù mỗi ngành khoa học đều có những khó khăn riêng. Tôi chỉ nói riêng về lĩnh vực khoa học thực nghiệm mà tiêu biểu như ngành hóa sinh mà tôi đã gắn bó. Đã theo nghề này thì đừng mong ngóng được nghỉ ngơi khi hết giờ hành chính , mà chỉ khi nào thí nghiệm xong thì mới ra về, vì đôi khi có những trục trặc trong thí nghiệm, mà nếu ra về thì có thể phải chuẩn bị lại mẫu, mất cả tháng của không chỉ một người. Thời làm Tiến sĩ ở Ba Lan (nay là TSKH), tôi còn nhớ khi đã hoàn thành các thí nghiệm mà còn phải rửa hàng trăm ống nghiệm đến 1-2 giờ sáng mới xong. Mà chuyện rửa ống nghiệm không đơn giản như rửa bát ở nhà, vì công việc này tưởng đơn giản nhưng cần có kỹ thuật mới đạt yêu cầu, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến độ chính xác của thí nghiệm.

Nhớ lại những năm tháng làm đại biểu Quốc hội (1992-2002), công việc bận rộn, buổi sáng họp, trưa về phòng thí nghiệm để hướng dẫn cho các sinh viên và nghiên cứu sinh, nhiều lúc quên cả giờ, ăn trưa vội vàng với hộp cơm mua sẵn, nguội lạnh để chiều đi họp tiếp. Có hôm đi họp buổi chiều về phải tự làm một số thí nghiệm trong phòng nhiệt độ thấp hơn 10oC mấy tiếng đồng hồ nhưng tôi cũng không thấy mệt! Chuyện về đến nhà và nấu ăn tối lúc 21 giờ là bình thường. Với tôi, đó không phải là nhọc nhằn vì tôi yêu thích và bị cuốn hút theo công việc khoa học.

Những việc như vậy, những người làm cùng lĩnh vực Hóa sinh như tôi thì là chuyện thường ngày. Nhiều chị còn vất vả hơn, như GS.TS Huỳnh Phương Liên (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), còn tham gia vào chiến trường B khốc liệt, bây giờ ở tuổi trên 75, chị vẫn miệt mài làm khoa học, nghiên cứu vacxin, đề tài của chị chủ trì vừa được nghiệm thu xuất sắc .

TTDS: Theo Giáo sư, những yếu tố nào giúp những người phụ nữ làm khoa học luôn đam mê và sẵn sàng dấn thân?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Trước tiên, cần chọn nghề đúng sở trường, thế mạnh của bản thân. Phụ nữ cần tự xác định được giá trị, những thế mạnh của mình để phấn đấu vươn lên. Bản thân tôi, ngay từ nhỏ đã thích học, chưa bao giờ ngừng và hết ham muốn học, đọc để nâng cao và cập nhật kiến thức cho mình. Đó là niềm đam mê, là nhu cầu cuộc sống của tôi. Hồi nhỏ, mọi người thường bảo tôi là mọt sách, vì hễ có thời gian là tôi mang sách ra đọc, học. Nhớ lại những ngày kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi sơ tán đến thôn Phụ Đức thuộc xã Bồng Sơn, Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (vùng tự do Liên khu V). Sống trong căn nhà tự làm chật hẹp, vách đất, khi gia đình đã đi ngủ hết, tôi vẫn cần mẫn dưới ngọn đèn dầu để giải thêm các bài toán khó từ sách, ngoài quy định của thầy. Có lần ngủ gật, mùi tóc khét do vướng vào ngọn đèn, may là mẹ tôi đã phát hiện kịp thời, nếu không thì ……

Tiếp theo, phải có đam mê với ngành mình đã chọn. Với tôi, niềm đam mê là nguồn sức mạnh để có thể vượt qua mọi khó khăn thực hiện thành công nhiều công việc.

Cuối cùng, là sự lựa chọn bạn đời. Khi đã dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, phải tìm cho mình một người bạn đời biết cảm thông chia sẻ và ủng hộ công việc của mình. Bản thân tôi may mắn có được bạn đời là người đã biết tôi từ thủa thiếu thời, hiểu rất rõ tính cách, thông cảm và chấp nhận những ưu nhược điểm của tôi.

