Thầy Canh

Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh quê ở làng Đa Sĩ, nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Một làng quê yên ả khép mình bên dòng sông Nhuệ hiền lành. Đúng như tên gọi Đa Sĩ, làng quê này vốn nổi danh xứ Bắc với nhiều người học hành đỗ đạt, nhiều người làm quan, nhiều người là danh y có tiếng. Thời phong kiến làng Đa Sĩ từng được vua ban phẩm lộc về sự học của làng. Hiện miếu làng còn lưu giữ nhiều vật phẩm có giá trị lịch sử và văn hóa.

Cũng như các gia đình khác, nghề rèn nổi tiếng với sản phẩm dao kéo Đa Sĩ cũng gắn bó với gia đình thầy. Nó như cái nghiệp không bao giờ phai nhạt được cho dù giữa cuộc sống ồn ã và đầy chất công nghiệp như hiện nay. Có khác chăng là khác người Đa Sĩ bây giờ đã biết tận dụng máy móc và khoa học công nghệ để làm nên những con dao cái kéo nức tiếng tới tận những miền quê và tận các nước láng giềng.

Thầy Canh  sinh năm 1933, tính đến nay thì thầy đã bước qua cái tuổi 83 để sang cái tuổi 84. Là Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân, thầy Lê Ngọc Canh là một trong những người thuộc lớp đầu đàn của nền nghệ thuật múa hiện đại Việt Nam. Chuyện thầy vào nghiệp múa cũng đáng nói lắm. Đáng nói như chính cuộc đời thầy đã đồng hành cùng công cuộc đấu tranh và dựng xây đất nước vậy.

Thầy Canh kể: “Hôm đó là sáng sớm một ngày giữa tháng 12 năm 1946, mình xin nghỉ học chạy ù về làng thăm mẹ. Nhà mình có chín anh chị em nên mẹ mình cũng vất vả. Thương mẹ mình hay tranh thủ về nhà. Hôm đó mình vừa về tới nhà là mẹ mắng ngay. Bà bảo “u nghe nói quân Pháp ầm ì ngoài đó lắm. Con đi lại làm gì nhiều cho nguy hiểm. Mà thày u cho con ra Hà Nội học chứ đâu phải cho con đi chơi. Con về nhà nhiều thế học hành làm sao”. Mình xịu mặt giả vờ hờn dỗi nhưng rồi lại sà vào lòng mẹ nũng nịu “cứ nhớ u là con lại về nhà”.

Đâu ngờ chú bé 13 tuổi tên là Canh phải mang nỗi nhớ mẹ, nỗi nhớ nhà suốt 8 năm trời. Tám năm đằng đẵng không một dòng thư, không một lời nhắn nhủ. Tám năm dằng dặc nỗi niềm mong ngóng làng quê và những cuộc hành quân không biết nghỉ. Chỉ vài ngày sau hôm về thăm nhà thì cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra. Cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm để giải phóng đất nước như một “bước ngoặt trọng đại” trong cuộc đời chưa hề được định trước của chú bé Lê Ngọc Canh.

Hòa vào dòng thời cuộc như một định mệnh, chú bé Canh tự nguyện tham gia vào đội ngũ những chiến sĩ cảm tử Thủ đô. Hồi đó trên những chiến lũy dựng trên đường phố Liên khu 1, người ta thường thấy bóng dáng những chú bé tuổi từ 9 tới 13  len lỏi giữa hai làn đạn.

Hồi đó, dân Hà thành đã ví von mà gọi những chú bé đó là “những chú bé Gavơrốt”. Câu chuyện văn học về chú bé Gavơrốt trên chiến hào Công xã Pa ri ở mãi bên nước Pháp xa lắc xa lư trong tác phẩm “những người khốn khổ” của văn hào Víchto Huygô đã hiện diện đầy đủ với tư cách là “người thật việc thật” trên đường phố Hà Nội ầm vang tiếng súng.

Hồi đó, các chiến sĩ Liên khu 1 đã thân thương và trìu mến gọi những chú bé ấy là “Vệ út”. Vệ út là chiến sĩ của trung đoàn Thủ đô cùng các chú các anh chiến đấu suốt 60 ngày đêm.

Bước ngoặt thứ hai đến với cuộc đời thầy lại cũng vô cùng bất ngờ. Số là sau khi cùng Trung đoàn rút lên chiến khu Việt Bắc an toàn, những người lính “trai Hà thành” đẹp trai, tài hoa và đánh giặc giỏi liền tổ chức những cuộc giao lưu liên hoan văn nghệ. Khi thì trong đơn vị. Khi thì với đơn vị bạn và khi thì với thanh niên cùng đồng bào địa phương nơi đóng quân.

Đàn hát thì sẵn rồi nhưng múa thì còn thiếu. Chả là bộ đội toàn con trai nên múa đâm hiếm. Nhưng văn nghệ mà vắng múa thì cũng tẻ. Thế là chiến sĩ tuổi thiếu niên Lê Ngọc Canh được chỉ định làm diễn viên ….múa. Thầy Canh nhớ lại: “Anh Đỗ Chí vỗ vai tôi nói: Em bé nhỏ nên múa là hợp nhất.

