Sau hiệp nghị Giơnevơ (1954), miền Bắc nước ta bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ cấp thiết đầu tiên là khôi phục kinh tế trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. PGS.TS Lê Văn Lai cho biết: Bác Hồ thấy rõ rằng muốn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp thì phải giúp nông dân những kỹ thuật sản xuất mới; muốn nâng cao năng lực của lao động nông nghiệp thì trước hết phải cải tiến nông cụ ở 3 khâu: tưới tát, gồng gánh, cấy lúa[1]. Tháng 6-1958, Bác có chuyến thăm không chính thức Trung Quốc. Năm ấy, Lê Văn Lai là sinh viên năm cuối tại Học viện Cơ giới hóa nông nghiệp Bắc Kinh[2] và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tổ chức cuộc triển lãm về cải tiến nông cụ tại đây. Bác tới tham quan triển lãm và rất quan tâm đến máy cấy, cho dù sản phẩm còn chưa hoàn thiện.
Đúng thời điểm đó, chàng sinh viên Lê Văn Lai đang thực tập tốt nghiệp tại nông trường Đông Tây Hồ ở Vũ Hán. Tới tháng 8-1958, anh trở về trường nhận bằng tốt nghiệp và chuẩn bị về nước. Ban lãnh đạo nhà trường gặp Lê Văn Lai và kể lại chuyến tham quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đề nghị của Đại sứ quán Việt Nam và Bộ Giáo dục Trung Quốc, Lê Văn Lai ở lại thêm một tháng để tìm hiểu máy cấy tại Viện nghiên cứu cơ giới hóa nông nghiệp Nam Kinh, toàn bộ chi phí do Học viện Cơ giới hóa nông nghiệp Bắc Kinh chu cấp.
Đầu tháng 10-1958, Lê Văn Lai về nước và bàn giao cho Bộ Nông nghiệp bản vẽ kỹ thuật chi tiết chiếc máy cấy mà anh đã khảo sát tại Nam Kinh. Nói về bản vẽ ngày ấy, ông nhận xét: đó là một mẫu máy cấy thô sơ cho nên bản vẽ cũng cực kỳ đơn giản[3]. Sau đó KS Lê Văn Lai được phân công về giảng dạy tại khoa Cơ khí, Học viện Nông lâm. Mặc dù vậy, trước khi nhận công tác, chàng kỹ sư mới ra trường còn được giao một nhiệm vụ nữa. Bấy giờ Hà Nội chuẩn bị tổ chức cuộc triển lãm “nông khẩn Trung Quốc”[4], gồm 3 nội dung: tiến bộ kỹ thuật trồng trọt (giống cây), tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi (giống con), công cụ lao động (máy móc). Do đã được đào tạo chuyên ngành cơ khí nông nghiệp ở Trung Quốc cho nên KS Lê Văn Lai được giao nhiệm vụ tham gia trưng bày, phiên dịch và giới thiệu các loại máy móc trong triển lãm. Trước hôm khai mạc, có một đoàn khách đặc biệt tới tham quan, PGS.TS Lê Văn Lai vẫn nhớ rõ: Người đi đầu là Bác Hồ, ngoài ra còn có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Duy Trinh và nhiều cán bộ thuộc văn phòng Đại sứ quán Trung Quốc. Bác dừng lại rất lâu để xem kỹ từng bộ phận của chiếc máy cấy được đặt ngay phía bên trái cổng ra vào. Sau đó Bác yêu cầu chúng tôi thao tác để biết cơ chế hoạt động. Thực tế trước đó mấy hôm tôi có đưa máy xuống đồng thử nghiệm nhưng rất tiếc là máy hoạt động chưa tốt nên chúng tôi không dám đưa ra thao diễn[5]. Kết thúc buổi tham quan, Bác bảo mọi người tập trung lại để chụp ảnh kỷ niệm. PGS.TS Lê Văn Lai kể lại rằng: Lúc đó tất cả mọi người đổ xô vào, ai cũng muốn ngồi cạnh Bác cho nên rất nhộn nhạo. Anh thợ chụp ảnh tỏ ra lúng túng. Bác liền nói: “Chú dở quá! Chú cứ bấm máy đi rồi tự khắc sẽ ổn định”. Khi anh này bấm máy thì tôi bị ép sát bên cánh tay trái của Bác, cũng may là còn nhìn thấy mặt[6].