TTDS: Thưa Giáo sư, bà nghĩ gì về ý kiến cho rằng, phụ nữ làm khoa học thường chọn vấn đề nghiên cứu gắn với thực tiễn nhiều hơn?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Tôi không nghĩ vậy. Thế hệ chúng tôi, ngay thời còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, chúng tôi đã thấm nhuần khái niệm về khoa học là tìm hiểu, nghiên cứu quy luật của tự nhiên và xã hội để cải tạo chúng nhằm nâng cao đời sống con người, nên chúng tôi luôn chọn và tiến hành nghiên cứu khoa học theo mục tiêu ấy. Mặt khác, chúng tôi cũng nhận thức được rằng, nghiên cứu cơ bản có tính hệ thống là cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng, phát triển ứng dụng ở tầm cao hơn. Vì lẽ đó, các nghiên cứu của chúng tôi đều xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, gắn với thực tiễn. Bắt đầu từ các nghiên cứu cơ bản, tiến đến phát triển kết quả đạt được, nghiên cứu các quy trình thích hợp để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, ứng dụng vào thực tiễn với quy mô ngày càng mở rộng. Các nghiên cứu của tôi và cộng sự đã được ứng dụng, đều dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu cơ bản cẩn thận.

TTDS: Vừa làm khoa học, vừa hoạt động xã hội và lo toan việc gia đình – gánh nặng công việc trên vai, bí quyết nào giúp bà hài hòa mọi việc?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Vấn đề cần giải quyết ở đây là sắp xếp thời gian hợp lý. Quỹ thời gian trong ngày chỉ có 24 giờ, nên cần phân bố công việc hàng ngày theo thứ tự ưu tiên. Nếu muốn ưu tiên cho nghiên cứu khoa học thì cần giản đơn hơn trong cuộc sống, có thể cũng cần giảm bớt những thú vui bình thường, bớt thời gian nghỉ ngơi là dễ nhất!. Tôi không có thói quen nói chuyện phiếm hay đi dạo phố để mua sắm (shoping) khi không thật sự cần thiết. Ngay cả việc ăn uống hàng ngày, cũng giản đơn miễn là bảo đảm dinh dưỡng và an toàn. Tất nhiên cũng không quên làm những món ăn ngon đòi hỏi nhiều thời gian vào những lúc có điều kiện hay các dịp đặc biệt. Đồng thời, khi có điều kiện cũng nên tận dụng các dịch vụ xã hội, trang thiết bị hiện đại để giảm bớt thời gian cho các việc nhà. Hồi sinh con gái đầu lòng (1962), tôi phải tiết kiệm từng chút thời gian nghỉ trưa để đi bộ từ 19 Lê Thánh Tông về nhà ở 16D Hàng Chuối cho con ăn uống rồi đi làm. Có những khi công việc bận rộn, tôi chỉ nghỉ 3-4 tiếng/ngày, nhưng vẫn cảm thấy thoải mái vì mọi việc trôi chảy và tìm thấy nhiều niềm vui trong công việc.

Nói chung, muốn làm việc này thì cần lựa chọn để bớt việc khác ít quan trọng hơn chứ không thể tham lam được mọi thứ vì thời gian có hạn. Mình làm việc phải có chủ đích rõ ràng, nên sắp xếp cho hợp lý và bản thân phải hết sức cố gắng để thuyết phục, nhận được sự đồng tình của mọi thành viên trong gia đình.

TTDS: Với kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân, rất mong có được lời khuyên của Giáo sư với nữ giới, nhất là các nhà khoa học nữ trẻ?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Cần xác định rõ mục tiêu của bản thân, phải có khát khao, đam mê với công việc đã chọn và quyết tâm thực hiện nó. Muốn làm được điều đó cần tự đánh giá đúng bản thân, xác định rõ những điểm mạnh của mình để chọn đúng mục tiêu và con đường đi phù hợp, phát huy được sở trường và tự khẳng định mình qua công việc, cuộc sống.

Tổ chức cuộc sống một cách khoa học, để hài hòa công việc gia đình, xã hội và làm tốt công việc chuyên môn. Các bạn trẻ cần biết ưu tiên việc gì trước, để đầu tư về thời gian, tiền bạc, công sức… nhằm đạt được mục tiêu đã đặt ra. Điều này không chỉ là lời nhắn nhủ với phụ nữ làm khoa học mà cũng để các bạn nam thanh niên tham khảo. Làm việc gì cũng cần ứng dụng các phương pháp làm việc khoa học, các kiến thức khoa học và công nghệ để phục vụ tốt hơn công việc và cuộc sống của mình. 

Xin cảm ơn GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu về buổi trò chuyện thú vị. Chúc bà luôn mạnh khỏe và có nhiều niềm vui trong cuộc sống.

 Lưu Thúy – Bích Hạnh