Ơn thầy tôi luôn khắc ghi

Cơ duyên gắn bó với chuyên khoa Phẫu thuật phổi

PGS.TS Nguyễn Đình Kim được học tập và làm việc với GS Hoàng Đình Cầu là một cơ duyên. Bởi ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội (năm 1959), BS Kim được phân về công tác tại chuyên khoa Phẫu thuật bụng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Năm 1967, thầy Hoàng Đình Cầu (khi đó là Vụ trưởng Vụ Huấn luyện, Bộ Y tế) nhận thấy cần sớm phát triển giáo dục y tế lên miền rẻo cao, và phải xây dựng phân hiệu Đại học Y miền núi [1], nên thầy đã cử BS Kim lên khu sơ tán La Hiên, Bắc Thái [2] để dạy giải phẫu và bệnh học cho lớp sinh viên Y khoa hàm thụ đầu tiên (tiền thân của phân hiệu Đại học Y miền núi). 

Năm 1971, Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Đình Cầu điều chuyển BS Nguyễn Đình Kim về công tác tại khoa Phẫu thuật phổi, Viện Chống Lao [3]. Vốn đã có kinh nghiệm gần chục năm làm các phẫu thuật về bụng, và cũng được biết phẫu thuật phổi là một công việc rất vất vả, dễ lây bệnh nên BS Kim mong muốn được tiếp tục thực hiện công việc mình yêu thích về phẫu thuật bụng. Nhưng rồi, nhờ sự động viên, hướng dẫn, dìu dắt tận tình của thầy Hoàng Đình Cầu, ông đã dần gắn bó và yêu thích chuyên khoa khó khăn, vất vả này.

Thời gian đầu, khi mới tiếp xúc với công việc, BS Nguyễn Đình Kim gặp nhiều bỡ ngỡ, dường như phải học lại từ đầu, từ động tác buộc chỉ sâu trong lồng ngực, rồi cách dùng mũi kéo, tăm bông bóc tách chỗ dính. Theo PGS Kim: Phẫu thuật lao phổi có nhiều điểm khác biệt và rất khó. Nếu như dụng cụ dùng trong mổ bụng dài 21cm thì mổ phổi dụng cụ dài 27cm. Thậm chí nhiều chỗ phổi dính chặt vào lồng ngực rộng hơn lòng bàn tay, phải kiên trì “chạm trổ” từng milimet, máu chảy chan hòa phải đốt điện cầm máu khiến khói che phủ kín lồng ngực phải liên tục hút máu và khói mới nhìn rõ chỗ mổ. Giáo sư Cầu ví những ca mổ đó chẳng khác gì “mổ trong lồng chim”. Ông Kim nhớ lời thầy Cầu căn dặn: phẫu thuật lao phổi có khi phải mạnh tay để cắt các xương sườn đã biến dạng co kéo sát nhau, nhưng cũng có khi thì tỉ mỉ để mở các bao động mạch thùy phổi [4]. Khó khăn là vậy nhưng nhận được sự chỉ dạy ân cần của thầy Hoàng Đình Cầu, như đã tiếp thêm nghị lực để BS Kim vững bước theo con đường mà thầy định hướng. Đặc biệt, sau 2 năm phụ cho thầy Hoàng Đình Cầu mổ nhiều ca phức tạp, BS Nguyễn Đình Kim đã được thầy đích thân phụ lại cho ông mổ các ca cắt thùy phổi. Nhờ đó, ông sớm nắm bắt được các kỹ thuật mổ, và ngày càng trưởng thành trong chuyên khoa Phẫu thuật phổi. Trong quá trình BS Kim được trực tiếp phụ mổ cho thầy Cầu, ông học được rất nhiều kinh nghiệm không chỉ trong chuyên môn mà cả trong lối sống, cách ứng xử với học trò, bệnh nhân. Thầy Cầu rất bình tĩnh, mổ bóc tách chỗ phổi bị dính rất điêu luyện, cầm máu cẩn thận. Nhiều ca mổ kéo dài 3-4 tiếng, thầy Cầu vẫn kiên trì bên bàn mổ để cứu sống người bệnh. Khi mổ xong đã quá giờ ăn trưa, thầy cũng chỉ ăn một mẩu bánh, uống nước lọc và tiếp tục làm việc. Nhiều đêm thầy thức trắng để theo dõi sát sao phòng hậu phẫu tránh xảy ra các biến chứng cho bệnh nhân. Dù rất bận việc ở Bộ Y tế, nhưng thầy Cầu không bao giờ rời bỏ dao mổ, hàng tuần thầy vẫn thu xếp thời gian đến viện mổ từ 1-2 ca, kể cả vào sáng chủ nhật, vì thầy luôn muốn dành thời gian tốt nhất cho bệnh nhân. Trong thâm tâm thầy coi đó là lẽ sống, kinh nghiệm sống còn của người hành nghề y. Một điều đặc biệt nữa là trong hơn 20 năm phụ mổ cho thầy, tôi chưa bao giờ bị thầy nặng lời, quát mắng. Nhờ đó, tôi đã học được những đức tính tốt của thầy [5].

