Hai cuốn nhật ký thời sinh viên

Hai cuốn sổ đều có bìa đỏ, viết bằng mực đen và mực xanh. Cuốn thứ nhất gồm 84 trang giấy khổ 8cm x 12cm, viết từ năm 1962 đến năm 1964; cuốn thứ hai 43 trang, khổ 7,5cm x 10cm, viết năm 1966. Trải qua hơn nửa thế kỷ, hai cuốn nhật ký không còn nguyên vẹn, nhiều trang nhòe mực, một cuốn rách bìa, nhưng nét chữ nắn nót viết kín các trang giấy đã ghi lại nhiều tâm trạng, cảm xúc của chàng sinh viên Phùng Văn Trình kể từ những ngày đầu bước chân vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến khi tốt nghiệp.

Năm 1962, Phùng Văn Trình tốt nghiệp trường cấp 3 Trần Phú ở Vĩnh Phúc. Khi đang phân vân chưa biết chọn ngành vật lý hay toán để thi đại học, anh chợt nhớ đến thầy Phan Đình Diệu[1], bởi thầy đã từng đưa sinh viên trường Đại học Sư phạm về thực tập tại trường cấp 3 Trần Phú, và hồi ấy, anh đã trình bày với thầy về quy tắc khai căn bậc ba không cần sử dụng bảng logarit và về bài toán đường thẳng Simson do anh tự nghĩ ra. Anh mạnh dạn viết thư hỏi thầy Diệu về băn khoăn hiện tại của mình. Trong lá thư hồi âm, thầy Diệu nói đại ý rằng học toán hay lý ở Đại học Sư phạm hoặc Đại học Tổng hợp đều được, quan trọng là bản thân muốn học gì và phấn đấu như thế nào. Sau khi được nghe nhà trường giới thiệu về một số trường đại học và dựa vào ý kiến của thầy Phan Đình Diệu, Phùng Văn Trình quyết định nộp hồ sơ thi vào khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tháng 6-1962, Phùng Văn Trình và người bạn cùng lớp tên là Nguyễn Khắc Lư về Hà Nội thi đại học, người bạn này thi vào trường Bách khoa. Anh trai của Khắc Lư đang học ở trường Đại học Y, nên cả hai cùng đến ký túc xá trường Y và ở nhờ phòng của anh trai Khắc Lư. Lần đầu tiên về Hà Nội, Phùng Văn Trình bỡ ngỡ nhiều thứ, nhưng bước vào phòng thi thì tâm lý thoải mái và anh làm bài suôn sẻ. Sau đó, khi nhận giấy báo trúng tuyển vào khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mặc dù rất vui nhưng anh và cả nhà không khỏi lo lắng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cha mẹ đã phải bán thóc lấy tiền cho anh may một bộ quần áo mới và mua sắm một số đồ dùng cá nhân để về Hà Nội học.

Gia đình Phùng Văn Trình sống ở xã Đại Tự (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), cách bến xe Sơn Tây khoảng 5 cây số. Ngày 15-8-1962, anh đi bộ theo đường đê sông Hồng đến bến xe để đi ô tô khách về Hà Nội làm thủ tục nhập học. Hành trang chỉ có chiếc túi đựng hai bộ quần áo: một bộ mới may và một bộ quần áo nâu cũ. Rời nhà từ sáng sớm, nhưng phải đợi ô tô, nên mãi chiều tối anh mới đến Hà Nội, và như anh ghi trong nhật ký: Tối ở Hà Nội như hiểm hóc hơn ban ngày, bỡ ngỡ, lúng túng, lo lắng, biết ngủ ở đâu ở nơi xa lạ này. Hỏi thăm, lần mò cửa Nam lại ga Hàng Cỏ, thế là vào nhà trọ ở đấy (q. 1, tr. 7, 15-8-1962)[2]. Sau một đêm ngủ trọ ở khu vực ga Hàng Cỏ, sáng hôm sau Phùng Văn Trình hỏi thăm đường và đến trường Đại học Tổng hợp ở phố Lê Thánh Tông. Trên người mặc bộ quần áo nâu, chân đi đất, Phùng Văn Trình bước vào trường với bao hồi hộp vì cảm giác xa lạ và mới mẻ, nhưng rồi suôn sẻ cả: Thế rồi mọi việc cũng qua, nỗi lo lắng cứ bồng lên rồi chìm xuống như con thuyền trên mặt sóng. Sau khi nghe nhà trường dặn dò mấy điểm, tôi cùng các bạn dắt tay nhau về ký túc xá, bắt đầu cuộc sống của người sinh viên từ đây (q. 1, tr. 10-11, 16-8-1962).