– Nhưng em đâu có biết múa”

– Cứ múa rồi khắc biết. Được rồi anh sẽ dạy em múa”

Thực ra người dạy múa cũng đâu có biết múa một cách bài bản. Thông qua những lần ít ỏi được xem được biết về múa ở nhà hát lớn mà “thầy” – anh bộ đội Đỗ Chí đã hướng dẫn cho chú bé – chiến sĩ Canh những động tác múa đầu tiên. Ban đầu là múa theo kiểu cầm súng đi đi lại lại minh họa cho màn hát chiến sĩ. Ban đầu là những động tác chân, động tác tay theo kiểu uốn uốn lượn lượn như trong mấy vở chèo dần dà hình thành những bài múa “có hình có dáng”.

Nghiệp múa đến với thầy Lê Ngọc Canh đơn giản như vậy nhưng nó dường như theo suốt đời ông. Một dạo đơn vị cử thầy đi học sĩ quan ở trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Quanh quẩn thế nào mà chàng học viên Lê Ngọc Canh lại bị phát hiện ra. Nhà trường tổ chức sinh hoạt văn thể nên có người sực nhớ ra trong trường có học viên “biết múa” thế là theo yêu cầu nên thầy lại “phải múa”. Rồi thầy Canh về hẳn Đoàn Văn công Quân đội để làm diễn viên múa. Múa rồi mầy mò làm biên đạo múa, những bài múa đầu tiên ra đời và đã chuyển cuộc đời diễn viên múa Lê Ngọc Canh sang cuộc đời người biên đạo múa.

Kháng chiến thành công. Thầy Canh mới trở lại Hà Nội. Đúng 8 năm xa nhà mới trở về thăm nhà. Mẹ cùng các anh chị em của thầy không khỏi sững sờ trước những thay đổi của thầy. Họ hoàn toàn bất ngờ trước sự nghiệp của thầy bởi như ở quê thầy chuyện “múa may” rất xa lạ.

Một tiết múa do GS- TS- NSND Lê Ngọc Canh dàn dựng.

Có hôm tôi hỏi thầy Canh: “Thầy ơi, em được biết, nói về thầy là nói về ba sứ mệnh quan trọng mà thầy đã dày công gắn bó. Sứ mệnh thứ nhất là sứ mệnh của người biên đạo múa. Thứ hai là sứ mệnh của một nhà lý luận về múa. Và thứ ba là sứ mệnh của một người luôn tâm huyết với các điệu múa dân gian và cổ truyền”.

Thầy Canh cười: “Hồi thầy sang học nghệ thuật tại Nhạc viện Quốc gia Bungari, các giáo sư bên đó có nói: “Em phải đi bằng hai chân. Một chân là biên đạo múa và một chân là nghiên cứu lý luận về múa. Đất nước Việt Nam của các em còn khó khăn, còn đang phải chiến đấu nhưng đã gửi các em sang đây học chứng tỏ nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến văn học nghệ thuật không chỉ hiện đại mà còn của dân tộc nữa.

Nghe các Giáo sư người Bun nói vậy mà tôi mạnh dạn “đi bằng hai chân” như đã thấy. Quá trình tìm hiểu về múa mà tôi đã nhận thấy đất nước ta có rất nhiều điệu múa dân gian truyền thống có giá trị. Nếu không tìm hiểu, không đánh giá đúng và không hệ thống sẽ mai một mất. Tôi gắn bó với công việc sưu tầm và lưu giữ các điệu múa cổ là như vậy”.

Với “kho tàng cá nhân” gồm hơn 160 điệu múa và vở múa đã được công diễn cùng trên 20 đầu sách đã được xuất bản. Có nhiều vở múa như: “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, “Giã gạo dưới trăng”, “Múa sạp”, “Múa Chăm”, “Ngẫu hứng tâm linh”… và nhiều tác phẩm nghiên cứu lý luận về múa như: “Lịch sử Nghệ thuật múa Việt Nam”, “Nghệ thuật múa Chăm”,”Phương pháp kết cấu kịch bản múa” và gần đây nhất là “Múa cổ truyền dân gian Hà Nội”… đã làm nên tên tuổi Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Canh.

Từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong ngành nghệ thuật như: Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa; Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; Tổng biên tập Tạp chí Nhịp điệu của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò ưu tú.

Có những học trò của ông hiện đang đảm nhiệm vị trí chủ chốt trong các trường nghệ thuật. Có nhiều học trò thành đạt trong học vấn và sự ngiệp. Tất cả đều phản ánh trung thực về một thế hệ nghệ sĩ trưởng thành trong công cuộc đấu tranh và dựng xây của đất nước ta.

Đã định kết thúc bài viết ở đây nhưng thầy Canh vừa gọi điện. Tưởng thầy sẽ hỏi về phim tài liệu “Từ mùa đông năm ấy” đã hoàn tất chưa. Hóa ra không phải. Quá bất ngờ khi thầy Canh cho biết: “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2016 này có tên của thầy”. Chân thành chúc mừng thầy. Chúc mừng nền nghệ thuật múa Việt Nam đã có được những con người ưu tú như thầy.

 

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Thay-Canh-417361/