GS.TSKH Tô Ngọc Thanh và con đường đến với âm nhạc dân gian

Là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trong nhiều khóa liền, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh còn được nhiều người biết đến là con trai trưởng của họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân –  một trong “tứ trụ” của hội họa Việt Nam. Từ nhỏ Tô Ngọc Thanh đã được bố rèn từng nét vẽ cơ bản trước khi học vẽ tranh tĩnh vật, tranh động vật. Cứ ngỡ, cậu bé sẽ được thừa hưởng chút gen năng khiếu hội họa từ cha, nhưng dù rất cố gắng, những bức tranh cậu vẽ chỉ được bố đánh giá là “tạm được”. GS Tô Ngọc Thanh từng tâm sự: Bố tôi là một người rất đặc biệt. Theo lối cổ, ông mong muốn con trưởng phải nối nghiệp mình. Lên 7 tuổi, bố đã dạy tôi vẽ. Nhưng tôi vẽ không nổi. Sau này lúc khó khăn, túng tiền tôi vẫn vẽ những bức tranh con con, mang ra Bờ Hồ, khách Tây vẫn mua 100, 200 USD/bức. Nhưng tôi không gọi đó là hội họa, mà đấy chỉ là kiếm tiền[1]

Thực ra, từ nhỏ Tô Ngọc Thanh đã mê âm nhạc. Cậu không rõ vì sao nhưng âm nhạc có sức hút ma mị mà cậu khó lòng cưỡng lại. Những bài hát dân gian mà các bà, các mẹ thường hát thú vị hơn tất thảy đống bút màu sặc sỡ. Cậu có thể thuộc làu làu lời các bài hát ấy mà không gặp chút khó khăn nào. Cậu còn lên bãi rác đoạn gần Nhà dầu Shell ở đầu phố Khâm Thiên, nơi có nhiều người ăn mày tụ tập, để nghe họ hát xẩm hoặc đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát – người bạn thân thiết của bố để xem, nghe hát ả đào. Cậu thích thú ngồi hàng giờ chỉ để lắng nghe tiếng sáo réo rắt của ông bán sáo dạo ở Bờ Hồ.

Bên cạnh việc học vẽ, Tô Ngọc Thanh vẫn lén theo đuổi sở thích riêng. Không để phiền lòng cha, cũng như ảnh hưởng đến không gian yên tĩnh của người họa sĩ khi vẽ, cậu thường lén ra vườn hoa Con Cóc (nay là vườn hoa Diên Hồng) thổi sáo. Không theo học trường lớp, cũng không được ai hướng dẫn nên cậu sưu tầm các sách vở, những mẩu tài liệu liên quan đến âm nhạc và tập thổi sáo theo bản năng, tự mày mò các nốt theo giai điệu bài hát mình thuộc. Tình cờ trong một lần đi cắt tóc, tôi phát hiện những tờ giấy mà bác thợ cắt tóc dùng để lau dao cạo được xé từ cuốn sách dạy nhạc lý cơ bản. Tôi sung sướng xin lại cuốn sách ấy để mang về nghiền ngẫm dù nó đã bị xé tan nát[2] – GS Tô Ngọc Thanh kể lại. Lúc rảnh rỗi, cậu lại lôi cuốn sách đó ra nghiên cứu rồi thực hành với cây sáo của mình. Có lần, họa sĩ Tô Ngọc Vân bắt gặp cậu con trai cả đang kiễng chân ngoài hàng rào nhà nhạc sĩ Xuân Khoát, chăm chú xem mọi người hát. Đến năm Tô Ngọc Thanh 12 tuổi, bố không ép cậu phải theo hội họa nữa và nói rằng: Trong nghệ thuật, nếu không có năng khiếu thì đừng đứng vào đấy làm chật chỗ người khác.