Bức ảnh sau gần 60 năm, KS Lê Văn Lai ngồi thấp sát bên trái Bác Hồ (theo dấu đỏ)
Sau khi kết thúc đợt triển lãm nông khẩn Trung Quốc tại nhà Đấu xảo Hà Nội[7], Lê Văn Lai được ban tổ chức tặng một số ảnh kỷ niệm, trong đó có bức ảnh chụp Bác Hồ và các thành viên ban tổ chức cuộc triển lãm. Đây là tấm ảnh cỡ 12,8cm x 17,8cm, được chàng kỹ sư trẻ Lê Văn Lai vô cùng trân trọng và cất giữ cẩn thận.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Sáng ngày 17-5-1960, có một cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp tới Học viện Nông lâm tìm gặp Lê Văn Lai. Đến nay PGS.TS Lê Văn Lai vẫn nhớ sự kiện ấy: Người này bảo tôi chuẩn bị hành lý để Bác Hồ đưa sang Trung Quốc học chế tạo máy cấy. Tôi vô cùng bất ngờ nhưng cũng vội vàng đem theo vài bộ quần áo và ra xe. Khi xe tới cầu Long Biên thì gặp trục trặc, cho nên về tới Phủ Chủ tịch thì được biết Bác đã đi rồi, xe lại đưa tôi về trường[8]. Rồi một tháng sau, ôtô của Bộ Nông nghiệp lại tới đón KS Lê Văn Lai lên Phủ Chủ tịch để gặp Bác Hồ. Cùng đi hôm ấy còn có một cán bộ của Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên. Trong hồi ký, PGS.TS Lê Văn Lai kể lại tỉ mỉ cuộc gặp gỡ không thể quên này: Đồng chí Vũ Kỳ đón chúng tôi vào ngồi ở một chiếc bàn tròn gỗ gụ có mặt đá và 4 chiếc ghế xung quanh. Đúng 9 giờ, chúng tôi nghe từ phía hành lang có tiếc guốc lẹp kẹp, nhìn ra thấy Bác ung dung trong bộ quần áo lụa nâu với đôi guốc mộc đi vào. Chúng tôi vội vàng đứng dậy và đồng thanh: “Chúng cháu chào Bác ạ!”. Bác hiền từ mỉm cười, gật đầu đi vào ghế ngồi. Bác bảo chúng tôi ngồi xuống và rút bao thuốc lá Thăng Long bao bạc ra cho chúng tôi mỗi người một điếu, rồi nói: “Các cháu hút thuốc đi”. Chúng tôi lại đồng thanh: “Chúng cháu xin cám ơn Bác”. Đồng chí Vũ Kỳ giới thiệu tôi với Bác: “Là kỹ sư cơ khí nông nghiệp, tốt nghiệp Học viện Cơ giới hóa nông nghiệp Bắc Kinh. Đây là người mà tháng trước Bác định cho đi theo sang Trung Quốc để học chế tạo máy cấy, nhưng ô tô đi đón khi qua cầu Long Biên thì bị chậm, sang đến nơi thì Bác đã đi rồi”. Tôi được ngồi đối diện với Bác. Bác nhìn tôi ôn tồn hỏi: “Cháu có biết chế tạo máy cấy không?”. Tôi báo cáo với Bác: “Thưa Bác, chế tạo máy cấy cần 4 loại thợ: mộc, rèn, nguội, tiện. Có một số chi tiết cần tay nghề thợ bậc 4 và 5. Tại trường, tuy cháu có được học 6 nghề cơ khí phổ thông nhưng chỉ được luyện đến tay nghề bậc 2, nên không thể tự làm được ạ!”. Bác cười và ôn tồn nói: “Cháu chỉ lý thuyết, nhưng đấy không phải là khuyết điểm của cháu mà của nhà trường”. Bác hút một hơi thuốc rồi trầm ngâm suy nghĩ. Sau đó Bác quay sang đồng chí bên Trung ương Đoàn, nói: “Bác nghĩ thế này, Bác giao cho Trung ương Đoàn chọn một số thanh niên nông thôn biết các nghề rèn, mộc, nguội, tiện để đi học. Các cháu có đồng ý không?”. Chúng tôi đồng thanh trả lời: “Chúng cháu đồng ý ạ!”. Bác còn dặn thêm: “Nhanh chóng chọn người đi học khoảng một tháng, học chế tạo được máy hãy về!”[9].
