Cuốn sách tâm đắc cả cuộc đời

GS.Họa sĩ Phạm Công Thành

Phạm Công Thành đam mê hội họa ngay từ khi còn học tiểu học. Năm 1957, ông là một trong mười lăm sinh viên đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (nay là trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Ông tâm sự: Khi ấy, tôi thấy hãnh diện và hạnh phúc vô cùng, bởi đó là cơ hội để tôi có thể theo đuổi ước mơ trở thành một họa sĩ. Khi vào trường, Phạm Công Thành bắt đầu học các môn học cơ bản của ngành Mỹ thuật, trong đó có môn Luật xa gần[1] do họa sĩ Công Văn Trung[2] giảng dạy. Luật xa gần là môn học bắt buộc cho tất cả các sinh viên khi bước vào lĩnh vực hội họa. Bởi lẽ, “hội họa là một môn nghệ thuật tạo hình, có đặc trưng là sự biểu hiện không gian trên mặt phẳng. Đấy là một thứ không gian ảo, chỉ có thể ghi nhận bằng thị giác nhờ ở sự kết hợp các yếu tố tạo hình như: Đường nét, hình thể, màu sắc, sắc độ… tùy theo cách vận dụng của từng họa sĩ”[3].Nội hàm của môn Luật xa gần là các phương pháp tạo không gian trên mặt phẳng mà khoa học có thể lý giải được. Thực tế vào thời điểm đó, cả trường Mỹ thuật chỉ có họa sĩ Công Văn Trung giảng dạy môn này cho hệ cao đẳng, còn hệ Trung cấp thì môn này bỏ trống. Thầy Trung đã cao tuổi nhưng chưa có người kế nghiệp. Thực tế này làm cho sinh viên Phạm Công Thành nhen nhóm suy nghĩ phải theo được thầy Công Văn Trung trong môn Luật xa gần. Năm 1959, khi Hiệu trưởng Trần Đình Thọ đưa ra yêu cầu khuyến khích các cán bộ, sinh viên viết đề cương để giảng dạy môn Luật xa gần, sinh viên Phạm Công Thành cũng tham gia và gửi bản đề cương sơ lược đến tay Hiệu trưởng duyệt. Bản đề cương sơ lược của Phạm Công Thành được Hiệu trưởng Trần Đình Thọ đánh giá cao: “Mới học năm thứ ba mà cậu viết được đề cương giảng dạy như thế này rất đáng nể phục, mà viết cũng rất dễ hiểu”. Từ đề cương này, một cơ duyên đến bất ngờ là Phạm Công Thành được cử đi giảng dạy môn Luật xa gần cho hệ trung cấp của trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, với thời lượng giảng là hai tiết một tuần. Tốt nghiệp năm 1962, Phạm Công Thành được giữ lại trường và ông được phân công làm giảng viên Bộ môn Luật xa gần,trở thành người kế nghiệp họa sĩ Công Văn Trung.

Tập bản thảo cuốn sách “Luật xa gần” của GS. Họa sĩ Phạm Công Thành

Ngoài công tác giảng dạy Bộ môn Luật Xa gần, họa sĩ Phạm Công Thành còn tham gia giảng dạy 11 môn trong trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội: Hình họa; Trang trí; Bố cục; Sơn dầu; Giải phẫu; Đạc biểu kiến trúc; Lịch sử mỹ thuật; Mỹ thuật học; Chuyên luận; Văn học. Nhưng với môn Luật xa gần, Phạm Công Thành đã tạo cho mình một phong cách riêng: với những kiến thức đã thấm nhuần qua năm tháng và in sâu trong trí nhớ, ông giảng bài một cách tự nhiên, không lệ thuộc vào giáo trình. Theo quy phạm chung, thì dạy học cần dạy từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Tuy nhiên Phạm Công Thành lại đi ngược lại từ khó đến dễ, từ phức tạp đến đơn giản. Phạm Công Thành thường mang các tranh, hình vẽ đến làm giáo cụ minh họa để cho học sinh quan sát và nhận thức. GS Phạm Công Thành kể:, “Tôi nhớ khi dạy môn luật xa gần tôi có giao bài tập cho sinh viên, có sinh viên làm đến 6 lần tôi vẫn chưa thấy ưng ý. Tôi vẫn yêu cầu làm lại đến bao giờ hoàn chỉnh thì thôi”[4]. Điều Phạm Công Thành muốn dạy cho sinh viên ngành hội họa là tính kiên trì, lòng yêu nghề và sự quyết tâm. Trong thời gian giảng dạy môn Luật xa gần, giảng viên trẻ Phạm Công Thành luôn trăn trở về việc đây là một môn học hay nhưng chưa có cuốn sách nào viết về lĩnh vực này cho sinh viên tham khảo. Từ ý nghĩ đó, Phạm Công Thành đã tích lũy các kiến thức về môn Luật xa gần và dự tính viết sách. Nhưng bản thảo đầu tay của ông chỉ được hình thành khi ông lập gia đình với giảng viên Trịnh Kim Chi của Khoa Thông tin Thư viện, trường Đại học Văn hóa (năm 1971). Sau ngày kết hôn, Phạm Công Thành về ở cùng vợ tại khu tập thể trường Đại học Văn hóa. Trong căn nhà nhỏ mái lá ọp ẹp luôn đầy ắp tiếng nói cười của đôi vợ chồng trẻ nhất là khi tổ ấm có thêm hai người con Phạm Thục Quyên, Phạm Bình Chương.

