Bản thảo báo cáo của công trình Tiếng Mnông

Bản thảo có tên đầy đủ là “Về công trình Tiếng Mnông (Báo cáo quá trình thực hiện và nội dung cơ bản của công trình)”, do PTS Bùi Khánh Thế chấp bút. Bản thảo gồm 13 trang khổ 21cm x 31cm, viết tay bằng bút bi mực xanh trên giấy một mặt, nay đã ố vàng, quăn mép, trình bày khái quát về đề tài “Tiếng Mnông” sau khi đã cơ bản hoàn thành.

GS.TS Bùi Khánh Thế được biết đến là một nhà ngôn ngữ học đi lên bằng con đường tự học. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi làm giáo viên Nga văn ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông thường đến giảng đường khoa Ngữ văn để dự thính các tiết học của sinh viên, đồng thời tìm sách và tự tìm hiểu về ngôn ngữ học. Được sự giúp đỡ tận tình của các thầy như Hoàng Tuệ, Nguyễn Tài Cẩn, ông tự hoàn thành khóa luận tốt nghiệp và được cấp bằng đại học năm 1968. Năm 1981, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ngôn ngữ học mà không có người hướng dẫn. Sau này, ông có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số như Chăm, Mnông, Tày, Nùng… và cũng là người góp phần quan trọng trong việc xây dựng, phát triển khoa Đông phương học ở trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

Vào thời điểm năm 1984, PTS Bùi Khánh Thế là cán bộ khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và ông tham gia công trình nghiên cứu “Tiếng Mnông”. Sang năm 1985, chủ nhiệm đề tài là PTS Đinh Lê Thư đi làm chuyên gia ở nước ngoài, nên PTS Bùi Khánh Thế được cử làm chủ nhiệm công trình nghiên cứu này. Công trình được thực hiện theo chủ trương của tỉnh Đắc Lắc, xuất phát từ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, mà cụ thể nhất là Quyết định 53-CP ngày 22-2-1980 của Hội đồng Chính phủ về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số. Việc nghiên cứu bắt đầu từ tháng 3-1984 và kết thúc vào tháng 6-1986, với yêu cầu khảo sát, nghiên cứu, miêu tả ngôn ngữ của dân tộc Mnông. Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật của tỉnh Đắc Lắc, đề tài “Tiếng Mnông” chịu sự giám sát trực tiếp của hai cơ quan cấp tỉnh là Ban Khoa học kỹ thuật và Sở Giáo dục; còn cơ quan thực hiện là bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Ngoài cán bộ thuộc bộ môn Ngôn ngữ học[1], đề tài còn có sự tham gia của một số cán bộ, trí thức người Mnông và hai khóa sinh viên ngôn ngữ học ở trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

Trang đầu của bản thảo báo cáo về công trình Tiếng Mnông, 1986

Theo GS Bùi Khánh Thế, tỉnh Đắc Lắc trông đợi kết quả của đề tài này sẽ tạo cơ sở để đưa tiếng nói và chữ viết Mnông vào ứng dụng, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào dân tộc Mnông. Với ý nghĩa thiết thực như vậy, đây là công trình nghiên cứu nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ nhiệt tình của cả cán bộ và nhân dân Mnông. Những cán bộ, trí thức Mnông đã tham gia hết sức tích cực trong quá trình khảo sát và biên soạn, nhân dân ở các buôn làng đã giúp đỡ đoàn cán bộ nghiên cứu rất tận tình.

Kết quả, đề tài xây dựng được 4 cuốn sách2 và 3 sản phẩm khác:

1) Cuốn Tiếng Mnông: ngữ pháp ứng dụng;

2) Cuốn Từ điển đối chiếu tiếng Mnông: Mnông – Việt;

3) Cuốn Từ điển đối chiếu tiếng Mnông: Việt – Mnông Preh;

4) Cuốn Từ điển đối chiếu tiếng Mnông: Việt – Mnông Rlâm;

5) Bản “Dự thảo chương trình ngữ văn Mnông (dùng cho các trường phổ thông cơ sở có học sinh Mnông)”;

6) Phương án chữ viết Mnông;

7) Báo cáo khoa học về tiếng Mnông.

