Dù đèn pháo sáng

Cũng như bao chiến sĩ khác thời kỳ chiến tranh, bác sĩ Lê Sỹ Toàn ít có điều kiện sống bên vợ con. Vì vậy, nơi chiến trường, tranh thủ bất cứ thời gian nào có thể ông viết thư về động viên vợ và các con. Đặc biệt, ông thường xuyên nhắc nhở các con ngoan ngoãn, cố gắng học để mẹ đỡ vật vả. Không có nhiều thời gian ở bên con, ít có điều kiện mua quà, đưa các con đi chơi, nơi chiến trường ông tận dụng mọi thứ có được để gửi về làm quà cho con, vừa động viên vừa nhắc các con rằng: dù ở bất cứ hoàn cảnh nào bố vẫn luôn nhớ đến các con. Trong lá thư gửi từ mặt trận về ngày 20/2/1970, ông gửi cho con gái Phương Lan (lúc đó 10 tuổi): "…một chiếc dù đèn còn mới, rất trắng để Phương Lan muốn làm gì thì làm". Còn con trai Hồng Quang (8 tuổi): "Ba tặng con một chiếc võng 3 màu do chính ba đã se chỉ cước và nhờ một chú bộ đội đan cho con đấy. Hai đầu võng tết bằng cước đỏ. Phần chính của võng được tết bằng cước màu xanh lá mạ. Gần hai đầu có điểm hai khoảng màu xanh thẫm hơn. Con giữ cho tốt mà chơi. Chú ý đừng đụng vào lửa hoặc than vì hơi chạm vào là nó cháy ngay, dây cước đứt không nối lại được…Bố chỉ đan cho vừa một mình con nằm thôi.Hai chị em cùng ngồi cũng có thể được nhưng phải thật nhẹ nhàng kẻo ngã đấy con nhé".

Ngày 5/5/2009, bà Nguyễn Kỳ Minh Phượng đã tặng chiếc dù cho Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sĩ Việt Nam lưu giữ lâu dài như một ký vật thời chiến thể hiện tình phụ tử của một nhà khoa học chiến sỹ.

 

Phạm Kim Ngân