Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu xanh xuyên thế kỷ

Sự hiếm biệt ấy quý báu ngay khi nhìn ra châu Á và thế giới. Chỉ những ai mang tinh thần sáng trong và cống hiến mới phần nào sẻ chia. Đấy là Giáo sư – Anh hùng lao động Vũ Khiêu, thường được nhân quần biết là một giáo sư, bậc thầy viết câu đối, cho chữ, gieo muôn áng văn đẹp khắp mọi miền.

Đối lập căn bản ở Giáo sư (GS) Vũ Khiêu là sức dung chứa, hoà quyện sự thâm thuý, trữ lượng dồi dào về văn học cổ Việt Nam và Trung Quốc cùng tư duy minh triết, hiện đại. Tính Á Đông trong gia giáo nếp nhà và lòng trung với Tổ quốc, với sự khoáng hoạt lịch duyệt của một tao nhân và óc sáng tạo của văn minh châu Âu, đặc biệt là chất Pháp không chỉ ở ngôn ngữ mà ông thông thạo như thứ tiếng thứ hai sau tiếng Việt, mà ở trí lực ưa tìm kiếm, khai sáng.

GS. Vũ Khiêu cùng gia đình người con trưởng – vợ chồng GS.TS Cảnh Khanh,

Lê Thị Quý và vợ chồng cháu nội Cảnh Linh.

Từ trước Tết tới trung tuần tháng hai, bốn thứ bảy liên tiếp tôi đều đến thăm ông.  Gần gũi và hiểu ông, tôi nuôi và biểu hiện lòng kính trọng, ngưỡng mộ, kính yêu, trân quý bằng thầm lặng, không nói mà hành động như cách mà ông dành cho người thân, bạn, những ai ông quan tâm, thương mến.

Đấy là tránh sự khoa trương, ồn ã, danh tham, đấy là noi gương ông làm việc và cống hiến, quý từng ngày sống chứ không phải chờ đợi vận may và ồn ào tung hô, rộn rã chúc tụng. Thói đời, nhân quần ai chẳng thích sống lâu.

Sống nhiều, sống tận hiến như GS. Vũ Khiêu mới là hiếm biệt. Ai cho rằng bộ não tuổi 101 làm việc từ 12 giờ đến 16 giờ một ngày là chuyện phi thường, thì cũng không hẳn lẽ thường tình khi nghĩ về một người đại thọ, đại minh mẫn, đức độ như nhiên ở tuổi qua thế kỷ.

Nếu nhìn bằng sự phóng chiếu đa giác của văn hóa, khoa học, tâm linh nhân quả, Vũ Khiêu đã qua mức thượng thừa mà đời sống thực dụng này có thể kiểm soát.

Bằng triết lý sống hiện sinh là dâng hiến toàn năng, GS. Triết học Vũ Khiêu đã sang những cảnh giới của bậc tiên hiền. Sự siêu thường ấy là tích hợp nhân quả của cả cuộc đời sống đẹp, nghĩa tình, hào hiệp, thủy chung, luôn trọng tài, liên tài. Ông không chỉ giúp người khó khăn, yếu đuối, thua thiệt mà còn bảo vệ, khích lệ và ủng hộ nhiều tài năng trong tầm nhìn tiên tri của một trí thức cộng sản.

Nhà ông luôn rợp hoa tươi từ cổng vào sân vườn, phòng khách, các tầng. Thứ hoa thường thấy là hoa lan. Chậu lan vàng nhụy tím mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến chúc Tết và tặng GS hôm 29 Tết Đinh Dậu vẫn tươi vươn cánh. Trong nhà, ngoài sân đặt các tượng GS do các vị lãnh đạo cấp cao, nhà điêu khắc tên tuổi tặng.

Đến nơi này, ngay cả lúc ông không ở nhà, vẫn thấy hơi ấm, tinh thần ông đầy ắp, toả ra từ phòng làm việc của thư ký, của ông, trong chiếc bút đang mở, kẹp hoặc đặt trong cuốn sổ; trên những cuốn lụa điều chờ hoa tay thảo nét, trên nghiên mực chờ bút lông giao thủy, nơi cánh cửa kính của tủ sách hình như còn đang rung bởi được mở mỗi ngày.

