Dấu ấn trong sự nghiệp nghiên cứu rừng

Từ khi bước chân vào ngành Lâm nghiệp, kỹ sư Thái Văn Trừng luôn ước mơ thực hiện được một nghiên cứu, tổng hợp về cây, rừng Việt Nam. Năm 1957, khi sang tham quan, học tập về lâm nghiệp tại Trung Quốc, kỹ sư Thái Văn Trừng đã phần nào hình dung để thực hiện được mơ ước đó phải mất 10-15 năm, và ông không nôn nóng, luôn kiên trì học hỏi để theo đuổi ước mơ của mình. Quyết tâm ấy được Kỹ sư Thái Văn Trừng chia sẻ chân thành trong một cuốn nhật ký: “Tôi rất thấm thía câu nói của Pavlov dặn dò người học tập nghiên cứu khoa học:“Phải tuần tự tiến dần, phải khiêm tốn nhưng cần nhất là phải có nhiệt tình”. Xét lại tôi có đủ 3 đức tính ấy nhưng 2 đức tính đầu cần phải luôn luôn bồi dưỡng… hết sức khiêm tốn học hỏi vì thấy rõ kiến thức của mình chỉ là 1 phần nào trong biển cả nhưng đức tính chủ yếu là nhiệt tình thì tôi có rất nhiều và được bảo bối đó tôi sẽ mạnh dạn tiến bước đi để làm cuộc đời của tôi và đóng góp phần mình phục vụ nhân dân”[1].

Trước kia, cán bộ ngành Lâm nghiệp do các thầy ở các nước ôn đới như Pháp, Liên Xô, Đức… đào tạo, sử dụng tài liệu và đặc biệt đều áp dụng kỹ thuật vùng ôn đới để tái sinh rừng, trồng rừng, phục hồi tái tạo rừng. Nhưng khi sang thực tập về ngành Lâm nghiệp tại Trung Quốc vào năm 1957, kỹ sư Thái Văn Trừng nhận thức rằng phải dựa trên thực tế Việt Nam mới có được những nghiên cứu thiết thực, đặc biệt: “năm 1957, khi sang thực tập 9 tháng ở Trung Quốc và được gặp lại nhà sinh thái rừng – GS Dương Hàm Hy, người đã từng sang Việt Nam và viết một báo cáo súc tích về rừng nhiệt đới ở Việt Nam; đồng thời được giới thiệu quyển “Rừng mưa nhiệt đới” của Giáo sư Sinh thái học người Anh Richards P.W nên đã nhận thức được rừng Việt Nam thuộc loại rừng nhiệt đới của khu vực gió mùa vùng Đông Nam Á, có nhiều đặc điểm cần nghiên cứu cơ bản và lý thuyết mới, có thể tìm kỹ thuật công nghệ lâm sinh thích hợp”[2]. Từ đó đã mở ra cho Thái Văn Trừng hướng nghiên cứu mới về hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam. Sau đợt thực tập tại Trung Quốc, Thái Văn Trừng bắt tay vào nghiên cứu rừng nhiệt đới với việc lập 5 điểm thử nghiệm lâm sinh tại Quảng Bình, Như Xuân (Thanh Hóa), Quảng Ninh, Hữu Lũng (Lạng Sơn) và Yên Bái; tiến hành điều tra khí hậu thổ nhưỡng của từng vùng và tìm các loài cây thích hợp để tái sinh, tu bổ, cải tạo, trồng lại rừng.

GS.STKH Thái Văn Trừng tìm ra Mô hình luận điểm sinh thái phát sinh quần thể trong thảm thực vật rừng