Đầu năm 1950, chiến khu Việt Bắc mở hai trường nghệ thuật chính quy đầu tiên là trường Mỹ thuật Việt Bắc[3] do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trường nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu làm hiệu trưởng. Tham gia giảng dạy có thầy Tô Vũ, thầy Năm Ngũ, cô Dịu Hương… Năm đó, trường âm nhạc đóng tại làng Chợ Ngọc, Yên Bái (nay đã nằm sâu dưới lòng hồ Thác Bà). Nghe tin trường tuyển sinh, Tô Ngọc Thanh liền đăng ký dự thi. Trong ngày đầu tiên đến trường, cậu đã gặp thầy Hiếu. Tuy cậu đến muộn nhưng thầy Hiếu vẫn hết sức tạo điều kiện cho tham gia bài thi sát hạch ngắn vì biết cậu là con trai họa sĩ Tô Ngọc Vân. Cậu có thể hát và thổi sáo theo yêu cầu nhưng không thể đọc nốt nhạc trong sách nên đành thú thật chuyện mình chưa bao giờ được học nhạc. Thầy Hiếu khá ngạc nhiên nhưng cuối cùng vẫn viết cho cậu giấy nhập học. Tô Ngọc Thanh được xếp vào lớp học chương trình nhạc lý cơ bản trước khi vào học cùng các bạn khác. Cậu có năng khiếu nổi trội với loại hình âm nhạc dân gian. Tiếc rằng trường âm nhạc đi vào hoạt động được 6 tháng thì giải tán vì không có kinh phí hoạt động. Tuy thời gian học không nhiều nhưng đủ để Tô Ngọc Thanh có kiến thức cơ bản về âm nhạc. Khoảng cuối năm 1951, Bộ Quốc gia giáo dục có đợt chiêu sinh sang Trung Quốc học tập. Giữa năm 1952, Tô Ngọc Thanh sang Trung Quốc học nghề “gõ đầu trẻ”. Về nước (1953), ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường cấp I Ngô Sĩ Liên ở huyện Yên Thế, Bắc Giang. Khoảng tháng 6-1954, ông nhận tin cha hy sinh tại Lũng Lô, Yên Bái.


Nghiên cứu viên Trung tâm trò chuyện cùng GS Tô Ngọc Thanh tại Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 2018

Năm 1956, khi đang là Tổng hiệu trưởng các trường cấp I ở phía Nam Hà Nội, biết tin trường Âm nhạc Việt Nam[4] thành lập ở thủ đô, Tô Ngọc Thanh liền bỏ nghề giáo để theo học trường nhạc. Quyết định này được coi là điều bất bình thường vì sau khi từ bỏ nghề giáo học tất cả quyền lợi đều bị cắt. Trước đó, tiền lương của ông tuy không nhiều nhưng cũng giúp gia đình bớt khó khăn, túng thiếu. Trụ sở chính của trường Âm nhạc Việt Nam ở số 32 Nguyễn Thái Học, hiệu trưởng đầu tiên là nhạc sĩ Tạ Phước. Trường tuyển sinh từ sơ cấp đến trung cấp, ban đầu chưa có lớp lý luận, chỉ có lớp violon, lớp piano, lớp sáng tác… Tô Ngọc Thanh quyết định đăng ký vào lớp trung cấp sáng tác. Năm 1959, ông tốt nghiệp khóa đầu tiên, cùng lứa với các nhạc sĩ phục vụ kháng chiến chống Mỹ sau này như: Ngô Huỳnh, Vĩnh Cát, Hồng Thao, Hồng Đăng… Theo ông, tuy bằng cấp là hệ trung cấp, nhưng kiến thức được học có thể ngang với hệ đại học. Thời đó, có xu hướng đề cao âm nhạc phương Tây, Tô Ngọc Thanh lại chọn âm nhạc dân gian, khám phá văn hóa các dân tộc làm hướng đi cho mình và sau này trở thành mục tiêu cả đời của ông.

Tốt nghiệp, ông được cử lên Tây Bắc làm cán bộ văn hóa. Mười một năm sống và làm việc ở đây (1960-1971) là cơ hội để ông được sống cùng đồng bào các vùng miền để nghiên cứu âm nhạc dân gian. Âm nhạc mỗi dân tộc có những đặc trưng riêng và cũng có điểm chung, phương pháp của ông là “cắm rễ” tại một dân tộc rồi nghiên cứu, so sánh với các dân tộc khác. Ông chọn dân tộc Thái để tập trung nghiên cứu chính, sau đó tiếp tục nghiên cứu các dân tộc Mường, H’Mông, Dao…Muốn hiểu âm nhạc dân gian, trước hết phải hiểu cuộc sống của người dân địa phương, mà đầu tiên là tiếng nói của họ để hiểu ngọt bùi đắng cay mà họ trải qua. Với mỗi dân tộc, ông sống cùng người dân ít nhất 3 năm. Bấy giờ ở Mỹ, cách làm việc của ông được gọi là phương pháp “tobe insider” tạm dịch là “trở thành người trong cuộc” nhưng phải đến năm 1997, khi có cơ hội gặp GS.TS Aland Dundes – một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng của Mỹ thì ông mới biết điều ấy. Bởi vậy, tuy không có điều kiện tiếp xúc với kiến thức lý luận của các nước phương Tây nhưng yêu cầu công việc và lối tư duy trên đã giúp ông có phương pháp làm việc khoa học. Theo GS Tô Ngọc Thanh, ngày nay, không phải ai cũng có điều kiện làm việc và học tập như ông thời đó.