Ký túc xá trường Tổng hợp ở bãi Phúc Xá (Ba Đình), các dãy nhà đều lợp lá cọ, bên trong bố trí nhiều giường tầng, cạnh khu nhà ở là nhà ăn tập thể. Phùng Văn Trình được sắp xếp ở cùng phòng với khoảng 20 sinh viên cùng lớp.

Năm ấy, nhà trường không tổ chức lễ khai giảng, sinh viên bước vào học ngay. Tâm trạng Phùng Văn Trình khi đó khá nặng nề: Tôi bước vào buổi học đầu tiên của trường đại học với không một mảy may hào hứng nào, vẫn cái xa lạ, mệt mỏi bao trùm và hình như tôi chưa có khả năng thoát khỏi (q. 1, tr. 12, 20-8-1962). Nga văn là môn học đầu tiên, hoàn toàn mới với Phùng Văn Trình cũng như tất cả các bạn trong lớp.

Phùng Văn Trình ban đầu có phần tự ti, bởi anh chỉ có một bộ quần áo mới và hình như là người duy nhất mặc quần áo nâu đến giảng đường. Anh ghi chuyện này vào sổ: Năm học thực sự của toàn trường mới bắt đầu. Mọi lớp đều đã vào học, sinh viên mỗi giờ ra chơi ở sân trường cũng đông hơn với tất cả mọi biểu hiện tình cảm và tư tưởng… Tôi bắt gặp những cặp mắt soi mói lạ lùng nhìn tôi. Họ nghĩ gì về tôi nhỉ? Mỉa mai hay thương xót, có khi họ ngạc nhiên (q. 1, tr. 26, 6-9-1962). Vốn ít nói và khá nhút nhát, thời gian đầu Phùng Văn Trình ít giao tiếp với các bạn. Là người sống thiên về nội tâm, anh chuyện trò với bản thân mình qua những dòng nhật ký, và tự an ủi: Nhưng cái đó cũng chẳng sao, bây giờ thì có nhiều can đảm để sống cuộc sống của người sinh viên với hoàn cảnh của mình rồi. Tôi thoáng nghĩ đến lời nói của người bạn học phổ thông là Nguyễn Quýnh: người ta có thế cho đó là cách sống độc đáo (q. 1, tr. 26, 6-9-1962). Anh cũng tự động viên tinh thần và quyết tâm vượt qua sự mặc cảm: Tuổi trẻ đầy ước vọng vào chiến thắng. Nó không bao giờ công nhận một sự đau khổ về thể xác và một sự ngu ngốc về tinh thần, nếu một người nào đó thiếu một lý trí để sống ngoan cường, thiếu một nghị lực… Cần phải sống như thế, chẳng có gì hạn chế bó hẹp mình cả, chỉ có tự do làm việc cho tương lai (q. 1, tr. 34, 24-9-1962).