Trong quá trình nghiên cứu về rừng nhiệt đới ở Việt Nam, một điều may mắn đến với Thái Văn Trừng khi ông được giao nhiệm vụ tìm hiểu về đặc điểm các kiểu rừng ở Việt Nam. Như kỹ sư Thái Văn Trừng trình bày trong Báo cáo: “Năm 1961, tôi được Tổng Cục lâm nghiệp giao nhiệm vụ hệ thống hóa tất cả những tài liệu đã thu thập được trong sách vở, cũng như trên thực địa ở rừng ngập mặn và rừng úng phèn để làm một báo cáo tổng hợp về điều kiện thiên nhiên và lịch sử các đặc điểm của các kiểu rừng ở Việt Nam để trình bày cho đoàn chuyên gia Liên Xô về thực vật và lâm nghiệp sang khảo sát ở Việt Nam”[3]. Bản báo cáo tổng hợp khi trình lên đã được các chuyên gia Liên Xô đánh giá cao, và kỹ sư Thái Văn Trừng được nhận sang Viện Thực vật Komarov thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô ở Lêningrat làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Sinh học.

Một trong những điểm mới và sáng tạo khoa học trong luận án của Thái Văn Trừng được Hội đồng chấm luận án đánh giá cao là“…đã mô hình hóa luận điểm sinh thái phát sinh quần thể mà Hội đồng công nhận tối cao (VAK) thừa nhận là một phát minh lý thuyết về quy luật phát sinh quần thể thực vật rừng nhiệt đới”[4]. Đồng thời, Thái Văn Trừng cũng tìm ra chỉ số khô hạn mới “dựa vào công thức vũ nhiệt của H.Gaunes và hệ số của A. Aubeville đã nghiên cứu về khí hậu vùng nhiệt đới, tác giả (Thái Văn Trừng) đã tìm ra chỉ số khô hạn mới X= S.A.D, gồm 3 thông số: S là số tháng khô, A là số tháng hạn và D là số tháng “kiệt” của vùng nhiệt đới gió mùa có mùa khô hạn kéo dài 5; 6 tháng và chế độ khô ẩm mới của từng kiểu thảm thực vật rừng… từ đó lập được bảng phân loại các sinh vật khí hậu của các kiểu rừng”[5].

Với việc tìm ra những điểm mới trong nghiên cứu, kỹ sư Thái Văn Trừng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Ngay trong buổi bảo vệ 20-12-1962 luận án được Hội đồng khoa học của Viện đã đánh giá cao về mặt lý thuyết và đề nghị nâng lên trình độ Tiến sĩ và hai lần bầu đều được 100% phiếu”. Những thành công bước đầu trong nghiên cứu về rừng nhiệt đới ở Việt Nam thể hiện trong luận án là cơ sở tiền đề để Tiến sĩ Thái Văn Trừng tiếp tục nghiên cứu và được ứng dụng hiệu quả trong việc phát triển và bảo vệ rừng ở nước ta. Là người chăm chút màu xanh của những cánh rừng, TS Thái Văn Trừng cảm thấy xót xa khi chứng kiến những cánh rừng bị hủy diệt bởi chất độc hóa học của Mỹ rải xuống trong chiến tranh: “Từ năm 1975, tôi đã bước đầu ứng dụng những kiến thức cơ bản về Hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới vào lâm sinh học nhiệt đới và chuyển dần việc tái sinh tái tạo các hệ sinh thái rừng có thành phần cấu trúc nhiều tầng để kinh doanh nhiều loại lâm sản thí nghiệm trồng rừng công nghiệp giấy sợi: Bồ đề, Mỡ, Nứa, Sa Nhân…”[6]. Tiếp đó, đến năm 1978, Thái Văn Trừng được chuyển về phụ trách Phân viện lâm nghiệp phía Nam. Cũng trong thời gian này, ông được giao thực hiện đề tài nghiên cứu phương thức tạo mô hình phục hồi các hệ sinh thái rừng nhiệt đới bị chiến tranh hóa học hủy diệt ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt rừng ẩm nhiệt đới họ Sao Dầu bị khai quang và biến thành những sa mạc cỏ tranh, cỏ Mỹ… hàng năm bị cháy trong mùa khô nên không thể tái sinh được. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi phải nghiên cứu tìm ra loại cây vừa có thể thích hợp với điều kiện tự nhiên, vừa cải tạo những mảnh đất đã bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh chống Mỹ v.v.. Để làm được điều đó, Thái Văn Trừng đã đến các lâm trường để tìm hiểu, nghiên cứu rồi tổng kết lại những kinh nghiệm từ nhiều nơi và đã tìm ra loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên ở những khu rừng đã bị hủy diệt: “Tôi đã tổng kết kinh nghiệm trong các lâm trường và phát hiện ra tính năng cây keo lá tràm nhập nội từ Australia với bộ lá giả từ cuống lá chịu đất khô cạn và nếu trồng dày sẽ khép tán sớm và khiến cỏ tranh, cỏ Mỹ bị chết rụi dưới tán rừng kín rậm. Với bộ rễ khỏe có nốt sần cố định đạm đã cải tạo đất tốt và giữ ẩm cho đất”[7]. Từ đó TS Thái Văn Trừng đã áp dụng mô hình theo phương pháp lâm sinh và mô hình phương thức Nông- Lâm kết hợp, trong đó cây keo là tràm được chọn là cây trồng chủ đạo. Mô hình áp dụng đã góp phần phủ xanh đồi núi trọc ở phía Bắc đèo Hải Vân, dưới chân dãy núi Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với đó là việc tiến hành trồng những cây gỗ lớn họ Sao Dầu và họ Đậu vào tái tạo hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới gió mùa có cấu trúc nhiều tầng giúp cân bằng hệ sinh thái và hạn chế có hiệu quả tác hại các thiên tai lũ lụt, hạn hán, đồng thời cũng mang lại giá trị kinh tế cao.

