Những bức thư hi vọng

GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân là chuyên gia đầu ngành Chấn thương – Chỉnh hình ở nước ta. Trong suốt thời gian công tác 1961-2000, ông đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật về xương. Nhiều bệnh nhân bị tật bàn chân khoèo, bàn tay khoèo, bàn chân thuổng, cong gù cột sống, teo cơ, dính xương đốt ngón chân, ngón tay… được ông phẫu thuật và trở lại hoạt động như “người bình thường”. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là chương trình nhân đạo phát trên Đài tiếng nói Việt Nam [1] và bài viết “Lặng lẽ giúp con người đứng thẳng” của tác giả Hương Giang [2] nhiều bệnh nhân đã biết đến tấm lòng và tài năng của người bác sĩ ấy. Họ viết thư gửi cho Giáo sư để trình bày về căn bệnh của mình và hi vọng được ông chữa khỏi bệnh.

Thư của bệnh nhân Châu Hồng Điệp gửi GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, ngày 2-11-2000

Với hơn 200 bức thư của bệnh nhân gửi GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân (1965 – 2004), mỗi bức thư không chỉ là để kể bệnh, mà bệnh nhân còn gửi trong đó một nỗi niềm, hơn nữa, một hi vọng “phép màu kỳ diệu” nào đó mà giáo sư có thể đem lại cho họ. Thư của bệnh nhân Trần Thị Kim Tuyến ở Quảng Trị viết “…từ nhỏ sinh ra cho đến khi 18 tuổi cháu vẫn đi lại bình thường, sau đó cháu tự nhiên không đi lại được và phải ngồi một chỗ….cháu vô cùng chán nản, đã mấy lần cháu tìm đến cái chết nhưng những người thân phát hiện ra ngăn lại….bị tật nguyền như thế này đã không giúp ích gì cho cha mẹ mà còn là gánh nặng cho gia đình, rồi mai đây cha mẹ càng ngày càng già yếu, rồi qua đời, các em lấy chồng hết thì cháu biết nương tựa vào ai đây….Bác sĩ ơi! cháu tha thiết cầu mong bác sĩ vì lòng nhân đạo, vì tình thương nhân loại, thấu hiểu nỗi lòng chua xót của những người tật nguyền như cháu mà ra tay cứu giúp và cho cháu có một hi vọng tràn đầy sức sống của ngày mai…”. Thư của bệnh nhân Vũ Thị Thu Luyện ở Thái Bình gửi cho Giáo sư cũng nặng trĩu nỗi buồn tủi: “…Hai tuổi cháu thấy ở cổ tay nổi lên một cục xương tưởng là mụn nhưng không phải…cục xương đó cứ lớn dần theo năm tháng và trên cơ thể cháu chỗ thì thừa, chỗ thì thiếu xương…chân trái của cháu ngắn hơn chân phải khoảng hai phân…chân trái cháu không nhấc lên bình thường mà cứ phải lê chân mới đi được….Trong khi các bạn vui vẻ gọi nhau ra đồng thì cháu ở nhà một mình buồn và tủi. Nhiều lúc cháu ngồi khóc và đôi khi cháu nghĩ chẳng muốn sống…Bác ơi cháu khổ nắm mong bác mở lòng thương cứu lấy đôi chân của cháu không một hoặc hai năm nữa chân cháu sẽ bị liệt và sẽ không đi được…” hoặc thư của bệnh nhân Phan Thị Bé gửi GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, ngày 15-9-2000 “…con bị khoèo mất một chân trái, con rất tủi phận từ khi lớn lên đến giờ, nay con bất ngờ đọc báo biết được tin của Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhân con rất vui mừng với điều kiện tuổi của con đã lớn không biết có làm được hay không, kết quả như thế nào. Con viết thư này cầu mong Tiến sĩ rộng lòng giúp đỡ cho con. Nếu được con rất vui mừng với những thời gian còn lại của quãng đời bất hạnh kia…”. Tất cả những bệnh nhân đều có chung một nỗi khổ tâm, buồn tủi với những khiếm khuyết của cơ thể, nhiều khi muốn tìm đến cái chết để xóa đi nỗi bất hạnh của mình. Nhưng trong mỗi bức thư của bệnh nhân vẫn tiềm ẩn một khát vọng được cứu chữa. Bởi vậy khi biết đến Giáo sư Nhân họ vui mừng vì đã tìm thấy một người có thể chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu nỗi lòng của những người tật nguyền; một người với đôi tay và trí tuệ sẽ giúp họ hồi sinh. Đáp lại những hi vọng đó, bức thư nào khi nhận được ông đều hồi âm lại. Ông đọc kỹ nội dung từng bức thư, gạch nhấn những đoạn miêu tả bệnh và chú ý đến những đoạn thư về hoàn cảnh gia đình của người bệnh. Ông động viên, chia sẻ và tìm phương án để có thể giúp họ đi khám, chữa bệnh một cách tốt nhất. Trong thư gửi cho bệnh nhân Phan Thị Bé ở Đồng Nai, ngày 21-10-2000, ông viết “…Nếu hoàn cảnh khó khăn lắm thì cô ra Hà Nội lần đầu, tôi trực tiếp mổ đặt khung cho cô, sau đó cô về trong đó, tôi sẽ giới thiệu với một bác sĩ ở bệnh viện 7A (thành phố Hồ Chí Minh) đã quen làm phương pháp chỉnh khung này với tôi nhờ bác sĩ ấy trông nom tiếp, dưới sự hướng dẫn của tôi. Bác sĩ này là học trò của tôi nên hoàn toàn tin cậy được…”.

