Hai cuốn luận án cùng một đề tài nghiên cứu về ong

Thứ nhất, cuốn luận án phó tiến sĩ về đề tài “Ong ký sinh trứng nhóm Trissolcus (Hymenoptera Scelionidae Telenominae) của khu hệ Liên Xô và các nước lân cận” (Яйцееды-теленомины группы Trissolcus Ashmead (Hymenoptera Scelionidae Telenominae) фауны CCCP и сопределъных стран), nghiên cứu sinh Lê Xuân Huệ bảo vệ năm 1977. Cuốn luận án dày 204 trang giấy khổ 21cm x 30cm, bìa được bọc bằng vải giả da, đã bị mốc và bong gáy. Nội dung chính của luận án gồm 5 chương: Lịch sử nghiên cứu, Hình thái của loài ong trưởng thành, Đặc điểm về sinh học, Phân bố loài ong theo địa động vật và Phân loại.

Thứ hai, cuốn luận án tiến sĩ về đề tài “Ong ký sinh họ Scelionidae khu hệ Việt Nam (hình thái, sinh học, phân bố, sinh thái, phân loại và ý nghĩa kinh tế)” (Cцелионилы (Hymenoptera, Scelionidae) фауны вьетнама (морфология, биология, распространение, экология, классификация и экономическое значение), thực tập sinh Lê Xuân Huệ bảo vệ năm 1987. Cuốn luận án dày 330 trang, khổ 21,5cm x 30,5cm và cũng bọc bìa bằng vải giả da, gáy bị bong và nhiều trang bị quăn góc dưới bên phải. Nội dung chính của luận án bao gồm 6 chương: Lịch sử nghiên cứu, Hình thái loài ong họ Scelionidae, Ý nghĩa kinh tế, Phân bố loài ong họ Scelionidae ở Việt Nam, Mối quan hệ của loài ong họ Scelionidae ở Việt Nam, Phân loại loài ong họ Scelionidae ở Việt Nam.

Luận án phó tiến sĩ và luận án tiến sĩ của PGS.TSKH Lê Xuân Huệ

Mặc dù đã dự định tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cả hai cuốn luận án vào ngày 6-10-2016, nhưng rồi PGS Lê Xuân Huệ lại dùng dằng không muốn cho đi một lúc cả hai “đứa con tinh thần” này của mình, nên ông tặng trước cuốn luận án phó tiến sĩ, và 20 ngày sau ông mới tặng tiếp cuốn luận án tiến sĩ. Cùng với hai cuốn luận án, có nhiều chuyện ông kể lại về những chuyến đi nghiên cứu ở Việt Nam và những ngày tháng miệt mài làm việc với những mẫu vật, tiêu bản trong phòng thí nghiệm tại Liên Xô.

PGS Lê Xuân Huệ tâm sự: Việc tôi được đi nghiên cứu sinh, thực tập sinh và nghiên cứu về loài ong ký sinh trứng họ Scelionidae giống như một cơ duyên vậy[1]. Đó là một câu chuyện dài. Cuối năm 1967, sau khi tốt nghiệp khoa Sinh học ở trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, chàng trai trẻ Lê Xuân Huệ được phân công về Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, công tác tại Viện Sinh vật học, một thời gian sau được biệt phái sang Ban Sinh vật – Địa học. Năm 1968, khi đang tham gia chuyến làm việc ở Phú Thọ để chuẩn bị cho việc tiến hành khảo sát một số loại côn trùng ở tỉnh này, anh được cơ quan gọi về để làm thủ tục đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi anh chuẩn bị xong mọi thủ tục thì bị ách lại, do quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô xấu đi nên việc đi tàu hỏa qua Trung Quốc sang Liên Xô khó khăn hơn, và vì thế du học sinh Việt Nam không sang Liên Xô được trong thời kỳ đó. Năm 1970, Lê Xuân Huệ được điều trở lại Viện Sinh vật học. Từ năm 1971, theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp[2] Tạ Quang Bửu, phải thi tuyển để đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học. Được lãnh đạo cơ quan đồng ý, Lê Xuân Huệ và một số cán bộ cùng Viện tham gia kỳ thi năm 1972 với hai môn chuyên ngành là động vật không xương sống và côn trùng học. Anh cũng chuẩn bị sẵn đề cương cho đề tài dự định nghiên cứu là “Dùng biện pháp sinh học chống lại các loại côn trùng có hại trên cây trồng”. Sau khi thi đỗ, anh học chuyên tu Nga văn một năm tại trường ĐH Ngoại ngữ[3].