Làm luận án phó tiến sĩ từ định hướng của thầy

Ngay từ năm 1968, BS Hoàng Đình Cầu đã tiên đoán được sự đóng góp đáng kể của liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu trong việc củng cố mổ ung thư, và đã áp dụng phương pháp tiêm trong da BCG [6] chết (43oc) trên một số bệnh nhân đã mổ ung thư phế quản ở khoa Phẫu thuật phổi, Viện Chống Lao (Hà Nội). Được điều trị bằng phương pháp này, một số bệnh nhân đã sống thêm sau mổ được từ 6 đến 11 năm. Năm 1975, BS Hoàng Đình Cầu cùng đồng nghiệp đã đề ra một phác đồ mới về liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu bổ trợ sau mổ ung thư phế quản nguyên phát. Đó là tiêm dưới da LH1 [7], phối hợp với uống vitamin C liều cao (2,50g/ngày) và tam thất (3g/ngày). 

Đầu những năm 80, trên thế giới bắt đầu tiếp cận phương pháp điều trị miễn dịch bổ trợ sau mổ ung thư phổi nhằm giúp cơ thể tiêu diệt các tế bào ung thư đã di căn sang não, màng phổi… Trước thực tế đó, GS Hoàng Đình Cầu nhận thấy BS Nguyễn Đình Kim là người có năng lực, ham học hỏi, thích nghiên cứu phẫu thuật ung thư – miễn dịch, nên đã khuyến khích ông cùng thực hiện nghiên cứu khoa học theo hướng này. Sau một thời gian nghiên cứu, GS Hoàng Đình Cầu, BS Nguyễn Đình Kim là đồng tác giả một số công trình được công bố: Cơ chế miễn dịch chống khối u (Ung thư phế quản), Tạp chí Y học thực hành, số 11-12, 1981; Tổng quan về ung thư phế quản ở Việt Nam, Tạp chí Y học thực hành, số 3-4, 1982;…

Cũng trong thời gian này, GS Hoàng Đình Cầu thấy rằng, liệu pháp phẫu thuật – miễn dịch tuy chưa hoàn chỉnh, nhưng hợp lý, đáp ứng được tình hình thực tế và phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Nhưng yêu cầu đặt ra là cần nghiên cứu sâu hơn nhằm phát triển ứng dụng liệu pháp này vào điều trị thực tế, do đó GS Hoàng Đình Cầu đã động viên, khuyến khích BS Nguyễn Đình Kim tiếp tục nghiên cứu, đồng thời trực tiếp đề nghị ban lãnh đạo Viện Chống Lao cử BS Kim đi làm nghiên cứu sinh. 

Năm 1983, Viện trưởng Nguyễn Đình Hường [8] ra quyết định cử BS Nguyễn Đình Kim đi làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Y Hà Nội, và NCS Nguyễn Đình Kim được GS Hoàng Đình Cầu trực tiếp hướng dẫn. Ông được thầy Cầu giao làm đề tài luận án là: “Điều trị miễn dịch bổ trợ sau mổ ung thư phổi nguyên phát bằng LH1, vitamin C liều cao và tam thất”. Phó giáo sư Kim cho biết: Đây là đề tài thầy Cầu định hướng, nhưng cũng trùng hợp với hướng nghiên cứu tôi đam mê và yêu thích [9]. 

Trong thời gian làm luận án, nghiên cứu sinh Nguyễn Đình Kim vẫn tham gia nhiều ca mổ tại bệnh viện. Tận dụng thời gian sau mỗi ca mổ, ông thường tranh thủ trò chuyện, trao đổi với thầy Cầu về phương pháp, cách tiến hành xét nghiệm, kết quả lấy mẫu của từng bệnh nhân… phục vụ cho những nghiên cứu trong luận án. Là một bác sĩ chuyên về phẫu thuật, nên kiến thức của ông về miễn dịch còn hạn hẹp. Do vậy, khi nhận đề tài và thực hiện, nghiên cứu sinh Nguyễn Đình Kim phải dành 2 năm đầu để tìm đọc và nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước về miễn dịch. Thời kỳ đó, tài liệu miễn dịch trong nước không nhiều, ông tham khảo cuốn “Miễn dịch học” của nhóm tác giả Đặng Đức Trạch, Pondman, Nguyễn Đình Hường, Phạm Mạnh Hùng, Wright, Nxb University of Amsterdam, năm 1964; một số tài liệu về miễn dịch do GS Vũ Triệu An, GS Phan Thị Phi Phi viết, và tham khảo tài liệu bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Thêm nữa, là những khó khăn ông gặp phải khi thực hiện đề tài, như vấn đề ít bệnh nhân để nghiên cứu, rồi nguồn thuốc LH1, vitamin C liều cao không có sẵn phải phụ thuộc vào bệnh viện. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của lãnh đạo bệnh viện và đồng nghiệp là các bác sĩ Lê Trang Thanh, Nguyễn Duy Linh, Lê Ngọc Vân… đã tạo điều kiện cho ông thực hiện nghiên cứu của mình.