Đầu học kỳ I của năm thứ nhất, khoa Vật lý tổ chức buổi gặp mặt giữa lãnh đạo khoa và tân sinh viên. Trong buổi sinh hoạt đó, chàng sinh viên Phùng Văn Trình rất ấn tượng với thầy Chủ nhiệm khoa Nguyễn Hoàng Phương, khi thầy kể về những công trình vật lý do thầy cùng đồng nghiệp thực hiện tại Liên Xô, trong đó có nghiên cứu về các hạt cơ bản cấu tạo nên vật chất. Mặc dù không được học thầy Nguyễn Hoàng Phương, nhưng những điều thầy kể đã có ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập của sinh viên Phùng Văn Trình, anh cảm thấy việc mình lựa chọn ngành vật lý là hoàn toàn đúng đắn và ngày càng yêu thích vật lý hơn.

Hai cuốn nhật ký thời sinh viên của PGS.TS Phùng Văn Trình

Chương trình học năm thứ nhất chủ yếu là các môn đại cương, với những kiến thức Phùng Văn Trình đã được làm quen ở trường phổ thông. Khó khăn lớn nhất đối với anh cũng như nhiều sinh viên khác là chưa quen với phương pháp học mới. Trường Đại học Tổng hợp đến lúc đó mới thành lập được 6 năm nên giáo trình và tài liệu tham khảo còn ít, thậm chí có những cuốn cần thiết mà chưa có. Sách trong thư viện chủ yếu bằng tiếng Nga, những người mới bắt đầu học tiếng Nga như Phùng Văn Trình thì chưa thể đọc được. Trên lớp, sinh viên phải vừa nghe giảng vừa ghi bài, mà khối lượng kiến thức rất lớn, nhiều người không ghi kịp bài giảng của thầy. Phùng Văn Trình cũng khá lâu mới quen với cách học này. Thời gian đầu anh chỉ nắm được khoảng 60-70% nội dung bài giảng tại lớp, những phần không hiểu khi về phòng phải xem lại vở ghi và trao đổi với các bạn, hoặc hôm sau đến hỏi lại thầy. Kết quả học kỳ I năm thứ nhất anh chỉ đạt loại khá.

Học vật lý phải kết hợp lý thuyết và thực hành. Mặc dù cơ sở vật chất phòng thí nghiệm của khoa còn hạn chế, nhưng sinh viên có thời gian thực hành khá nhiều, học lý thuyết đến đâu thực hành đến đấy. Sinh viên được phát tài liệu để tự tìm hiểu trước, sau đó đến phòng thí nghiệm thực hành dưới sự hướng dẫn của giáo viên, ai không đạt yêu cầu sẽ phải làm lại.

Thông qua ban cán sự lớp và chi đoàn, nhà trường quản lý sinh viên hết sức chặt chẽ. Hàng ngày, tất cả thức dậy lúc 5 giờ sáng và tập trung tại sân ký túc xá để tập thể dục, sau đó về làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng, rồi mất khoảng 35 phút đi bộ đến trường. Sau giờ học, sinh viên trở về ký túc ăn trưa và nghỉ ngơi, buổi chiều ngồi học tại phòng. Việc tự học diễn ra nghiêm túc, các tổ, nhóm được thành lập để vừa giúp nhau học tập, vừa thuận tiện trong việc quản lý. Sinh viên chỉ có khoảng thời gian sau giờ chiều để tham gia các hoạt động thể dục thể thao hoặc đi chơi đâu đó, trước 7 giờ tối lại về phòng tiếp tục học. Những trường hợp vi phạm quy định tự học thường bị chi đoàn phê bình trước tập thể lớp.

