Chuyện về “ông hoàng số học” Lại Đức Thịnh

“Huyền thoại câu số 5”

Cuối xuân năm 1956, khu giảng đường 19 Lê Thánh Tông thật rộn rã, tấp nập. Gần năm mươi sinh viên khoa Toán – Lý trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) đang bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Đây là khóa ra trường đầu tiên của trường ĐHSP từ sau hòa bình lặp lại.

Lại Đức Thịnh là một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa này. Cuối 1954, học xong năm nhất khoa Toán – Lý trường Sư phạm cao cấp Nam Ninh – Trung Quốc, Thịnh cùng các bạn về Hà Nội học tiếp năm hai khoa Toán – Lý ĐHSP Hà Nội. Sau hai năm “dùi mài toán lý”, Thịnh quyết tâm giành “ngôi vị” giỏi xuất sắc ở kỳ thi tốt nghiệp, vì qua hai năm học ở Nam Ninh và Hà Nội anh đều đạt điểm giỏi.

PGS. TS Lại Đức Thịnh

Điều kiện học tập và sinh hoạt còn hết sức khó khăn, nhưng kì thi tốt nghiệp khóa đầu đã đạt kết quả tốt. Có ba sinh viên đạt loại giỏi, xuất sắc: Đoàn Quỳnh và Võ Tiệp không những đạt thành tích rất tốt trong hai năm học mà còn đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp. Riêng Lại Đức Thịnh thì… không giống ai. Sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp, anh sốt cao 39 – 40 độ C, phải nhập viện. Bác sỹ bảo, do anh thức khuya nhiều, lại không chú ý ăn uống nên bị xuống sức. Không dự thi, Thịnh không có điểm tốt nghiệp. Bạn bè rất lo và tiếc cho anh.

Đợt thi học kỳ năm ngoái (1955), Thịnh đã làm cả lớp thót tim vì anh vừa lập nên một kỳ tích “huyền thoại câu số 5”. Trong phòng thi, chỉ ít phút sau khi chép đề, tất cả các thí sinh đang chăm chú, lặng lẽ làm bài, bỗng Thịnh giơ tay xin phát biểu. Giám thị và thí sinh đều ngỡ ngàng. Thịnh bảo: “Câu số 5 của đề thi là sai!”. Giám thị phải trấn an: “hãy tạm bỏ qua câu số 5, tiếp tục làm các câu còn lại”.

Sau đó, Giáo sư Lê Văn Thiêm – Hiệu trưởng nhà trường, đích thân kiểm tra lại đề và khẳng định ý kiến của trò Thịnh là đúng. Lỗi là do thư ký đánh máy. Cả lớp nể Thịnh lắm, nhiều bạn gọi anh là “Ơ rê ka”.

Vì không dự thi tốt nghiệp nên Thịnh không đạt điểm thủ khoa. Nhưng anh vẫn được nhà trường và khoa xét đặc cách công nhận tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Thật là một trường hợp “Vô tiền khoáng hậu”.

Duyên nợ với môn toán và thầy Ngô Thúc Lanh

Trong số các thầy đang giảng dạy ở khoa Toán – Lý bấy giờ, cõ lẽ Giáo sư Ngô Thúc Lanh là người hiểu rõ trò Thịnh nhất. Bởi ông đã có năm năm trực tiếp giảng dạy, kèm cặp, giúp đỡ trò Thịnh khi anh mới bước chân vào trường trung học Chu Văn An ở Đào Giã, cuối năm 1947. Rồi một năm ở khu học xá Nam Ninh, một năm ở khoa Toán Lý ĐHSP Hà Nội…

Cuối năm 1947, Pháp mở rộng đánh chiếm các đô thị, trường cấp hai Lê Quý Đôn thị xã Thái Bình phải sơ tán. Những học sinh đã tốt nghiệp muốn học tiếp phải “tầm sư học đạo” ở vùng kháng chiến. Một số vào Thanh Hóa, một số tới Phú Thọ theo học trường Chu Văn An. Bấy giờ ta vừa thắng lớn ở Việt Bắc. Điều này lôi cuốn thanh niên trí thức lên chiến khu.

Vai đeo bao gạo ăn đường, vai đeo tay nải sách vở và tấm bằng tốt nghiệp cấp hai loại giỏi, Thịnh lặn lội, mò mẫm, vượt hơn hai trăm cây số, băng rừng, vượt suối, tìm đường đến Đào Giã. Mệt mỏi, gầy tọp vì thiếu ăn, thiếu ngủ, vì vất vả đường trường, qua hơn mười ngày đêm, từ Thái Bình, Thịnh cũng đã về đến trường. Thịnh được xếp vào học ban Toán – Lý. Duyên nợ với môn toán kết với anh từ đó.

