Từ khi còn là học sinh trường Bưởi ở Hà Nội, Từ Giấy đã tham gia viết báo. Chưa kịp tốt nghiệp bác sĩ trường Đại học Y Dược Hà Nội, ông xung phong Nam tiến, cứu chữa thương bệnh binh tại Bình Định, Phú Yên nhưng người ta vẫn gọi ông là đốc-tờ trẻ. Hơn một tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 8-10-1945 cho phép “Từ Giấy xuất bản tại Hà Nội một tờ báo hàng tuần đặt tên là Văn hóa”[1]. Khi đó ông mới 24 tuổi. Tháng 6-1946 khi báo Vui Sống của Cục Quân y ra đời, ông được điều động về đây làm Thư ký tòa soạn, phụ trách công tác xuất bản. Từ năm 1948, ông làm Chủ nhiệm báo Vui Sống thay cho Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn kiêm chủ bút thay cho bác sĩ Phạm Ngọc Khuê.
Việt Nam Dân quốc Công báo, số 6, ngày 27-10-1945, đăng Tin: Báo Văn hóa do ông Từ Giấy phụ trách được phép xuất bản tại Hà Nội |
Vui Sống là tờ báo về sức khỏe ra đời sớm nhất, ngay sau ngày nước ta giành độc lập. Ở thời điểm trình độ học vấn, kiến thức về vệ sinh phòng bệnh của nhân dân ta còn rất hạn chế với tỷ lệ mù chữ lên tới 90%, khoảng 700 người dân mới có 1 bác sĩ, báo Vui Sống có nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đó là tuyên truyền, phổ biến kiến thức về y học và vệ sinh phòng bệnh, góp phần hình thành nếp sống lành mạnh trong nhân dân và đảm bảo sức khỏe, sức chiến đấu của quân đội. Với thông điệp “Vui sống”, tờ báo chủ trương phải truyền tải những kiến thức khoa học đến người dân một cách mộc mạc, dễ hiểu và dí dỏm, đi vào lòng người. Ban biên tập trong đó có bác sĩ Từ Giấy còn vận động được đông đảo các trí thức, văn nghệ sĩ, bác sĩ uy tín… tham gia cộng tác với báo.
Ông Từ Giấy đọc báo Vui Sống cho các chiến sĩ
Ra đời chưa lâu, song Vui Sống đã có lượng độc giả lớn. Tờ báo Cứu Quốc số 288, ngày 10-7-1946 đã nhận định: Với một lời văn vui vẻ, hoạt bát, các nhà chuyên môn ban biên tập Vui Sống đã làm người đọc ham mê những thường thức vệ sinh chứa đựng ở trong tờ báo ấy. Tờ báo Vui Sống đã bao gồm được hai tính chất: Vui và có ích. Sau khoảng 5 tháng hoạt động, rất nhiều độc giả quý mến đã viết thư yêu cầu Ban biên soạn cho in lại những số đầu của báo Vui Sống, khẳng định sức hút lớn của tờ báo này[2].
Không chỉ có vai trò quan trọng trong việc sản xuất, duy trì báo Vui Sống trong điều kiện chiến tranh, thiếu thốn, Từ Giấy còn là cây bút sắc sảo, kết hợp khéo léo, nhuần nhuyễn giữa kiến thức y học, vệ sinh phòng bệnh với văn nghệ dân gian… Nhờ đó người dân tiếp nhận những thông tin khoa một cách hiệu quả, nhanh chóng. Ông để lại ấn tượng với bạn đọc bởi lối nói chuyện gần gũi, dí dỏm qua các bài viết dưới bút danh "Lang Khoai". Chuyên mục Vui Sống nói chuyện do ông phụ trách đã thể hiện rất rõ những điều ấy:
Độc giả
1. Để móng tay dài có lợi hại gì không?
2. Đánh phấn, tô môi son có hại gì không?
"Lang Khoai" trả lời:
1. Để móng tay dài chứa nhiều vi trùng lẽ cố nhiên là có hại. Và đứng về phương diện vệ sinh nên cắt sạch móng tay đi là hơn. Nhưng về phương diện quân sự, để móng tay có ích: ấy là khí giới tự vệ, nhất là với các cô các bà.