Thời kỳ đầu, Phùng Văn Trình được hưởng mức học bổng toàn phần là 22 đồng/tháng. Với số tiền đó, anh nộp cho nhà ăn 16 đồng, còn lại dùng để mua sách vở và vật dụng cần thiết. Tuy nhiên, sang học kỳ II, mức học bổng giảm xuống còn 16,5 đồng, do đó Phùng Văn Trình bắt đầu gặp khó khăn, bởi chỉ đủ tiền ăn, không có tiền cho những khoản chi tiêu khác. Trong hoàn cảnh đó, phải rất dè sẻn, đến nỗi anh chỉ ăn bữa sáng như các bạn, còn buổi trưa và tối thì không ăn cơm mà ăn mỗi bữa một chiếc bánh mỳ. Một số bạn trong lớp không hiểu hoàn cảnh của Phùng Văn Trình nên nghĩ rằng anh phản ứng điều gì đó, nhưng cũng có người hiểu và thông cảm. Đặc biệt, Phạm Quốc Hùng, một bạn quê ở Hải Phòng, là đảng viên và bí thư chi đoàn, mặc dù gia đình không quá khó khăn nhưng cũng đăng ký ăn bánh mỳ với chủ ý giúp Phùng Văn Trình tránh mặc cảm. Bạn Nguyễn Y Gia cũng quan tâm giúp đỡ, thấy Phùng Văn Trình không có chăn đắp mùa đông nên đã cho một tấm chăn bông.

Để khắc phục khó khăn về kinh tế, Phùng Văn Trình cùng một số bạn nhận dạy thêm cho một lớp học gần ký túc xá. Đây là lớp bổ túc chương trình cấp 2 do người dân tự mở và học vào buổi tối, chủ yếu học văn và toán. Phùng Văn Trình được phân công dạy môn văn lớp 6. Anh mua sách giáo khoa và soạn bài theo những kiến thức đã thu nhận được khi học phổ thông. Một thời gian sau, ký túc xá chuyển về phố Lò Đúc, Phùng Văn Trình vẫn tham gia dạy cho một lớp khác gần đó, nhưng dạy môn toán, phần đông học viên là các em học sinh khoảng 13-14 tuổi. Việc dạy thêm của sinh viên tại các lớp bổ túc hồi ấy được người dân ở gần ký túc xá đánh giá cao. Nhờ có việc làm thêm như vậy, Phùng Văn Trình có khoản thu nhập và vì vậy không phải ăn bánh mỳ thay cơm nữa.

Lớp bổ túc hoạt động được hai năm. Sau đó, vào dịp nghỉ hè, Phùng Văn Trình làm thêm tại một cơ sở đóng than trên phố Nguyễn Công Trứ. Công việc của anh là đổ than vào máy dập thành những viên than hình quả bàng, và đi giao than cho các nhà hàng có nhu cầu mua làm chất đốt. Anh làm công việc này cho đến khi tốt nghiệp đại học và cả trong thời gian chờ quyết định phân công công tác.

Hàng năm, nhà trường tổ chức cho sinh viên lao động tại một số công trường, nông trường. Năm thứ nhất, lớp Phùng Văn Trình đi lao động tại nông trường chè ở Phú Thọ. Sinh viên được bố trí ở cùng lán trại với công nhân nông trường, việc ăn uống cũng do những công nhân này phụ trách, nhà trường chỉ cử một cán bộ quản lý chung. Nhiệm vụ của sinh viên là làm cỏ cho một đồi chè. Năm thứ hai, nhà trường đưa sinh viên đến công trường Hồng Vân (gần cầu Thanh Trì ngày nay) để hỗ trợ xây dựng cống thủy lợi. Đoạn đường không xa nên sinh viên sáng đi làm, chiều trở về ký túc xá, buổi trưa ở lại công trường và được phát mỗi người một chiếc bánh mỳ. Họ đào và vận chuyển bùn đất trong điều kiện thời tiết mùa đông nên khá vất vả. Trong những năm học tiếp theo, do điều kiện chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ nên nhà trường không tổ chức đi lao động xa, chủ yếu cho sinh viên đào hầm trú ẩn tại trường để tránh bom đạn.