Sau đó, Trung ương Đoàn cử một số thanh niên sang Trung Quốc học chế tạo máy cấy. Đầu tháng 7-1960, những thanh niên này trở về Việt
Sáng ngày 16-7-1960, Bác Hồ cùng nhiều đại biểu Quốc hội[11] tới tham dự buổi thao diễn máy cấy tại trại thí nghiệm trồng lúa của Sở Nông lâm Hà Nội ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm[12]. PGS.TS Lê Văn Lai kể: Khi thao diễn máy móc, thông thường người chủ trì chỉ giới thiệu cho người ta biết nó hoạt động ra sao. Nhưng Bác yêu cầu khi thao diễn máy cấy phải làm cho mọi người thấy được hiệu quả của nó so với cách làm thủ công. Bởi vậy, Bác đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Thập – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn ra một tổ nữ thanh niên cấy giỏi nhất, nhanh nhất để thi với máy. Bác cũng xắn quần lội ruộng để thi cấy bằng máy[13].
Bác Hồ thi cấy bằng máy ngày 16-7-1960
Giới thiệu bức ảnh chụp Bác Hồ đang thi cấy bằng máy với một nữ thanh niên, PGS.TS Lê Văn Lai chia sẻ: Tôi cho rằng cậu chụp ảnh rất giỏi, chớp được một khoảnh khắc rất đặc biệt. Khi cô này cấy xong một hàng, chuẩn bị cấy hàng thứ hai thì quay sang nhìn Bác. Lúc đó Bác còn chưa cấy xong hàng đầu tiên, khoảng cách còn rất xa. Cô này tỏ ra lo lắng không dám cấy tiếp. Lúc này Bác cười và nói: “Bác thua rồi, không theo kịp thanh niên rồi!”. Khi tất cả mọi người cười rất vui vẻ thì cậu này bấm máy[14]. Bức ảnh đen trắng còn khá rõ nét, mặt sau có ghi chú bằng bút mực đen: “Bác Hồ sử dụng máy cấy tại cánh đồng Mai Dịch, Từ Liêm, Hà Nội, ngày 16-7-1960”.
Sau buổi thao diễn ấy, Trạm nghiên cứu nông cụ bắt tay vào sản xuất thử nghiệm máy cấy tại Bạch Mai, Hà Nội. Bác Hồ đến tận xưởng để trực tiếp xem xét từng công đoạn. Như PGS.TS Lê Văn Lai cho biết: Khi sản xuất được một số máy và đem thử đạt kết quả, Bộ Nông nghiệp báo cáo cho Bác yên tâm. Lúc này quá trình quan tâm đến việc cấy lúa bằng máy của Bác mới dừng tại đó[15].
Đỗ Minh Khôi
____________________
* PGS. TS Lê Văn Lai là nhà khoa học thuộc lĩnh vực Cơ khí nông nghiệp, nguyên Tổng Cục phó Tổng cục Trang bị kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp.
[1] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Lai ngày 14-8-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Nay là Đại học Nông nghiệp Trung Quốc.
[3] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Lai ngày 14-8-2015, tài liệu đã dẫn.
[4] Đây là triển lãm của đoàn khẩn hoang thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, CHND Trung Hoa.
[5] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Lai ngày 14-8-2015, tài liệu đã dẫn.
[6] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Lai ngày 14-8-2015, tài liệu đã dẫn.
[7] Nay là Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
[8] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Lai ngày 14-8-2015, tài liệu đã dẫn. Học viện Nông lâm thuộc huyện Gia Lâm, cho nên từ đó phải đi qua cầu Long Biên sang Hà Nội để tới Phủ Chủ tịch gặp Bác.
[9] PGS.TS Lê Văn Lai, Hồi ký “Hình ảnh về tác phong và lề lối làm việc của Bác Hồ”, 19-5-2007, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[10] PGS.TS Lê Văn Lai, Hồi ký “Một hội thi cấy sôi động”, 19-7-2007, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[11] Hầu hết là các đại biểu nông dân tham dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II diễn ra từ 14 đến 15-7-1960 tại Hà Nội.
[12] Báo Nhân dân số 2311, ngày 17-7-1960 (xem mục Tư liệu về Đảng tại Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt
[13] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Lai ngày 14-8-2015, tài liệu đã dẫn.
[14] Phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Lai ngày 14-8-2015, tài liệu đã dẫn.
[15] PGS.TS Lê Văn Lai, Hồi ký “Hình ảnh về tác phong và lề lối làm việc của Bác Hồ”, tài liệu đã dẫn.