Giá sách chật không còn chỗ xếp, nơi nhiều bức ảnh ông chụp từ thời trẻ trai, chụp với Bác Hồ, với những yếu nhân của đất nước, mà album và các bức tường không đủ chỗ.

Những người biết GS vẫn nhớ câu chuyện mà GS đã “cảnh cáo” một ông bạn khoe giàu khi nói với Vũ Khiêu: “Tôi có 5.000 cây vàng. GS làm việc nhiều thế, yếu nhân, doanh nhân đến nhà thường xuyên thế, tài sản GS có bao nhiêu cây?”. GS cười: “Ông giàu sao bằng tôi. 5.000 cây của ông sao bằng tôi có 5.000 người bạn”.

Quả đúng, ông giàu có, bởi bạn khắp các vùng miền, châu lục, một đại trí thức hiếm có khiến mọi giới đều kính nể, vị lãnh đạo cao nhất ở các thời kì đều coi ông như “quốc bảo”.

Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học Việt Nam, GS Triết học, mỹ học Vũ Khiêu là bậc thầy của các bậc thầy, không chỉ ở thâm niên giảng dạy, mà ở chất lượng đào tạo qua bao học trò xuất sắc, loạt công trình bề thế, nhiều bộ sách thành cẩm nang, giáo khoa thư. Vũ Khiêu nhà văn, nhà thơ, nhà báo, dịch giả, nhà Đường thi học, Cao Bá Quát học, tinh thần ánh tuệ tài hoa của Chu Thần – Thánh Quát.

Phó Tổng Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã ngày nào vẫn đọc nhiều loại báo mỗi ngày, cập nhật tin tức, chỉnh sửa luận án và nhiều bộ sách quan trọng mà ông làm chủ biên. Ông là cựu học sinh duy nhất của Trường Tiểu học Hành Thiện ngày nào (sau mang tên Xuân Hồng A) còn sống. Tôi đã có dịp cùng ông đến thăm ngôi trường trăm năm này vào dịp khai giảng năm 2012. Ở quê nhà ông, có một trường THPT dân lập mang tên Cao Phong.

Theo GS, Cao Phong là phong thái cao cả, chữ mà Cao Bá Quát dùng ngợi ca Chu Văn An, người thầy tiêu biểu, tấm gương lớn của lịch sử dân tộc. Trân trọng Chu Văn An và ý nghĩa chữ của Cao Bá Quát, ông mượn từ Cao Phong làm bút danh đầu tiên của mình.

Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân Phạm Văn Miên, đồng hương của GS, thay mặt Báo tặng máy vi tính cho trường. Đấy là hình ảnh đẹp trong chuyến đi lần đầu về Cao Phong và sự kiện đặc biệt lặp lại vào ngày khai giảng năm 2016.

Tôi lại được gặp “nhị vị tướng quân” Nguyễn Hữu Ước và Phạm Văn Miên tại Trường Cao Phong cùng thầy trò và cán bộ địa phương mừng GS đại thọ. Nhà báo Đinh Thế Huynh đến muộn.

Chuyến trở về quê hương ý nghĩa này của Tiến sĩ Huynh mang món quà đặc biệt cho bậc tiền bối: bức khảm hoa cúc trắng trên nền xanh với bốn chữ “Diệp bất ly chi”. Sự trù phú của tri thức, kiến văn, của khát vọng, của tinh thần hăng say lao động, của tình người nơi GS được biểu đạt dung dị, thư thái.

Trong tĩnh lặng của chiều xuân, GS ngồi đó, vai nhô xương, má hóp gầy, chỉ đôi mắt sáng và những lời mẫn tuệ là bất chấp thời gian. Phía sau ông, chậu hoa mai trắng đang nở và tường đối diện treo phù điêu của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Hai bàn tay trắng không vướng bụi/ Một tấm lòng son ở với đời”.

