Đỗ Ánh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương. Đây vốn là huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa (như người dân nơi đây vẫn ví “nhất Xương, nhì Gia” – nghèo nhất là Quảng Xương, thứ nhì là Tĩnh Gia). Cha mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi 5 anh em ăn học, Đỗ Ánh đã trải qua một tuổi thơ khó khăn. Và chính cái đói, cái khổ triền miên đã là động lực thúc đẩy ông vươn lên trong học tập để mong thoát nghèo.
Năm 1952, Đỗ Ánh tốt nghiệp với thành tích xuất sắc trường phổ thông College Đào Duy Từ (Thanh Hóa) và được cử đi học ở trường Đại học Taskent (Liên Xô) từ năm 1953-1958. Mặc dù học giỏi toán, hóa và mơ ước được theo học ngành Dược nhưng Đỗ Ánh lại được phân học ngành Nông nghiệp. Tuy không đạt được mơ ước, nhưng ông vẫn luôn có một suy nghĩ “Mình được đi học là may mắn lắm rồi1” và phấn đấu hết mình để học tập, nghiên cứu. Năm 1958, ông về nước và công tác tại trường Đại học Nông nghiệp I. Từ đó, ông có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực Nông hóa, phục vụ công tác nghiên cứu giảng dạy lúc bấy giờ. Đặc biệt là thời gian làm Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa Trung ương (1968-1972) và công tác tại trường Đại học Nông nghiệp II (1973-1983).
Những năm 1970, các tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu và học tập về Nông hóa không nhiều. Sinh viên trường Nông nghiệp chỉ có thể tham khảo cuốn Nông hóa học của TS Lê Văn Căn2, biên soạn năm 1968. Cuốn sách được tổng hợp từ những tài liệu tiếng Nga và qua kinh nghiệm giảng dạy của TS Căn. Tuy nhiên, cuốn sách được NXB Khoa học phát hành với số lượng không nhiều và được sử dụng chủ yếu tại các trường Nông nghiệp ở miền Bắc thời kỳ đó. Bên cạnh đó, cuốn sách mới chỉ đưa ra được các thông tin cơ bản về Nông hóa mà chưa chuyên sâu để đáp ứng được yêu cầu chung trong giảng dạy cho sinh viên ngành Nông nghiệp.
Trước nhu cầu phải có một cuốn giáo trình chính thức, có thể dùng cho tất cả các trường Nông nghiệp thống nhất trong cả nước, năm 1977, Vụ Đào tạo – Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo cho Viện Thổ nhưỡng Nông hóa kết hợp với trường Đại học Nông nghiệp tổ chức biên soạn cuốn Giáo trình Nông hóa trên cơ sở cải tiến, bổ sung và hoàn chỉnh cuốn Nông hóa học của tác giả Lê Văn Căn. Cuốn Giáo trình Nông hóa là công trình tập thể của một số cán bộ giảng dạy và nghiên cứu hàng đầu trong ngành Nông hóa gồm TS Lê Văn Căn, PTS Đỗ Ánh, Phạm Đình Quắc, Hoàng Đăng Ký, Võ Minh Kha, Hà Huy Khê. Giáo trình được chia bố cục theo 10 phần với 30 chương, mỗi tác giả chịu trách nhiệm về một mảng nội dung khác nhau:
– PTS Đỗ Ánh viết 3 chương: Phân chuồng; Đại cương về phân xanh; Các cây phân xanh chính và cách sử dụng.
– Tác giả Võ Minh Kha viết chương 27: Cơ sở lý luận xây dựng chế độ phân.
– Tác giả Hà Huy Khuê viết chương 26: Các nguồn phân bón địa phương.
– Tác giả Pham Đình Quắc viết chương 13: Đất mặn và các biện pháp Nông hóa cải tạo đất mặn.
– Tác giả Hoàng Đăng Ký viết chương 10: Ảnh hưởng của phản ứng đất đến khả năng cung cấp thức ăn cho cây.
– TS Lê Văn Căn viết các chương còn lại và với vai trò là chủ biên, TS Căn đã hệ thống, chỉnh lý toàn bộ nội dung trước khi gửi tới nhà xuất bản.