Quá trình thực hiện đề tài được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ tháng 3-1984 và kết thúc vào tháng 12 năm đó. Trong giai đoạn này, bộ phận nghiên cứu đã cùng với Sở Giáo dục tỉnh Đắc Lắc tổ chức một số cuộc tọa đàm nhằm xác định các điểm đến khảo sát, đồng thời liên hệ với cộng tác viên người Mnông và thống nhất chương trình khảo sát phương ngôn Mnông. Tiếp theo, tiến hành nghiên cứu điền dã để thu thập tư liệu về phương ngôn và ngữ âm. Hàng chục cán bộ chuyên môn và 15 sinh viên ngôn ngữ học đi khảo sát tại tất cả các huyện có người Mnông cư trú. Công việc chính là tiếp xúc với đồng bào và tổ chức tọa đàm tại một số xã nhằm xác định đặc điểm xã hội cũng như đặc điểm ngôn ngữ học cần có của phương án chữ viết. Cũng thông qua đó, hàng loạt cứ liệu ngữ âm và từ vựng dùng làm cơ sở cho việc xác định đặc điểm cấu trúc địa lý của tiếng Mnông đã được tập hợp.

Một công đoạn quan trọng khác trong giai đoạn thứ nhất là xử lý tư liệu và phác thảo phương án chữ viết. Các cán bộ nghiên cứu đã kết hợp chặt chẽ với một nhóm trí thức người Mnông3 để xử lý tài liệu phương ngôn, ngữ âm và kết quả cuối cùng là một phương án chữ viết Mnông được trình lên lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc vào tháng 12-1984. Phương án này được thông qua, có một số điều chỉnh, và trở thành phương án chính thức dùng để biên soạn các sách công cụ.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ tháng 1-1985 và kết thúc vào tháng 6-1986, với nhiệm vụ chủ yếu là biên soạn sách công cụ về ngữ pháp và từ điển đối chiếu. Trước hết, phải thu thập ngữ liệu, các nguồn ngữ liệu về tiếng Mnông đều được chú ý sưu tầm, bao gồm ngữ liệu trong một số sách về tiếng Mnông công bố trước giải phóng miền Nam (30-4-1975), ngữ liệu thuộc nguồn ngôn ngữ nói thường ngày của nhân dân Mnông ở các địa phương khác nhau, ngữ liệu thuộc vốn sáng tác dân gian truyền thống của người Mnông.

Các trí thức dân tộc Mnông kết hợp chặt chẽ với cán bộ ngôn ngữ học nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể trong việc miêu tả cơ cấu ngôn ngữ: sắp xếp từ ngữ đối chiếu, xử lý nghĩa của từ ngữ, phân tích cơ cấu ngữ pháp… Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phối hợp với một số cán bộ sinh học của trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh trong việc nghiên cứu từ ngữ để làm từ điển đối chiếu, cụ thể là tổ chức cho một nhóm cán bộ sinh học đi điền dã để thu thập tư liệu, sau đó họ giúp xử lý các từ ngữ chỉ động vật và thực vật ở vùng cư trú của đồng bào Mnông. Nhờ vậy, một bộ phận quan trọng từ ngữ thể hiện sắc thái riêng của nhóm từ chỉ động vật và thực vật được đưa vào từ điển đối chiếu.