Tất cả những hi vọng của bệnh nhân không phải là hão huyền mà bằng tài năng và kinh nghiệm của mình, GS Nhân đã phẫu thuật thành công cho nhiều bệnh nhân. Những bệnh nhân đó gửi thư cho Giáo sư để cảm ơn và thông báo tình hình tiến triển về bệnh của mình. “…đầu gối cháu co vào ruỗi ra dễ dàng. Đầu gối thẳng, bàn chân đã vuông góc, cháu đã đi lại được, tì cả bàn chân xuống đất….ban đêm ngủ cháu vẫn thường xuyên đè bao cát nặng lên đầu gối…làm đúng như lời ông dặn…Chính ông đã đem lại cuộc đời mới cho cháu…” [3]. Nhiều bệnh nhân đã xóa được những mặc cảm về bệnh của mình và tự tin hơn trong cuộc sống "…Khi chưa phẫu thuật, cháu đang đi mà thấy có một đám đông phía trước thì cháu không bao giờ dám đi qua… vì trong lòng có ý nghĩ là đám đông đó đang bình phẩm về mình…Từ khi phẫu thuật ý nghĩ đó cũng còn nhưng mà chỉ tồn tại một phần ngại ngùng nhỏ mà thôi" [4]. Với những kết quả phẫu thuật, ông đã đem lại hạnh phúc cho nhiều người khuyết tật. Đọc những bức thư của bệnh nhân gửi Giáo sư mà thấy ông trở nên thân thiết như người thân trong gia đình của bệnh nhân. Họ gọi Giáo sư là ông xưng cháu, gọi ba xưng con…với tình cảm trân trọng và đầy thân thương, mến mộ.

Trong sưu tập thư mà Giáo sư còn giữ phần lớn là thư của bệnh nhân ở các tỉnh miền Nam. Giáo sư đã ghi lại tên và địa chỉ của từng bệnh nhân. Sau khi nghỉ hưu, ông cùng hợp tác với Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam – Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức khám và chữa bệnh cho những người khuyết tật nghèo và nạn nhân chất độc da cam. Năm 2001- 2002 trong những chuyến đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, ông đã liên lạc với những bệnh nhân đã từng gửi thư để họ có thể đến khám bệnh trực tiếp. Có những bệnh nhân đã được ông theo dõi trong suốt hơn 40 năm, như bệnh nhân Lê Hoành Tân…

Những bức thư hi vọng không chỉ là lời cầu nguyện, ước mơ của bệnh nhân mà còn là niềm hi vọng của chính bác sĩ điều trị. Những bức thư đó đã giúp Giáo sư có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu và điều trị của mình. Nó còn là minh chứng về lương tâm và trách nhiệm của một người thầy thuốc mang tên “Nhân”, về tình người trong cuộc đời này.

 

Nguyễn Thị Thành

________________________

[1]. Chương trình phát thanh nhân đạo trên Đài tiếng nói Việt Nam, ngày 22-10-2000.

[2]. Báo “An ninh thế giới”, số 192, ngày 31-8-2000.

[3]. Bệnh nhân Đặng Thị Hà ở Quảng Bình, thư gửi ngày 12-9-2003.

[4]. Bệnh nhân Nguyễn Thị Diễm ở Đồng Tháp, thư gửi ngày 22-3-2004.