Chuyện về 16 cuốn sổ ghi chép

Sau khi tốt nghiệp năm 1967, sinh viên Bùi Minh Toán được trường ĐH Sư phạm Hà Nội giữ lại làm giảng viên ở bộ môn Ngôn ngữ, khoa Văn. Năm 1976, ông cùng với Lê A (ĐH Sư phạm Hà Nội), Nguyễn Minh Thuyết (ĐH Sư phạm Việt Bắc) và Phan Mạnh Hùng (Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) trúng tuyển nghiên cứu sinh và được cử sang Liên Xô đào tạo ngôn ngữ học ở trường ĐH Tổng hợp Leningrad. Ngay sau đó, ông lại nhận được quyết định của Bộ Giáo dục điều chuyển lên công tác tại khoa Văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội II có trụ sở đóng tại tỉnh Vĩnh Phú. Tuy vậy, theo nguyện vọng của ông, Bộ cũng đồng ý cho đi nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ chuyên môn.

Khoảng tháng 9-1977, ông Bùi Minh Toán và các bạn cùng lên đường sang Liên Xô. Trong giờ phút chia tay gia đình tại ga Hà Nội, ông càng thương vợ và hai đứa con sinh đôi mới được 4 tuổi sẽ vất vả hơn trong hoàn cảnh đất nước đang có nhiều khó khăn và ông đi du học nhiều năm liền. Sau chuyến hành trình bằng tàu hỏa kéo dài khoảng một tuần, bốn nghiên cứu sinh mới tới được hội đồng hương lưu học sinh Việt Nam ở trường ĐH Tổng hợp Leningrad chào đón trong không khí vui mừng. Ngôi trường này nằm ngay cạnh dòng sông Neva thơ mộng và Cung điện Mùa đông tráng lệ, là một trong những trường đại học có lịch sử lâu đời nhất ở Liên Xô, kiến trúc và màu sắc (màu nâu gạch) đều mang đậm nét cổ kính – GS Bùi Minh Toán tự hào giới thiệu về nơi đã đào tạo mình hồi ấy[1].

Cả bốn nghiên cứu sinh Việt Nam được cử về bộ môn Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, thuộc khoa Đông phương học. Trong văn phòng bộ môn, ảnh chân dung các nhà khoa học nổi tiếng được treo trên tường, có cả ảnh nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn[2]. Trường ĐH Tổng hợp Leningrad khi đó có ba chuyên gia nghiên cứu về tiếng Việt là PGS.TS I.X. Bystrov, PGS.TS X.E. Jakhontov và PGS.TS V.X. Panfilov. Đến nay, ký ức của ông về những người thầy này vẫn vẹn nguyên: PGS.TS Bystrov trầm tính, PGS.TS Jakhontov thâm thúy và PGS.TS Panfilov có vẻ hài hước hơn. Các thầy đều nghiêm túc, tận tình và am hiểu lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nghiên cứu sinh Bùi Minh Toán được PGS.TS Bystrov hướng dẫn và PGS.TS Jakhontov hỗ trợ thêm.

Trước khi sang Liên Xô, các nghiên cứu sinh đã được học tiếng Nga ở trong nước, nhưng còn nhiều bất cập. Vì thế, năm đầu tiên Bùi Minh Toán và các bạn theo học lớp tiếng Nga trong 6 tháng, mỗi giáo viên phụ trách một nhóm 4-5 học viên. Ngoài giờ học trên lớp, cô giáo còn đưa các nghiên cứu sinh đi xem biểu diễn nghệ thuật, hoặc tổ chức cho nhóm sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt Nam học tiếng Nga giao lưu với nhóm sinh viên và nghiên cứu sinh người Nga học tiếng Việt. Bên cạnh đó, thông qua giao tiếp hàng ngày cũng như tham gia các kì nghỉ hè ở Sochi hay các hoạt động chính trị – xã hội như kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, kỷ niệm ngày sinh lãnh tụ V.I. Lênin…, trình độ tiếng Nga của các nghiên cứu sinh ngày càng được cải thiện.