Tháng 10-1973, đoàn du học sinh khởi hành từ ga Hà Nội, đi qua Trung Quốc rồi cuối cùng đến Moskva và nghỉ lại ít ngày trước khi chia đi các nơi ở Liên Xô. PGS Lê Xuân Huệ cho biết: Chúng tôi đến Moskva vào đúng ngày chuẩn bị kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga (7-11), do bạn có chủ trương “nội bất xuất ngoại bất nhập” nên chúng tôi phải ở lại đó nghỉ mấy ngày trước khi tôi đi tiếp đến Leningrad[4]. Trong những ngày chờ đợi, đoàn được bố trí ở cùng với một số lưu học sinh Việt Nam tại ký túc xá của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đồng thời đến Đại sứ quán Việt Nam để mượn quần áo và nhận tiền đi đường. PGS Lê Xuân Huệ không thể quên, đây là lần đầu tiên ông được ra nước ngoài nên bỡ ngỡ trước nhiều điều mới mẻ, chẳng hạn: Ở Moskva có những đường hầm dành cho người đi bộ khi sang đường, nhưng tôi không biết, thấy một số bạn đi qua đường nên tôi cũng đi theo, và thế là chúng tôi bị cảnh sát giao thông giữ lại[5]. Hôm ấy, ông và nhóm du học sinh rất lo lắng, tuy đã trình bày rằng vì không biết có đường hầm nên mới đi qua trên đường, nhưng khá lâu sau đó mới được họ cho đi.

Sau ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng 10, đoàn du học sinh Việt Nam được phân chia về các tỉnh thành khác nhau, Lê Xuân Huệ cùng giảng viên Hoàng Đức Nhuận ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội về Viện Động vật Leningrad. Dù cả hai cùng chuyên ngành Côn trùng nhưng mỗi người nghiên cứu theo một hướng: ông Nhuận nghiên cứu cách phân loại trong họ bọ rùa, còn ông Huệ nghiên cứu ong ký sinh côn trùng gây hại cây trồng. Mỗi người được Viện Động vật Leningrad phát cho 200 rúp để mua quần áo, ông Huệ mua chiếc áo măng tô với giá 100 rúp và mua một số vật dụng khác như đôi giày giá 20 rúp, áo sơ mi, mũ lông, khăn quàng cổ.

Năm thứ nhất, NCS Lê Xuân Huệ được sắp xếp học tiếng Nga tại Viện Động vật Leningrad. Dù ông đã chuẩn bị sẵn đề tài và đề cương nghiên cứu từ trong nước, nhưng lại được nhân viên Đại sứ quán Việt Nam cho hay rằng nếu làm luận án theo đề tài đó thì không có kinh phí về nước lấy tài liệu, và khuyên nên thực hiện đề tài theo gợi ý của người hướng dẫn. Mỗi tuần chỉ lên lớp 3 buổi, nên NCS Lê Xuân Huệ đề nghị thầy hướng dẫn là TS Kozlov cho làm quen dần với đề tài luận án. Ông Kozlov chuyên sâu về phân loại nhóm côn trùng ký sinh có ích, vì thế đã đưa ra đề tài “Ong ký sinh trứng nhóm Trissolcus (Hymenoptera Scelionidae Telenominae) của khu hệ Liên Xô và các nước lân cận”, và yêu cầu Lê Xuân Huệ vẽ về ong. NCS Huệ có sở thích vẽ và đã từng có thời gian học vẽ, nên việc này không khó khăn. Ông vẽ mẫu một số loài ong và nộp cho TS Kozlov xem, thầy rất ưng ý, thậm chí còn đem những mẫu vẽ đó “khoe” với các đồng nghiệp trong Viện.