Năm 1971, trong một chuyến lên Tây Bắc làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp muốn tạo điều kiện cho Tô Ngọc Thanh về Viện Nghệ thuật[5] thuộc Bộ Văn hóa, rồi sẽ  cử đi đào tạo ở nước ngoài. Nhưng Khu ủy Tây Bắc cũng muốn giữ người vì hiếm có cán bộ nào thành thạo nhiều tiếng dân tộc như ông. Năm 1974, ông Hà Huy Giáp một lần nữa lên Tây Bắc đề cập lại vấn đề trên, cuối cùng, Tô Ngọc Thanh được về Hà Nội công tác, rồi cử đi thực tập sinh ở nước ngoài và ông được lựa chọn quốc gia sẽ đến học. Thời kỳ này trong du học sinh, sinh viên có lưu truyền những câu vè: Muốn giàu đi Đức, muốn kiến thức đi Nga… Có người bạn khuyên không nên đi Bulgaria vì nước này chỉ có vải, thuốc đau đầu và nước hoa hồng, khó mà kinh doanh làm giàu được, nhưng ông chọn Bulgaria và từ tốn trả lời: Không! Tôi không buôn bán gì cả, tôi sang để học. Ông ước muốn trở thành học trò của GS Stoyan Dzhudzhev – một nhà khoa học người Bulgaria nổi tiếng của Viện Hàn lâm âm nhạc Sophia với 3 bằng tiến sĩ của các trường đại học danh giá nhất trên thế giới: trường Đại học Harvard (Mỹ), trường Đại học Sorbonne (Pháp), trường Đại học Oxford (Anh) và thông thạo 17 thứ tiếng.

Trong lần đầu nói chuyện với GS Stoyan Dzhudzhev – khi đó đã ngoài 70, vì chưa thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Bulgaria nên học trò Thanh phải bồi thêm cả tiếng Pháp và tiếng Nga. Vị giáo sư nhanh chóng đi vào vấn đề: Cậu cần gì ở tôi? GS Tô Ngọc Thanh kể: Bấy giờ ở nước ta coi âm nhạc phương Tây là một điều gì đó cao siêu. Khi tôi ở Tây Bắc, từng nghe một cán bộ lãnh đạo nói rằng những gì ngoài đồ rê mi thì không được coi là âm nhạc, tức âm nhạc phải nằm trong khuôn khổ của châu Âu. Cho đến nay nhạc giao hưởng vẫn được đánh giá là bác học. Điều đó đúng nhưng nói nhạc Việt Nam không phải bác học thì lại sai bởi vì âm nhạc mỗi quốc gia có đặc thù riêng[6]. Với những suy nghĩ đó, sau khi chia sẻ chuyện mười mấy năm điền dã ở Tây Bắc, ông rất mong GS Stoyan Dzhudzhev có thể giúp mình trả lời câu hỏi: Có những tiêu chí nào để phân loại âm nhạc dân gian? Vị giáo sư già nở nụ cười hài lòng: Thế thì tôi hiểu anh rồi!