Kể về những chuyến đi điền dã ở vùng người Mnông hồi ấy, GS Bùi Khánh Thế vẫn nhớ: Các bạn nữ sinh không quen ngủ nhà sàn, nhà dài của đồng bào dân tộc, chỗ ngủ không có vách ngăn, không có buồng riêng biệt. Các bạn sinh viên phải căng màn cá nhân làm buồng, nhưng vẫn khó ngủ. Dưới sàn nhà, theo tập quán, đồng bào nuôi gia súc, gia cầm, nên vừa có tiếng lợn và bò kêu, vừa có mùi lạ, vì thế khó ngủ. Nhưng chỉ năm, bảy hôm rồi cũng thích nghi dần… Bây giờ nhiều người trong số đó đã là thạc sĩ, tiến sĩ cả rồi, nhưng những trải nghiệm như vậy không phải thế hệ sinh viên ngôn ngữ nào cũng có được4.

Đề tài đã dành khá nhiều thời gian cho công đoạn thể hiện kết quả nghiên cứu thành các công trình miêu tả. GS Bùi Khánh Thế cho biết, ở bước này cần huy động không chỉ toàn bộ cứ liệu ngôn ngữ Mnông đã thu thập và xử lý sơ bộ trước đó, mà cả những cơ sở khoa học thích hợp đối với mục đích miêu tả, nghiên cứu, và cả kỹ thuật, thủ pháp hết sức cụ thể, nhất là khi làm từ điển đối chiếu.

Công đoạn cuối cùng trước khi trình hội đồng nghiệm thu là tổ chức đánh giá, điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm của đề tài. Các sản phẩm được giao cho phòng Ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh (Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) để nhận xét, người được phân công đọc trực tiếp là PTS Hồ Lê. Sau đó, những ý kiến của cơ quan phản biện được nhóm nghiên cứu trao đổi lại, giải thích và tiếp thu.

Trong bản báo cáo tổng kết đề tài, PTS Bùi Khánh Thế trình bày 4 phần nội dung chính: Những vấn đề chung; Quá trình thực hiện đề tài; Những nội dung cơ bản của đề tài; Vấn đề tiếp thu các nhận xét của cơ quan phản biện, nâng cao chất lượng đề tài. Thông qua bản thảo báo cáo này, có thể nắm được cơ bản những nội dung của công trình “Tiếng Mnông” cũng như quá trình hoàn thiện nó.

Trong hồ sơ lưu trữ của GS Bùi Khánh Thế tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bên cạnh những bản báo cáo về công trình, chúng tôi tìm thấy quyển sổ đã cũ và ố vàng mà ông dùng để ghi lại lịch trình và nội dung nhiều buổi làm việc ở Đắc Lắc. Ông cũng ghi vào đó cả đặc điểm địa lý, sự phân bố dân cư tỉnh Đắc Lắc, có chỗ ghi cả những chữ Mnông và dịch ra tiếng Việt. Ở trang thứ ba của quyển sổ, ông ghi lịch trình làm việc như sau: Sáng thứ hai, 19-3: đi làm việc ở Chư Jút; Chiều thứ hai, 19-3: tọa đàm với cán bộ trong tỉnh; Sáng thứ ba, 20-3: dự thảo đề án công tác, hợp đồng; Chiều thứ ba, 20-3: thông qua đề án, ký hợp đồng; Thứ tư, sáng 21-3: đi làm việc ở một địa phương; Chiều thứ tư, 21-3: về tỉnh; Thứ năm, 22-3: làm việc với ban biên tập sách giáo khoa Êđê; Chiều thứ năm, 22-3: thảo luận về kế hoạch làm việc và tổ chức biên tập sách giáo khoa chữ Mnông5.