2. Đánh phấn, tô môi son kể ra cũng hại. Nhất là son xấu, gây ra chứng lở môi (cheillite) và phấn vôi. Nhưng chỉ nói bấy nhiêu đây thôi, vì sợ e mất lòng nhiều nữ độc giả.
Độc giả Nguyễn Tố, Thái Hà ấp hỏi:
1. Người ta bảo ăn cơm có nhiều sạn sẽ bị đau dạ dày, điều đó có đúng không?
2. Hút thuốc lá có hại gì không?
"Lang Khoai" trả lời:
1. Ăn cơm có nhiều sạn, tất nhiên là hại cho dạ dày. Nhất là khi sạn ấy không phải món ăn ngon. Ồ mà sao ông lại hỏi thế, ông thích ăn cơm sạn lắm à?
2. Hút thuốc lá cũng có hại, vì trong thuốc có chất độc narcotine, làm yếu tim và kích thích thần kinh. Nhưng cái hại rõ rệt nhất là làm nhẹ túi tiền vì độ này giá thuốc lên cao quá. Về phương diện sau này, nên áp dụng câu: “thuốc cho thì hút, thuốc mua thì đừng”[3].
Chuyên mục “Vui Sống” nói chuyện
Đặc biệt giữa năm 1946, nhà báo Từ Giấy đã đề xuất, vận động tổ chức cuộc thi “Trẻ em khỏe và đẹp” và được Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng thông qua. Thời điểm đó, cuộc đấu tranh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, khốc liệt, vì thế ý tưởng này thực sự táo bạo, độc đáo. Điều đó còn nhằm khẳng định Việt Nam, tuy mới giành độc lập đã là một quốc gia có tầm nhìn hướng tới tương lai. Đây cũng là cuộc thi đầu tiên đặt nền móng cho việc tạo dựng một thế hệ tương lai phát triển toàn diện, lành mạnh ở nước ta. Điều đặc biệt ở chỗ, trên thế giới, các cuộc thi về trẻ em đã xuất hiện từ thế kỷ XIX nhưng các danh hiệu đều thiên về trẻ em đẹp, còn ở nước ta tiêu chí phải toàn diện: “Khỏe và Đẹp”.
Liên tiếp trong các số báo năm 1946 đều có thông tin, các bài viết, thảo luận liên quan đến cuộc thi này. Trong bài “Làm thế nào để đẻ được những trẻ con đẹp và lành mạnh?” in trong báo Vui Sống số 4, 7-1946, nhà văn Vũ Bằng đã mô tả không khí trước thềm cuộc thi: Thấy cuộc thi trẻ con đẹp và lành mạnh của Vui Sống tổ chức nay mai, một câu hỏi vẫn vẩn vơ ở trong đầu các bà mẹ, nay lại vụt hiện ra dưới hình thức những câu chuyện băn khoăn trao đổi trong gia đình: Không biết người ta ăn gì mà đẻ ra con đẹp đẽ, khỏe mạnh thế, còn mình thì đẻ ra con trông như con tiều? Nhà tôi và tôi khỏe mạnh mà con cái ở trong nhà thì quanh năm quật quẹo mà trông như khỉ cả…
Gia đình BS Từ Giấy với 3 cậu con trai khỏe và đẹp
Vào 8 giờ sáng thứ bảy, ngày 21-9-1946, cuộc thi “Trẻ em khỏe và đẹp” đã được khai mạc tại Ấu trĩ viên Hà Nội (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội). Cuộc thi diễn ra trong 2 ngày, đến 5 giờ 30 chiều chủ nhật Ban giám khảo sẽ công bố kết quả cuộc thi và phát thưởng. Hơn 300 trẻ em từ các nơi: Hải Phòng, Hà Nội, Sơn Tây, Thanh Hóa… được bố mẹ đưa đến dự thi. Các em bé dự thi được chia làm 3 nhóm tuổi:
- A – gồm các em bé lọt lòng tới 6 tháng
- B – gồm các em trên 6 đến 12 tháng
- C – gồm các em trên 12 đến 30 tháng
