Tiếp nối các thế hệ đi trước*

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, việc GS Hà Minh Đức, GS Phong Lê đã hiến tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam những tư liệu hiện vật của đời mình, là rất có ý nghĩa, bởi vì khi mọi thứ đi qua, trong cuộc đời nhiều thứ sẽ bị quên lãng nhưng văn hóa và những đóng góp, sáng tạo của các nhà khoa học sẽ còn lại và đó là yếu tố làm lên sự lớn mạnh của đất nước. Những năm tôi công tác ở Viện Văn học, tôi luôn lắng nghe các tiền nhiệm của mình với tư cách là học trò, là người đi sau. Những gì các giáo sư đã làm chúng tôi tiếp tục bồi đắp và tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh hôm nay thế hệ chúng tôi có nhiệm vụ phải mở rộng, phải tiếp nối những điều tốt đẹp của các bậc tiền nhiệm ở một mặt bằng, một không khí học thuật của thời đại. Xin thưa hai Giáo sư cũng là hai Viện trưởng, bên cạnh những nghiên cứu truyền thống, Viện Văn học trong 5 năm qua chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, đặc biệt thế hệ trẻ bắt đầu có thể đối thoại với bên ngoài, nếu chúng ta nghiên cứu truyền thống song song với nghiên cứu văn bản, đó là nghiên cứu văn học trong mối nghiên cứu văn hóa.

Vừa rồi, tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa, hiện đang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tham dự diễn đàn Việt Nam học tại Đài Loan, anh Trần Đăng Khoa có nói: Ra đây mới biết các nhà khoa học Việt Nam bây giờ họ làm thật, họ làm được và nói được, ở nhà mình chưa thấy hết… Dẫn ra ý kiến này, tôi muốn nói rằng, khi chúng ta chuẩn bị một tâm thế đầy đủ thì chúng ta thật sự vượt qua rất nhiều khó khăn.

 PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp tại buổi lễ

Viện Văn học chúng tôi là một cơ quan vinh dự có rất nhiều các thế hệ học giả nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Huy Đỉnh, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Phách…, họ là những nhà sáng tạo, nhưng cũng có những thăng trầm. Theo tôi, tư tưởng của một người nghệ sĩ, một nhà khoa học là những cống hiến trên chính trang giấy của họ, điển hình như GS Hà Minh Đức, ông làm việc rất cần mẫn, tôi đã từng nhìn thấy ông tẩn mẫn ghi chép, sắp xếp các tài liệu vào những chiếc hộp. Đó là điều thứ nhất tôi muốn nói về GS Hà Minh Đức.

Khi tôi về Viện Văn học ba ngày, khi đó tôi 30 tuổi, GS Phong Lê giao cho tôi làm một nhánh của đề tài cấp nhà nước. Quả thật, khi được thầy gọi lên gặp, tôi có phần hơi lo và nghĩ rằng chắc lại bị sếp nhắc nhở gì đây. Nhưng khi gặp, thầy chỉ thị: Ông làm cho tôi một nhánh của đề tài nhà nước này. Và điều thú vị là chính GS Hà Minh Đức là người đọc duyệt phần tôi viết. Tôi vẫn còn nhớ như in rằng, trước sảnh của tòa nhà ở 20 Lý Thái Tổ, GS Hà Minh Đức hỏi tôi: anh năm nay bao nhiêu tuổi? Tôi trả lời: dạ em hơn 30 tuổi. Giáo sư Hà Minh Đức chỉ nói một câu: anh viết hay và viết chắc chắn. Ngày hôm nay, tôi chắc rằng GS Hà Minh Đức cũng vẫn còn nhớ.