Còn đây là ghi chép ngày 17-12-1984, khi công trình nghiên cứu đã thu được một số kết quả: Anh Ama Thương (Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) phát biểu sau khi nghe trình bày (về kết quả bước đầu của đề tài tiếng Mnông thực hiện được trong năm 1984): “Thành công lớn, nghiên cứu công phu. Đã tập trung sức, suy nghĩ, có tác dụng lớn đến đời sống văn hóa, kinh tế các dân tộc. Không những thế, mà còn có tác dụng lớn về chính trị. Cần thực nghiệm, qua ý kiến nhân dân mà có thể điều chỉnh. Thường vụ tỉnh ủy và UBND đã nhất trí là bằng bất cứ giá nào, tốn kém bao nhiêu cũng làm cho được”… Đ/c Nguyễn Năng Tâm (Ban nghiên cứu giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục): “Nhu cầu có chữ viết phục vụ cho văn hóa giáo dục, chúng tôi rất hoan nghênh thành công rất tốt đẹp bước đầu của các đồng chí. Các đồng chí đã nghiên cứu rất cụ thể, công phu và có căn cứ thực tế khoa học. Bộ đã thành lập hội đồng duyệt các phương án giáo dục song ngữ Êđê, Giarai… Căn cứ chính trị: các việc làm của các đồng chí đã bám sát những chủ trương đường lối của chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ”… Đ/c Y Triết (cán bộ người Mnông, công tác ở Sở Công an tỉnh Đắc Lắc): “Hoan nghênh sự nỗ lực của các đồng chí, đã nghiên cứu và đã đưa ra được kết quả như hôm nay. Qua sự trình bày của chị Thư, thấy là phải hợp với thực tế… Phải làm cho chữ Mnông gần với chữ phổ thông là trước hết, rồi với chữ Êđê, Giarai, làm cho các dân tộc dễ hiểu nhau”6.

Trong quá trình thực hiện đề tài “Tiếng Mnông”, có những vấn đề quan trọng đặc biệt được nhóm nghiên cứu thảo luận nhiều lần, đặc biệt là về chữ viết. Trong bản thảo báo cáo khoa học “Vấn đề chữ viết Mnông hiện nay” trình bày tháng 12-1984 tại bộ môn Ngôn ngữ học ở trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, PTS Bùi Khánh Thế nhấn mạnh: Chữ viết Mnông cũng như bất kỳ hệ thống chữ viết dân tộc nào ở Việt Nam, đều phải nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc thiểu số phát triển nhanh về kinh tế và văn hóa, thực hiện ngày càng đầy đủ quyền bình đẳng giữa các dân tộc, đáp ứng yêu cầu chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số và tăng cường sự thống nhất Tổ quốc7. Ông cũng cho rằng một hệ thống chữ viết sẽ có ưu thế lớn nếu nó trở thành đại diện của ngôn ngữ văn học. Dựa trên thực trạng của tiếng Mnông, phương án chữ viết ban đầu mới chỉ là hình ảnh của ngôn ngữ nói. Mục tiêu xây dựng tiếng Mnông từ trạng thái khẩu ngữ lên trạng thái ngôn ngữ văn học phải là căn cứ để giải quyết vấn đề chữ viết Mnông.

Căn cứ vào những kết quả khảo sát, nghiên cứu, PTS Bùi Khánh Thế cho rằng có 4 yếu tố chi phối việc giải quyết vấn đề chữ viết: Chính sách ngôn ngữ của nhà nước phản ánh đường lối dân tộc và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc Việt Nam trong thời đại lịch sử mới; Cơ cấu của chính bản thân tiếng Mnông hiện nay, bao gồm cả cấu trúc địa lý (phương ngôn) của ngôn ngữ này; Viễn cảnh phát triển của tiếng Mnông, chữ viết Mnông và mục tiêu làm cho ngôn ngữ này hướng tới một thứ ngôn ngữ văn học ở khu vực dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc, đào tạo cán bộ; Truyền thống về quan hệ ngôn ngữ của dân tộc Mnông với các dân tộc khác, đặc biệt là với tiếng và chữ viết phổ thông, tiếng nói và chữ viết Êđê8. Vào thời điểm đó, PTS Bùi Khánh Thế nhận định rằng, trong giai đoạn hình thành, chữ viết phải phản ánh trạng thái ngôn ngữ nói. Song, một khi đã được sử dụng phổ biến trong đời sống và hoàn chỉnh dần, ngôn ngữ viết có cuộc sống độc lập nhất định của nó và có tác dụng ngược lại đối với ngôn ngữ nói. Tác dụng ấy có thể là tác dụng tích cực giúp cho sự thống nhất nhanh chóng các phương ngôn. Và ông nhấn mạnh: Chữ viết Mnông chúng ta đang góp phần xây dựng cần phải có tác động tích cực trong việc thúc đẩy mạnh hơn quá trình xích gần nhau và thống nhất giữa các nhánh Mnông khác nhau. Chẳng những thế, nó còn phải góp phần làm cho người Mnông dễ dàng, mau chóng và thuận tiện chuyển sang nắm vững tiếng và chữ viết chung của các dân tộc trong cả nước – tiếng Việt, chữ Việt9.