Sang năm thứ hai, NCS Lê Xuân Huệ thường đến thư viện đọc tài liệu liên quan đến luận án của mình và tập trung vẽ hình. Có một họa sĩ chuyên vẽ mẫu côn trùng cho cán bộ trong viện, nhiều học viên cũng nhờ ông này vẽ nhưng phải trả tiền thù lao, còn ông Huệ tự vẽ. PGS Lê Xuân Huệ kể lại: Tôi được Viện sắp xếp cho làm việc trong cùng phòng thí nghiệm với ông họa sĩ ấy. Ở đó, có tất cả mẫu các loại ong thuộc họ Trissolcus, do thầy Kozlov sưu tầm về, nên tôi chỉ cần phân loại, tách các bộ phận cơ thể của từng mẫu ong rồi vẽ hình minh họa[6]. Vẽ xong, ông photocopy các hình vẽ lên giấy ảnh để về sau đưa vào phần phụ lục của luận án.

Đầu năm 1976, NCS Lê Xuân Huệ xin về thăm nhà vào dịp tết Nguyên đán. Sau khoảng một tháng, ông quay lại Liên Xô và bắt đầu tập hợp, hệ thống lại những tư liệu đã đọc được để viết luận án. Ông nhận thấy giống ong Aponophlebus Kozlov do TS Kozlov phát hiện cũng có đặc điểm của ba giống khác trong cùng nhóm TrissolcusTrissolcus, TelenomusArchiphanurus. Nhưng khi ông đến gặp thầy và trình bày nhận xét của mình, TS Kozlov nghe xong liền bảo: Anh nói tôi chẳng hiểu gì cả!, khiến ông phải vẽ gân cánh, đốt ngực của giống ong này để chứng minh ý kiến của mình là đúng. Một thời gian sau, với những lý lẽ thuyết phục của ông và căn cứ trên tài liệu về giống ong này do một học trò của TS Kozlov là Szabo gửi từ Bulgarie, thầy mới đồng ý cho ông viết luận án. Đến khoảng tháng 5-1977, ông hoàn thành bản thảo luận án và nhờ thầy Kozlov sửa chữa. Khi đó, TS Kozlov yêu cầu ông hướng dẫn cách phân loại và làm tiêu bản cho một nghiên cứu sinh khác, để thầy có thời gian tập trung vào đọc và sửa luận án.

Phó giáo sư Lê Xuân Huệ cho biết, Viện Động vật Leningrad đã hỗ trợ tiền thuê đánh máy luận án với giá mỗi trang 80 kopek, riêng những trang có chữ Latin thì 100 kopek (tức là 1 rúp). Ông phải đọc soát bản đánh máy, sửa lại những sai sót, nhiều chỗ phải dán giấy chồng lên để viết vào. Luận án được in ra và gửi cho các thành viên trong hội đồng chấm luận án. Trong luận án này, NCS Lê Xuân Huệ phân loại được 52 loài ong thuộc nhóm Trissolcus, đồng thời phát hiện một giống ong mới, được thầy Kozlov đặt tên làPsix Kozlov et Le, lấy tên của cả hai thầy trò. Tháng 10-1977, ông bảo vệ luận án và được hội đồng chấm luận án đánh giá tốt. Ông trưởng phòng Côn trùng ở Viện Động vật Leningrad còn nói rằng: Tôi không ngờ một người hàng ngày chỉ cặm cụi làm, ít khi nói chuyện với mọi người lại có thể làm tốt như vậy, hệ thống phân loại của ông mang tính tự nhiên, không có vẻ nhân tạo[7]. Sau khi bảo vệ xong luận án, NCS Lê Xuân Huệ nộp một bản cho thư viện của Viện Động vật Leningrad, một bản tặng TS Kozlov, còn một bản đem về Việt Nam nộp cho Thư viện quốc gia và một bản ông giữ lại làm kỷ niệm.

Ngay trong thời gian thực hiện luận án phó tiến sĩ, NCS Lê Xuân Huệ đã ấp ủ ý tưởng nghiên cứu về loài ong thuộc họ Scelionidae ở Việt Nam. Vì vậy, từ đó ông đã chuẩn bị sẵn tài liệu, khi đọc ở thư viện ông tranh thủ thuê sao chụp những cuốn sách ông thấy cần cho hướng nghiên cứu này của mình.