Ở mảng tường vàng nhạt khá khuất khác, treo chữ Phúc, tựa điều lành tụ toả trong đại gia đình ông. Hậu duệ hãnh diện, tự hào về cha ông mình, song không ai dựa tiếng ông, tất cả đều thiên lương, nỗ lực.

Trước sân trồng đôi cây hoè quế, là biểu tượng của gia đình đông vui, sum vầy. GS sinh được 4 con, có 7 cháu, 8 chắt. Các con ông vẫn đùa: Bố như Lạc Long Quân, vì rất đông con, ngoài con đẻ còn hàng chục nghĩa nam, nghĩa nữ.

Vào không gian của Vũ Khiêu, hương hoa quyến luyến mỗi bước đi. Người là hoa của đất, thì Vũ Khiêu, người yêu hoa, là thứ hoa bền sáng, sinh ra những bông hoa. Không chỉ là tên ông đặt cho người con trai út – Hoa Thạch (với 2 cháu gái nội là Hoa Lam và Hoa Lê, đang sống tại Paris).

Không phải người cha tầm cỡ nào cũng có hậu duệ hiển hách, nhưng con trai trưởng của GS. Vũ Khiêu thì xứng  “hổ phụ sinh hổ tử”. GS. Đặng Cảnh Khanh (1947), du học Bulgaria (1982 – 1986) là tiến sĩ Xã hội học đầu tiên của Việt Nam, từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên (Trung ương Đoàn).

Tiếp nối sự nghiệp khoa học của cha, còn được di truyền tâm hồn nghệ sĩ, GS. Khanh mê hội họa, âm nhạc. Biệt thự 5 tầng ở Văn Quán, Hà Đông đầy tranh sơn dầu của chủ nhà.

Đều là GS Xã hội học đầu ngành, vợ chồng GS. Cảnh Khanh nhiều năm nay giảng dạy tại Đại học Thăng Long, nơi ông hiện là Chủ nhiệm khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, vợ ông – GS.TS. Lê Thị Quý là Chủ nhiệm bộ môn Công tác xã hội. Bà là Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và phát triển.

GS. Quý đã từng giảng dạy tại Mỹ một năm tại Đại học Boston (1996-1997). Và vợ chồng Giáo sư tham gia giảng dạy tại Đại học Seoul, Đại học Lund (trường danh tiếng hàng đầu Thụy Điển). GS. Khanh còn sở hữu hơn 10 đầu sách cá nhân, trong đó có những cuốn là kết quả của đề tài cấp nhà nước.

Vợ chồng GS. Khanh có một con duy nhất là TS. Đặng Vũ Cảnh Linh (1974). Anh từng nhận học bổng của Liên Hiệp Quốc học thạc sỹ Dân số học tại Bangkok. TS. Cảnh Linh thành lập Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển năm 2006, GS. Khanh là Viện trưởng, đã ghi được thành tựu đáng kể sau một thập niên hoạt động, ra Tạp chí Truyền thống và Phát triển từ 2011.

Cảnh Linh từng là giảng viên (1998 – 2001) tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hiện anh là Trưởng ban Thông tin và phổ biến kiến thức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam. Nay anh vẫn vẽ tranh, đã in 1 tập thơ, xuất bản 22 đầu sách là chủ biên và đồng tác giả, 5 cuốn cá nhân và sắp có 2 cuốn cá nhân nữa trong năm nay. Cảnh Linh đang có 2 con và bé gái thứ 3 sắp ra đời vào tháng 4 này.

Vợ anh, Ths. Đỗ Kim Anh (1987), là thế hệ thứ 3 tiếp nối con đường nghiên cứu của nhà chồng, công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Người con thứ 3 của GS. Vũ Khiêu là kỹ sư điện tử Đặng Vũ Hạ, vợ là Tuyết Minh – cô giáo dạy nhạc cấp 2.

Bốn năm nay sống cùng cha là vợ chồng người con út – chuyên viên Viện Xã hội học. Thích vẽ tranh sơn dầu, Hoa Thạch (1957), lấy vợ là họa sĩ Hà Khánh Lương, từng là chủ gallery Sông Hồng nổi tiếng.