Song song với vấn đề xây dựng chữ viết, việc đưa tiếng Mnông vào chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông được coi là nội dung trọng điểm cần phải thực hiện trong đề tài “Tiếng Mnông”. Chương trình ngữ văn Mnông được xây dựng theo tinh thần của Quyết định 53-CP do Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 22-2-1980 và trên cơ sở kế hoạch giảng dạy của Bộ Giáo dục quy định cho các trường phổ thông cơ sở. Đồng thời, chương trình này cũng dựa vào tình hình đa dân tộc và đa ngôn ngữ của tỉnh Đắc Lắc, trong đó dân tộc Mnông đứng thứ 3 về dân số.

Tỉnh Đắc Lắc khi đó đã ban hành nghị quyết về việc dạy tiếng dân tộc bên cạnh tiếng Việt tại các trường phổ thông cơ sở có học sinh người dân tộc thiểu số. Theo nghị quyết, cần biên soạn chương trình và dạy thử nghiệm, tiến tới dạy rộng rãi tiếng Êđê và tiếng Mnông trong các trường có nhiều học sinh của hai dân tộc này. Sau nhiều tháng nghiên cứu xây dựng căn cứ khoa học về ngôn ngữ và biên soạn các sách công cụ như từ điển, ngữ pháp sơ giải…, Sở Giáo dục Đắc Lắc xúc tiến việc biên soạn các sách giáo khoa ngữ văn Mnông, mà “Chương trình bộ môn ngữ văn Mnông” – một sản phẩm nghiên cứu của đề tài “Tiếng Mnông” – là tài liệu hướng dẫn.

Theo GS Bùi Khánh Thế, mục đích của việc dạy môn này là làm cho học sinh Mnông nắm được tiếng mẹ đẻ của mình một cách có ý thức, một cách khoa học, nâng cao hiểu biết và vốn liếng tiếng mẹ đẻ. Việc nắm vững tiếng mẹ đẻ ở trường phổ thông cơ sở phải được diễn ra đồng thời và song song với việc học tiếng Việt. Điều đó sẽ có tác dụng từng bước hình thành vững chắc kỹ năng tư duy bằng hai thứ tiếng (Việt và Mnông). Để giúp học sinh Mnông nắm vững tiếng mẹ đẻ, việc xây dựng cho các em kỹ năng nắm được chữ viết Mnông có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là điều hoàn toàn mới lạ đối với học sinh, nhưng cần thiết cho giai đoạn các em chuyển sang tập viết chữ Việt. PTS Bùi Khánh Thế nhấn mạnh: Phương thức cấu tạo chương trình dạy tiếng Mnông ở các trường phổ thông phải tuân thủ các nguyên tắc giảng dạy song ngữ10.