Ngay trong năm 1977, PTS Lê Xuân Huệ trở về Việt Nam. Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp dự định điều động ông vào trường ĐH Đà Lạt làm công tác giảng dạy, nhưng vì muốn tiếp tục công việc nghiên cứu nên ông xin ở lại Viện Sinh vật học, Viện Khoa học Việt Nam[8]. May mắn là lúc đó bắt đầu thực hiện đề tài “Điều tra động vật Tây Nguyên” (thuộc chương trình “Điều tra tổng hợp vùng Tây Nguyên”), nên ông được giữ lại Viện và tham gia các chuyến khảo sát điền dã. Sau đó, năm 1979 ông được cử tham gia đề tài “Nghiên cứu khu hệ và sinh thái động vật Việt Nam” trong chương trình hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Nhờ tham gia hai đề tài đó, ông có nhiều cơ hội đi tìm hiểu thêm về loài ong họ Scelionidae ở Tây Nguyên nói riêng và ở Việt Nam nói chung, làm cơ sở để sau này ông thực hiện đề tài luận án tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ khoa học).

Phó giáo sư Lê Xuân Huệ cho biết, hàng năm, đoàn chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam 2-3 đợt. Các chuyên gia như GS.TS Zaixev, TS Kozlov, TS Medvedev, Natasa, Galia, Cergey…, họ nghiên cứu nhiều chuyên ngành khác nhau: chim, thú, lưỡng cư, bò sát, côn trùng. Trước mỗi lần đoàn sang, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô thông báo trước cho Viện Khoa học Việt Nam biết những chuyên gia sắp sang thuộc chuyên ngành gì để Viện bố trí cán bộ làm việc cùng. Về phía Việt Nam, chủ yếu là bốn cán bộ của Viện Sinh vật học: PTS Lê Xuân Huệ làm trưởng nhóm về Côn trùng học, ông Đặng Đức Khương, ông Tạ Huy Thịnh, bà Lê Khương Thúy; ngoài ra có PTS Vũ Quang Mạnh – giảng viên khoa Sinh học của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông Lê Đình Thái – giảng viên khoa Sinh học, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và một số người khác. Ông Huệ dù sức khỏe không tốt nhưng vẫn cố gắng tham gia đầy đủ các chuyến khảo sát, như ông chia sẻ: Tôi đi nhiều tới mức mà vợ tôi phải than rằng: Ông nghỉ ngơi ở nhà ăn uống vào, chứ đi suốt thế lấy sức đâu được![9]. Trong các chuyến đi ấy, phía Liên Xô hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại cho đoàn, thậm chí họ còn gửi một số xe ba gác sang để chở đồ đạc khi di chuyển ở các điểm khảo sát; còn về ăn uống, các thành viên phải tự túc, nên đoàn mang theo cả bếp dầu và thực phẩm để nấu ăn. Tuy nhiên, do thu nhập của chuyên gia hai nước khác nhau, cách ăn uống cũng khác nên chúng tôi nấu riêng, PGS Lê Xuân Huệ chia sẻ[10].

Công việc khảo sát thực địa tại Tây Nguyên được tiến hành chủ yếu ở tỉnh Gia Lai – Kon Tum[11], đặc biệt là các huyện An Khê, Krông Pa…, mỗi đợt kéo dài hàng tháng, vì vậy Viện Khoa học Việt Nam phải liên hệ trước để sắp xếp chỗ nghỉ tại doanh trại quân đội. Công việc chính của các thành viên trong đoàn là thu thập mẫu các loài theo chuyên ngành về chim, thú, côn trùng… để mang về nghiên cứu. Do điều kiện khi đi thực địa không có máy sấy nên ban ngày các ông thường đem mẫu thu được phơi trên nệm bông và buổi tối thì đưa lên gác bếp để tránh bị mốc. Sau đó, khi đem mẫu về Viện, tất cả mẫu được sấy bằng máy và bảo quản trong điều kiện tốt để giữ được lâu dài.