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, 2018

Hai người trò chuyện từ sáng đến chiều vẫn chưa dứt. Cuối ngày, GS Stoyan Dzhudzhev thân mật hỏi: Tôi có thể gọi cậu là “xư-nô”(con trai) được chứ? Trước khi kết thúc cuộc gặp hôm ấy, giáo sư đưa cuốn sách Nguồn gốc các loài của Charles Darwin và dặn dò Tô Ngọc Thanh nghiên cứu cẩn thận. Ông hơi ngạc nhiên khi thầy bảo mình đọc một tác phẩm thuộc chuyên ngành Sinh học nhưng vẫn làm theo. Mất 3 tháng, ông mới vỡ lẽ ra thầy muốn ông học cách phân loại, sắp xếp vấn đề dựa theo mô hình phân loài của Darwin – điều mà ông đang thiếu lúc đó. Tao chờ mày được 3 tháng vì tao biết một thằng như mày sẽ không chịu lùi bước – GS Stoyan Dzhudzhev nói với giọng hài lòng. Nhận thấy Tô Ngọc Thanh có vốn kiến thức phong phú, đặc biệt đều nhờ tự học và qua trải nghiệm thực tế nên GS Stoyan Dzhudzhev đã ngỏ lời giúp đỡ: Tôi cho anh làm kanđiđat (phó tiến sĩ) dù anh chưa có bằng đại học. Nhưng anh phải thi để chứng tỏ trình độ đại học. Và thế là ông thi liền 9 môn, đạt điểm xuất sắc trừ môn đánh đàn piano chỉ đạt 4/5. Kết quả bài thi được gửi về nước, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương lúc đó là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội đồng ý đặc cách cấp bằng đại học cho ông. Nhờ vậy, ông được học thẳng lên chương trình của nghiên cứu sinh thay vì thực tập sinh như dự kiến ban đầu. Năm 1978, ông tốt nghiệp và được cấp bằng phó tiến sĩ. Từ trải nghiệm của bản thân, ông chia sẻ: Tự học có thể giúp ta rất giỏi một số mảng nào đó nhưng không bài bản nên tôi vẫn đánh giá cao việc học tập trên trường lớp[7].

Năm 1978, tân phó tiến sĩ Tô Ngọc Thanh về nước và công tác tại Viện Âm nhạc (thuộc Bộ Văn hóa). Không lâu sau, ông xin vào nghiên cứu vùng đất Tây Nguyên còn sơ khai. Tại đây, ông chọn dân tộc Bana để “cắm rễ” và bắt đầu nghiên cứu về hệ thống lý thuyết trong âm nhạc dân gian. Ông gửi một số bài nghiên cứu và được đăng trên các tạp chí chuyên ngành tại Bulgaria. Đọc được các bài viết của học trò, GS Stoyan Dzhudzhev đã liên hệ và khuyên ông nên tận dụng công trình nghiên cứu về lý thuyết trong âm nhạc dân gian làm luận án tiến sĩ. Được thầy động viên, năm 1983, ông tiếp tục sang Bulgaria làm chuyển tiếp sinh tại Viện Hàn lâm âm nhạc Sophia và gặp lại GS Stoyan Dzhudzhev lúc này đã 81 tuổi và còn minh mẫn. Ông gửi thầy cuốn luận án đã viết sẵn với đề tài: Những quan điểm cần thiết khi tiếp cận một nền âm nhạc dân gian và được thầy khen là đi đúng hướng: Cậu đã phát minh ra cái mới trên cơ sở dân tộc cậu. GS Thanh giải thích: Khi ấy, ở phương Tây, người ta quan niệm âm nhạc dân gian mới chỉ có hai chức năng: các chặng đường đời con người (hát ru, giao duyên…) và các chặng đường phát triển của cây lúa (cầu mùa, ăn cơm mới…). Tôi đã chỉ ra một chức năng nữa là quan hệ với các miền không gian và thời gian bởi người Việt tin tâm linh còn phương Tây tin vào thế giới duy vật. Điều này rất có ý nghĩa với các dân tộc chưa đi qua chế độ tư bản chủ nghĩa[8].