Sau năm học thứ nhất, Phùng Văn Trình không chỉ tiến bộ trong học tập, mà còn hòa nhập được vào môi trường sinh viên và tích cực hơn trong mọi hoạt động, anh hăng hái tham gia phong trào đoàn và được bầu làm phân đoàn trưởng. Anh không còn tự ti và nhút nhát như trước nữa: Thế là kết thúc một năm học, một thời gian dài đằng đẵng chứa chất bao nỗi u sầu, bao niềm khát vọng, một thời gian dài đấu tranh với những hèn nhát và tủi nhục. Chiều hôm qua là một buổi chiều êm đẹp. Buổi chiều cuối cùng của một năm chua chát lại ngọt ngào và thắm đượm tình người như vậy, sao lại chẳng phải là những giờ phút hạnh phúc (q. 1, tr. 51, 13-7-1963). Sau kỳ nghỉ hè, Phùng Văn Trình quay lại trường, trong lòng tràn đầy niềm tin, niềm hy vọng: Thế là tôi lại ra đi. Ra đi kỳ này không như một năm về trước, tôi không ra đi một mình mà đi với hai người bạn, đi với lòng tràn đầy niềm hy vọng xao xuyến như nỗi nhớ nhà, tin tưởng như lời hẹn của tình yêu và bâng khuâng như bầu trời thu trong sáng (q. 1, tr. 63, 6-8-1963).

Ngoài học tập và lao động, hàng năm sinh viên phải tập quân sự và đây là nội dung học bắt buộc. Trong thời gian tập quân sự, sinh viên được quản lý như trong môi trường quân đội, từ việc ăn, ngủ, nghỉ, đi lại cho đến các nội dung hành quân, báo động ban đêm đều phải thực hiện nghiêm túc và có sự kiểm tra của cán bộ giảng dạy quân sự. Kết thúc khóa học, mỗi sinh viên được bắn 3 viên đạn, nếu không đạt yêu cầu thì bắn lại. Phùng Văn Trình bắn không đủ điểm nên được bắn 5 phát tiếp theo và lần này đạt số điểm vượt mức quy định.

Năm học thứ nhất, lớp vật lý của Phùng Văn Trình có 73 sinh viên. Sau đó, một số bạn được lựa chọn đưa sang Liên Xô đào tạo về khí tài quân sự để phục vụ quân đội, một số khác được cho tốt nghiệp sớm và cử về công tác tại các đoàn địa chất, vì thế đến khi kết thúc năm thứ ba thì lớp chỉ còn một nửa. Phùng Văn Trình thuộc số sinh viên ở lại trường tiếp tục hoàn thành chương trình học năm thứ tư và anh đăng ký học chuyên ngành vật lý hạt nhân. Lớp chuyên ngành này có khoảng 10 sinh viên.

Tuy thích học vật lý hạt nhân nhưng sinh viên Phùng Văn Trình cũng khá lo lắng, bởi sẽ phải tiếp xúc với chất phóng xạ khi tiến hành các thí nghiệm. Khi một giảng viên trong bộ môn Vật lý hạt nhân đưa ra ý tưởng sử dụng tia phóng xạ để diệt mối, với tư cách là tổ trưởng tổ chuyên đề, Phùng Văn Trình được cử sang Gia Lâm xin mối đưa về Bệnh viện K làm thí nghiệm, bởi ở đây có một máy chiếu phóng xạ. Miếng kim loại coban phóng xạ được đặt trong căn phòng có nhiều lớp bê tông bảo vệ. Sau khi đưa mối vào phòng thí nghiệm, cán bộ kỹ thuật sẽ chiếu tia phóng xạ lên con mối để tiến hành đo lượng phóng xạ. Kết quả là phải sử dụng lượng phóng xạ lớn mới tiêu diệt được con mối, nhưng với liều lượng cao như vậy con người cũng có thể chết. Do vậy ý tưởng diệt mối bằng tia phóng xạ thất bại.