PGS Lê Xuân Huệ cho biết, thời kỳ những năm 1980, ở Tây Nguyên vẫn còn lực lượng phản động Fulro hoạt động, nên đoàn khảo sát luôn phải cảnh giác. Mỗi khi trong đoàn có chuyên gia Liên Xô, Viện đều phải nhờ sư đoàn 332[12] cử người dẫn đường và bảo vệ. Những đợt chỉ có cán bộ Việt Nam thì nhờ chính quyền địa phương cử người dẫn đường. PGS Lê Xuân Huệ kể lại chuyến đi khảo sát ở khu vực nông trường Cheo Reo – Phú Bổn (nay thuộc tỉnh Gia Lai). Từ nông trường chỉ cần đi qua một con suối là sang địa bàn có Fulro hoạt động. Khi đoàn mới đến, do Fulro tuyên truyền xuyên tạc về Việt cộng từ trước nên dân địa phương tỏ ra dè chừng, lạnh nhạt. Sau ít ngày, họ trở nên thân thiện hơn và còn cho các ông biết khoảng giờ Fulro hay hoạt động để chủ động tránh. Theo quy định của nông trường, tất cả cán bộ nhân viên đều phải nộp củi để sử dụng cho các công việc chung. Đoàn khảo sát tuy là khách nhưng cũng kiếm củi nộp. Song, lúc đó sắp đến ngày Quốc khánh 2-9, nghe nói bọn Fulro có thể sẽ tấn công, vì thế các ông không dám đi vào rừng, mà chỉ gỡ tre, nứa từ các chuồng bò của người dân bỏ hoang để nộp cho nông trường.

Phó giáo sư Lê Xuân Huệ kể thêm, một lần khác, chỉ có bốn người thuộc chuyên ngành côn trùng của Viện Khoa học Việt Nam đi khảo sát ở Ea Tun – một khu kinh tế mới, ở đó nhân dân đang trong quá trình xây dựng trang trại, nhà ở, đường sá đi lại rất khó khăn, nên người dẫn đường khuyên cô Lê Khương Thúy không nên đi cùng. Vì thế, ba cán bộ nam đi thu thập mẫu, gồm các ông Lê Xuân Huệ, Đặng Đức Khương và Tạ Huy Thịnh. Tới nơi, các ông thấy một số thanh niên đang tháo mấy khẩu súng, họ kể lại rằng tối hôm trước Fulro mới tập kích vào khu họ ở và đó là số súng tịch thu được của chúng. Ông Huệ nghĩ thầm, đoàn khảo sát thật là may mắn, nếu tới đây hôm trước thì chắc đã gặp phải Fulro! Ba cán bộ được bố trí ở cùng với những người khai hoang ở đây. Trên vách đầu nhà có treo sẵn súng để tiện lấy dùng khi bị Fulro tập kích, nếu ai không có súng thì lăn xuống giao thông hào ngay bên dưới để trú ẩn. Trong nhà, tất cả đều ngủ trên sạp, ông Huệ thường bị nằm ngoài cùng, dù rất lo lắng nhưng ông vẫn tỏ ra cứng rắn và tuyên bố: Nằm ngoài chưa chắc đã chết![13]. Việc ăn uống ở khu kinh tế mới này cũng rất kham khổ, tuy có cơm nhưng thức ăn chỉ là món đọt sắn (lá sắn non và ngọn sắn) hoặc rau tàu bay luộc, nước chấm thì hòa muối hạt cà cộ với nước. Sau khoảng một tuần, ba cán bộ khoa học hoàn thành việc thu mẫu và trở về thị xã Plây Ku trước khi ra Hà Nội.