Lần thứ 2 đi Bulgaria, ông Thanh chỉ có thời hạn hai năm để bảo vệ luận án tiến sĩ nhưng thực tế rất hiếm người làm được trong khoảng thời gian ấy vì yêu cầu với luận án tiến sĩ rất cao. Trong 2 năm 1983-1985, dưới sự định hướng của thầy và quá trình nghiên cứu trong nước trước đó, ông nhanh chóng hoàn thiện luận án nhưng chưa kịp đăng toàn văn luận án gửi các giáo sư phản biện thì hết hạn visa. Cũng may, nhờ bạn bè giúp đỡ, ông được kéo dài thêm 2 năm lưu trú, nhưng không được hưởng kinh phí đào tạo, sinh hoạt. Trong lúc chờ thành lập hội đồng chấm luận án, ông phải kiếm việc làm thêm để chi trả phí sinh hoạt. Ban đầu, ông đi phụ hồ tại công trường xây dựng với mức lương khoảng 5 USD/ngày (quy đổi từ Lev Bulgaria). Hết việc, ông chuyển vào nhà máy làm thùng các tông, rửa bát tại khách sạn rồi làm tài xế taxi vào ban đêm. Ông chạy xe từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau. Những ngày hè, thời tiết Bulgaria khá mát mẻ và dễ chịu, nhưng vào mùa đông tuyết rơi nhiều nên lái xe rất khó, nhất là khi tuyết tan đóng thành băng thì lái xe chẳng khác nào trượt băng trên mặt kính.

Năm 1987, hội đồng chấm luận án tiến sĩ của Tô Ngọc Thanh được thành lập gồm có 21 giáo sư từ các nước, trong đó có 2 giáo sư người Mỹ và 2 giáo sư người Nam Tư. Bốn giáo sư này đưa ra nhiều ý kiến phản biện xung quanh sự khác biệt giữa lý thuyết âm nhạc dân gian Việt Nam với hệ thống âm nhạc phương Tây. Buổi bảo vệ kéo dài từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, luận án được đánh giá xuất sắc với 100% phiếu ủng hộ từ hội đồng. Sau này, cũng nhờ kết quả luận án tiến sĩ mà năm 1999, ông được bầu vào Ban chấp hành Hội đồng quốc tế về âm nhạc truyền thống (International Council for Traditional Music). Thời điểm đó, ông là người Việt Nam duy nhất được bầu vào hội đồng này. Hội đồng giao cho ông phụ trách toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ông Tô Ngọc Thanh về công tác tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam với vai trò Viện phó (1988-1995) rồi Viện trưởng (1995-1996). Ông tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời các công trình giá trị như: Folklore Bahnar (1988), Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam (1995), Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1998), Âm nhạc Cung đình Việt Nam (2000)…  Với vai trò Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian 6 khóa liền (khóa II đến khóa VII), ông đã định hướng, dẫn dắt Hội đẩy mạnh công tác sưu tầm – nghiên cứu di sản văn hóa – văn nghệ dân gian các tộc người Việt Nam và các hội viên đã xuất bản 2.500 công trình – tác phẩm, chọn lọc trong tổng số gần 4.000 công trình, góp phần hoàn thiện hồ sơ các loại hình văn nghệ dân gian: nghệ thuật bài chòi Trung bộ, hát xoan Phú Thọ, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trình UNESCO và đã được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ một cậu bé mê những bài hát ru, hát ả đào, GS Tô Ngọc Thanh đã nuôi dưỡng và theo đuổi đam mê âm nhạc đến cùng để rồi trở thành một học giả uyên bác trong lĩnh vực âm nhạc và văn hóa dân gian. Mặc dù không nối nghiệp cha, nhưng ông có cùng ước nguyện như cha – họa sĩ Tô Ngọc Vân là gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ông từng chia sẻ: Tôi muốn đi tìm những nét đẹp văn hóa của ta mà không quốc gia nào có; đi tìm tư duy, quy luật sáng tạo của nhân dân qua một nghìn năm thể hiện trong văn hóa dân gian. Ngày nào còn sống, tôi còn viết[9].

Nguyễn Điệp

________________________

  1. ^ http://baodongnai.com.vn/vanhoa/201406/chu-tich-hoi-van-nghe-dan-gian-viet-nam-gstskh-to-ngoc-thanh-toi-la-hoc-tro-cua-muon-nha-2317547/
  2. ^ Tài liệu ghi âm GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, 26-1-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
  3. ^ Còn gọi là trường Mỹ thuật kháng chiến.
  4. ^ Sau đổi tên là Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
  5. ^ Nay là Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
  6. ^ Tài liệu ghi âm GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, 31-1-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
  7. ^ Tài liệu ghi âm GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, 22-9-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
  8. ^ Tài liệu ghi âm GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, 31-1-2018, đã dẫn. 
  9. ^ Tài liệu ghi âm GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, 10-10-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.