Sau khóa học tiếng Nga, các nghiên cứu sinh ngôn ngữ đến từ Việt Nam bước vào học ba chuyên đề: Ngôn ngữ học đại cương, Đặc điểm loại hình của các ngôn ngữ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Phương pháp nghiên cứu trong ngôn ngữ học. Mỗi chuyên đề khoảng 50 tiết, kết thúc chuyên đề này mới học sang chuyên đề khác. Với đề tài luận án được xác định làChuỗi động từ trong tiếng Việt, ban đầu Bùi Minh Toán định chỉ tập trung vào vấn đề quan hệ chính phụ, nhưng rồi thầy Bystrov khuyên nên mở rộng thêm hai quan hệ nữa: liên hợp và chủ vị. Như vậy, đề tài có phạm vi rộng hơn và tính chất phức tạp hơn, đòi hỏi tham khảo nguồn tư liệu phong phú.

16 cuốn sổ ghi chép của nghiên cứu sinh Bùi Minh Toán, thời kỳ 1977-1981

Trong khoa học xã hội, khai thác tư liệu và ghi chép luôn là phương pháp nghiên cứu quan trọng. Bùi Minh Toán đam mê môn văn từ thời trung học, nên sớm làm quen với phương pháp này. Để phục vụ cho việc làm luận án, ông tìm tới thư viện của trường ĐH Tổng hợp Leningrad và Thư viện Tổng hợp thành phố Leningrad – hai nơi lưu trữ khá nhiều tài liệu ngôn ngữ học, có cả sách viết về tiếng Việt từ những năm 30 của thế kỉ XX. Bên cạnh đó, một số tài liệu chỉ có ở Thư viện Quốc gia Lênin ở Moskva, NCS Bùi Minh Toán phải tới đây đọc. Thời ấy, hầu hết lưu học sinh Việt Nam không có tiền để thuê phòng khách sạn, NCS Bùi Minh Toán cũng vậy và ông xin ở nhờ phòng của NCS Hà Lương Tín[3]tại ký túc xá trường ĐH Tổng hợp quốc gia Moskva (MGU). Như ông kể lại: Bạn tôi ở riêng một phòng khá rộng rãi và thoải mái. Trong phòng không có lò sưởi, nhưng có đường ống dẫn nước nóng xung quanh tường để phả nhiệt vào mùa đông. Nhờ có chỗ ở ổn định, ông tranh thủ được nhiều thời gian sử dụng thẻ thư viện để tập trung đọc tư liệu ở Thư viện Quốc gia Lênin từ ngày 23-8 đến ngày 15-9-1979.

Lúc bấy giờ, các thư viện ở Liên Xô chưa có máy photocopy, bạn đọc phải ghi chép tại chỗ và có thể mượn một số tài liệu phổ thông về nhà. Dù ở thư viện nào, NCS Bùi Minh Toán cũng đọc và ghi chép cẩn thận các nội dung quan trọng vào sổ. Tổng cộng ông đã sử dụng tới 16 cuốn sổ, loại sổ giấy trắng cùng cỡ 16,2cm x 20,3cm, bìa thì cuốn có màu xanh, màu hồng, hay vàng nhạt. Độ dày của những cuốn sổ này khác nhau và số giấy ông đã sử dụng cũng không giống nhau: có cuốn mới hết 10 trang, có cuốn hết 44 trang, nhưng có cuốn phải bổ sung thêm giấy. Mỗi cuốn đều tập hợp thông tin – tư liệu ông thu thập được từ vài nguồn, thường ghi rõ tên tài liệu và tên tác giả ở trang bìa. Qua đó cho thấy, NCS Bùi Minh Toán tiếp cận tổng số 66 tài liệu, có những công trình nghiên cứu của một số nhà khoa học nổi tiếng như: Những khái niệm cơ bản của ngữ pháp các ngôn ngữ đơn lập (X.E. Jakhontov), Những động từ chỉ chuyển động có phương hướng trong tiếng Việt (I.X. Bystrov), Các cấu trúc bị động trong tiếng Việt Nam (V.X. Panfilov), Ngữ pháp tiếng Việt (Nguyễn Tài Cẩn), Việt ngữ nghiên cứu (Phan Khôi), Góp ý kiến về từ loại thuật từ (Phan Ngọc)…