Mỗi năm, vợ chồng họa sĩ Khánh Lương đều sang Pháp 2 lần thăm 2 cô con gái giỏi giang và thành đạt. Và Paris cũng là nơi GS. Vũ Khiêu từng hằng mong trở lại, mà sức khoẻ không chiều ông nữa. Người con gái cả Quỳnh Khanh (1944) mỗi năm lại ra Hà Nội vài tháng chăm sóc bố.

Câu đối của Vũ Khiêu đầy trí tuệ, chữ chữ tinh hoa. Từ văn tế chúng sinh chết đói năm 1945, tới những bài văn cầu hồn cho liệt sỹ Trường Sơn, những bài minh, hịch phú.

Văn thơ của ông chuẩn niêm luật, lại đầy bứt phá, vừa sang trọng, uy nghiêm, vừa dồi dào sức sống, lịch sử sống động, đọc lên thấy tiếng Việt thật đẹp và cuốn hút. Anh hùng chiến tích, truyền thống văn hiến nghìn năm, những trang sử vàng, những kết tinh văn chương đẹp đẽ không chỉ bằng mỹ tự, mà toả ra từ hồn cốt của một nhân sĩ yêu nước nồng nàn, lan toả đến mọi tầng lớp người.

Từ bia đá trước đền Vua Lê ở Hoa Lư, Ninh Bình đến chuông đồng Côn Đảo, vô số văn bia, văn miếu khắc tạc, chiết toả từ trí tuệ uyên bác ấy. Công dân ưu tú của Thủ đô, vị Anh hùng lao động ấy còn hơn cả con tằm rút ruột nhả tơ, hơn ngọn lửa cháy đốt chính mình, không cần biết giới hạn.

Sức lực đâu, nguồn sinh khí nào thần diệu khiến ông lao động phi thường, vượt bách niên giai lão? Ông là minh chứng của sự không ngừng học, đọc, cống hiến, không ngừng yêu thương, cho đi. GS vẫn thực hiện các chuyến bay nghìn kilomet đi những chuyến xe vài trăm cây số, đến nơi cần ông truyền toả văn hoá, cổ văn, phẩm cách văn thái phong lưu của một chí sĩ kiệt xuất.

Đặt một gánh nặng buộc mình làm việc như lẽ sống, GS sẽ xuất bản bộ sách Văn hiến Thăng Long (2.400 trang, NXB Hà Nội) năm nay. Trước đó, ông đã chủ biên bộ sách 134 tập ra mắt dịp Thăng Long 1.000 năm.

Với đời người, tuổi trẻ là quãng thanh xuân đẹp nhất. Trẻ thì tóc xanh, mắt xanh, tâm hồn tươi trẻ, khí lực nhiều diệp lục – sức sống. Sự đối lập tuyệt vời của tạo hoá dành cho GS. Vũ Khiêu giống như cây cổ thụ, vẫn nảy chồi, tủa lộc khi xuân đến.

Mâu thuẫn lớn nhất khiến ông trở thành một “dị nhân”, chính ở chỗ ông vẫn hằng xanh, không cần chờ xuân đến. Một chất diệp lục xuyên thế kỷ trong thân thể héo khô, xương vai nhô gầy sau tấm áo rộng, đôi má hóp run sau cơn ho trong bữa ăn mỗi lần chỉ vài thìa mà tôi không thể cầm nước mắt. Đấy là màu xanh trong bài thơ Xanh mà ông viết mấy mươi năm trước, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã phổ nhạc thành ca khúc cùng tên đón sinh nhật ông tuổi 100.

“Cho anh ca màu xanh/ của biển xanh trời xanh/ Khi buổi ấy/ lòng anh/ đã xanh cả/ những chiều xám nhất/ Cho anh ca màu xanh/ Từ mắt em chan hòa ánh biếc/ Từ ngày mai trong lành/ một màu xanh… xanh biếc”.

Xanh đến bây giờ. Cho mãi mãi.

Vi Thùy Linh
Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/