Tập bản thảo viết tay Chương về Phân xanh của PTS Đỗ Ánh, năm 1977
Theo GS Đỗ Ánh, việc nghiên cứu và sử dụng phân xanh có vai trò rất to lớn trong phát triển nông nghiệp nói chung. Bởi cây để làm phân xanh nhìn chung dễ trồng, phát triển nhanh. Ngoài việc được sử dụng làm phân bón cho cây trồng, các loài cây có thể sử dụng làm phân xanh còn được dùng để làm cây phủ đất, cây che bóng, cây giữ đất chống xói mòn, cây cải tạo đất, nâng cao độ phì nhiêu của đất. Có thể nói, nơi nào cũng có thể trồng được cây phân xanh. Đặc biệt, với khí hậu và điều kiện kinh tế của nước ta, phát triển phân xanh sẽ giảm chi phí cho nông nghiệp và thân thiện với môi trường. Đồng thời, việc trồng và sử dụng các loại cây phân xanh còn góp phần gìn giữ, cải tạo đất và làm tăng năng suất các loại cây trồng3.
Trải qua những khó khăn chung của lịch sử, vì nguồn tài liệu tham khảo tiếng Việt không có nên khi viết ba chương về phân bón PTS Đỗ Ánh phải tham khảo các tài liệu bằng tiếng Nga, Anh. Hằng ngày, ông đến Thư viện của trường Đại học Nông nghiệp, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa để chọn lọc tài liệu. Cùng đó là những cuốn sách mang về được khi học tại Đại học Taskent và làm nghiên cứu sinh Học viện Nông nghiệp Timiriadep Moskva, Liên Xô (1962-1965) được ông tận dụng một cách triệt để. Với vốn ngoại ngữ sẵn có và kinh nghiệm kiến thức của mình ông đã dịch và tổng hợp được những thành tựu khoa học. Trong quá trình biên soạn, ông đặc biệt chú ý đến tài nguyên thiên nhiên và điều kiện khí hậu ở nước ta để đưa ra hướng phát triển phân bón một cách hợp lý nhất. Riêng phần thực nghiệm về phân bón, PTS Đỗ Ánh đã vận dụng số liệu từ hai đề tài đã được bảo vệ thành công của mình. Đó là đề tài Nghiên cứu về bón phân cho cây bông (Luận văn tốt nghiệp bảo vệ tại trường Đại học Taskent, năm 1958) và đề tài Sử dụng phân lân, kali bón vôi cho cây đậu tương, đậu trắng và đậu dây trên đất chua (Luận án Phó Tiến sĩ bảo vệ tại Học viện Nông nghiệp Timiriadep Moskva, năm 1965).
Tháng 8-1978, cuốn Giáo trình Nông hóa được Nhà xuất bản Nông nghiệp xuất bản với số lượng hơn 9.000 cuốn, khổ 17x22cm. Cuốn giáo trình ra đời là một dấu ấn cho ngành Nông hóa. Hiện nay, tuy đã có nhiều cuốn giáo trình mới biên soạn về Nông hóa nhưng Giáo trình Nông hóa xuất bản năm 1978 vẫn là một bộ giáo trình được sử dụng làm tư liệu nghiên cứu, tham khảo chính trong các trường Đại học Nông nghiệp ở Việt Nam.
Đến nay, với sự phát triển của công nghệ, có nhiều nguồn tư liệu cung cấp thông tin trực tiếp cho nghiên cứu, giảng dạy nhưng cuốn Giáo trình Nông hóa vẫn được xem như một tài liệu gốc cho sự ra đời của rất nhiều cuốn giáo trình về nông hóa sau này.
Tập bản thảo Phân xanh của GS Đỗ Ánh viết cho cuốn Giáo trình Nông hóa được ông trao tặng lại cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 15-3-2013. Bản thảo in đậm dấu ấn của thời gian trên từng trang giấy, nhiều tập đã ố vàng, các bút tích sửa chữa trực tiếp của ông đã mờ mực. Điều đó cũng thể hiệu sự trân trọng và đầy tâm huyết của ông – một nhà khoa học luôn nặng lòng với ngành Nông hóa Việt Nam.
Nguyễn Loan –Thúy Tiềm
__________________________
1. Phỏng vấn, ghi hình GS.TS Đỗ Ánh, ngày 13-4-2013.
2. TS Lê Văn Căn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ông được phong hàm Giáo sư chuyên ngành Nông nghiệp năm 1980 và là người bạn thân thiết của GS.TS Đỗ Ánh.
3. Phỏng vấn, ghi hình GS.TS Đỗ Ánh, ngày 9-4-2013.