Chỉ sau một học kỳ, Thịnh đã nhanh chóng chiếm được thiện cảm của các thầy và bạn trong trường. Một chàng trai dong dỏng cao, da ngăm đen, đôi mắt sáng, ít nói, sống chân tình, mộc mạc. Anh chăm học, chăm làm và luôn là một trong những trò dẫn đầu khóa IV về các môn nhất là toán. Do vậy Thịnh được các thầy rất chú ý. Có những bài toàn khó, cả lớp còn đang loay hoay thì Thịnh đã tìm ra đáp số với một cách giải… rất thông minh, độc đáo! Thầy Ngô Thúc Lanh là chủ nhiệm lớp và dạy toán cho khối rất yêu quý trò Thịnh. Ông biết rằng trò Thịnh thật sự có năng lực về toán.

Học bổng hàng tháng chỉ 100 đồng, đủ để học sinh có hai bữa cơm đạm bạc. Còn áo quần, sách vở, dầu đèn… hoặc từ gia đình trợ cấp hoặc học sinh phải tự làm thêm. Quê của Thịnh là một làng ven sông Trà Lý, tận Đông Hưng, Thái Bình. Anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng cha anh là một ông giáo làng dạy sơ học. Thịnh là con trai cả nên từ nhỏ đã chịu sự giáo dục nghiêm khắc của cha, hiếu học và nghị lực.

Ngoài giờ học, các học sinh thường vỡ đất, trồng khoai sắn để có cái ăn sáng. Hoặc làm gia sư, dạy con em các gia đình trong xã. Một hôm, vào chiều tối, các giáo viên tới thăm chỗ ở của học trò, họ đã rất bất ngờ khi thấy Thịnh cùng vài bạn trai đang loay hoay lấy lá cọ che chắn, làm chuồng cho chú lợn con khỏi gió rét. Hóa ra mấy trò này đang tập nuôi lợn theo cách của bà con thôn xóm.

Thịnh cùng các bạn lên nương mót sắn khoai về cho chú ỉn. Rồi hàng ngày, họ đến bếp ăn, xin cơm canh thừa về “bồi dưỡng” cho ỉn. Ơn giời, chú lớn nhanh như thổi. Khi xuất chuồng, ngoài việc chiêu đãi bạn bè, Thịnh và mấy bạn cùng nuôi dưỡng còn được một món cho sách vở, áo quần…vv…

Khu ở của học trò toàn là tranh tre nứa lá. Mùa hè thì mát nhưng mùa đông thì rét buốt thấu xương. Đa số trò không đủ áo ấm, chăn bông chống rét. Thế mà nhiều tối khuya, một số giáo viên trong đó có thầy Ngô Thúc Lanh đi kiểm tra khu lán trại, vẫn thấy Thịnh cùng nhóm bạn, khoác chăn, chụm đầu bên ngọn đèn dầu, tranh cãi về cách giải một bài toán hóc búa nào đó. Trong lòng thầy chủ nhiệm khóa IV dâng trào một tình yêu thương mênh mông đối với học trò, nhất là đối với Thịnh.

Ba năm học trôi qua nhanh như “bóng câu qua cửa sổ”. Thầy lo dạy tốt, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho học trò. Trò lo học, trao dồi kiến thức, hoàn thiện nhân cách. Tháng 6 năm 1950, khối IV của anh tốt nghiệp và trường Chu Văn An cũng kết thúc “sứ mệnh lịch sử” của mình. Thịnh và một số bạn vừa ra trường đã được bổ nhiệm về dạy cấp II Phú Thọ.

Cuối tháng 10-1950 chiến dịch Biên giới kết thúc đại thắng. Ngày 11-10-1951, Bộ Giáo dục quyết định thành lập trường CĐSP Khoa học, đặt ở Tuyên Quang. Giáo sư Lê Văn Thiêm làm Hiệu trưởng. Tháng 12-1951, được sự giúp đỡ của chính phủ Trung quốc, khu học xá Nam Ninh xây dựng xong, và trường CĐSP Khoa học đã chuyển từ Tuyên Quang sang Nam Ninh.

Giữa 1953, sau ba năm dạy ở Phú Thọ, Thịnh được cử sang Nam Ninh học năm I khoa Toán- Lý. Thịnh thật may mắn được học nhiều thầy cũ. Thầy Ngô Thúc Lanh lại dạy toán cho khoa Toán – Lý của Thịnh. Ông rất vui mừng và hài lòng khi gặp lại cậu học trò Đào Giã năm xưa.

Đài Lân
Nguồn: http://dantri.com.vn