Cuối năm 1986, công trình “Tiếng Mnông” hoàn thành. Ngay tại thời điểm ấy, một cuộc hội nghị giữa nhóm nghiên cứu và lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc được tổ chức và ông Y Ngông Niê Kđăm trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy đã có bài phát biểu đánh giá về đề tài này. Trong bài phát biểu của ông Y Ngông có những đoạn như: Có thể nói, đó là một tổ hợp công trình nghiên cứu, biên soạn toàn diện và khá hoàn chỉnh về tiếng Mnông, đáp ứng được mơ ước hàng bao đời nay của đồng bào dân tộc Mnông. Tôi tin rằng đồng bào Mnông sẽ đón nhận công trình này như đón nhận một thành tựu mà cách mạng mang lại cho mình, như đón nhận một công cụ có hiệu lực quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc mình… Về phương diện khoa học, công trình về tiếng Mnông là một công trình hoàn toàn có sức thuyết phục, có thể tin cậy được. Một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ của bộ môn Ngôn ngữ học, trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã đầu tư công sức nghiên cứu, biên soạn. Những cơ sở lý luận và phương pháp khoa học được xác định rõ ràng. Tính kế thừa những thành tựu của người đi trước được thể hiện trong suốt từng khâu công việc. Nhìn chung, toàn bộ công trình về tiếng Mnông tuy không phải là không có thiếu sót, nhưng nó đã đạt được các yêu cầu cơ bản của một công trình nghiên cứu khoa học. Đó là tính nghiêm túc về mặt khoa học, tư liệu phong phú và được lý giải xác đáng, đặc biệt là khả năng ứng dụng vào thực tiễn sử dụng và giảng dạy tiếng Mnông cho đồng bào dân tộc11.

Nhìn nhận sự cố gắng của nhóm cán bộ nghiên cứu, ông Y Ngông nói: Tôi muốn đặc biệt lưu ý tới ý thức trách nhiệm và tinh thần làm việc quên mình của đội ngũ cán bộ khoa học. Các đồng chí ấy đã tỏ rõ những phẩm chất tốt đẹp của người trí thức xã hội chủ nghĩa, gắn bó với nhân dân, không ngại gian khó, cố gắng cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển văn hóa giáo dục các dân tộc ít người12.

Theo GS Bùi Khánh Thế, mặc dù còn những điểm hạn chế, nhưng phần lớn các nhà khoa học đều đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu cũng như chất lượng của các sản phẩm. Trong hồ sơ về công trình này, có bản nhận xét của PTS Hồ Lê về hai quyển từ điển: Từ điển đối chiếu tiếng Mnông: Mnông – ViệtTừ điển đối chiếu tiếng Mnông: Việt – Mnông Preh. Ông Hồ Lê chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm và góp ý từng chỗ cụ thể, đặc biệt ông đánh giá cao: Ưu điểm lớn của quyển sách (cả hai quyển từ điển đối chiếu) là đã làm được một sự mở đường. Trước đây chưa có từ điển Mnông – Việt thì bây giờ đã có… Công việc đối dịch, chọn ví dụ minh họa và trình bày nội dung của từ điển đều được tiến hành nghiêm túc, và tuy không phải không còn những khuyết điểm cần sửa chữa, nhưng nhìn chung, quyển từ điển đã tương đối đạt yêu cầu của một công cụ tra cứu phục vụ cho nhà trường và cho những người Mnông học tiếng Việt… Tôi muốn khẳng định tinh thần trách nhiệm cao và tinh thần lao động hăng say, có hiệu quả của các tác giả, cũng như của tất cả những ai đã trực tiếp tham gia vào việc tổ chức biên soạn hai quyển từ điển nói trên13.

