GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục sinh ra tại Thanh Hóa, cha mẹ đều làm nghề dạy học. Cả quá trình học tập và công tác, Nguyễn Xuân Trục chịu ảnh hưởng trực tiếp quan điểm giáo dục của cha mẹ, và luôn ghi nhớ "Tài sản lớn nhất để lại cho con cái là đạo đức, là nhân cách làm người, là tri thức và học vấn"[1].
Năm 1989, GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục khi đó làTrưởng khoa Cầu đường kiêm Trưởng Bộ môn Đường của trường Đại học Xây dựng Hà Nội được cử sang Algerie làm chuyên gia giảng dạy. Giáo sư được phân công giảng dạy môn Giao thông công chính, trường Đại học Xây dựng Tlemcen. Trong các môn giảng dạy tại đây, chỉ có một số môn đúng với chuyên ngành ông được đào tạo. Hơn nữa, ông lại được đào tạo chuyên môn theo chương trình của Liên Xô, bởi vậy, thời gian đầu giảng dạy, ông cũng gặp không ít khó khăn và luôn trăn trở làm sao để sinh viên hiểu bài.
Ở thời điểm đó, trường Đại học Xây dựng Tlemcen chưa có giáo trình riêng cho Bộ môn Giao thông công chính, tài liệu giảng dạy chủ yếu dựa vào các giáo trình của Pháp[2], trong khi đó chương trình và nội dung môn học phải theo đề cương đào tạo kỹ sư về xây dựng cầu đường, kỹ sư công chính mà Bộ Đại học Algerie đã quy định. Để đáp ứng và phục vụ tốt nhất việc đào tạo sinh viên, đồng thời tạo điều kiện thuận tiện cho sinh viên khi học môn Giao thông công chính theo đúng chương trình môn học, theo quy chuẩn của Algerie đặt ra, Giáo sư Nguyễn Xuân Trục đã tập trung vào việc biên soạn giáo trình theo quy định này.
Bản thảo giáo trình viết tay được sử dung tại Algeire năm 1991
Giáo sư Nguyễn Xuân Trục cho rằng: nội dung giáo trình phải có tính chất tổng hợp, kiến thức rộng, không quá đi sâu vào các chi tiết lý thuyết mà cần phải có tính ứng dụng cao. Giáo trình phải có các phần bài tập ứng dụng lý thuyết và bài tập tình huống để sinh viên tham khảo học tập.
Đáp ứng yêu cầu nội dung giáo trình, nên việc biên soạn không đơn thuần chỉ tập hợp lại nội dung từ tài liệu sẵn có của Pháp mà Giáo sư phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác về lĩnh vực cầu đường từ các giáo trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn của Pháp cũng như của Algerie, đặc biệt tài liệu của Liên Xô. Khi đó, chương trình đào tạo các ngành kỹ thuật của Liên Xô có yêu cầu rất cao, các công trình nghiên cứu không chỉ đạt yêu cầu về phát minh, có điểm mới theo tính chất cục bộ, riêng lẻ mà các công trình nghiên cứu đòi hỏi phải có phương hướng mới. Nên tài liệu tham khảo của Liên Xô có ứng dụng cao trong các ngành khoa học kỹ thuật. GS Trục chia sẻ:Dù đã chuẩn bị giáo trình giảng dạy theo chương trình của Liên Xô, nhưng sang Algerie hoàn toàn giảng dạy bằng tiếng Pháp nên ông phải tự học thêm tiếng Pháp qua nhiều kênh khác nhau. Vừa dạy, vừa học, vừa đọc nên Giáo sư đã nhanh chóng nâng cao khả năng giảng dạy bằng tiếng Pháp và tích lũy được vốn kiến thức về Cầu đường, và hoàn thiện tập giáo trình giảng dạy bộ môn Giao thông công chính bằng tiếng Pháp.