Song song với mục tiêu phát triển và phục hồi những cánh rừng, TS Thái Văn Trừng còn rất quan tâm đến việc bảo tồn thiên nhiên, thức tỉnh ý thức bảo vệ thiên nhiên cho nhân dân, đặc biệt là các cấp lãnh đạo. Trong đó phải kể đến việc phát hiện khu rừng nguyên sinh Cúc Phương (Ninh Bình) vào năm 1960 đã mở ra hướng nghiên cứu mới đầy thú vị đối với TS Thái Văn Trừng. Ông là người đầu tiên đề xuất xây dựng hệ thống các khu bảo vệ và các Vườn quốc gia của Việt Nam, góp phần vào công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Một trang bản thảo cuốn sách "Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam" của GS.TSKH Thái Văn Trừng

Những thành công trong nghiên cứu hệ sinh thái rừng của GS.TSKH Thái Văn Trừng đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và phát triển rừng của đất nước. Chính vì vậy, công trình nghiên cứu về Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Trước đó, vào năm 1999 GS.TSKH Thái Văn Trừng đã tập hợp những tài liệu trong quá trình thực hiện đề tài và cho ra đời cuốn sách cùng tên với đề tài Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích và được xem như cuốn “cẩm nang” dành cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về rừng nhiệt đới ở Việt Nam.

Cho đến nay, bản thảo của công trình nghiên cứu này không còn lưu giữ lại mà chỉ có Bản thảo “Báo cáo về nội dung và chất lượng khoa học công nghệ của công trình đăng ký xét thưởng công trình nghiên cứu Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam” của GS.TSKH Thái Văn Trừng. Bản thảo viết tay bằng bút bi mực xanh trên giấy kẻ ngang, khổ 21x32cm, 4-3-2000. Cùng với, một phần bản thảo cuốn sách trên gồm: Bản đánh máy chương 1; bản thảo viết tay danh sách các ảnh màu minh họa trong các chương và những bức ảnh màu chụp các loại cây, những mô hình trồng rừng v.v… cùng với cuốn sách Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam, xuất bản năm 1999, đã được gia đình Giáo sư tin tưởng trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ. Đó là một dấu ấn trong sự nghiệp khoa học rừng của GS Thái Văn Trừng.

 

Giang Thị Nhung

___________________________

[1] Nhật ký học tập tại Trung Quốc của GS.TSKH Thái Văn Trừng, năm 1957.

[2][7] Bản thảo “Báo cáo về nội dung và chất lượng khoa học công nghệ của công trình đăng ký xét thưởng công trình nghiên cứu Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam” của GS.TSKH Thái Văn Trừng, 4-3-2000.