Ngay sau đó, người ta lại đưa ra ý tưởng chuyển hóa coban phóng xạ sang dạng muối, từ đó chuyển sang dạng nước để phun vào tổ mối. Nhiệm vụ tìm hiểu về loại muối coban này được giao cho Phùng Văn Trình, anh phải tìm hiểu về hóa học, các loại muối coban, và tiến hành thí nghiệm với loại coban thường. Sau một thời gian, anh đã hiểu về loại muối coban cần chuyển hóa, nhưng ngay sau đó bộ môn quyết định không tiếp tục thực hiện ý tưởng này nữa, vì nếu tiến hành thí nghiệm trên coban phóng xạ trong điều kiện phòng thí nghiệm của khoa còn bất cập sẽ gây nguy hại đến tính mạng của người thực hiện.

Khi bước vào học chuyên đề cũng là lúc sinh viên Phùng Văn Trình được phân đề tài khóa luận tốt nghiệp. Thầy Nguyễn Hữu Xí giao đề tài “Đo cường độ phóng xạ bằng phương pháp trùng phùng” và trực tiếp hướng dẫn Phùng Văn Trình. Ban đầu thầy Xí giới thiệu một số cuốn sách bằng tiếng Nga để anh tìm hiểu về phương pháp, sau đó vận dụng làm các thí nghiệm. Từ năm thứ ba Phùng Văn Trình đã bắt đầu đọc và dịch được tài liệu tiếng Nga, nên đây không phải vấn đề khó khăn đối với anh. Khó khăn lớn nhất chính là môi trường tiến hành thí nghiệm để đếm các hạt phóng xạ. Đo cường độ phóng xạ bằng phương pháp trùng phùng nghĩa là đếm những hạt phóng xạ gặp nhau, bỏ qua những tia phóng xạ không gặp nhau, trên cơ sở đó tính cường độ phóng xạ hạt nhân. Để làm được thí nghiệm này, bắt buộc người thực hiện phải tiếp xúc trực tiếp với chất phóng xạ. Trong điều kiện không có trang thiết bị bảo hộ, sinh viên Phùng Văn Trình đã thực hiện thí nghiệm này hoàn toàn theo cách thủ công. Sau khi bố trí hai ống đếm hạt phóng xạ và nối vào máy đo, anh đến phòng bảo vệ lấy thiết bị chứa chất phóng xạ và đưa vào phòng thí nghiệm. Thiết bị này như que đũa, trên đầu có gắn mảnh kim loại coban phóng xạ nhỏ bằng hạt gạo, anh đặt vào giữa hai ống đếm, sau đó ra ngoài và bật máy đo cường độ phóng xạ hạt nhân. Kết thúc thí nghiệm, anh quay lại lấy thiết bị phóng xạ đem cất tại phòng bảo vệ. Những lần thí nghiệm như vậy rất nguy hiểm, bởi dễ có thể bị tia phóng xạ xuyên qua người.

Ngoài khó khăn về điều kiện làm thí nghiệm, sinh viên Phùng Văn Trình không gặp trở ngại gì trong quá trình thực hiện đề tài do thầy Nguyễn Hữu Xí hướng dẫn. Tuy nhiên, khóa luận tốt nghiệp của anh khi đưa ra bảo vệ chỉ đạt điểm 4 (theo thang điểm 5). Mặc dù đã là điểm khá, nhưng anh không hài lòng với kết quả này.

Năm thứ tư bận học chuyên đề và tập trung làm khóa luận tốt nghiệp nên Phùng Văn Trình tạm dừng ghi nhật ký, cho đến ngày 8-5-1966 anh mới bắt đầu viết tiếp: Lâu lắm rồi tôi không ghi nhật ký… Bao ngày qua, khi thì một niềm vui đến như tia sáng chói ngời, lúc thì một nỗi buồn man mác thấm vào lòng ngọt ngào như hơi thở. Có người bảo đó là tình cảm tiểu tư sản, ít nhiều chứa đựng những nét bi quan, nhưng có ai biết: Tâm hồn ta là những ngày bão tố/ Của mùa hè rực rỡ niềm tin (q. 2, tr. 3, 8-5-1966).