Phó giáo sư Nguyễn Đình Kim tâm sự, đã nhiều lần ông nản lòng muốn từ bỏ làm nghiên cứu sinh. Và mỗi lúc rơi vào “bế tắc”, ông luôn được thầy Cầu động viên kịp thời: Đây là vấn đề rất mới và khó, em phải thật cố gắng [10]. Chính sự tận tụy, hết mình vì học trò của thầy Hoàng Đình Cầu: đã khiến tôi thấy mình thật may mắn được làm việc và trở thành học trò của thầy. Ngoài truyền dạy kiến thức chuyên môn, thầy luôn ân cần, nhẹ nhàng, tận tình chỉ bảo, và động viên khi tôi gặp khó khăn [11]. Và tôi cũng thường tự nhủ với lòng mình rằng: mũi tên đã bắn đi rồi thì phải bắn sao cho trúng [12], quyết tâm hoàn thành đề tài luận án.

Năm 1986, sau nhiều lần được GS Hoàng Đình Cầu đọc và hướng dẫn sửa chữa, NCS Nguyễn Đình Kim đã hoàn thành bản thảo luận án. Tại buổi bảo vệ cấp cơ sở, tổ chức tại Viện Lao và Bệnh phổi, NCS Nguyễn Đình Kim nhận được sự đóng góp ý kiến và ủng hộ rất lớn của các đồng nghiệp, như ông cho biết, ban lãnh đạo và các cán bộ của Viện nhận xét: Đây là đề tài rất mới, được thực hiện công phu, đạt kết quả tốt, nên hoàn thiện hơn để bảo vệ ở cấp Nhà nước [13]. Do bận bịu nhiều công việc, nghiên cứu sinh Nguyễn Đình Kim đã trì hoãn một thời gian dài việc hoàn thiện luận án. Sau lời nhắc nhở của thầy Hoàng Đình Cầu: Em phải nhanh chóng hoàn thiện luận án để bảo vệ cấp Nhà nước. Đề tài này ngoài ý nghĩa khoa học, còn mang ý nghĩa thực tiễn cao [14], ông đã khẩn trương hoàn thiện bản luận án. 

Phó giáo sư Nguyễn Đình Kim cho biết: luận án là quá trình đúc kết áp dụng các liệu pháp miễn dịch sau mổ ung thư tại khoa Phẫu thuật phổi. Đây là kết quả theo dõi trong 7 năm, trên một nhóm 31 bệnh nhân được áp dụng sơ đồ điều trị [15]. Cuối năm 1987, NCS Nguyễn Đình Kim bảo vệ luận án tại Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội. Nghiên cứu sinh Nguyễn Đình Kim đã rất tự tin trình bày kết quả nghiên cứu của mình. Rất tiếc, vì bận đi công tác nên GS Hoàng Đình Cầu vắng mặt trong buổi bảo vệ hôm đó. Trong buổi bảo vệ, PGS.TS Nguyễn Việt Cồ [16]- phản biện 1 nhận xét: Luận án của NCS Nguyễn Đình Kim là công trình nghiên cứu đầu tiên về phẫu thuật ung thư phổi phối hợp với liệu pháp miễn dịch ở nước ta. Công trình nghiên cứu đã đem lại thời gian sống thêm sau mổ trên 5 năm, cao hơn ở nhóm chứng và cao hơn hẳn phương pháp tiêm BCG 43oc. Công thức điều trị của BS Kim mang tính sáng tạo, tác giả đã biết áp dụng thuốc y học dân tộc cổ truyền vào bệnh ung thư mà những người thầy thuốc và những người bệnh đều quan tâm. Đề tài nghiên cứu phù hợp với bệnh nhân của nước ta [17]. Chủ tịch Hội đồng- GS Phạm Khắc Quảng [18] kết luận: Bản luận án đưa ra được những kết luận khoa học, có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn, có khả năng được sử dụng và đề nghị nên tiếp tục sử dụng trong thực tế điều trị cho bệnh nhân [19]. Buổi bảo vệ luận án kết thúc tốt đẹp, ông thở phào nhẹ nhõm và rất hạnh phúc. Nhớ lại sự kiện đó, PGS.TS Nguyễn Đình Kim chia sẻ, sau nhiều năm cố gắng, ông đã hoàn thành nghiên cứu của mình và không phụ lòng mong đợi của GS Hoàng Đình Cầu: tôi bảo vệ được thành công luận án phó tiến sĩ là nhờ công lao to lớn của thầy Cầu. Ơn thầy, tôi luôn khắc ghi trong lòng [20].