Năm 1983, PTS Lê Xuân Huệ được cử sang Liên Xô theo chế độ “trao đổi tương đương” – ký kết giữa Viện Khoa học Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ông mang theo những mẫu ong họ Scelionidae đã thu được ở Việt Nam để tiến hành phân loại, và nhân dịp này đọc thêm một số tài liệu. Trong lần ông gặp lại thầy Kozlov để hỏi một số vấn đề chuyên môn, thầy chỉ dẫn: Với số lượng mẫu nhiều như vậy có thể viết thành luận án được[14]. Vì vậy, ông càng cố gắng làm việc nhiều hơn, đặc biệt là tranh thủ viết một số bài về loài ong họ Scelionidae ở Việt Nam, như: “Những loài mới giống Telenomus (Hym, Scelionidae) từ Việt Nam”, “Hai loài mới phân họ Telenominae (Hym, Scelionidae) từ Việt Nam”, được in trong cuốn sách Khu hệ và sinh thái động vật Việt Nam do Nhà xuất bản Moskva ấn hành trong năm đó. Sau ba tháng, ông về nước và tiếp tục tham gia các chuyến đi khảo sát cùng chuyên gia Liên Xô.

Năm 1985, Viện Khoa học Việt Nam cử một số cán bộ sang Liên Xô làm thực tập sinh cao cấp, trong đó có PTS Lê Xuân Huệ. Khi ông lên Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nộp hồ sơ để xét duyệt, người nhận hồ sơ rất nhiệt tình và nói rằng: Tôi sẽ chuyển hồ sơ lên, còn được hay không là do cấp trên quyết định[15]. Sau khi hồ sơ được duyệt, dựa trên tư liệu nghiên cứu những mẫu ong thuộc họ Scelionidae đã thu được trong các chuyến đi khảo sát ở Tây Nguyên và một số chuyến đi khác do ông thực hiện ở nhiều tỉnh phía Bắc (Vĩnh Phúc, Bắc Thái, Hải Phòng, Ninh Bình, Sơn La, Hòa Bình, Sơn Tây và Quảng Ninh) trong những năm 1970-1980, PTS Lê Xuân Huệ xây dựng đề cương luận án với đề tài là “Ong ký sinh họ Scelionidae khu hệ Việt Nam (hình thái, sinh học, phân bố, sinh thái, phân loại và ý nghĩa kinh tế)”.

Phó giáo sư Lê Xuân Huệ và đoàn thực tập sinh được đi máy bay từ Hà Nội sang Moskva, rồi sau đó ông đi tàu tới Leningrad. Ông lại được cử về Viện Động vật Leningrad để thực tập. Dù thời gian chỉ có hai năm, nhưng đây là cơ hội cho ông làm luận án tiến sĩ, và ông quyết tâm thực hiện. Ngoài việc sử dụng những tài liệu đã có từ thời nghiên cứu sinh, ông tích cực lên thư viện đọc thêm tài liệu và nhờ nhân viên thư viện sao chụp những tài liệu ông cần tham khảo. Tuy nhiên, vì tiền nong eo hẹp nên ông không in từ phim ra, mà dùng kính lúp ở phòng thí nghiệm để đọc ngay trên phim. Ông cũng phải tranh thủ thời gian cần mẫn vẽ các mẫu ong và in lên giấy ảnh để sau dùng cho phần phụ lục của luận án. Hàng ngày, thực tập sinh Lê Xuân Huệ cặm cụi làm việc một mình trong phòng thí nghiệm, và những người trong Viện đã quá quen với hình ảnh đó.

Đến nay, PGS Lê Xuân Huệ vẫn ghi nhớ mọi sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và thầy hướng dẫn trong thời gian ông thực tập ở Viện Động vật Leningrad. Khi mới sang, ông gặp lại một thành viên trong đoàn chuyên gia Liên Xô khảo sát ở Việt Nam là Darevsky, sau đó ông thường hỏi han công việc và mời ông Huệ tới nhà chơi. Một lần ông Huệ tới thăm gia đình ông Darevsky, ông giới thiệu tủ tài liệu của vợ mình – từng là cán bộ Viện Bảo vệ thực vật, và bảo: Ông cần tài liệu gì thì cứ lấy![16], nên ông Huệ đã xin một số tài liệu chuyên môn bằng tiếng Nga. Ngay cả khi ông Huệ tới trụ sở một số tạp chí của Liên Xô để xin tài liệu, cũng được họ giúp đỡ nhiệt tình. Còn thầy hướng dẫn – vẫn là TS Kozlov, thầy luôn khích lệ và tạo mọi thuận lợi cho người học trò Việt Nam được thầy quý mến. Có lần thực tập sinh Lê Xuân Huệ nói kiểu nửa đùa nửa thật với thầy rằng: Nếu Viện không hỗ trợ tiền đánh máy, in ấn thì tôi đi về chứ không bảo vệ luận án[17]. Rồi ông được thầy đưa cho tiền đánh máy chương 1. Một hôm, ông đến hỏi về tiền đánh máy chương 2, thì thầy bảo đợi thầy lĩnh lương rồi mới có. Khi đó ông Huệ mới vỡ lẽ, từ năm ấy Viện không hỗ trợ tiền đánh máy cho thực tập sinh nữa, vậy là do câu nói kia của ông mà thầy Kozlov đã bỏ tiền riêng của mình ra cho ông thuê đánh máy luận án. Biết vậy, ông liền ngăn lại: Thầy không phải chi tiền nữa, tôi sẽ tự lo được![18]. Sau đó, ông dùng toàn bộ số tiền tích cóp được để thuê đánh máy và in luận án.