Bộ giáo trình bao gồm: Giáo trình Đường giao thông (Voies de communications), Tập 1: Đường bộ; Tập 2: Đường sắt thí nghiệm; Giáo trình Quy hoạch đô thị và mạng lưới giao thông đô thị (Urbanisme et trafic urbain). Lúc đầu bộ giáo trình chỉ là bản giáo án viết tay, photo cho sinh viên học, sau đó trường Đại học Xây dựng Tlemcen duyệt và cho phép in thành giáo trình để dùng cho sinh viên hai trường: Đại học Xây dựng Tlemcen và Đại học Xây dựng Oran, tại Algerie. Giáo trình chủ yếu được giảng dạy ở bậc Đại học về thiết kế và xây dựng đường ô tô, đường đô thị, quy hoạch giao thông vận tải, đường sắt, cảng, đường thủy. Bộ giáo trình được đồng nghiệp và lãnh đạo trường Đại học Xây dựng Tlemcen đánh giá tốt và được sử dụng như tài liệu chính để giảng dạy môn Giao thông công chính trong trường lúc bấy giờ.
Ngày chia tay sinh viên về nước, phát biểu về quá trình giảng dạy của Giáo sư, một sinh viên đã tâm sự "Giáo sư là người dạy mà chúng tôi thấy dễ hiểu nhất, kiến thức hiểu biết rộng so với các thầy ở trường nàydạy chúng tôi…"[3].
Với đóng góp trong việc tham gia biên soạn giáo trình cho sinh viên học tập, kết thúc hợp đồng giảng dạy tại Algerie, nhà trường giữ ông ở lại tiếp tục giảng dạy tại trường. Ông còn tham gia hướng dẫn luận án Tiến sĩ cho hai nghiên cứu sinh: Một người là Hiệu trưởng trường Đại học xây dựng Tlemcen, một người là Trưởng bộ môn của trường. Nhưng việc hướng dẫn chưa kết thúc, hai nghiên cứu sinh chưa đủ thời gian bảo vệ, luận án còn đang làm dang dở thì năm 1994, khi tình hình xã hội Algerie có nhiều bất ổn, GS Nguyễn Xuân Trục có quyết định trở về nước theo chủ trương của Nhà nước ta. Thời gian ông được báo về nước vào giữa kỳ nghỉ hè, và chuẩn bị trong 3 ngày, nên ông không kịp qua trường để xin một bộ giáo trình in. Bởi vậy, ông chỉ giữ lại được ba tập bản thảo của bộ giáo trình xuất bản năm 1991 tại Algiere.
Bộ giáo trình không chỉ dùng làm tài liệu giảng dạy và tham khảo cho sinh viên Algerie mà sau khi về nước, trong quá trình hướng dẫn tốt nghiệp cho sinh viên ngành Đường bộ bằng tiếng Pháp ở trường Đại học Giao thông vận tải, GS Trục tiếp tục dùng ba tập bản thảo của bộ giáo trình này cho sinh viên tham khảo. Các thuật ngữ chuyên môn trong bộ giáo trình được sử dụng tương đối chính xác theo thuật ngữ Pháp nên khi chuyên gia người Pháp sang chấm luận văn, đồ án tốt nghiệp cho sinh viên đều đánh giá cao về việc sử dụng chuẩn các thuật ngữ chuyên môn.
Bản thảo viết tay trên giấy đã ngả màu nâu, kích thước 21cm x 29.5cm, đóng thủ công, có một số trang bị rời, giấy bị rách xung quanh. Trong đó, tập bản thảo giáo trình Đường giao thông (Voies de communications), mặt trái một số trang có bút tích mực đen của nhà khoa học. Tập bản thảo được GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục lưu giữ hơn 20 năm và sử dụng trong suốt quá trình giảng dạy. Tháng 12 năm 2011, GS Nguyễn Xuân Trục đã trao tặng tập bản thảo cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Ngưỡng mộ, nhìn ngắm nét chữ đều, đẹp, trình bày rất đẹp, thẳng dòng như bản in – một bản viết tay thật hiếm có, chúng ta có thể thấy từng con chữ trên những trang giáo trình ấy, là cả tấm lòng đầy tâm huyết, trách nhiệm của một người thầy – GS. TSKH Nguyễn Xuân Trục.
Nguyễn Thị Thành
_____________________