Nghiên cứu sinh Bùi Minh Toán thường ghi chép bằng tiếng Nga xen lẫn tiếng Việt và tiếng Trung. Về điều này, ông chia sẻ: Việc ghi chép bằng tiếng Nga không chỉ giúp tôi lưu giữ thông tin chính xác mà còn tích lũy vốn từ, rèn luyện ngữ pháp. Ngoài ra, tôi cũng tham khảo một số luận án nghiên cứu về động từ trong tiếng Trung Quốc, ngôn ngữ có nhiều nét tương đồng với tiếng Việt. Trong quá trình đọc và ghi chép, nếu nảy ra ý tưởng nào đó hoặc cần chú thích thêm, tôi ghi bằng tiếng Việt. Ông ghi chép thành các mục khá rõ ràng với ba màu mực: đen, đỏ, xanh; đồng thời còn gạch chân hoặc khoanh các cụm từ và các câu quan trọng, ông cũng hay viết tắt một số từ như “ngữ pháp” (np), “ngôn ngữ” (nn)… Nét chữ tròn trịa và ngay ngắn, thể hiện sự cẩn thận của người viết.

Từ năm thứ ba, NCS Bùi Minh Toán chú tâm thực hiện luận án, nhưng ông vẫn đi làm ở nhà máy vào ngày chủ nhật để có thêm thu nhập. Ông cho biết: Các nghiên cứu sinh Việt Nam thường chọn công việc khá đơn giản. Tôi làm công nhân chuyển vải kiện từ đầu ra của dây chuyền sản xuất lên ô tô. Vì làm ngày chủ nhật nên tôi được trả mức lương cao hơn ngày thường. Cuộc sống của các nghiên cứu sinh tại trường ĐH Tổng hợp Leningrad tương đối êm đềm. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, lưu học sinh Việt Nam tổ chức gặp mặt vui vẻ, có trang trí hoa đào và gói bánh chưng. Nhưng có một lần vào năm 1980, khi Liên Xô tổ chức Thế vận hội Mùa hè, trường ĐH Tổng hợp Leningrad có kế hoạch chuyển sinh viên và nghiên cứu sinh nước ngoài đến ở tạm một nơi khác để nhường chỗ cho các đoàn thể thao. Tuy nhiên, sự kiện Liên Xô can thiệp quân sự vào Afghanistan đã khiến nhiều nước phương Tây tẩy chay thế vận hội này. Vì vậy, số đoàn thể thao giảm đáng kể, sinh viên và nghiên cứu sinh của trường không phải chuyển chỗ ở nữa.

Cuốn luận án Phó tiến sĩ của nghiên cứu sinh Bùi Minh Toán, 1981

Dựa vào vốn kiến thức của mình, NCS Bùi Minh Toán viết bài “Về các câu có các vị ngữ liên hợp được biểu hiện bằng động từ trong tiếng Việt”, được đăng trên tạp chí Ngôn ngữ ở Việt Nam (số 4-1980). Về luận án, sau khi viết xong mỗi chương, ông gửi ngay cho PGS Bystrov và PGS Jakhontov để các thầy góp ý kịp thời. Cuối năm 1981, bản luận án “Chuỗi động từ trong tiếng Việt” của NCS Bùi Minh Toán hoàn thành, tập trung giải quyết bốn vấn đề: 1- Thế nào là động từ; 2- Đặc điểm của động từ trong các ngôn ngữ; 3- Sự kết hợp của các động từ tiếng Việt với nhau theo ba quan hệ chính và tạo nên ba kiểu chuỗi cơ bản: chủ vị, liên hợp, chính phụ; 4- Đặc điểm của động từ tiếng Việt so với động từ tiếng Nga, tiếng Pháp. Khi ấy, việc in ấn ở Liên Xô còn nhiều khó khăn, chưa có máy vi tính và máy photocopy, tất cả đều phải đánh máy chữ, mỗi lần chỉ được ba bản màchữ lại không đều và không thật nét.