 

Nghiên cứu sinh Nguyễn Đình Kim bảo vệ luận án Phó tiến sĩ, tại Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, năm 1987

Luận án phó tiến sĩ là công trình PGS.TS Nguyễn Đình Kim tâm đắc nhất trong cuộc đời làm khoa học. Ông cho biết thêm, đây là đề tài nghiên cứu đầu tiên kết hợp Đông y và Tây y trong điều trị ung thư, giúp cho các bác sĩ cũng như người bệnh ý thức được phải tăng cường liệu pháp miễn dịch trong cơ thể để chống lại khối u. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được ứng dụng điều trị hỗ trợ miễn dịch cho các bệnh nhân ung thư ở Viện Lao và Bệnh phổi. Đồng thời, có tác dụng làm nền tảng cho một số nghiên cứu về miễn dịch chống khối u với phương pháp điều trị mới công hiệu hơn. Đặc biệt, kết quả của đề tài là một dấu mốc trên con đường điều trị ung thư phế quản ở nước ta. 

Giáo sư Hoàng Đình Cầu đã đi xa hơn chục năm nhưng hình ảnh về người thầy uyên bác, hết lòng tận tụy truyền cảm hứng, tiếp lửa cho nhiều thế hệ học trò còn in đậm trong tâm trí của biết bao thế hệ bác sĩ, trong đó có PGS.TS Nguyễn Đình Kim. Chúng tôi cảm nhận sự tự hào của ông khi được là học trò do thầy Hoàng Đình Cầu trực tiếp đào tạo. Trong thâm tâm của PGS Nguyễn Đình Kim không bao giờ quên công ơn của thầy: Nếu không nhờ có sự giúp đỡ, ân cần chỉ bảo của thầy Hoàng Đình Cầu thì tôi chẳng thể nào thành nghề được. Và nhờ có thầy định hướng, giao đề tài và động viên tôi làm luận án phó tiến sĩ nên tôi đã trưởng thành trong chuyên môn, có học hàm, học vị như ngày hôm nay. Thầy đã giúp tôi thấm nhuần câu tục ngữ “không thầy đố mày làm nên” [21].

Tạ Anh-Hoàng Liêm

_______________

* GS Hoàng Đình Cầu, chuyên ngành Y học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế (1971-1989).

** PGS.TS Nguyễn Đình Kim, chuyên ngành Y học, nguyện Phó viện trưởng Viện Lao và Bệnh phổi.

[1] Năm 1973, phân hiệu Đại học Y miền núi được thành lập.

[2] Nay là tỉnh Thái Nguyên.

[3] Tên gọi của viện qua các thời kỳ: Viện Chống Lao (1957-1985); Viện Lao và Bệnh phổi (1985-2003); Bệnh viện Phổi Trung ương ( từ 2003- nay) 

[4] [5] Phỏng vấn ghi hình PGS.TS Nguyễn Đình Kim, 27-6-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] BCG là thuốc Vaccin phòng Lao.

[7] LH1 là một chất kích thích miễn dịch tổng hợp, dẫn xuất từ aminopregnane đã được tạo thành do sự ghép hóa học một phân tử glyxin vào một khung steroit (Nguyễn Đăng Tâm, 1967).

[8] GS Nguyễn Đình Hường, nguyên Viện trưởng Viện Lao và Bệnh phổi (giai đoạn 1980-1995).

[9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Đình Kim, 29-7-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[16] Sau này là GS.TS Nguyễn Việt Cồ, nguyên Viện trưởng Viện Lao và Bệnh phổi.

[17] Bản nhận xét của PGS.TS Nguyễn Việt Cồ về luận án phó tiến sĩ của NCS Nguyễn Đình Kim, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[18] GS Phạm Khắc Quảng, nguyên Viện trưởng Viện Chống Lao.

[19] Bản nhận xét của GS Phạm Khắc Quảng về luận án phó tiến sĩ của NCS Nguyễn Đình Kim, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[20] [21] Tài liệu ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Đình Kim, 29-7-2017, tài liệu đã dẫn.