Và bây giờ để tiếp nối sự nghiệp của hai giáo sư Giáo sư và các nhà khoa học đi trước, tôi nghĩ mình cũng có trách nhiệm đưa Viện Văn học trở thành Trung tâm khoa học hàng đầu của đất nước. Nhân buổi lễ ngày hôm nay, tôi xin ít phút chia sẻ cảm nghĩ của mình về nhân vật chính của buổi lễ – GS Hà Minh Đức. Tôi luôn luôn cho rằng các nhà khoa học đi trước (ở đây tôi nhìn thấy GS Nguyễn Đình Chú và một số Giáo sư khác) có rất ít cơ hội giải trí, niềm vui chơi. Thế hệ của các thầy có lẽ thiệt thòi hơn chúng tôi về điều kiện trong công tác cũng như cuộc sống, nhưng có lẽ nhờ thế mà năng lượng trí tuệ dồn vào chữ nghĩa nhiều hơn chăng?… Như ở GS Hà Minh Đức, những suy nghĩ, suy ngẫm về lẽ đời, về cõi thế, về thăng trầm trong cuộc sống ông đã gửi cả vào những trang viết, có thể đấy là nghiên cứu phê bình, là thơ, ký, hay là tản văn. Và biết đâu Giáo sư có thể chuyển sang một không gian rộng hơn như viết hồi ký chẳng hạn.

Giáo sư Hà Minh Đức là một bí ẩn luôn làm tôi ngạc nhiên.Thứ hai, trong cuộc sống thầy Đức là một người hết sức thân tình, hết sức tin vào thế hệ trẻ, có lẽ đấy cũng là một điều làm tôi cảm phục. Bài học phải tin vào thế hệ trẻ mà GS Phong Lê, GS Hà Minh Đức là tấm gương, tôi vẫn làm theo cho đến bây giờ. Như ở Viện Văn học chúng tôi hiện nay có những tiến sĩ tuổi đời 30 tuổi, rất chí thú với nghề, họ sẽ là những tài năng và chúng ta phải tin vào họ, đấy là điều mà tôi học được ở các thầy, các Giáo sư trong đó có GS Hà Minh Đức.

Điều thứ 3, khi GS Hà Minh Đức về nhận chức Viện trưởng Viện Văn học, tôi có đến thăm ông và ông có nói một câu và khi tôi đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Văn học, tôi đã thực hiện điều đó: Khi nhận chức Viện trưởng thay GS Phong Lê, tôi thường đồng thời phải nghĩ tới hai, ba việc trong khi đang làm một việc, tôi viết về một vấn đề, trong đầu tôi phải nghĩ hai, ba chủ đề khác để tiếp tục. Đó là một bài học, một kinh nghiệm trong cuộc đời mà GS đã thực hiện và truyền lại cho thế hệ sau và đối với tôi lời dạy ấy như một cái lĩnh ấn của một bậc trưởng giáo, một bậc tiên chỉ trong nghề. Tôi nghĩ rằng những điều thầy dạy tôi, những điều mà nhà quản lý Hà Minh Đức truyền lại, tôi không bao giờ quên, và tôi biết áp dụng trong thực tế công việc…trong một tâm thế luôn kế thừa và luôn luôn phát triển. Tôi có một quan niệm: Luôn kính trọng những giá trị của các thầy đi trước và thế hệ chúng tôi có nhiệm vụ phải đẩy nó ở một tầm cao mới. Tôi nghĩ rằng mỗi thế hệ có một nhiệm vụ của mình, mỗi một giai đoạn có nhiệm vụ của nó, mỗi một không gian, tinh thần của thời đại nó có những đặc điểm riêng và chúng ta hãy sống tận độ với tất cả những điều đó thì chúng ta sẽ chạm đến và có thể may ra vượt lên một chút giới hạn…

Cuối cùng, xin chúc mừng GS Hà Minh Đức và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có một buổi lễ thật xúc động, thật ấm áp. Để lại cảm tưởng của mình trên Sổ lưu bút của Trung tâm, tôi đã bày tỏ hi vọng, tin tưởng Trung tâm sẽ ngày càng phát triển và tại đây sẽ lưu giữ những giá trị văn hóa, những ký ức, những sản phẩm sáng tạo ngày càng dồi dào hơn, ý nghĩa hơn. 

Xin cảm ơn!

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp

______________________

* Tiêu đề bài trích phát biểu của PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp do Ban biên tập đặt.