Sau đó, Phùng Văn Trình được phân công về trường Đại học Bách khoa Hà Nội công tác. Nhật ký ngày 14-7-1966, anh bày tỏ niềm vui, niềm tự hào: Thế là lại hết một năm học và cũng là năm cuối cùng của đời sinh viên. Một giai đoạn quan trọng của cuộc đời đã trôi qua, và có ai không cảm thấy một niềm tự hào khi chập chững bước những bước đầu tiên vào đời (q. 2, tr. 9, 14-7-1966).

Trước khi nhận công tác, Phùng Văn Trình cùng một số sinh viên được nhà trường phân công phụ trách một nhóm học sinh chuẩn bị ra nước ngoài học đại học. Các em tập trung tại trường cấp 2 Ngô Sĩ Liên để học chính trị. Anh ghi vào sổ của mình những điều quan sát và cảm nhận: Trường cấp 2 Ngô Sĩ Liên, tôi đã được nghe từ năm ngoái nhưng hôm nay mới được biết… Ngay từ 6 giờ sáng các em học sinh hết lớp 10 sắp được ra nước ngoài đã tụ tập thành từng tốp tíu tít nói chuyện với nhau. Như đàn chim mới đủ lông cánh, chắc chắn những tâm hồn đó đầy ước mơ và những ước mơ đều đẹp (q. 2, tr. 10, 22-7-1966). Nhiệm vụ của Phùng Văn Trình là hướng dẫn các em làm quen với môi trường sinh hoạt và tổ chức hoạt động đoàn trong thời gian các em học tại đây. Mặc dù lớp học chính trị diễn ra trong thời gian ngắn nhưng Phùng Văn Trình khá gắn bó với các em. Anh cũng nhận được nhiều tình cảm từ các em, để rồi khi phải chia tay không khỏi bùi ngùi, lưu luyến: Thế là lại sắp phải từ biệt nhau rồi. Những ngày qua đi đã gắn bó những con người chưa quen biết với nhau. Tôi cũng không biết tại sao thời gian lại có khả năng kỳ diệu ấy, chỉ biết là nỗi buồn chia ly đang từ từ kéo đến và thấm dần vào lòng người (q. 2, tr. 20, 31-7-1966). Nhưng rồi nỗi buồn đó cũng nhanh chóng qua đi sau khi Phùng Văn Trình nhận công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hai cuốn sổ nhật ký với những trang giấy đã bạc màu vì thời gian, nhưng chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc cùng nhiều thông tin và sự kiện. Người đọc có thể cảm nhận được sự trưởng thành của chàng sinh viên Phùng Văn Trình trên con đường kiếm tìm tri thức và tự nỗ lực vươn lên. Hơn 50 năm đã qua, hai cuốn sổ này được PGS Phùng Văn Trình gìn giữ cẩn thận, ông muốn lưu lại mãi những kỷ niệm của thời sinh viên. Ngày 17-3-2017, PGS Phùng Văn Trình tặng hai cuốn sổ cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ông chân thành chia sẻ: Thông qua hai cuốn nhật ký này, tôi muốn người đọc hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của một thời sinh viên sôi nổi và đấu tranh với những yếu đuối, tôi cũng chỉ là một con người bình thường[3].

Lê Nhật Minh

__________________

* PGS.TS Phùng Văn Trình, chuyên ngành Vật lý, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý kỹ thuật, trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

** Từ những năm học cấp 2 PGS Phùng Văn Trình đã có thói quen viết nhật ký, ông thường viết xen vào nội dung bài học trong hai cuốn sổ tổng hợp.

[1] GS Phan Đình Diệu sinh năm 1936 tại Hà Tĩnh, Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học tính toán vàđiều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin Việt Nam).

[2] Những đoạn trích từ nhật ký được chú thích theo cách này, như ở đây nghĩa là quyển 1, trang 7, ngày 15-8-1962.

[3] Báo cáo hỏi thông tin PGS.TS Phùng Văn Trình, 5-5-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.