Nghiên cứu sinh Bùi Minh Toán bảo vệ luận án trước hội đồng khoa học gồm 19 thành viên, họ là những chuyên gia ngôn ngữ học đến từ nhiều đơn vị liên quan đến đào tạo ở Liên Xô. Vấn đề được các chuyên gia quan tâm nhiều nhất là điểm giống và khác nhau của các hiện tượng trong chuỗi động từ tiếng Việt và tiếng Nga. Ông chưa quên câu trả lời tự tin của mình hôm đó: Trong tiếng Việt, hai động từ kết hợp với nhau tạo thành chuỗi không có động từ biến đổi hình thái, nhưng trong tiếng Nga thì bắt buộc một trong hai động từ phải biến đổi. Với 18 phiếu đồng ý và 1 phiếu trắng từ hội đồng khoa học, ông đạt học vị Phó tiến sĩ ngôn ngữ học.

Những tư liệu mà NCS Bùi Minh Toán ghi chép được cùng sự hướng dẫn tận tình của các thầy trong thời gian nghiên cứu sinh giúp ông không chỉ tìm hiểu về lý thuyết ngôn ngữ học của Liên Xô và nhiều nước trên thế giới, mà còn vận dụng để giải quyết những vấn đề ngôn ngữ trong tiếng Việt. Đó cũng là cơ sở để ông mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình, từ động từ và ngữ pháp đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn chương. Với ông, đây là những tài liệu thật sự quý. Bởi thế, trên chuyến máy bay từ Liên Xô trở về Việt Nam đầu năm 1982, mặc dù chỉ được mang theo 20kg hành lý nhưng ông đã ưu tiên cho quần áo và các tài liệu quan trọng, trong đó có đủ 16 cuốn sổ ghi chép. Sau này, tuy gia đình GS Bùi Minh Toán chuyển nhà vài lần nhưng 16 cuốn sổ luôn được ông giữ gìn cẩn thận.

Đã gần 40 năm trôi qua, nguồn thông tin – tư liệu chứa đựng trong 16 cuốn sổ của GS Bùi Minh Toán có thể vẫn có giá trị đối với những ai nghiên cứu về ngôn ngữ. Mỗi khi đọc lại hay đơn giản là nghĩ về những cuốn sổ ấy, ông lại cảm thấy sự gần gũi thân thiết của đất nước và con người Nga, cùng bao ký ức sâu đậm về 4 năm làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Đây cũng là những kỷ vật gắn liền với thói quen ghi chép của ông, một công việc cần thiết đối với người làm khoa học. Ngày 14-9-2016, GS Bùi Minh Toán đã tặng 16 cuốn sổ ghi chép cùng bản luận án Phó tiến sĩ của ông cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

 

Nguyễn Thị Hợp

_____________________

* GS.TS Bùi Minh Toán, chuyên ngành Ngôn ngữ, nguyên Chủ nhiệm khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội II.

[1] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Bùi Minh Toán, 9-1-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, những lời kể của ông đều trích dẫn từ tài liệu này.

[2] GS.TS Nguyễn Tài Cẩn, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ, khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

[3] Đây là người bạn cùng quê Thái Bình với ông Bùi Minh Toán, sau trở thành giảng viên trường Đại học Mỏ – Địa chất.