Tháng 5-1987, thực tập sinh Lê Xuân Huệ bảo vệ thử luận án, nhưng ông phải chờ 6 tháng sau mới được bảo vệ chính thức. Khi ông than phiền với một số sinh viên ở cùng về chuyện đã chi tiêu hết tiền cho luận án và không có tiền để mua quà cho vợ con, họ mách nước cho ông đi làm ở một nhà máy chuyên sản xuất bản lề. Ban đầu, ông lo sức khỏe không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đó là bởi ông bị viêm khớp nặng vào đợt rét đỉnh điểm ở Leningrad năm 1986, có lúc nhiệt độ xuống tới -390C và kéo dài suốt một tuần, như ông kể lại: Thời tiết lạnh đến mức khi bước ra đường thì nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng. May mà tôi đã mua sẵn một số đồ ăn dự trữ nên cả tuần không phải ra ngoài[19]. Lạnh đến mức kính trên cửa phòng ông ở bị nứt vỡ, hệ thống sưởi hơi nước thì bị đóng băng, nên bệnh viêm khớp của ông tái phát. Ban quản lý ký túc xá phải cử người đến sửa chữa cửa và mang một chiếc bếp sưởi điện đến giúp cho phòng của ông ấm hơn. Mặc dù sức khỏe không tốt, nhưng khi được biết có nhiều cựu thương binh người Nga cũng làm ở nhà máy này, ông xin vào làm việc trong thời gian 6 tháng. Sau khi học các quy định về phòng cháy chữa cháy và an toàn lao động, ông được giao làm bản lề cho cánh cửa và tủ. Một chuyện đã xảy ra ở đây khiến PGS Lê Xuân Huệ không thể quên: Có chàng thanh niên – là con của vị xưởng trưởng – thích một cô sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định của Đại sứ quán Việt Nam thì trong thời gian học không được yêu, và cô sinh viên cũng không thích anh bạn này, vì thế nên cô hay lảng tránh bằng cách đi ăn cơm cùng ông Huệ. Thấy vậy, anh ta tỏ ra ghen tức và thường gây khó dễ cho ông. Anh ta làm ca trước, nên khi ông đến làm thì không bàn giao máy móc cho ông. Một số người trong xưởng bênh vực ông Huệ, còn cô gái vẫn tiếp tục tránh mặt, cuối cùng anh ta phải bỏ cuộc. Về thu nhập từ việc làm bản lề, PGS Huệ cho biết: Thời gian đó, lương của chúng tôi được tính theo sản phẩm, mỗi ngày phải làm đúng định mức là số bản lề đựng đầy trong 10 chiếc xô, nhưng tôi thường làm vượt mức 5 xô[20]. Tuy nhiên, mọi người thường nộp lại 10% số tiền thu nhập để ủng hộ những người Liên Xô một mình nuôi con.