Đến nay, nhìn nhận lại công trình nghiên cứu này, GS Bùi Khánh Thế cho biết thêm: Đợt nghiên cứu về tiếng Mnông từ năm 1984 đến 1986 vừa đáp ứng yêu cầu của tỉnh lúc bấy giờ, vừa có tác dụng lâu dài. Bằng chứng là, khi tỉnh Đắc Lắc tách thành hai tỉnh (Đắc Lắc và Đắc Nông) thì các kết quả nghiên cứu vẫn được tiếp tục sử dụng để hoàn thiện chữ viết Mnông và xây dựng bộ sách dạy và học tiếng Mnông cho tỉnh Đắc Nông. Không những vậy, đề tài “Tiếng Mnông” vẫn còn được kế tục và phát triển. Hiện nay, bộ phận Ngôn ngữ học của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh (đơn vị vừa tách từ khoa Ngữ văn và trở thành đơn vị độc lập trực thuộc trường) đang cử một đoàn cán bộ và sinh viên ngôn ngữ học đi điền dã để nghiên cứu các phương ngữ của người Mnông sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc. Riêng tôi, nhờ sự hiểu biết thêm qua nghiên cứu tiếng Mnông, tôi đã viết bài “Vùng tiếp xúc, giao lưu ngôn ngữ, văn hóa đặc sắc Tây Nguyên và một số vấn đề khoa học xã hội”, công bố năm 2002 trên tạp chí Khoa học xã hội của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ14.

Công trình “Tiếng Mnông” là một trong những đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn và ý nghĩa xã hội lớn trong những năm 80 của thế kỷ trước. GS Bùi Khánh Thế chia sẻ: Đây là một trong những đề tài nghiên cứu tâm đắc nhất của tôi, đã góp phần nhỏ bé vào những nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam15.

Qua một bản thảo báo cáo và một số tài liệu liên quan của đề tài “Tiếng Mnông”, đã hé lộ nhiều điều về công việc của những người nghiên cứu ngôn ngữ ở nước ta cách đây hơn 30 năm. Những tài liệu đó dù cũ kỹ, ố vàng nhưng không bao giờ chết, nó có sức sống mãnh liệt, giống như tinh thần vươn lên, tự học và nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học – GS.TS Bùi Khánh Thế.

Nguyễn Thanh Hóa

____________________

[1] Những cán bộ của bộ môn Ngôn ngữ học tham gia đề tài này gồm: Đinh Lê Thư, Bùi Khánh Thế, Trần Chút, Nguyễn Công Đức, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Huỳnh Bá Lân, Nguyễn Chương, Lê Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Mỹ.

2 Theo GS Bùi Khánh Thế, 4 cuốn sách này về sau đều đã được xuất bản.

3 Nhóm trí thức Mnông gồm 6 người cùng với một cán bộ ban biên soạn sách giáo khoa dân tộc thuộc Sở Giáo dục Đắc Lắc đã tập trung tại TP Hồ Chí Minh, làm việc với nhóm cán bộ ngôn ngữ học trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh trong tháng 10-1984.

4 Hỏi thông tin GS Bùi Khánh Thế, 6-4-2017.

5 Sổ ghi chép của GS Bùi Khánh Thế, 1984, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

6 Sổ ghi chép của GS Bùi Khánh Thế, 1984, tài liệu đã dẫn.

7 GS Bùi Khánh Thế, bản thảo báo cáo “Vấn đề chữ viết Mnông hiện nay”, 12-1984, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

8 GS Bùi Khánh Thế, bản thảo báo cáo “Vấn đề chữ viết Mnông hiện nay”, tài liệu đã dẫn.

9 GS Bùi Khánh Thế, bản thảo báo cáo “Vấn đề chữ viết Mnông hiện nay”, tài liệu đã dẫn.

10 GS Bùi Khánh Thế, “Dự thảo chương trình bộ môn ngữ văn Mnông (dùng cho các trường phổ thông cơ sở có học sinh Mnông)”, 21-12-1985, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

11 Bài phát biểu của ông Y Ngông Niê Kđăm, 1986, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

12 Bài phát biểu của ông Y Ngông Niê Kđăm, 1986, tài liệu đã dẫn.

13 Bản nhận xét của PTS Hồ Lê về hai quyển từ điển, 1986, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

14 Hỏi thông tin GS Bùi Khánh Thế, 6-4-2017.

15 Phỏng vấn GS Bùi Khánh Thế, 21-5-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.