Khi ở nhà trong vai trò một ông bố trẻ, họa sĩ Phạm Công Thành không quản ngại những công việc gia đình như gánh nước, mua gạo…Và khi mọi người trong khu tập thể chìm trong giấc ngủ là lúc họa sĩ Phạm Công Thành bắt tay vào viết sách. Mùa hè nóng nực, muỗi nhiều, cả nhà có chiếc quạt tai voi ông nhường vợ con. Họa sĩ Phạm Công Thành nhớ lại: “Khu tập thể trường Đại học Văn hóa ở khu vực Ô chợ Dừa, là vùng trũng nhất của Hà Nội, cứ mưa là ngập, ẩm thấp lắm, muỗi càng nhiều. Tôi vừa viết vừa khua muỗi mà vẫn say sưa và thích thú như có sức mạnh thần bí nào đó”[5]. Mỗi tập bản thảo được Phạm Công Thành viết ra đều được phu nhân của ông là bà Trịnh Kim Chi biên tập, ghi chép lại để đưa xuất bản. Bà Kim Chi kể rằng: “Ông ấy cặm cụi bên chiếc đèn dầu, cái bàn nhựa ọp ẹp làm bàn viết. Còn tôi thì ngồi trên giường, lấy mặt dưới của chiếc vali làm bàn rồi chép lại bản thảo. Phần nào câu từ tôi đọc chưa hiểu lại trao đổi với ông ấy”[6]. Riêng những phần vẽ hình ảnh minh họa, hình họa, Phạm Công Thành phải vẽ làm nhiều bản để hoàn thiện. Cuốn sách Luật xa gần ra mắt lần đầu tiên vào năm 1982 do Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành. Đây là kết quả nhiều năm đúc kết kinh nghiệm, được ông biên soạn một cách kỹ càng Theo như ông cho biết, “tôi đã lĩnh hội được những kiến thức cơ bản của môn Luật xa gần từ thầy Công Văn Trung, còn lại tất cả từ sự tìm tòi, sáng tạo của bản thân, không có sự sao chép hay lặp lại.”[7]. Họa sĩ Phạm Công Thành nhấn mạnh: Có được sự thành công đó không thể không kể đến vai trò của vợ tôi. Nếu không có bà chăm lo con cái, hỗ trợ giúp tôi ghi chép lại bản thảo chắc cuốn sách sẽ chưa thể ra đời sớm như vậy”. Khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, với số tiền nhuận bút 20 nghìn đồng, họa sĩ Phạm Công Thành đã quyết định mua chiếc ti vi đen trắng là mơ ước của các con ông. Khi gia đình có ti vi, ngôi nhà nhỏ lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng nói cười của sinh viên trong ký túc xá vào xem.

Cuốn sách Luật xa gần được Nhà xuất bản Văn hóa; Văn hóa thông tin; Mỹ thuật cho ấn hành, tái bản vào các năm 2002, 2004, 2012. Nội dung cuốn sách đã phát huy tác dụng trong giảng dạy, nghiên cứu học tập và sáng tác tại các trường về lĩnh vực mỹ thuật, kiến trúc. Qua mỗi lần tái bản, họa sĩ Phạm Công Thành đều có chỉnh sửa, bổ sung cho cuốn sách hoàn thiện hơn.

Nhà xuất bản Mỹ thuật đã có Lời giới thiệu: “Cuốn sách Luật xa gần của tác giả Phạm Công Thành đã tập hợp khá đầy đủ những kiến giải về không gian tạo hình, gồm các vấn đề liên quan đến cách nhìn, lối vẽ, tâm sinh lý thị giác, hiệu quả không gian và những yếu lĩnh của phương pháp thấu thị”[8].

Năm 1982, cuốn sách được hoàn thành cũng là lúc họa sĩ Phạm Công Thành có vấn đề sức khỏe. Ông thấy hạnh phúc vì sau khi nghỉ hưu (1991), con trai ông là ThS. Họa sĩ Phạm Bình Chương tiếp tục kế nghiệp cha giảng dạy Bộ môn Luật xa gần.

Trải qua hơn 30 năm với ba lần tái bản, cuốn sách “Luật xa gần” đã trở thành công trình tâm đắc nhất của “họa sĩ trâu, tre, chuối”. Đối với ông, cuốn sách không chỉ là những kiến thức, kinh nghiệm được truyền đạt cho các thế hệ sinh viên ngành Mỹ thuật, ngành Kiến trúc, Xây dựng… mà nó còn chứa đựng tình yêu, sự chia sẻ của người vợ; gắn với hạnh phúc của gia đình nhỏ và sự thân tình của đồng nghiệp, học trò. Tập bản thảo đầu tiên của cuốn sách tâm đắc này đã được GS Phạm Công Thành trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Bản thảo cuốn sách Luật xa gần có 4 phần: Phần 1: Không gian trong tranh; Phần 2: Biểu hiện không gian trên mặt phẳng; Phần 3: Phối cảnh đường nét; Phần 4: Phối cảnh đậm nhạt. Tập bản thảo gồm 576 trang giấy viết bằng bút máy mực xanh đã ố vàng, quăn mép. Trong đó có ba tập bút tích của bà Trịnh Kim Chi, còn lại là bút tích của chính tác giả – Họa sĩ Phạm Công Thành.

Lưu Thị Thúy

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[1] Luật xa gần là môn học cơ bản trong các trường Mỹ thuật, Mỹ thuật công nghiệp, Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng, Sân khấu điện ảnh, Mỹ thuật Công nghiệp.

[2] Họa sĩ Công Văn Trung (1907-2003) là cựu sinh viên Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương (1925 – 1930).

[3] Phạm Công Thành, Luật xa gần, Nxb Mỹ thuật, 2012.

[4] Phỏng vấn GS Phạm Công Thành, ngày 7-11-2013.

[5] Như trên.

[6] Như trên.

[7] Như trên.

[8] Phạm Công Thành, Luật xa gần, Nxb Mỹ thuật, năm 2012.

so your wife cheated married and wanting to cheat my wife cheated now what do i do