Từ 5 giờ chiều chủ nhật, các bà mẹ đã tấp nập ẵm con, đưa con tập trung tại Ấu trĩ viên. Không khí rất ồn ào, náo nhiệt, bé thì khóc, lớn hơn thì reo hò, hét vang…, thực đúng với tên gọi của cuộc thi. Đúng 5 giờ 30, cả hội trường phấn khởi chào đón Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng tới tham dự và buổi lễ chính thức bắt đầu. Bác sĩ Phạm Ngọc Khuê – Chủ bút đầu tiên của báo Vui Sống phát biểu khai mạc và thông báo việc chấm thi không căn cứ vào trang phục, chỉ dựa vào hình thể, cân đo, các khớp xương và tinh thần của em bé. Hạn chế của cuộc thi này là Ban giám khảo thiếu sự điều tra tường tận về cách nuôi dưỡng trẻ nhỏ của những gia đình tham gia cuộc thi.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Khuê, những em bé từ 1 đến 12 tháng tuổi được giải thưởng rất khỏe mạnh, ngộ nghĩnh, tinh nhanh và phần nhiều được bú sữa mẹ. Các em bé trên 12 tháng đã cai sữa mẹ thì kém khỏe mạnh hơn do phụ huynh chưa chăm sóc dinh dưỡng đúng và đủ. Có một chuyện thú vị là em bé nhận giải thưởng danh dự nhóm A là con một gia đình nông thôn, mới 3 tháng tuổi và vẫn chưa được đặt tên. Mọi người và mẹ em bé đã thống nhất đặt tên em là Nguyễn Sống Vui để kỷ niệm cuộc thi này. Các em bé được giải nhất có Nguyễn Thị Đoan Thanh (nhóm A), bé Vũ Minh Đạo (nhóm B), bé Nguyễn Xuân Quảng (nhóm C). Ngoài tiền thưởng, mỗi em được tặng một cái đồng hồ của tòa soạn (để bà mẹ cho con bú đúng giờ) và Bằng khen của Ủy ban vận động Đời sống mới. Mỗi bằng khen là một bức tranh có vẽ em bé với hàng chữ tặng các bậc cha mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng đứa con khỏe đẹp – đóng góp cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lại, và chúc các em nhỏ có một cuộc sống tốt đẹp. Buổi phát thưởng kéo dài đến 7 giờ tối mới bế mạc.
Trong số các em được giải thưởng trong cuộc thi năm 1946 còn có Nguyễn Hoàng Nghị thuộc nhóm B, nay là Giáo sư, Tiến sĩ ngành Vật lý chất rắn. Trong dịp kỷ niệm 70 năm báo Vui Sống (1946-2016), GS.TS Nguyễn Hoàng Nghị, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật (Đại học Bách khoa) đã có bài phát biểu sâu sắc: Thật khó hình dung,70 năm trước, vừa thoát khỏi ách thực dân và thiếu thốn đủ điều, các trí thức trẻ Việt Nam đã có thể tổ chức cuộc thi như vậy, cuộc thi mà dâng trẻ em lên trên, dâng sức khỏe lên trên và khác biệt hẳn với bao cuộc thi sắc đẹp truyền thống có từ năm 1839 trên thế giới. Lòng yêu nước, trí tuệ và kiến thức y học uyên bác của những người làm Vui Sống trong đó có GS Từ Giấy đã tạo ra sự sáng tạo đó.
Ngày 10-10 năm nay, là dịp kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh của GS Từ Giấy, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin được chia sẻ đôi điều trên đây để tưởng nhớ về ông.
Nguyễn Điệp
_______________________
*GS. AHLĐ Từ Giấy (1921-2009), nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
[1] Tham khảo Việt Nam Dân quốc Công báo, số 6, 27-10-1945.
[2] Báo Cứu Quốc, số 403, 12-11-1946.
[3] Báo Vui Sống, số 4, 1946.