Tháng 11-1987, thực tập sinh Lê Xuân Huệ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Ong ký sinh họ Scelionidae khu hệ Việt Nam (hình thái, sinh học, phân bố, sinh thái, phân loại và ý nghĩa kinh tế)”. Luận án mô tả một cách tổng quát các đặc điểm hình thái và sự tiến hóa của 224 loài ong thuộc họ Scelionidae trong khu hệ Việt Nam. Hội đồng chấm luận án cũng như TS Kozlov đều đề nghị tác giả ở lại Liên Xô một thời gian để hoàn thiện thêm bản luận án trước khi xuất bản thành sách. Vì vậy, ông làm đơn đề nghị và được Đại sứ quán Việt Nam cho phép ở lại thêm 6 tháng. Song, ông chỉ được hỗ trợ kinh phí 3 tháng đầu, mỗi tháng 105 rúp theo chế độ học bổng dành cho thực tập sinh, còn sau đó ông phải tự túc. Ông hoàn thành bản thảo trong thời gian 3 tháng, chủ yếu là bổ sung thêm phần mô tả các loài ong ký sinh trứng. Tuy vậy, do không có kinh phí xuất bản nên cuốn sách của ông chưa thể ra đời được. Tháng 2-1988, TS Lê Xuân Huệ mang bản thảo đó cùng hai cuốn luận án tiến sĩ của mình về nước, nộp một cuốn luận án cho Thư viện Quốc gia. Mãi đến năm 2000, ông mới chuyển bản thảo thành cuốn sách bằng tiếng Việt và được Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành tại Hà Nội. Đó là cuốn Ong ký sinh trứng họ Scelionidae, tập 3 của bộ Động vật chí Việt Nam, thuộc cụm công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010, gồm Động vật chí Việt Nam, Thực vật chí Việt Nam, Sách đỏ và Danh lục đỏ Việt Nam.

PGS Lê Xuân Huệ còn kể lại rằng, ông rời quê hương Bình Định đi tập kết ra Bắc năm 1954, rồi đến năm sau cụ thân sinh của ông cũng tập kết ra Bắc. Nhưng mãi đến năm 1956 hai cha con mới gặp được nhau. Ngay trong lần đầu tiên tìm đến thăm con trai đang học tại trường Học sinh miền Nam số 24 ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), cụ đã nhắc nhở: Con học như thế nào cho xứng đáng, các em con ở trong quê không được học![21]. Khắc ghi lời cha, trong suốt quá trình học tập và công tác, ông luôn cố gắng hết mình với tinh thần ham học hỏi và không quản ngại khó khăn để vươn lên. Cũng nhờ lời nhắc nhở đó, ông có thêm động lực để hoàn thành hai luận án kế tiếp nhau ở Liên Xô và công trình xuất bản Động vật chí Việt Nam tập 3. Đây là những tài liệu quý nghiên cứu về loài ong ký sinh trứng thuộc họ Scelionidae. Hai cuốn luận án không chỉ có giá trị khoa học đáng kể, mà còn chứa đựng giá trị tinh thần lớn lao đối với PGS.TSKH Lê Xuân Huệ.

Lê Thị Lợi

________________________

* PGS.TSKH Lê Xuân Huệ, chuyên ngành Sinh học, nguyên Trưởng phòng Hệ thống học côn trùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học vàCông nghệ Việt Nam.

[1] Ghi âm hỏi thông tin PGS Lê Xuân Huệ, 6-10-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Nay là Bộ Giáo dục vàĐào tao.

[3] Từ năm 2006 gọi là trường ĐH Hà Nội.

[4][5][6][7] Ghi âm hỏi thông tin PGS Lê Xuân Huệ, 6-10-2016, tài liệu đã dẫn.

[8] Nay là Viên Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

[9][10]Ghi âm phỏng vấn PGS Lê Xuân Huệ, 26-10-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học ViệtNam.

[11] Tỉnh Gia Lai – Kon Tum về sau tái lập thành hai tỉnh là Gia Lai và Kon Tum.

[12] Năm 1984 sư đoàn 332 chuyển thành Liên hiệp Lâm – công nghiệp Kon Hà Nừng, do Bộ Công nghiệp quản lý, sau một thời gian thì giải thể.

[13][14][15][16][17][18][19] Ghi âm phỏng vấn PGS Lê Xuân Huệ, 26-10-2016, tài liệu đã dẫn.

[20] Ghi âm phỏng vấn PGS Lê Xuân Huệ, 19-11-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[21] Lý lịch khoa học của PGS Lê Xuân Huệ, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.